Con trai năm nay 19 tuổi, cằm đã lún phún râu, cao tới 1m82, to lớn khỏe mạnh.
Nhìn dáng vẻ hiện giờ, ai mà nghĩ được nó từng là đứa trẻ sinh non?
Bao năm nay, tôi sợ mình không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, luôn từng bước dạy dỗ nó theo đúng sách vở.
Sách nói, không nên phàn nàn trước mặt con cái, sẽ truyền cho chúng những cảm xúc tiêu cực.
Thế nên, tôi chưa từng nói xấu bà nội nó trước mặt nó.
Nhưng giờ đây, nhìn ánh mắt chán ghét của nó khi trừng tôi, tôi chỉ thấy tất cả cố gắng của mình suốt bao năm qua đều uổng phí.
“Tưởng Minh, con không biết mẹ con dị ứng hải sản sao?”
“Con không biết, nhưng bà nội con thì biết. Bố con cũng nói rồi, bà ấy bình thường không nấu hải sản. Vậy con đoán xem tại sao hôm nay bà lại cố tình làm những món này?”
Con trai đột ngột ngẩng đầu, nhìn bố nó.
Thấy người bố vốn lắm lời lần này im thin thít, có lẽ hiểu ra tôi không nói dối.
Nó có chút lúng túng, cúi đầu xuống, dùng đũa chọc vào bát cơm.
Thằng bé cứ chọc chọc chén cơm, rồi như sực nhớ ra điều gì, bỗng dưng hào hứng chỉ vào đĩa sườn cừu trên bàn: “Nhìn kìa, chẳng phải còn thịt cừu sao? Còn có cả cần tây nữa.”
Tôi bật cười.
Thằng con này, đúng là nuôi phí công.
“Tưởng Minh, con có muốn hỏi bố xem vì sao mẹ không ăn được thịt cừu không?”
“Mỗi lần nhà mình ra ngoài ăn đồ nướng, mẹ đều nhắc đi nhắc lại rằng mẹ không ăn được thịt cừu. Chẳng lẽ con chưa từng nghe thấy lần nào sao?”
Con trai cứng cổ nói:
“Thế rau thì sao? Mẹ cái này không ăn, cái kia cũng không ăn, chẳng lẽ còn làm quá đến mức dị ứng cả cần tây?”
Tôi đứng dậy, đặt đĩa cần tây xào trước mặt nó, tiện tay đưa cho nó đôi đũa:
“Vậy đi, con tự mình nếm thử xem.”
Từ nhỏ, con trai đã không thích ngò và cần tây. Nó nhìn đĩa rau xanh mướt, trên mặt hiện rõ vẻ khó chịu.
Nhưng lưỡng lự một hồi, cuối cùng nó vẫn gắp một miếng cần tây, kiên quyết cho vào miệng.
Ngay giây tiếp theo, sắc mặt nó thay đổi.
Nó lập tức phun ra, kêu lên:
“Thứ quái quỷ gì thế này!”
“Nội ơi, cần tây vốn đã khó ăn rồi, sao còn vừa hôi vừa tanh thế này?”
Nó vớ lấy chai nước trên bàn, tu một hơi hết hơn nửa chai.
Như nghĩ ra điều gì, nó đột ngột quay sang tôi:
“Mẹ, có phải mẹ làm không? Có thù oán gì với con mà bày trò này hả?”
“Con là đứa con trai duy nhất của mẹ đấy!”
Thằng bé đúng là hiếu thảo quá mà.
Thà tin mẹ ruột mình giở trò ngay trước mặt, cũng không muốn nghi ngờ bà nội nó, người vừa đứng bếp cả buổi.
Tôi cười nhạt:
“Não con bị úng nước thì đi trồng cây chuối mà để ráo, hoặc là bóp cho sạch đi. Hôm nay mẹ còn chưa bước chân vào bếp.”
“Mẹ bắt con thử là vì mẹ biết thừa, bà nội con chắc chắn sẽ làm trò này.”
“Chứ con nghĩ tại sao mẹ cứ khăng khăng phải mang theo lọ tương ớt?”
Nghe vậy, con trai tỏ vẻ không vui:
“Mẹ, mẹ nghĩ nhiều quá rồi đấy. Một món ăn làm không ngon thôi mà, sao mẹ nói như kiểu người ta muốn hại mẹ vậy.”
“Chỉ chút chuyện này, mẹ có cần làm quá thế không?”
Cuối cùng, nó cũng học được từ bố nó câu “cần làm quá thế không”.
Mẹ chồng tranh thủ lau mắt bằng mu bàn tay, dịu giọng nói:
“Minh Minh à, đừng trách mẹ con. Bà già rồi, vô dụng rồi.”
“Một lúc sơ suất, món ăn không được ngon. Mẹ con nuôi con lớn không dễ dàng gì, con đừng nói mẹ con như vậy.”
“Bà bị trách vài câu cũng không sao, ngoan nào.”
Tôi bật cười vì giận.
Bao nhiêu năm qua, bà vẫn chiêu cũ.
Nếu bà không muốn yên phận, vậy tôi cũng không cần phải giữ thể diện cho bà:
“Tưởng Minh, con không phải luôn tiếc nuối vì không được đi lính sao? Con có biết cái sẹo đó của con từ đâu mà có không?”
Từ nhỏ, con trai tôi đã luôn ao ước khoác lên mình bộ quân phục xanh, súng ống thì ôm khư khư không chịu buông.
Nhưng vết sẹo với mảng da thâm màu kia đã dập tắt giấc mơ đó ngay từ khi nó vừa mới chớm.
“Chẳng phải bố nói đó là vết thương lúc con nghịch ngợm, tự bị trầy xước sao?”
“Trầy xước làm sao sâu đến thế được? Vết thương đó là do bà nội con, vì vội đi đánh bài mà quên con – lúc đó chưa đầy tháng – trên bếp, khiến con bị bỏng mà thành!”
Tôi nói không nhanh, từng câu từng chữ rõ ràng.
Nhưng ánh mắt con trai vẫn mơ màng, như không hiểu, cứ đảo qua lại giữa tôi và bà nội.
Nói đến đây, Tưởng Vĩ – người nãy giờ im lặng như câm – bỗng tìm lại được giọng nói của mình:
“Vệ Kiêu! Cô đừng phát điên rồi bịa chuyện trước mặt con nữa!”
“Hồi đó mẹ tôi mới lên thành phố, chẳng qua vô ý làm phật lòng cô, vậy mà cô nhớ hận cả nửa đời, giờ vẫn không chịu bỏ qua sao?”
Con trai chớp mắt mấy lần, rồi dịch về phía bố nó, rõ ràng là không tin lời tôi.
Tưởng Vĩ nắm tay đấm lên ngực mình, tỏ vẻ uất ức đến rơi nước mắt:
“Bao năm qua, vì để ý đến cảm xúc của em, anh thậm chí không dám gặp mẹ mình nhiều. Trong lòng anh khổ lắm.”
Suốt hơn chục năm nay, câu nói này của anh ta luôn là vũ khí lợi hại để chặn miệng tôi.
Hồi đó, nghĩ đến việc anh ta thực sự vì tôi mà đưa mẹ ruột về quê, tôi nhẫn nhịn mọi chuyện, có thể nhường thì nhường.
Anh ta cũng thường xuyên ra vẻ một người đàn ông mẫu mực, biết chăm lo cho gia đình trước mặt người ngoài.
Nhưng thực tế có đúng như vậy không?
Tôi dị ứng mùi thịt cừu, ngửi thôi đã buồn nôn theo phản xạ.
Còn hai cha con họ thì lại rất thích món này.
Nhìn tôi nôn đến xanh xao, Tưởng Vĩ mắt đỏ hoe nói:
“Hồi nhỏ anh thích nhất là món thịt cừu mẹ làm. Bây giờ anh không thể ở bên mẹ để làm tròn chữ hiếu, chẳng lẽ đến ăn vài miếng thịt cừu cũng không được sao?”
Tôi thích sự yên tĩnh, nhưng Trương Vĩ thường xuyên gọi bạn bè về nhà tụ tập.
Tôi phải bận rộn lo từ trước ra sau, lại còn dọn dẹp mớ hỗn độn họ để lại.
Thế nhưng, gặp người anh ta không muốn giao tiếp, tôi lại trở thành cái cớ cho anh ta từ chối:
“Vệ Kiêu không thích trong nhà có người lạ. Ngay cả mẹ tôi cũng phải về quê rồi. Tôi thực sự muốn tụ họp với các anh em, nhưng không còn cách nào khác, không thể làm vợ tôi phật ý được mà.”
3
Con trai tỏ thái độ bực bội, hất tay rồi ngồi xuống bàn ăn, cầm đũa bát lên, cắm đầu cắm cổ ăn.
Mẹ chồng kéo tay Tưởng Vĩ, nhưng ánh mắt thì thách thức nhìn tôi:
“Ôi dào, Đại Vĩ à, đừng giận vợ con. Hai đứa sống với nhau cả chục năm rồi, sao mà ly hôn được chứ?”
“Con bé ấy mà, chỉ nói mồm thôi, chứ làm gì nỡ rời xa hai bố con nhà anh.”
Tôi chẳng buồn phối hợp với màn kịch phô trương của hai mẹ con họ, xoay người bước về phòng thu dọn hành lý.
Thật ra cũng chẳng có gì để dọn.
Một bộ quần áo mỏng để thay, hai bộ đồ lót – đây chính là toàn bộ đồ của tôi trong ba chiếc vali đầy ắp.
Tưởng Vĩ chê lọ tương ớt của tôi chiếm chỗ, nhưng lại mang hẳn mười hộp tổ yến hầm sữa cho mẹ chồng.
Mỗi hộp còn to gấp đôi lọ tương ớt của tôi.
Tôi lắc đầu.
Bị Tưởng Vĩ lợi dụng cái tình ban đầu để lừa dối bao năm nay, giờ cũng đến lúc tỉnh ngộ rồi.
Tôi dứt khoát lấy bừa một chiếc túi ni lông, nhét hết đồ vào đó, rồi đi thẳng ra ngoài.
Con trai không buồn ngẩng đầu, chỉ liếc tôi một cái bằng khóe mắt, rồi gắp một miếng thịt ốc to đùng nhét vào miệng, nhai nhồm nhoàm.
Tưởng Vĩ dùng chân kéo ghế bên cạnh ra:
“Nghĩ thông rồi à? Nghĩ thông thì ngồi xuống ăn cơm đã.”
Vẻ mặt anh ta vẫn bình thản, như thể hoàn toàn quên mất cả bàn thức ăn kia chẳng có món nào tôi ăn được.
Nhưng mà, không quan trọng nữa rồi.
Tôi xách túi đi thẳng ra cửa, đóng sầm một cái, để lại cả gia đình họ phía sau lưng.
4….