Cho dù mọc ở nơi cằn cỗi, chúng nó vẫn bừng bừng sức sống.
Vài tháng sau, mẹ tôi sinh một đứa em trai. Bà bế con về thôn, kiêu ngạo đến mức không kiềm nổi khóe miệng cứ luôn cong lên.
“Bố mày trước kia cứ nói mẹ không thể sinh con trai, bây giờ mẹ phải để tất cả mọi người nhìn xem có phải vấn đề ở Thôi đại đầu hắn chứ không phải tại mẹ!”
À, hóa ra bà về để kiêu hãnh không phải cố tình đến thăm tôi.
Bố cũng không cam lòng yếu thế.
Tết Trung thu về nhà đem theo một tin tức chấn động: Ông muốn tái hôn, hơn nữa còn cưới cô gái thành phố. Cô gái kia kết hôn lần đầu, sau khi cưới bố có thể ở lại thành phố cùng cô ấy.
Đàn ông trong thôn ghen tị vô cùng.
“Thôi Đại Đầu đúng là phần mộ tổ tiên bốc khói.”
“Không biết vận cứt chó gì chứ.”
“Cô gái kia mắt dính ghèn à? Sao lại coi trọng anh ta?”
Phụ nữ vừa cắn hạt dưa vừa trêu tôi: “Tinh Tinh, sau này cháu cũng là con gái thành phố, vui không?”
Thật ra tôi cũng có phần mong đợi.
Sau khi về nhà, tôi hỏi nhỏ: “Bố sẽ dẫn con vào thành phố sao?”
5.
Bố lập tức sầm mặt: “Sao có thể được? Người nhà cô ấy cũng không biết tao còn có con gái. Tao thấy mày sống một mình cũng khá tốt, mày tiếp tục ở thôn đợi đi, gạo, mì, dầu tao không thiếu cho mày.”
Có bài hát thế nào…
“Bố có một nhà, mẹ có một nhà, chỉ còn lại mình tôi hình như là dư thừa.”*
Chính là tôi.
Người trong thôn đều biết tôi bị bỏ rơi.
Càng ngày càng có nhiều ác ý.
Ví dụ như thím Truơng mỗi lần thấy tôi thì cuời: “Tinh Tinh, bố mẹ đều không cần mày rồi. Không bằng mày làm con gái thím đi, sau này lớn lên thím gả cho Trạng Nguyên.”
Trạng Nguyên là con trai thím ấy, lớn hơn tôi 8 tuổi, đầu óc không đuợc nhanh nhạy lắm. Anh ta lớn rồi mà vẫn cởi quần đi tè trước mặt mọi người.
Chú Trương say khướt hét lên: “Bố mày thật may mắn. Mày đã gần 10 tuổi, nuôi mày tới hết cấp 2 là có thể kiếm tiền. Đến 20 gả đi lại nhận đuợc mớ tiền sính lễ, tiền này hắn chiếm hết.”
Hai vợ chồng này đáng ghét như nhau. Đúng là cả nhà không ra hai dạng phân.
Mấy đứa con trai trong thôn cũng đuổi theo sau tôi, ném đá ném gậy vào người tôi, kéo tóc tôi, nắm quần áo tôi. Chúng còn hét: “Đồ sao chổi, không ai cần, cha ghét bỏ, mẹ vứt đi.”
Dần dà những bọn trẻ cùng tuổi cũng không chơi cùng tôi.
May là có chị Hương Liễu ở bên tôi.
Năm đó tôi đã 10 tuổi.
Có một hôm, chúng tôi đang ngồi ăn nho dại thì chú Cẩu đi ngang, cười cười, đưa tay chạm vào tôi: “Tinh Tinh, mấy ngày không gặp xinh lên hẳn.”
Chị Hương Liễu giơ lưỡi liềm lên, lạnh lùng nhìn chú ta chằm chằm. Chú ta ngượng ngập thụt tay lại.
Ngày hôm đó, chị Hương Liễu cầm kéo cắt tóc tôi ngắn thật ngắn, lởm chởm rất xấu.
Tôi ấm ức, nước mắt rớt rớt.
Chị gay gắt: “Em sống một mình trên núi, như vậy sẽ an toàn hơn.”
“Là sao?”
“Vì trên núi có lang sói.” Chị dặn, “Ngủ là phải khóa kỹ cửa nẻo, không được để cho người ta mở cửa dễ dàng, biết chưa?”
Không biết trên núi có lang sói thật không nhưng tôi biết, ban đêm trên núi gió rất mạnh. Gió thổi qua lá tre xào xạc, thi thoảng có tiếng chim kêu. Khuya như thế sao nó còn chưa ngủ? Có phải nó cũng giống tôi, không cha không mẹ?
Ban đêm thôn làng yên tĩnh, các âm thanh trong tự nhiên sẽ được phóng đại. Rõ ràng những âm thanh đó ầm ĩ khuấy động tai tôi, nhưng tôi lại cảm giác vô cùng cô độc. Như thể trong trời đất chỉ còn lại mình tôi.
Đúng lúc này, tiếng cửa sân vang lên kẽo kẹt, có tiếng chân từ xa đến gần. Rất nhanh, tiếng chân dừng ở cửa sổ. Dưới ánh trăng mờ ảo, một con mắt đục ngầu dán vào kính cửa sổ, nhìn vào trong nhà. Tôi sợ hãi hét lên, quấn chặt người trong chăn.
Giọng lè nhè say rượu của chú Cẩu vang lên: “Tinh Tinh, chú Cẩu đây, cháu ngủ một mình sợ lắm phải không? Mở cửa đi, chú Cẩu ngủ với cháu! Chú Cẩu ôm cháu ngủ, cháu sẽ không sợ nữa.”
Da đầu tôi tê dại, siết chặt chăn, toàn thân run rẩy.
Hóa ra thứ đáng sợ nhất trên đời không phải lang sói mà là cầm thú nhân gian.
Cửa sổ bị hắn đập kêu rầm rầm, những thanh sắt rỉ như những cành cây mục, dường như chỉ cần hơi dùng sức là có thể vặn gãy.
Tấm kính mỏng rung rinh dưới ánh trăng lạnh lẽo, “rắc”, vỡ nát.
Bàn tay lông lá của gã Cẩu thò vào.
(Chú thích: lời bài hát Nhà tôi ở đâu, bài hát chủ đề trong bộ phim Nợ oan nghiệt. Bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Diệp Tân.
Phim kể về một nhóm trẻ từ Tây Song Bản Nạp xa xôi trở về thành phố để tìm người thân. Khi những thanh niên trí thức rời biên giới Vân Nam trở về nhà, họ để lại những đứa con là kết tinh của tình cảm và tình yêu tuổi trẻ của họ. Vào những năm 1990, trẻ em trở nên nhạy cảm hơn. Một số mơ hồ biết được bí mật về sự ra đời của mình nên đã dũng cảm thành lập nhóm và bí mật lên chuyến tàu đi Thượng Hải mà không báo cho cha mẹ nuôi đi tìm cha mẹ ruột. Tuy nhiên, cả cha mẹ ruột ở Thượng Hải đều có gia đình mới và con mới. Những đứa trẻ đi tìm cha hàng ngàn dặm không hề biết rằng sự xuất hiện của họ sẽ giống như một quả bom, gây ra làn sóng chấn động lớn cho gia đình cha mẹ chúng…
Bộ phim này được công chiếu lần đầu trên kênh truyền hình Thượng Hải vào ngày 9 tháng 1 năm 1995. Rating cao kỷ lục 42,62%. Sau khi được phát sóng đã đoạt giải ba “Giải thưởng Phi thiên” năm 1995 và “Giải thưởng Kỹ thuật” Five-One.