Sau khi bố mẹ ly hôn, mẹ về nhà ông bà ngoại.
Trước khi đi, mẹ khóc nói với tôi: “Tinh Tinh, con đừng trách mẹ, muốn trách thì hãy trách bố con.”
Sau đó, bố lên thành phố, nghe nói có vợ mới.
Năm 8 tuổi, tôi thành trẻ “mồ côi”.
1.
Sau khi bố mẹ ly hôn, tôi bị bỏ lại một mình trong ngôi nhà gạch trên núi.
Không ai quan tâm đến tôi.
Tôi có thể mấy ngày không gội đầu.
Tôi có thể lăn lộn trong bùn đất.
Tôi có thể trèo lên cây cao hái trái dại.
Tôi có thể bơi đến chỗ sâu nhất, nguy hiểm nhất của con sông nhỏ.
Bạn bè vô cùng ghen tị:
“Nếu bố mẹ tao cũng mặc kệ tao thế thì tốt quá.”
“Tao mà mang cái người lấm bùn về là mẹ đánh gãy chân tao.”
“Mẹ tao không cho tao lội sông.”
…
Chiều hôm buông xuống, khói bếp lượn lờ.
Tiếng gọi ầm ĩ hết đợt này tới đợt khác.
“Tiểu Cường, c.h.ế.t đâu rồi?”
“Đại Bằng, lăn về ăn cơm!”
“Kiều Kiều, cơm xong rồi!”
…
Mọi người đều phải về nhà.
Tôi nghiêng đầu ngưỡng mộ nhìn Đại Bằng bị bác Mạnh gái cầm chổi đuổi khắp thôn.
“Quần mới mặc mà rách một lỗ to như vậy, mày muốn mẹ tức c.h.ế.t hả?”
Cậu ta vừa chạy vừa gào còn không quên hung hăng trừng tôi: “Không cho ở đây nhìn trò cười của tao.”
Tôi quay về ngôi nhà của mình trên sườn núi.
Chụm lửa nấu cơm. Củi bỏ quá nhiều, lửa rất mạnh. Cơm lại khét.
Tôi luống cuống kéo mớ củi đang cháy hừng hực ra, than nóng rơi xuống mu bàn chân, tôi hét lên: “Mẹ ơi…”
Tiếng kêu đau đớn bị gió núi nuốt chửng, chỉ còn lại im lìm.
Ồ… tôi quên mất.
Tôi không còn mẹ bên cạnh nữa.
Thật ra nếu có mẹ, bà cũng chỉ mắng tôi vô dụng, chút chuyện nhỏ cũng làm không xong.
Mu bàn chân phồng rộp. Tôi cắn răng dùng kim châm cho rách da, nặn mủ ra, xé lớp vỏ mụn nước phồng rộp đó đi, rắc chút tro lên miệng vết thương.
Mồ hôi túa ra. Rất đau.
Nhưng vẫn nhẹ hơn lần bố say rượu nổi giận dùng đòn gánh đập vào lưng tôi.
Cơm vẫn khét.
Canh trứng đổ nhiều nước tương quá, vừa đen vừa chua.
Lăn lộn cả buổi đói rồi, tôi không để ý chuyện cơm canh nóng, nhét từng miếng lớn vào miệng. Đầu lưỡi nóng tê dại.
Ăn xong một bát cơm, tôi vội chạy vào bếp bới chén thứ hai. Cơm được đè chặt như bát gạch. Quay lại bàn, tôi nhận ra món canh trứng chưa hề vơi đi chút nào.
Chà, quên mất.
Không còn ai giới hạn tôi ăn nhiều ít nữa.
Không còn ai mắng tôi là quỷ c.h.ế.t đói đầu thai.
Không còn ai lúc tôi đi xới cơm thì biến thức ăn trên bàn thành trống không.
Tôi có thể…
Ăn từ từ.
Tối hôm đó, tôi bê bát cơm ngồi trên ngạch cửa ăn từng miếng, ăn hết bữa cơm vừa khét vừa chua vừa đắng của mình.
Bụng no căng như muốn nổ tung nhưng rõ ràng tôi vẫn cảm thấy còn đói.
Khi còn nhỏ không hiểu nên cứ nghĩ ăn nhiều một chút thì có thể đỡ đói khát. Nhưng thật ra khi đó cảm giác đói khát của tôi không phải là ở dạ dày, mà là tâm hồn.
Tâm hồn mỗi đứa trẻ đều cần rất nhiều tình yêu thương nuôi dưỡng.
Không ai yêu tôi.
Cho nên tâm hồn đứa trẻ con tôi như con Thao thiết* đói khát, ăn thế nào cũng không no.
Sống một mình rất bất tiện.
(Chú thích: Thần thoại Trung Hoa như sách Sơn Hải Kinh và Tả truyện thì thao thiết là một trong “Tứ đại hung thú” gồm Thao Thiết, Hỗn Độn, Đào Ngột và Cùng Kỳ. Nó được mô tả như một loài mãnh thú hung ác, có sức mạnh to lớn, rất tham ăn, thấy gì ăn nấy, là biểu tượng cho sự tham lam dục vọng.)
2.
Nếu trời mưa to không mang ô, những đứa trẻ khác có bố mẹ đến đón, tôi phải dầm mưa chạy về nhà.
Củi ướt không thể cháy nên phải ngâm mì trong nước lạnh, vài miếng dưa muối, cứ thế ăn liền mấy hôm.
Buổi tối, tia sét trắng xé toạc bóng đêm ngoài cửa sổ, những đứa trẻ khác có thể trốn trong vòng tay bố mẹ, tôi lại chỉ có thể quấn mình trong mớ chăn cũ hết lớp này đến lớp khác.
Nhất là những đêm mùa đông, chân lạnh cả đêm, chăn vừa cứng vừa nặng đè trên ngực như tảng gạch khiến tôi liên tục gặp ác mộng.
Tôi mơ thấy ngày bố mẹ ly hôn, trời mưa rất to. Cậu lái máy kéo đến đón mẹ. Tôi khóc nức nở bấu lấy thân xe. Mẹ cũng khóc.
Cậu thở dài nói: “Tinh Tinh, cháu ngoan đi. Mẹ cháu nếu dẫn cái đuôi như cháu theo sau thì không thể tái giá.”
Tôi chỉ dại ra có hai giây, mẹ đã gỡ tay tôi ra, đẩy ngã tôi xuống đất.
Bà khóc nói: “Tinh Tinh, mày đừng trách mẹ, muốn trách thì trách bố mày vô dụng.”