Trong đôi mắt nhuốm máu của Quý, anh mơ hồ trông thấy hai hình bóng xa lạ, một lớn, một bé. Ông cụ có mái tóc và chòm râu bạc phơ tay chống chiếc gậy tre nhẵn hín, đứng ngay cạnh cửa xe ô tô, nhìn vào bằng đôi mắt hiền từ, mỉm cười nói:” Số trời đã định, con hãy chấp nhận mối lương duyên này.” Lạ thay khoé môi ông cụ không hề mấp máy, vậy mà Quý nghe rất rõ lời ông cụ nói.
Quý dùng chút sức lực lắp bắp hỏi trong vô thức:” Ông là ai?” Hai mắt cậu nhắm nghiền lại, bên tay vẫn nghe thấy tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch và tiếng tri hô của người dân:” Có tai nạn, có tai nạn, mau tới đây cứu người đi bà con…”. Cậu cũng không biết ông cụ và đứa bé kia còn đứng bên cạnh mình không nữa, bởi khi Quý tỉnh lại đã là buổi sáng ngày hôm sau.
Một cô gái trẻ bước vào, trên tay cô xách giỏ trái cây rất ngon và đẹp. Đặt nó lên bàn xong cô bước tới bên cạnh Quý, áp bàn tay mềm mại lên trán kiểm tra thân nhiệt, rồi lại cẩn thận thăm khám cho cậu. Quý nhận ra đó là cô bác sĩ trong chiếc áo blouse đã cứu mình trong cơn phẫu thuật đêm qua.
Cô bác sĩ ký tên xong nhìn Quý mỉm cười nói:
– Anh may mắn đấy, tai nạn xảy xa nghiêm trọng vậy mà chỉ bị gãy một chân và xây xát chút trên trán. Tuy nhiên muốn để chắc chắn trong đầu anh không có hiện tượng xuất huyết não và máu bầm ngưng tụ, chúng tôi vẫn phải chụp CT thêm một lần nữa.
Khi đó hai vợ chồng cô Đào bước vào, ngay khi nhìn thấy cô bác sĩ trẻ, cô Đào đã ngờ ngợ hình như mình đã từng gặp cô ấy ở đâu rồi thì phải, trông quen mắt lắm, song nhất thời không nhớ ra.
– Cảm ơn bác sĩ nhiều nhé, đã vất vả cả đêm qua cứu con trai tôi.
Cô bác sĩ mỉm cười, đáp:
– Cô đừng khách sáo vậy mà, bổn phận của chúng cháu là cứu chữa cho bệnh nhân.
Khi cô bác sĩ dặn dò y tá xong, định quay đi thì bất ngờ bị câu hỏi của cô Đào làm cho đôi khững chân lại:
– Nga phải không cháu? Nga con gái mẹ Thu, cháu ngoại ông Tâm đây mà.
Khi đó chú Nhân mới có dịp để ý đến cô bác sĩ, bỗng ánh mắt sáng lên khi nhận ra người quen:
– Trời đất, con mẹ Thu giờ đã lớn chừng này sao? Ngày xưa mẹ cháu làm lớp trưởng suốt 9 năm học liên tiếp của lớp chú đấy.
Bác sĩ Nga cười, gật đầu đáp:
– Vâng, cô chú quen biết mẹ cháu ạ?
Cô Đào nói:
– Đâu chỉ quen, còn là người làng với nhau. Sau khi mẹ cháu đi lấy chồng thì cô chú ít có cơ hội gặp lại mẹ cháu. Về sau nghe cụ Tâm bảo bố mẹ cháu đã chuyển ra Hà Nội sinh sống, không ngờ lại gặp lại cháu trong hoàn cảnh này. Mà cháu giống mẹ cháu lắm, thoạt nhìn cô còn ngờ ngợ, thì thì đúng con mẹ Thu thật rồi.
Nga vui vẻ nán lại tâm sự chuyện ngày xưa, chỉ đến khi cô Đào hỏi đến nhà bác mình, khuôn mặt cô bỗng chùng xuống, ánh mắt buồn rười rượi:
– Dạ, hai bác cháu qua đời mấy năm trước trong một lần tai nạn thương tâm xảy ra ở bên Mỹ rồi ạ. Ngày đó gia đình bác cháu đi du lịch cuối tuần trước khi bay về Việt Nam thăm cố hương, nhưng không ngờ đó lại là chuyến đi định mệnh. Hai bác cháu đều mất tại hiện trường nơi xảy ra tai nạn, còn anh họ cháu cũng vì vậy mà mất đi trí nhớ, cũng may vẫn giữ được mạng sống.
Hai vợ chồng cô Đào nhìn nhau kinh ngạc, khoé mắt cay cay thương cảm đối với gia đình nạn nhân. Cô Đào nói trong niềm xúc động.
– Cô xin chia buồn cùng gia đình cháu. Mất mát quá to lớn cháu à, nhưng mong mọi người sớm vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân.
Nga mỉm cười:
– Dạ, mọi chuyện cũng trôi qua được mấy năm rồi cô chú ạ. Mẹ cháu sau cú sốc đó thì xin về hưu.
Lúc này Quý tự dưng gồng mình ngồi dậy, cô Đào vội vàng đỡ con trai lưng vào thành giường. Anh nhìn Nga tò mò hỏi:
– Còn Trung Tín, cậu ấy còn bên Mỹ hay đã về Việt Nam?
Nga cười:
– Bộ anh biết anh trai em sao? Anh Tín về Việt Nam vào khoảng mấy tháng trước nhưng lại sang Mỹ rồi. Tuần sau anh về lại.
– Ồ! Tội nghiệp cậu ấy, mong cậu ấy sớm bình phục.
Nga gật đầu:
– Dạ, lần về trước đó bố mẹ cháu đưa anh Tín về quê với mong muốn tìm một mảnh đất để làm nơi an nghỉ cho hai bác. Còn lần về anh ấy mang theo tro cốt của bố mẹ, sau đó đưa hai bác về với quê hương cho gần ông bà ngoại cô ạ.
Nghe xong vợ chồng cô Đào phần nào hiểu ra mọi chuyện. Đáng tiếc nhất chính là đôi bạn trẻ Tường Vân và Trung Tín lại chưa có duyên gặp lại nhau. Ngày đó Tường Vân phải lo nhiều công việc nên câu nói của ông cụ trong giấc mơ cô nhanh chóng quên nhẹm đi.
——
Còn ở quê, lại thêm mấy ngày trôi qua mà thím Mười vẫn chưa thấy Quý về như lời hẹn thì trong lòng sốt sắng lắm đang tính chạy sang hỏi tin tức về Quý thì đúng lúc đó chú Công đi uống rượu về. Thấy thím Mười ngồi trên hiên chú Công chẳng buồn đoái hoài, thờ ơ xem thím Mười như không khí lướt qua thật nhanh đi vào nhà nằm ệch ra ngủ.
Thím Mười liếc mắt nhìn vào trong, nỗi uất hận lẫn lộn trong cảm xúc khiến ánh mắt thím Mười mất đi sự lương thiện đối với người đàn ông mình hết lòng yêu thương bấy lâu nay.
Thím Mười đứng dậy, giả bộ vác cuốc đi thăm đồng nhưng thực chất thím ra mộ của vợ con chú Công để kiểm tra số cọc mình đã đóng. Bất ngờ tá hỏa phát hiện ra tất cả số cọc bị mình đóng trước không may đã bị nhổ lên. Vừa lúc cô Lanh đi tưới rau ngang qua, dừng lại cười hề hề chào hỏi:
– Bá Mười đấy hả? Khiếp, thế gian này chắc chỉ có mình bá Mười là người phụ nữ tận tâm trông nom phần mộ cho vợ cũ của chồng. Vừa mới dạo trước em thấy bác Công ra đây thăm mộ, nay bá lại ra thăm, thế chẳng phải thế gian này có mình bá nghĩ thoáng còn gì.
Câu nói của cô Lành không làm cho thím Mười vui, ngược lại thím tỏ ra lo lắng hơn bao giờ hết. Đoán chắc người nhổ số cọc trấn hồn kia lên chính là chú Công, trong tâm trí thím bắt đầu xuất hiện cảm giác lo lắng.
Thím Mười cười trừ, nói tiếp lời:
– Cô cứ khen tôi quá, làm vậy thì người chết cũng yên lòng nhắm mắt mà cô Lành.
Cô Lành cười, đáp:” Vâng..vâng, bá nói phải quá. Vậy thôi em về trước nhé.”
“ Ừ! Cô Lành đi đi.”
Thím Mười dõi theo từng bước đi của cô Lành cho tới khi cô ấy ra tới con đường lớn phía trước mặt, khi đó thím nhìn chăm chăm vào hai ngôi mộ, cặp mắt nhíu vào nhau, đó là lúc thím đang nghĩ kế để qua được mặt chú Công.
Lúc trở về, để tránh việc con gái không bị xâm hại thân thể thì thím Mười đã gom hết quần áo của Thuỳ Dung bỏ vào giỏ trước sự ngỡ ngàng của Dung.
Cô nắm tay mẹ, ngạc nhiên hỏi:
– Mẹ, chuyện này là sao?
Thím Mười hất tay Dung ra, nhét cho hết đống quần áo vào giỏ. Vừa nhét vừa nói:
– Từ hôm nay bay về nhà bà nội mà ở với cái Vân.
– Vậy là sao? Con không muốn về đó.
Thím Mười giọng cương quyết:
– Không muốn cũng phải về, nếu không muốn ông ta giở trò.
– Nhưng nhà bà nội hôi hám lắm, hơn nữa con không ưa gì hai chị em bà Vân.
Nhét cái áo cuối cùng xong, thím Mười khựng tay nhìn con gái.
– Mẹ đã nói rồi, không muốn cũng phải về.
– Nhưng mà…!!!
Thuỳ Dung nói chưa hết câu đã bị thím Mười trừng mặt. Trông thái độ cương quyết của mẹ nên Dung biết không thể thay đổi. Chuẩn bị xong quần áo, thím Mười tập tễnh xách giỏ ra sân còn không quên hối thúc Dung:
– Nhanh lên, chở mẹ sang đó.
Nhân lúc chú Công không có ở nhà thím Mười và Dung vội vàng đèo nhau đi. Lúc sang đến nơi cũng không có hai chị em Tường Vân ở nhà. Thím Mười thò tay vào vách lấy chìa khóa cửa, may mà Tường Vân vẫn để chìa khoá chỗ cũ.
– Đây rồi, con nhỏ này bao nhiêu năm mà nó vẫn không đổi chỗ để chìa khoá.
Thím Mười lẩm nhẩm trong miệng.
Một mùi hôi xen lẫn ẩm mốc xộc thẳng vào khoang mũi khiến thím Mười quay mặt đi, hắt hơi mấy tiếng. Khi đặt bước chân đầu tiên vào trong, ánh mắt thím Mười len lén nhìn sang gian buồng của mẹ chồng, không khỏi sợ hãi.
Song thím vẫn cố giữ bình tĩnh, nói thật lớn:
– U ơi, con đưa cháu Dung về đây ở tạm ít ngày. U cho cháu nó ở lại với cái Vân và thằng Minh nhé.
Trong buồng cụ Doãn vẫn im lìm. Thím Mười nhanh chóng xách giỏ quần áo đi thẳng vào buồng của Tường Vân. Đặt giỏ xách xuống, thím Mười đảo mắt nhìn ngó xung quanh, thấy gian buồng khá sạch sẽ tươm tất, khác hẳn với vẻ bên ngoài nên thím Mười cảm thấy nó hơn hẳn gian buồng ọp ẹp bên căn nhà tạm bợ của mình.
Bỗng, ánh mắt thím Mười khựng lại trên bàn. Trong lúc Thuỳ Dung đang loay hoay tìm chỗ để đồ thì thím Mười từ từ tiến đến chỗ chiếc bàn kê bên cạnh cửa sổ. Trên đó có một chiếc hộp nhỏ cũ kĩ không có khoá, thím Mười tò mò mở ra xem chợt phát hiện bên trong không có gì ngoài xấp thư dày cộp. Tiện tay thím lấy vài lá thư mở ra xem, xem xong thím bĩu môi lẩm nhẩm trong miệng:” Con ranh này, thì ra nó vẫn không quên được cái thằng Tín cháu nội của lão Tâm. Nhưng sao thằng đó và cả bố mẹ nó nữa, lâu rồi cũng không thấy quay về? “ nghĩ đến đây thím lại nhớ đến lá thư mình lén gửi đi cho Trung Tín. Kể từ khi đó cũng không biết cậu ta có liên lạc với Tường Vân hay không. Thím Mười lần nữa đổ hết thư từ trong chiếc hộp xuống mặt bàn, tay nhanh thoăn thoắt kiểm tra xem số thư này được gửi đến từ năm nào. Xem xong thím Mười thở phào nhẹ nhõm, thì ra bản thân thím quá đa nghi, bởi trong số thư này không có lá thư nào mới, toàn là thư cũ.
Thím Mười mở tủ quần áo, quăng hết đồ của Tường Vân lên giường, rồi nói với con gái:
– Bay còn ngồi đó làm gì, mau qua đây móc quần áo lên chứ?
– Mẹ tính để con ở lại đây thật sao?
Thím Mười khưng tay trong giây lát khi nghe con gái hỏi, rồi soạn đồ của Tường Vân tiếp, nói:
– Chớ bay nghĩ tao nói đùa à. Mẹ đưa mày sang đây ở cốt là để con nhỏ Vân nó biết bay đã mang thai con của thằng Quý. Khi đó nó không còn tơ tưởng đến thằng Quý nữa.
Thuỳ Dung cười thích thú, nói tiếp lời:
– Thì ra là vậy, thế mà con tưởng mẹ ghen con với lão Công nên mới tống con sang đây.
Nhắc đến chú Công thím Mười lại khựng tay, nét mặt lập tức thay đổi song rất nhanh sau đó lấy lại vẻ bình thường. Soạn tủ đồ xong, thím Mười nói với con gái:
– Đấy, xong rồi đấy. Mau sang mà treo đồ lên đi. À mà này, nếu con Vân về nếu nó có ý kiến thì bảo đây là nhà mình, đi hay về là quyền của mình. Nó không thích cứ việc dọn ra ngoài mà ở.
– Mẹ lo gì, con biết phải đối phó với chị ta sao mà.
Dặn dò con gái thêm vài thứ, thím Mười leo lên xe đạp về. Trong đầu thím Mười bây giờ toàn suy nghĩ về chuyện của chú Công. Lúc đi ngang qua chỗ tiệm thuốc tây thím tiện đường tạt vào mua ít thuốc ngủ, phải nói dối mình bị mất ngủ để người bán không nghi ngờ. Cầm hộp thuốc ngủ trên tay thím Mười nhét luôn vào túi áo, ngẫm nghĩ trong đầu:” Nếu anh đã bất nhân thì đừng trách tôi bất nghĩa. Đẩy tôi vào con đường này không phải do hoàn cảnh mà là do anh.”
Hừm!
Thím Mười đạp xe về tiếp. Lúc đi ngang qua chỗ mảnh đồi của thôn thì bắt gặp một toán người vác cuốc, xẻng, đi ngang qua, thấy tò mò thím Mười bèn dừng xe lại hỏi:
– Trong thôn lại có mất hay sao mà các chú đem theo đồ nghề nhiều thế kia? Đi đào mộ chăng?
Một người ngoảnh lại, trả lời:
– Cô Mười đấy hử? Thôn mình thì không có người mất, cơ mà nhà cô Thu thuê chúng tôi đào sẵn hai huyệt mộ, để qua tuần cháu trai cô ấy đưa tro cốt của bố mẹ về đây an táng.
Thím Mười ngạc nhiên đến há hốc miệng, ngờ vực hỏi lại:
– Ồ, vậy có nghĩa cả hai vợ chồng con tai lớn nhà ông Tâm đã mất cả rồi đấy hử chú?
Người đàn ông gật đầu:
– Đúng thế đấy. Nghe đâu họ bị tai nạn bên Mỹ và mất bên đó. Cậu con trai may mắn không chế.t. Đời người vô thường thật, thấy bảo họ làm ăn bên đó giàu có lắm, đến cuối cùng khi được quay lại cố hương thì thân xác chỉ còn lại nắm tro mà thôi.
Thím Mười lẩm nhẩm trong miệng một mình cũng không biết thím đang nói gì. Khi đoàn người đào huyệt mộ đã đi xa, lúc này thím Mười mới kéo mình về thực tại. Thím leo ngay lên xe, vừa đạp đi vừa nghĩ:” Nếu cái Dung nhà mình được đi xuất ngoại theo chồng, thì tương lai của nó sáng hơn hẳn ở bên thằng Quý. Nhưng mình phải làm sao để cháu trai lão Tâm để ý đến cái Dung nhà mình đây?” Đạp xe thêm một đoạn, thím Mười bỗng đạp chậm lại, trong đầu nảy ra một suy nghĩ tàn bạo.