Tôi lại mơ thấy ngày bố cõng túi xách to đi vào Nam làm công. Tôi chạy theo ông suốt quãng đường, ngã rồi lại bò dậy chạy tiếp. Tay bị trầy xước, cát sỏi bùn đất hòa lẫn với máu, nhoe nhoét khắp lòng bàn tay.
Tôi hỏi: “Bố, bố đi rồi thì con làm sao?”
Ông không kiên nhẫn: “Trong nhà gạo, mì, dầu, tao chuẩn bị sẵn cho mày rồi, mày còn đói c.h.ế.t được sao? Tao không đi kiếm tiền, mày ăn cái gì, uống cái gì? Muốn trách thì trách mẹ mày, độc địa hơn rắn rết, con gái mình cũng không cần.”
Tôi khóc lóc đi theo ông.
Ông giáng cho tôi một bạt tai.
“Đừng có khóc, ông đây sắp đi xa mà mày khóc sướt mướt, muốn tao c.h.ế.t ở bên ngoài phải không?”
Khi thức giấc, gối đầu ướt đẫm.
Không được khóc.
Gần đây trời âm u, không thể phơi gối được. Ẩm ẩm càng khó ngủ hơn.
Con nít khả năng thích ứng tốt. Dần dà tôi cũng quen.
Nấu cơm không khét nữa, tắm nước lạnh không bị cảm, đau sẽ không kêu, lạnh vẫn có thể ngủ.
Ngày nào tôi cũng một mình đi học, một mình tan học, một mình ăn cơm, một mình ngủ. Một mình đứng trên đỉnh núi cao, nhìn từng gia đình náo nhiệt.
Tôi nghĩ, tôi đã học được cách chịu đựng gian khổ và cô độc. Theo như lời bố nói, tôi sẽ không c.h.ế.t được.
Ngày tháng qua mau, rất nhanh đến tháng Chạp.
Mẹ điện thoại đến nhà Đại Bằng tìm tôi.
Giọng bà vui vẻ: “Tinh Tinh, 22 mẹ cưới, đến lúc đó cậu sẽ đón mày qua.”
Bà dặn dò: “Nếu khách khứa có hỏi, mày nói mày là con của cậu.”
Tôi vội vàng hỏi: “Vậy sau này con có thể sống với mẹ không?”
3.
Mẹ im lặng vài giây, đáp: “Đợi mẹ dàn xếp với chú Ngụy rồi nói sau.”
Cho dù giả làm cháu đi gặp mẹ tôi vẫn vô cùng vui mừng.
Tôi giặt quần áo sạch sẽ từ trong ra ngoài, ngay cả chiếc vớ thủng cũng khâu lại cẩn thận.
Bà là người mẹ duy nhất của tôi. Một năm không gặp, tôi có rất nhiều điều muốn nói với bà.
Đến 21 tháng Chạp, mẹ điện thoại tới.
Bà nói: “Tinh Tinh, bên mẹ không tiện lắm nên đợi một thời gian rồi lại đến thăm con. Mẹ cũng phải chú ý thể diện bên nhà chú Ngụy, Tinh Tinh, mày thông cảm cho mẹ nhé?”
Điện thoại tắt.
Ba Đại Bằng cũng vừa về đến thôn. Đầu năm, bố với chú ấy cùng đi ra ngoài làm thuê.
Chú xoa đầu tôi: “Bố cháu nói vé xe đi về đắt quá, năm nay không về. Hay là đêm 30 cháu đến nhà mẹ cháu đi.”
Mẹ có nhà mới. Bà cũng không chào đón tôi.
Ngày giao thừa, sáng sớm nhà nhà đã đốt pháo. Tôi ngồi ngẩn người trên tảng đá lớn trước cửa.
Chị Hương Liễu đi ngang qua nhìn tôi chằm chằm một lúc, đi xa rồi chị lại quay về, ngồi xuống cạnh tôi. Chị lấy trong túi ra nắm đậu phộng rang đưa tôi: “Ăn đi!”
Có lẽ đậu rang quá lửa nên ăn hơi đắng.
Chị Hương Liễu lớn hơn tôi 4 tuổi, là cô gái hung dữ nổi tiếng trong thôn.
Bố chị thích uống rượu, uống say là đánh vợ. Mẹ chị chịu hết nổi nên một đêm nọ bỏ trốn khỏi nhà.
Bố chị quay sang đánh Hương Liễu.
Mãi đến 2 năm trước, chị Hương Liễu xách dao lên, chặt đứt một ngón tay bố chị thì tình trạng đó mới cải thiện.
Nhưng từ đó về sau, người lớn trong thôn đều bảo con mình cách xa chị ra. Họ sợ chị nổi điên.
Chị không thích nói chuyện, luôn xụ mặt, độc lai độc vãng.
Thế nhưng giờ phút này tôi thấy chị rất tốt.
Ăn đậu phộng xong, tôi chạy vào phòng ôm ra hũ kẹo mới toanh. Tôi mở hũ kẹo chọn 2 cây kẹo mút vị dâu cho chị Hương Liễu.
“Em lấy kẹo đâu ra nhiều vậy?”
“Mẹ mua cho em hôm mẹ đi.” Tôi cười, “Mẹ nói chờ em ăn hết kẹo thì mẹ sẽ về thăm em.”
4.
Chị Hương Liễu nhét kẹo trở lại cho tôi: “Vậy em giữ lấy mà ăn.”
“Không sao, chị ăn đi.” Tôi nói nhỏ, “Bà ấy gạt em.”
Những cây kẹo đó chỉ là trò để dỗ trẻ con. Tiếc là đột nhiên tôi trưởng thành, không thể nào tự lừa mình được.
Chị Hương Liễu xé vỏ kẹo, cắn mạnh xuống, nói to: “Họ có về hay không không quan trọng, chúng ta dựa vào chính mình cũng có thể sống sót.”
Từ đó về sau, chị sẽ chia cho tôi những củ khoai nướng to nhất, những bông hồng mềm mại nhất, những quả táo tàu to nhất, những quả nho dại ngọt nhất.
Đông đi xuân tới, tôi theo chị Hương Liễu lên núi cắt cỏ heo.
Tôi nhìn thấy trên vách đá cằn cỗi có một bụi cỏ dại xanh biếc không biết tên. Xung quanh chúng không có hoa, không có cây cối gì, chúng cứ lẻ loi đu đưa trong gió.
Tôi chỉ vào chúng nó nói: “Đám cỏ dại kia giống chúng ta nhỉ!”
Cha không thương mẹ không yêu, muốn cái gì cũng không có.
Chị Hương Liễu nhìn vài giây, mỉm cười: “Nhưng chúng nó xanh như vậy, sống tốt như vậy. Những đám cỏ sống dưới bóng cây còn không tươi tốt bằng chúng.”
Đúng!