Yểm Mạng

Chương 6



A Ngưu sau một hồi đắn đo, anh ta nói với cô ấy:” Thôi được, nếu đứa bé trong bụng cô là con của tôi, thì A Ngưu này xin chịu mọi trách nhiệm. Bây giờ cô cầm ít tiền này về ăn uống bồi bổ cho khỏe trước đã. Chiều mai chúng ta hẹn gặp nhau ở chỗ cũ, tôi muốn cô đi gặp một người.”

Cô ta nhìn số tiền A Ngưu đưa cho mình, mà không khỏi ngạc nhiên. Dạo trước A Ngưu còn là một kẻ nghèo mạt vận, trong tay chẳng có gì, đi chơi gái mà trong túi còn đúng 50 nghìn. Hôm đó nếu cô không cần tiền gấp thì cho dù gấp ba số ấy, cô cũng chẳng thèm tiếp. Vậy mà chỉ sau mấy tháng không gặp, A Ngưu lại đưa cho cô cả xấp tiền dày cộp. “ có lẽ nào anh ta đã đổi đời?”. Nghĩ trong đầu vậy thôi, cô cũng chẳng buồn nghĩ nhiều làm gì cho mệt.

– Vâng! Vậy chiều mai chúng ta hẹn gặp nhau chỗ cũ. Nhưng mà đi gặp ai thế? Để tôi còn chuẩn bị.

A Ngưu cột chặt túi tiền, đeo nó lên vai nhìn cô ta nói:

– Không cần màu mè, sư phụ tôi vốn là một người sống giản dị. Tôi đưa cô đi gặp thầy, tiện thể làm cái lễ ra mắt. Bụng cô ngày một to, cũng phải thu xếp mà cưới xin thôi chứ? Mà này, tôi có giao kèo trước, nếu cô sinh đứa bé ra, nó không phải con tôi thì tôi và cô đường ai nấy đi biết chưa? Trước mắt tôi vẫn làm tròn trách nhiệm.

Cô ta gật đầu, A Ngưu vỗ vai:” Tốt lắm, xem ra cô cũng biết điều.”

Nói xong anh ta quay người bỏ đi. Cô gái kia cũng không đòi hỏi gì thêm, bởi cọc tiền trên tay cô đủ chi tiêu tới mấy tháng chưa hết, nếu xài tiết kiệm. Cô đưa tay xuống xoa xoa bụng, tay kia đưa cọc tiền lên miệng hôn chụt cái, cười hớn hở đi tiếp.

A Ngưu ghé vào tiệm vịt quay, đặt mua 2 con vịt và một ít thức ăn khác rồi về nhà. Anh ta vẫn đang vui lắm, sực nhớ tới sư phụ, làm tâm trạng anh ta thay đổi. A Ngưu thở dài, ngước mắt lên trời hạ quyết tâm:

– Về thì về, có gì phải sợ? Mình cũng lớn rồi, cũng muốn ra ngoài bươn chải kiếm sống. Không thể cứ ru rú trong căn nhà chật hẹp với bốn bức tường xiêu vẹo được.

Nghĩ vậy, A Ngưu rảo bước nhanh hơn.

Trên đường đi anh ta suy nghĩ phải làm sao nói cho sư phụ tin số tiền này là do mình lao động mà có, chứ không phải do thắng bài bạc. Anh ta to miệng trước mặt thằng Hào vậy thôi, thực ra trong lòng vẫn có chút sợ sư phụ. Song suy nghĩ ấy lại trùn xuống, ở cái xã hội khắc nghiệt này, làm gì có một công việc kiếm được cả túi tiền như mình nghĩ, đã vậy lực học của bản thân cũng không đến nơi đến chốn. Suy nghĩ miên man một lúc, A Ngưu nghĩ ra cách giấu số tiền này đi, ngoài cách này ra thì chẳng còn cách nào khác. Nghĩ là làm, A Ngưu rẽ vào một lối mòn vòng ra sau nhà, lủi thủi đi đến bờ được xếp bằng đá rất kiên cố, đảo mắt thám thính xung quanh, biết nơi này không có ai anh ta mới yên tâm ngồi xuống. Gỡ vài hòn đá dưới chân, A Ngưu nhét túi tiền vào bên trong, sau đó đặt mấy hòn đá vào chỗ cũ. Anh ta đứng dậy, phủi tay, trước khi rời đi còn quét ánh mắt thăm dò.

– Ngưu! Về rồi sao không vào nhà?

Kpang thấy bóng dáng A Ngưu thấp thoáng ngoài cổng, trông bộ dạng của nó có vẻ đang sợ bị sư phụ mắng. Thấy vậy Kpang liền hối.

– Sư huynh! Sư phụ đâu?

– Sư phụ ở trong nhà, thầy chờ chú từ đêm qua đến giờ.

A Ngưu khẽ gật đầu, đưa cho Kpang túi thức ăn và dặn:” Qua nay em đi bốc vác đi thuê dưới bến xe, có ít tiền mua chút thức ăn mừng sư phụ và huynh trở về. Huynh đem nó vào bếp, sắp ra đĩa trưa nay cả nhà cùng ăn.Đệ vào chào sư phụ một tiếng.”

Đỡ túi thức ăn trên tay A Ngưu, Kpang nói:” Ừ thôi chú vào nhà chào sư phụ đi, người lo cho chú lắm đấy!”

– Vâng!

Vừa bước vào nhà,đập vào mũi A Ngưu là mùi thảo dược thơm phức. Sư phụ ngồi thiền phía bên kia, cạnh chiếc bàn quen thuộc. Trên bàn đặt một bình thuốc xông vẫn tỏa khói nghi ngút. Chắc có lẽ, hương thơm phát ra từ đấy.

Thường ngày, A Ngưu rất thích mùi thảo dược này của sư phụ. Từ nhỏ đến lớn, mỗi khi anh ta bệnh, sư phụ đều nấu một siêu nước thảo dược, đặt cạnh đầu giường cho A Ngưu ngửi.Mùi thảo dược sẽ giúp đầu óc thư thái, người tiết ra mồ hôi độc và mau chóng bình phục. Còn hôm nay, A Ngưu ngửi nó lại cảm thấy buồn nôn, mặt mày quay cuồng hoa mắt chóng mặt. A Ngưu lắc đầu mấy cái, đưa tay lên xoa xoa mặt, làm vài thao tác mát xa lấy lại phong độ, một lúc sau, A Ngưu cũng bình thường trở lại.

– Sư phụ, thầy khoẻ chứ ạ?

Thầy Chu từ từ hé mắt,nhìn A Ngưu hỏi:

– Mấy ngày nay con đi đâu?

– Dạ..dạ..con xuống bến xe dưới thị trấn làm bốc vác.

Thầy Chu gật đầu:

– Công việc có vất vả lắm không?

A Ngưu ngạc nhiên quá đỗi, lần đầu tiên anh ta thấy sư phụ không mắng mình. Trước đây, mỗi lần đi chơi về khuya hoặc đi vài ba ngày mới về nhà, A Ngưu bị thầy mắng té tát vào mặt, còn phạt chẻ củi gánh nước dưới con suối gần nhà, đổ đầy mấy vại nước bên hông. Làm xong sớm nghỉ sớm, chưa làm xong thì không được nghỉ. Những lúc ấy anh ta ức sư phụ lắm, luôn nghĩ sư phụ không thương mình, mà chỉ thương mỗi Kpay. Chính vì sự im lặng khác với ngày thường của thầy, càng làm cho A Ngưu bối rối.

– Dạ thưa thầy! Cũng không mệt lắm, chỉ là cái vai hơi nhức một chút xíu.

Thầy Chu nhìn chăm chăm vào đôi mắt của A Ngưu, nghiêm mặt hỏi:

– Con nói ta biết, đêm qua con làm gì? Ở đâu?

– Con ngủ lại ở nhà một người bạn, tại sáng sớm đã phải đi bốc hàng. Về nhà thì xa quá nên con…

A Ngưu nói đến đây, thầy Chu đứng phắt lên hối A Ngưu:” Vạch áo ra cho ta xem, coi có đúng con đi làm nghề bốc vác hay không?”

– Con..con…

Không đợi A Ngưu phản ứng, thầy Chu phăm phăm sấn tới, nắm cổ áo A Ngưu kéo mạnh xuống, để lộ bờ vai săn chắc trơn tru. Thầy Chu chỉ vào Vai A Ngưu tức giận quát.

– Con nói con đi bốc vác, mà vai con không hề có một vết hằn của hàng hoá mình bốc, tay cũng không chai sạm. Con xem, những người làm việc cực nhọc cả ngày, quanh năm suốt tháng, có ai mà tay mềm mại như tay con không? Nói thật cho thầy biết, đêm qua con ở đâu? Con có vào cánh rừng chết bên kia hay không?

Nhắc tới cánh rừng, A Ngưu thoáng giật mình. Anh ta nghĩ trong đầu” có khi nào sư phụ đã biết tất cả? Thầy là người xem tướng số cho người ta, đoán trước được tương lai số mệnh cho người khác, và mình cũng không ngoại lệ.” Nhưng trong người A Ngưu lúc này lại trở nên mạnh mẽ, đối đáp lưu loát trôi chảy.

-Con nói thật mà sư phụ, người không tin có thể đi hỏi thằng Hào bạn con. Còn vai con không có vết hằn là do trong lúc bốc hàng hoá, con lót chiếc áo phông cũ cho khỏi đau vai.

Thầy Chu thở dài, chép miệng trầm giọng nói:” Thầy hay la mắng cũng chỉ muốn tốt cho con. Cha mẹ con không còn,nếu thầy nuôi con không nên người, thì mặt mũi đâu thầy gặp cha mẹ con nơi chín suối. Làm việc gì cũng được, miễn là do sức lao động của mình tạo ra. Thầy cấm con bén mảng đến mấy chỗ ăn chơi đàn đúm sa đọa, nó không giúp con được còn phá huỷ cả tương lai phía trước của con. Còn nữa, cánh rừng kia là nơi con không nên vào, chỉ cần nhớ lời thầy dặn là được.”

A Ngưu vâng vâng dạ dạ, biết đã trót lọt qua mặt được sư phụ, anh ta dìu sư phụ quay lại ngồi vào bàn, đấm lưng bóp vai cho thầy, cười hề hề đáp.

– Lời sư phụ dặn, con nào dám quên. Có điều con cũng là đàn ông, hơn hai tuổi rồi nên con cũng muốn ra ngoài kiếm chút tiền, còn lấy vợ sinh con, có cháu cho thầy ẵm bồng.

Lâu lắm mới được nghe những câu nói tâm đắc của A Ngưu, thầy Chu cảm thấy vui trong lòng. Thầy còn tự trách bản thân quá nghiêm khắc với cậu, có lẽ, A Ngưu đã trưởng thành thật rồi.Cũng đến lúc phải trả cho một cuộc sống tự do, tự lập cho A Ngưu, thầy cũng không khỏe mạnh mãi để bao bọc nó được mãi. Nghĩ đến đây, lòng thầy cảm thấy thanh thản.

Kpang bưng mâm cơm bước vào, đặt khẽ xuống bàn, thấy sư phụ và A Ngưu đã làm lành với nhau, cậu rất vui vì điều đó. Kpang quay sang, mỉm cười cất tiếng:

– Dạ, con mời sư phụ ra ăn cơm. A Ngưu, ăn cơm thôi!

A Ngưu khựng tay, đỡ sư phụ dậy và nói:” Sư phụ, mình ra ăn cơm thôi thầy!”

Trên bàn ăn, có rất nhiều món ngon. Hương thơm của nó tỏa ra nghi ngút. Kpang xới cơm cho sư phụ, gắp cho thầy cái đùi vịt quay, định đặt vào bát nhưng bị thầy Chu cản lại.

– Khoan đã! Vịt này lúc con mua có còn nóng chứ?

A Ngưu ngơ ngác, đáp:

-Vâng ạ! Người ta vừa mới quay xong đó thầy. Tiệm vịt quay đấy nổi tiếng lắm, họ tẩm ướp gia vị rất ngon, mà cách nướng cũng khác hẳn với những tiệm khác dưới phố. Giá cả lại hợp lý, nên con nghĩ họ sẽ không còn vịt ế mà bán cho khách.

Vừa nói, A Ngưu vừa gắp một miếng thịt bỏ vào bát cơm của Kpang, vừa gắp một miếng đưa vào miệng cắn.Nhưng miếng thịt vịt vừa chạm tới làn môi, thầy Chu vội đưa đũa ghì chặt xuống.

– Đừng ăn vội, vịt này ôi rồi.

Cả Kpang và A Ngưu ngạc nhiên nhìn chăm chăm vào đĩa thịt vịt vẫn còn nóng, rồi lại nhìn sư phụ lòng đầy thắc mắc. Họ đang chờ thầy giải thích.

Thầy Chu xua tay, nói với cả hai:

– Bưng mâm xuống đi, ra vườn đào cái hố đem hết số thức ăn này chôn xuống.

A Ngưu nuốt nước miếng, tiếc số thức ăn mình đã tốn tiền mua lại không thể ăn, liền hỏi:

– Vì sao phải đem chôn hả sư phụ? Rõ ràng lúc con mua nó còn nóng phỏng tay kia mà.

Thầy Chu điềm tĩnh trả lời.

– Thầy không nói họ bán vịt ế cho con, nhưng thầy bảo đem vịt và số thức ăn này mang ra sau vườn chôn thì cứ làm theo. Đừng có thắc mắc nhiều.

A Ngưu ngùng ngoằng, đáp:

– Thầy không dám ăn thì để con ăn. Bỏ đi phí phạm của giời.

A Ngưu nhanh tay gắp miếng thịt vịt bỏ vào miệng, cắn ngập răng định xé ra từng mảnh, thì bất ngờ bị thầy Chu vả cho một phát xây xẩm mặt mày,méo mặt sang một bên, miếng thịt vịt cũng văng xuống đất.

Kpang trố mắt ngạc nhiên.

A Ngưu đưa tay lên xoa má,nhìn sư phụ thốt lên:” Thầy..!!!!”

– Thầy bảo không được ăn rồi kia mà!

A Ngưu gân cổ lên định cãi, song cánh tay của Kpang nhanh hơn, kéo cậu lại chỉ tay vào đĩa thịt vịt, run rẩy nói:

– A Ngưu, sư phụ nói đúng đấy. Chú nhìn kìa?

Ba thầy trò nhìn chằm chằm vào đĩa thức ăn. Đột nhiên, dưới lớp da vàng cháy của miếng thịt, đang khẽ lay động. Nó nhấp nhô từng nhịp, giống có con gì đó muốn đẩy mảng da vàng cứng chui lên. Thầy Chu đưa đôi đũa khẽ vạch ra, Kpang và A Ngưu thảng thốt, đồng thanh hét.

– Con Nhộng!

A Ngưu chạy thật nhanh ra ngoài sân, nôn thốc tháo ra hết cả bát bún riêu trong bụng mình ăn hồi sáng. Nghĩ tới cảnh mình nhai trúng con trùng nhộng, anh ta nổi hết cả da gà.

Một con nhộng to bằng đầu đũa, trắng phau béo múp chui ra khỏi lớp da vịt. Thầy Chu khẽ chau mày, gắp nó đưa lên ngang mặt ngắm nghía, lảm nhảm trong miệng:” Quái lạ, sao nó giống với con nhộng, sống trong thực quản của ông Bốn thế nhỉ?”. Thầy bảo Kpang tìm cho mình một hũ thuỷ tinh có nắp đậy, thả con nhộng vào bên trong dặn dò.

– Con đem nó cất vào tủ cho thầy. Thầy muốn xem xem ai là người đứng sau vụ này? Còn bây giờ hai đứa đem hết số thức ăn ra vườn chôn đi. Nhớ rắc ít vôi bột xuống diệt khuẩn.

Đợi A Ngưu quay vào, chờ anh ta bình tâm. Thầy Chu bấy giờ mới gặng hỏi:

– Nói cho thầy biết, trên đường về con có gặp ai không?

A Ngưu lắc đầu, giọng quả quyết:

– Không! Con không gặp ai!

Một làn gió lạnh thấu xương tủy từ ngoài vườn lùa vào, thổi thốc tấm rèm cửa bay phần phật. Làn gió mang theo một mùi hôi thối đến nợm cổ, thầy Chu nhận ra ngay đó chính là mùi xú uế hôm mình bắt gặp ở đám tang của ông Bốn. Có điều thầy chưa hiểu:” sao mùi thối và cả con nhộng kia nữa? Nó lại giống nhau đến vậy? Không lẽ hai việc này đều cùng là một người đứng sau bày ra?” Hai mắt thầy đang lim dim bỗng mở bừng nhìn ra khoảng hư không ngoài kia, thốt lên.

– Ông ta đang ở đây!


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner