11.
Người thu mua cúp điện thoại, châm thuốc, lấy sợi xích khóa, vòng ra cửa sau xe.
Sau mấy hơi thở, tôi nghe người đó nói: “Ra đi, không thể trốn ở đây được.”
Lần này vẫn không được sao?
Tôi nhặt quần áo lên, từ từ bò khỏi lồng heo, nước mắt không ngăn được lăn dài trên gương mặt bẩn thỉu.
Nhưng đây là cơ hội cuối cùng của tôi, tôi không thể từ bỏ thế này được.
Tôi bò khỏi lồng heo, quỳ xuống dập đầu với người thu mua: “Cháu không phải bị điên, cháu bị bắt cóc bán tới đây. Chú cũng có con phải không, cầu xin chú, cầu xin chú rủ lòng thương… coi như tích đức cho con mình, người tốt chắc chắn sẽ được báo đáp.”
Vẻ mặt chú ấy phức tạp, dập tắt thuốc trong tay, hạ giọng: “Đúng là con gái tôi cũng tầm tuổi cháu.”
Nói rồi chú lấy cây kềm to, cắt đứt sợi xích sắt.
Tôi ngạc nhiên nhìn chú ấy. Môi run run.
Chú ấy thật sự muốn thả tôi?
Mấy năm nay tôi đã đụng vô số bức tường, vừa rồi thật ra là ôm hy vọng cuối cùng mà cầu xin. Không ngờ vận mệnh thật sự chiếu cố tôi.
Người thu mua lấy tiền lẻ trong bóp đưa cho tôi, lại rút thêm 300 đưa cho tôi. Chú còn định cởi chiếc áo khoác dày đưa cho tôi.
Tôi rưng rưng nước mắt từ chối: “Không được, nếu họ phát hiện không thấy áo chú nữa thì sẽ nghi ngờ. Cháu mặc quần áo bẩn cũng khá tốt.”
Càng bẩn càng an toàn.
Chú chỉ một hướng phía rừng rậm: “Cháu còn nhỏ, đi xe buýt hoặc xe lửa cũng không an toàn. Đi dọc theo hướng này, xuyên qua cánh rừng, cháu sẽ nhìn thấy xe lửa chở than đá. Ở đó có nhà ga, cháu tìm cách trèo lên xe chở than, rời khỏi nơi này càng xa càng tốt, tốt nhất là xuống xe nơi thành thị sầm uất nào đó.”
Nước mắt tôi ào ào rơi xuống, nghẹn ngào lắp bắp: “Cảm ơn, cảm ơn ạ.”
Chú dặn dò tôi: “Đến thành phố lớn báo cảnh sát nhờ giúp đỡ. Nhanh lên trước khi họ đuổi kịp.”
Tôi tròng vội quần áo lên người, chạy vào trong núi. Khi đến triền núi quay lại nhìn, thấy chú ấy đang dùng xích sắt khóa lồng heo lại.
Tôi nên hỏi ân nhân tên gì, nhưng tôi lại sợ gọi to lên thì lỡ như đám Chu thùng phuy ở gần đây…
Có lẽ chú ấy cảm nhận được, quay đầu nhìn tôi. Chú xua xua tay ý bảo tôi đi mau.
Tôi vẫy tay chào tạm biệt, lại chui vào trong rừng rậm.
Tôi trốn trong chỗ tối hơn 4 tiếng đồng hồ, chờ được một chiếc xe lửa chở than. Tôi rón rén bò lên.
Tôi cho rằng lúc này mình thật sự trốn thoát.
Nhưng không thể nào ngờ, chính lúc này tôi lại nhìn thấy Chu thùng phuy vừa hét “Đại Hoa Đại Hoa” vừa chạy về phía tôi.
Theo sau mụ ta còn có Tống què và mấy người dân trong thôn.
12.
Tôi dán sát người xuống sàn xe lửa, liên tục cầu nguyện: “Mau chạy đi, cầu xin mày mau chạy đi.”
Nhìn thấy bọn chúng ngày càng đến gần, dường như giây sau sẽ lại một lần nữa kéo tôi vào vực thẳm vô tận.
Xe lửa kéo còi hơi thật dài “tuuuuu tuuuuuuu”
Nó chạy.
Nó chở tôi chạy rồi.
Nó chạy càng lúc càng nhanh, mang theo tiếng gió rít.
Chu thùng phuy đứng cách đó hơm 10 mét, trơ mắt nhìn xe lửa đưa tôi đi xa dần…
Tôi trượt xuống đất, cảm giác toàn bộ sức lực đều bị rút cạn. Lúc này tôi mới nhận ra trên mặt trên người tôi ướt đẫm mồ hôi. Mồ hôi trộn lẫn với phân heo tỏa ra mùi hôi thối tanh tưởi, nhưng với tôi mà nói, đây là hương vị tự do. Hương thơm ngấm vào tận tim.
Tôi xuống tàu ở một thành phố rất xa, rất sầm uất, đầy những tòa nhà cao tầng. Tôi lẩn quẩn trước cổng đồn cảnh sát gần ga, tôi không chắc ở đây tôi có được đối xử công bằng hay không.
Một nữ cảnh sát chú ý đến tôi đi chân trần. Cô ấy đi vào, cầm một đôi giày đưa tôi, dịu dàng hỏi: “Cô bé, sao em lại ở đây một mình? Em bị lạc người thân sao?”
Tôi theo cô ấy vào đồn, cô ấy dẫn tôi đi tắm rửa, khi giúp tôi cởi bộ quần áo đầy phân heo kia, cô ấy nhìn những vết thương lớn nhỏ trên người tôi mà đỏ hoe mắt.
Cô ấy nói: “Những kẻ lừa bán trẻ em thật đáng c.h.ế.t. Em gái, em yên tâm, chắc chắn có thể tìm được bố mẹ và em gái em.”
Tôi kích động nắm tay cô ấy: “Thật sao? Cô thật sự giúp cháu tìm được họ sao?”
Vì liên quan đến việc bắt cóc, buôn bán trẻ em, tôi được chuyển giao cho cảnh sát Trương chuyên phụ trách loại án này.
Lúc đó chú ấy còn chưa đến 30, chưa có con.
Lúc hỏi thăm tình hình vụ án, chú giơ tay muốn mở công tắc điều hòa phía sau tôi. Tôi vội giơ tay ôm đầu theo bản năng.
Khoảnh khắc đó, mắt chú đỏ lên, hạ giọng nhẹ nhàng: “Đừng sợ, chú không đánh cháu.”
Tôi nóng lòng muốn nói cho chú ấy biết, tên ở nhà của tôi là Anh tử, mẹ tôi tên Cúc Hoa, em gái còn chưa có tên chính thức. Bố tôi tên Kiến Quốc.
Thôn tôi sống là thôn Quang Minh.
Tôi miêu tả hình dáng mẹ với em gái. Lúc đó còn quá nhỏ, bố mẹ cũng chưa có ý thức dạy tôi nên tôi không biết mình ở huyện nào, thị trấn nào. Tôi nói với họ về con đường làng nhỏ trong thôn mình.
Nhưng vẻ mặt cảnh sát Trương vẫn không thư thả, chú hỏi: “Cháu còn nhớ được gì khác không?”
Tôi cẩn thận suy nghĩ, “Quần áo, quần áo của mọi người rất đặc biệt. Lúc đó mẹ còn nói sau khi bán gà sẽ mua cho cháu bộ quần áo mới để đi học.”