Cuối tháng 7, đột nhiên mẹ tôi nói bà ngoại và cậ muốn tổ chức tiệc mừng nhập học cho tôi.
Tôi hơi kinh ngạc lẫn kháng cự, mấy năm tôi ở Tống gia, họ chưa bao giờ đến thăm tôi, khi tôi thi đậu Bắc đại họ lại đến. Lòng người thật khó dò.
Tôi từ chối nhiều lần, đến khi mẹ mất kiên nhẫn nhíu mày.
“Dù sao cũng là bà ngoại, xem như từng chăm sóc, không có công lao cũng có khổ lao. Sao lại không biết điều thế chứ?”
Tôi nhìn gương mặt đã có nét phong sương của bà, chồng lên hình ảnh trong ký ức, tôi mất hết sức lực tranh luận với bà.
“Tôi không muốn đi là không muốn.”
Bà trừng mắt nhìn tôi, nước mắt lưng tròng. Bà bắt đầu dùng đạo đức trói buộc tôi, kể lể năm xưa sinh tôi ra, nuôi dưỡng tôi không dễ dàng gì.
Tôi không thể làm gì bà, dù sao thì tôi có thể được nuôi ở Tống gia cũng nhờ có dính líu đến bà. Tôi đành phải đồng ý.
Khi đó tôi còn chưa hiểu rõ bản chất con người xấu xa đến thế nào. Mẹ đích thân dạy tôi đạo lý này, lại một lần nữa chứng minh bà không yêu tôi.
Cuối tuần, tôi và mẹ lên cùng một chiếc xe ô tô đi về nhà bà ngoại. Trước khi đi, tôi còn hẹn với Bùi Ứng Chương sau khi tôi về sẽ cùng đi xem phim. Anh đồng ý.
Khóe môi tôi bất giác cong lên, mong ngóng đến 6 giờ tối.
Cậu chi một khoản tiền lớn cho bữa tiệc này, đặt tiệc tại một khách sạn lớn. Phòng tiệc sang trọng, đèn chùm pha lê lấp lánh, thậm chí còn có cả băng rôn in dòng chữ: Nhiệt liệt chúc mừng cháu của Triệu Lương Quốc – Lương Ngọc thi đậu đại học Bắc Kinh.
Tôi đứng ở đại sảnh, ánh mắt bốn phía dồn về phía tôi. Tôi xấu hổ đến mức muốn chui xuống đất.
Người cậu mười mấy năm không gặp đi tới kéo tay tôi, đi từng bàn kính rượu. Sau khi bị tôi từ chối, nụ cười ông ta cứng đờ.
Mợ cười ha ha: “Con bé còn nhỏ không hiểu chuyện, đến đây, cầm mấy quyển sách này, chụp ảnh với cậu mợ đi.”
Mẹ giơ tay đẩy tôi qua đó.
Tôi nhíu mày cúi nhìn, trong tay là mấy quyển sách đề thi tự in, lúc này mới hiểu ra. Cái gì mà tiệc chúc mừng thi đậu, chẳng qua là lợi dụng tôi làm quảng cáo cho cơ sở đào tạo của ông ta.
Tôi thấy khó chịu, đặt mấy quyển sách xuống quay lưng bỏ đi.
Cậu ngăn tôi lại, trách móc. “Sao lại thế này? Đậu đại học thì ghê gớm lắm rồi à? Khinh thường những người thân nghèo như chúng tao? Mày tin tao đăng báo nói với mọi người Lương Ngọc mày là đồ vong ân phụ nghĩa không?”
Đổi trắng thay đen rất hợp tình hợp lý như thế, tôi bật cười: “Ông làm đi, tôi không quan tâm.”
Tôi nhấc chân đi, mợ túm mạnh cổ tay tôi giữ lại: “Tiểu Ngọc, cậu chỉ dạy cháu đối nhân xử thế, cháu đừng giận…”
Thật kỳ lạ, người mà tôi không dám phản kháng trong những giấc mơ nay hai bên thái dương tóc đã điểm bạc, hiện vẻ tang thương.
Tôi vùng khỏi tay bà ta: “Trước khi dạy tôi thì nên nhìn lại xem trình độ của mình có xứng hay không.”
Tình hình trở nên mất kiểm soát, mấy người họ hàng từ bốn phương tám hướng vây lại, khuyên nhủ tôi.
“Tiểu Ngọc à, biết điều đi, có giận cũng phải xem xét tùy tình hình chứ.”
“Đúng đấy, dù gì cũng là cậu ruột cháu, máu mủ tình thâm, không lẽ lại đi hại cháu à?”
“Bây giờ bọn trẻ đều thế này sao? Không biết ơn, cứ ở đây làm ầm ĩ, tôi nhớ năm đó lúc nó ở nhà cậu thì ngoan biết bao nhiêu.”
“Theo tôi thấy là do ở Tống gia quen rồi, cứ tưởng mình là đại tiểu thư Tống gia luôn.”
…
Những lời tưởng chừng như khuyên răn này như những mũi châm dày đặc đâm vào lòng tôi. Nếu trước đây tôi sẽ nghĩ lại là do mình làm sai ở đâu, nhưng giờ tôi chỉ thấy buồn cười.
Tôi lấy điện thoại ra hét to: “Nếu các người còn ngăn cản thì tôi báo cảnh sát.”
Vừa dứt lời, xung quanh yên tĩnh lại, chỉ có vài người không biết chuyện gì đứng lên nhìn, cậu đỏ mặt cúi đầu xin lỗi họ.
Tôi nhân cơ hội này chuồn mất. Tôi chạy thẳng ra bãi đỗ xe, mẹ đuổi theo gọi to. Nhưng tôi không ngờ tài xế đã rời đi, bãi đỗ xe dưới tầng hầm tín hiệu không tốt, tôi gọi điện thoại mãi không được.
Tôi định đặt xe về nhà, mẹ chạy đến thở hổn hển lấy chìa khóa xe mở cửa. Có lẽ bà biết tôi không muốn tham dự tiệc nên thỏa hiệp: “Tài xế về trước rồi, tôi lái xe.”
Bà cúi đầu nhắn tin cho ai đó, tôi không phát hiện bà có gì bất thường. Đại khái không ai trên thế giới này đề phòng mẹ mình.
Tôi lên xe.
Ban đầu xe chạy bình thường từ con đường bốn làn xe rộng rãi đến cầu vượt, đến đường hai làn xe, xe chạy càng lúc càng xa. Tôi có linh cảm không lành, vội vàng gửi định vị cho Bùi Ứng Chương, gọi điện thoại nhưng không còn kịp nữa.
Mẹ dừng xe ven đường nơi cỏ mọc um tùm, có người chạy đến, bà khóa cửa xe lại.
Bà sợ hãi nhìn tôi qua kính chiếu hậu, miệng lẩm bẩm: “Xin lỗi Tiểu Ngọc, tôi cũng không còn cách nào khác, Tiểu Văn còn nhỏ, không thể chịu dày vò…”
Tôi mở to mắt, người đàn ông kia nhuộm tóc xanh, chui vào thùng xe túm tóc tôi.
Tiểu Mã.