Hoa Hồng Không Trọn Vẹn

Chương 4



Trong thôn này, đại khái tôi chỉ có một người bạn duy nhất là Tiểu Hắc.

Chỉ có nó không chê tôi, chỉ có nó thương tôi, chỉ có nó làm bạn với tôi.

Nhưng mùa đông năm đó, mấy người bạn học của Tống què đến chơi, họ nói mùa đông ăn lẩu chó là hợp nhất.

Họ muốn bắt Tiểu Hắc, tôi bảo Tiểu Hắc chạy nhanh. Mấy người đàn ông kia bắt tôi đánh, đánh đến mức tôi la hét không ngừng. Tiểu Hắc quay trở lại, cắn chân một tên.

Nó bị gậy gỗ đập lên đầu.

Nó đã c.h.ế.t, biến thành cái lẩu nóng hổi.

Đám người đó còn bóp cằm tôi, ép tôi ăn một miếng, hỏi tôi thịt chó có thơm không.

Số mệnh như chiếc bàn ủi nóng khổng lồ đè chặt lên người tôi.

Tôi có thể nghe thấy linh hồn mình bị nướng cháy, cuộn tròn lại, khô héo, sắp biến thành bột.

Lúc đau đớn như muốn c.h.ế.t, tôi nghĩ đi nghĩ lại về mẹ và em gái. Trong đầu tôi như có một cục gôm, tẩy ký ức dần mờ đi.

Tôi rất sợ mình sẽ quên nên mỗi ngày trước khi ngủ đều dùng ngón tay khắc đi khắc lại dáng vẻ của mẹ và em gái lên ván giường cứng ngắc.

Khắc những thông tin về nhà mà tôi có thể nhớ.

Suốt 2 năm.

Cho dù bị đánh đến trên cơ thể không còn miếng thịt nào lành lặn, tôi vẫn cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất kỳ người nào có khả năng mà tôi gặp, để rồi bi ai phát hiện một sự thật.

7.

Người ở đây sẽ không giúp tôi.

Khi đó tôi ý thức được, tôi phải thay đổi sách lược.

Tôi chịu đựng kinh tởm, bắt chước theo gã béo gọi Tống què và Chu thùng phuy là bố mẹ.

Có người hỏi tôi chuyện trước kia, tôi nói mình quên hết rồi.

Kể từ đó, số lần bị đánh giảm dần, tuy xích sắt vẫn còn trên chân nhưng bọn chúng không còn buộc tôi vào cối xay đá nữa.

Nhưng cuộc sống cũng không dễ dàng.

Mỗi ngày trời chưa sáng tôi đã rời giường, nấu cơm sáng cho một nhà ba người, cho gà, cho heo ăn, cắt cỏ heo. Đi giặt quần áo trong hồ, múc nước giếng đổ vào thùng, đổ đầy bể chứa to.

Hoàn thành công việc buổi sáng xong thì làm cơm trưa cơm chiều. Còn phải làm xong việc kết cườm mà Chu thùng phuy nhận ở nhà máy trong huyện về.

Mùa hè còn đỡ, ban ngày dài, trời tối muộn.

Mùa đông thì không vậy. Trời sáng muộn, tối sớm. Khi làm chưa xong việc thì phải mở đèn. Nếu mở đèn thì lãng phí điện, chắc chắn sẽ bị đánh. Nhẹ thì ăn vài tát, nặng thì tay đấm chân đá, gậy lên người.

Mỗi ngày mở mắt ra là làm việc.

Nếu làm nhanh quá thì sẽ thêm việc, làm chậm quá thì bị đánh bị mắng.

Đau thì đã quen, đáng sợ nhất là Tống Gia Bảo sẽ nhìn tôi chảy nước dãi. Hắn sẽ đột ngột cởi quần trước mặt tôi, lộ ra mớ lông bẩn thỉu. Hoặc khi tôi đang làm việc, hắn bỗng từ phía sau ôm lấy tôi, cọ cọ lên người tôi.

Mỗi ngày tôi lo lắng đề phòng, nhìn thấy hắn là run rẩy.

Chu thùng phuy còn mắng tôi: “Làm bộ dạng đó cho ai coi? Chờ mày có kinh thì phải cùng Gia Bảo sinh con.”

Tôi từng nhân cơ hội giặt quần áo để trốn lên máy kéo, nhân lúc cắt cỏ heo trốn vào trong núi, cố gắng leo sang phía bên kia núi…

Nhưng không có ngoại lệ.

Cuối cùng đều bị bắt trở về, treo lên cây cổ thụ kia, bị đánh đập dã man.

Chu thùng phuy vừa đánh vừa chửi: “Bà nuôi con sói, nuôi mấy năm rồi vẫn chưa xong.”

Họ không bao giờ muốn cho tôi đi học.

“Không hộ khẩu, học hành gì?”

“Học phí tiền, lại còn không có thời gian làm việc.”

“Đẻ con chỉ cần giang chân ra là được, không cần biết chữ.”

Nhưng tôi luôn nhớ mẹ nói con gái cũng phải học hành. Vì vậy tôi lén thu thập sách giáo khoa của bọn trẻ trong thôn, giấu trên núi, có thời gian thì tự học.

Tôi nhớ được thôn này tên gì, huyện này là huyện nào.

Tôi dùng giấy gấp rất nhiều chiếc thuyền nhỏ, dùng chữ viết xiêu vẹo viết những lời cầu cứu, thả xuống sông.

Nghe nói đây là một nhánh của sông Hoàng Hà. Tôi mong thuyền nhỏ xuôi dòng có thể được một người tốt bụng nhặt được, người đó có thể đến cứu tôi.

Nhưng tôi không đợi được người tốt đến mà là những trận đòn mưa rền gió dữ của Chu thùng phuy.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner