Quỷ Loạn Thế

Chương 2



2.

Trên bầu trời là ánh sao tĩnh lặng, gió lạnh từ bốn phương cuốn tới khiến cho máu huyết khắp tứ chi như đông cứng lại, kết vảy rồi lại bong ra, cứ thế, ta cõng theo Tạ Hòe An, đi được ba bước lại ngã, đi được năm bước lại nghỉ ngơi, chật vật đi tới thôn những người còn sống.

Ta nghĩ khuỷu tay và đầu gối ta chắc hẳn đã thối rữa rồi, thậm chí còn thấy được xương cốt bên trong, ngay cả da thịt cũng đau đớn đến tê dại.

Cuối cùng, vào lúc bọn ta gần như không thể chống đỡ được nữa, một bà lão đi ngang qua đường đã đỡ bọn ta lên xe bò, chở đi một đoạn.

Ta cố mở mắt nhìn, thấy một bà lão nông thôn toàn thân rách rưới nhưng nở nụ cười rất hiền hậu.

Bà ấy đưa tay vào tay nải rồi lại rụt về mấy lần, cuối cùng dường như đã hạ quyết tâm, bà ấy mở gói đồ được xếp trong mấy lớp vải kia ra với thái độ hết sức thành kính, dè dặt lấy một quả trứng gà, sau đó nhỏ dịch trứng gà vào môi ta và Tạ Hòe An.

Trứng gà ơi là trứng gà.

Mày chính là nguồn sống, khiến trái tim đói khát khô héo này một lần nữa được sống lại.

Khuôn mặt của bà cụ khắc sâu vào trong lòng ta, trước khi ngất đi, ta thầm nghĩ, bà cụ có ơn cứu mạng, kết cỏ ngậm vành, đời này nhất định sẽ báo đáp…

Nhưng ta lại chẳng còn cơ hội để báo đáp nữa rồi.

Hai tháng sau, ta trở thành học trò của một y quán ở Nam An, trời chưa sáng ta đã phải đi đến rìa vực vùng ngoại ô để hái thuốc. Tiền công của ta là Tạ Hòe An có thể được y quán chữa trị miễn phí.

Vách núi cao khó leo, lúc ta kéo theo những vệt máu dài xuống tới nơi đã đến giờ Dậu.

Trên đường về gặp phải một đám tang, mà người mất trong tang lễ ấy lại chính là bà cụ có ơn với ta.

Trấn Nam An bị cắt đi chia cho Nhu Nhiên, dân chúng trong thành ngoài thành đều bị đuổi đi, phải rời bỏ quê hương chẳng khác nào đám gia súc.

Quan viên từ triều đình đến giám sát nói, Thánh thượng đại ân đại đức đã chuẩn bị cho dân chúng đất đai màu mỡ, dân đến đó sẽ được phân đất chia nhà, còn được miễn hai năm thuế khóa.

Nhưng ổ vàng ổ bạc làm sao có thể sánh được với ổ rơm của mình đây?

Không ai bằng lòng rời khỏi, chẳng một ai muốn đi.

Vì để diễn tiếp cảnh thái bình giả tạo của hoàng thành Hoài Dương, thà rằng cắt bỏ mười ba thành vùng biên cảnh cho quân địch để đổi lấy nửa thiên hạ bình yên, chứ không nguyện chiến đấu anh dũng trong biển máu, làm chỗ dựa chống lưng của binh lính khởi nghĩa?

Chẳng lẽ xương cốt của hai vị thừa tướng, sáu bộ và mười bảy thứ sử trên điện Kim Loan đều mềm cả rồi sao?

Ân nhân của ta chính là một trong số những người không muốn rời bỏ quê hương.

Quan binh đến khám xét ném đồ đạc của bà cụ ra ngoài, quần áo chăn ga gối đệm vương vãi trên mặt đất, bà ngồi trên đó khóc lớn:

“Ta không đi, ta không đi…”

Tiểu binh tức giận quát:

“Không đi? Không đi thì đợi đến khi kỵ binh Nhu Nhiên đến bắt đám người bản xứ như các ngươi làm nô lệ sao? Cái thứ hám lợi như bà.”

Bà cụ kích động nói lớn:

“Ta không đi! Ta không làm nô lệ!”

Trong lúc tranh cãi xô đẩy, đầu bà đập vào xà cửa, vết thương rách to bằng cái bát.

M/á/u chảy ra đất, chảy đến cửa nhà, bà lẩm bẩm một câu:

“Có chết cũng phải chết ở cửa nhà mình.”

Cứ như thế, bà qua đời.

Người kéo linh cữu là cháu trai của bà, một thiếu niên mười bốn tuổi có làn da ngăm đen.

Y lau mồ hôi trên trán, nói với ta:

“Cha mẹ của ông đây đi đánh quân Nhu Nhiên đều chết hết rồi, ông đây không đi. Cho dù chỉ còn lại một khúc xương, ông đây cũng phải chôn trên đất quê mình…”

Ta quỳ xuống đất, dập đầu ba lần, nước mắt từ trong khóe mắt không ngừng chảy xuống.

Ân nhân không hiểu vì sao cả đời bà ấy sống ở nơi đây, sinh ra và lớn lên, lại chỉ bằng một câu nói nhẹ tựa lông hồng mà thánh thượng đem mảnh đất này cho Nhu Nhiên, bắt họ dời đi đến nơi xa, trở thành đám cô hồn dã quỷ không còn quê nhà.

Ta cũng không hiểu.

Khi Trần phó tướng dẫn binh tiến vào chiếm đóng Nam An, cảnh tượng người dân chào đón hẵng rõ mồn một trước mắt.

Sao chỉ mới hai tháng trôi qua, chúng ta từ niềm hy vọng của Nam An đã biến thành u nhọt ác tính của Nam An, thậm chí là vết nhơ tu hú chiếm tổ rồi?

Ngày hôm sau, giữa người dân trấn Nam An và đám quan binh khám xét đã xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn.

Nông dân tay kẹp thương tay cầm côn, không lùi dù nửa bước, quan và dân cứ thế vung đao múa kiếm, uy phong hừng hực.

Chẳng mấy chốc, mười ba người cầm đầu gây rối đã bị bắt giữ, bị trói sau chân ngựa kéo đi.

Mà trong số đó, có đứa cháu trai của ân nhân ta.

Cơn phẫn nộ cứ thế lao vọt đến ta như nước sông chảy cuồn cuộn.

Gió lốc biên cảnh tháng tám thổi vào lòng ta, ta đá bay một đoạn giáo đã gãy đôi ở dưới đất lên.

Đoạn giáo bay vút theo gió phù phù, đâm xuyên qua lồng ngực của gã tiểu binh đang đánh người dân.

Binh trưởng dẫn đầu tức giận hét lớn:

“Là kẻ nào, muốn tạo phản hay sao? Còn dám giết binh trên đường lớn, theo luật nước Sở, tội đáng chém ngang lưng!”

Ta nhặt một thanh kiếm tàn dưới đất lên, cười nói:

“Là ta, binh lính Đại Sở ăn của dân, dùng thuế của dân, lại không bảo vệ dân mà còn hành hạ dân sỉ nhục dân, binh lính như thế có giết chết thì thế nào?”

Gió lớn gào thét, mười bước giết một người, không đi xa được nghìn dặm.

Người dân trấn Nam An theo sát phía sau ta…

Chúng ta từng bước ép sát, bọn họ từng bước lùi về sau.

Đến cuối cùng, binh trưởng quỳ xuống trước mặt ta, nước mắt chảy dọc hai hàng, hắn ta nghẹn ngào nói:

“Ta cũng không muốn làm vậy, ta thực sự không muốn. Đánh trận thế này chỉ tổ giết người của mình, nhưng đây là ý chỉ của Thánh thượng, ta cũng không còn cách nào…”

Thanh kiếm lướt qua gương mặt hắn ta, đâm thẳng vào trong tường.

Ta quay đầu nói:

“Bốn chữ “không còn cách nào” này ta đã nghe quá nhiều lần. Ta đến để cứu người chứ không đến để giết người. Ngươi vẫn còn một đường lui, con đường để ngươi đứng dậy một cách đường đường chính chính.”

Tạ Hòe An dưỡng bệnh bốn tháng là có thể xuống giường.

Khi đó, trấn Nam An đã không còn bao nhiêu binh lính nữa, có rất nhiều người dân không rời đi, những người ở lại trở thành người trong doanh đội của ta, cứ ba người một nhóm đi tuần tra toàn thành.

Tay trái của Tạ Hòe An đã phế.

Nó teo tóp lại và rỗng tuếch, ta nhờ Vương sư phụ ở tiệm rèn làm cho hắn một cánh tay sắt, khi đeo vào cho hắn, ta bỗng nói một câu:

“Ta muốn trấn thủ Nam An.”

Hắn đáp lại:

“Ngu xuẩn.”

Ta lắc đầu:

“Hết cách rồi, ai bảo ta ăn trứng gà của họ cơ chứ? Ngươi cũng ăn rồi, ngươi cũng phải thủ, không thể giao tòa thành và hai vạn dân trong thành cho quân Nhu Nhiên được.”

Kỵ binh Nhu Nhiên đến đây vào một buổi trưa nào đó của tháng sau.

Bọn chúng ngồi trên lưng ngựa ngâm nga bài ca dao nước họ, trên mặt đầy vẻ vui sướng hân hoan.

Trinh sát nói với ta, quân Nhu Nhiên vừa thu nạp trấn Môn Cách phía trước, chúng ch/é/m người già trẻ nhỏ trấn thủ trong trấn thành từng mảnh nhỏ, kỵ binh giẫm đạp lên ruộng nương màu mỡ, nghiền nát lúa mì thành bột phấn.

Nói xong, trinh sát lau vội nước mắt, mắng một câu: “Con mẹ nó.”

Đừng khóc nữa huynh đệ của ta ơi.

Thứ chúng giẫm nát không phải là lúa mạch của chúng ta, mà là chút tôn nghiêm còn sót lại của Đại Sở!

Bây giờ chúng ta phải thẳng lưng lên, đánh đuổi bọn chết tiệt này trở về thảo nguyên chăn dê của chúng!

Quân Nhu Nhiên đã định sẵn sẽ không chờ được rượu ngon và nô lệ mà chúng muốn, thứ đón tiếp chúng chỉ có cung tiễn uy lực hùng mạnh trên chiến lũy, hàng trăm đầu mũi tên sắc lạnh phát ra thứ ánh sáng lấp lánh.

Vạn tiễn cùng lúc bắn ra đẩy lùi được đợt kỵ binh Nhu Nhiên đầu tiên, nhưng rất nhanh đã có đợt thứ hai, đợt thứ ba…

Tướng đánh trận bên ngoài thì không cần nghe lệnh vua, hậu quả lớn nhất chính là ngươi sẽ không có tiếp viện.

Không có tiếp viện nên Trần phó tướng mới ch/ết một cách uất ức ở một hang động không tên; không có tiếp viện nên Nam An mới hoàn toàn trở thành một hoang đảo bị cô lập, thứ chờ đợi chúng ta chính là những cuộc tấn công liên tiếp ngày đêm, chẳng dám chợp mắt.

Trên thành luỹ, một tốp người lên xuống liên tục, cháu trai của ân nhân trong một lần nghênh chiến với quân địch đã trúng mười bảy nhát đao, y nằm trên cáng, nhìn về phía ta:

“Ta còn có thể làm chút gì đó… cho dù như thế, ta vẫn muốn làm chút gì đó…”

Ta xoa đầu y, dùng giọng điệu êm dịu nói:

“Đi thăm khám vết thương trước đã. Chúng ta sẽ thắng mà.”

Đêm hôm đó, ta và Tạ Hòe An gác đêm, một bát rượu xa xỉ đặt trên đầu tường, hắn lẳng lặng nhìn ta, một hồi lâu sau mới hỏi:

“Ngươi có hận thời đại này không? Một thời đại đầy tội ác, hoang đường, tàn nhẫn, ép một nữ nhân như ngươi phải mặc quân phục…”

“Có một câu nói ngươi nói sai rồi.”

Ta cắt ngang.

“Câu gì?”

Ta cầm chén rượu trên bàn lên một hơi uống cạn:

“Ta không bị ép.”

“Cái gì?”

Hắn hỏi lại.

Ta nói:

“Ta không bị ép mặc quân phục. Có lẽ ngay từ ban đầu là vậy, nhưng bây giờ chắc chắn không phải.”

“Làm quỷ thời loạn thế thì đừng kêu oan. Ta không hận thời đại này, ngươi cũng đừng hận, chúng ta cùng nhau kết thúc thời loạn này đi Tạ Hòe An.”

Bên ngoài thành lại có tiểu đội kỵ binh Nhu Nhiên đến gây rối.

Ta nhờ Tạ Hòe An hâm nóng rượu giúp ta, ta rút hàn kiếm phóng xuống lầu, dưới thành đùng đoàng một trận, máu tươi bắn tung tóe, tiếng leng keng ngân vang.

Khi ta nâng kiếm trở về, rượu đã nóng vừa đủ.

Ta hỏi hắn:

“Vừa nãy trước khi xuống dưới, ngươi đã nói với ta gì thế, ta không nghe rõ.”

Tạ Hòe An mím môi:

“Vừa nãy ta nói ngươi hãy cẩn thận…”

Ta mỉm cười:

“Ngươi nghĩ gì vậy, chỉ cần ta còn cầm kiếm, sao ta có thể thất bại được chứ?”

3.

Cái chết không phải giải thoát nhưng sống càng không phải, trong trận chiến tiếp theo, người may mắn sống sót chỉ biết ghen tỵ với người đã chết.

Thành Nam An, ngày thứ 56.

Sau khi đẩy lùi vô số cuộc tấn công của Nhu Nhiên, lương thực trong thành cuối cùng đã cạn kiệt, hai vạn người nhưng chỉ còn lại hơn bốn nghìn người.

Người già trong thành tự động hợp thành tiểu đội tuyệt thực, có bà lão nét mặt lam lũ kéo tay ta, dùng tiếng địa phương ta nghe không rõ nghẹn ngào nói:

“Già mà không chết như kẻ trộm, bà không ăn… tiết kiệm để dành lại cho mọi người… Chu tướng quân, đừng vứt bỏ Nam An, để bà già này dù có chết cũng có thể chôn ở nơi này được không?”

Bà lão còn dập đầu xuống đất:

“Triều đình bỏ mặc bọn ta, quân lính muốn đuổi bọn ta đi, chỉ có ngươi… tất cả mọi người trong thành Nam An dù còn sống hay đã chết đều phải cảm tạ ngươi…”

Ta che miệng lại, giấu đi tiếng nức nở trong lòng.

Cháu trai của ân nhân cũng chết rồi.

Y đã trúng quá nhiều đao, nửa đêm sốt cao không hạ, trước khi chết, y cự tuyệt toàn bộ số thuốc và thức ăn.

Ta đi thăm thi thể của y, trên tấm chiếu rơm đã thấm đầy vết máu từ đỏ sang đen.

Y ch/ết trông rất khó coi, gương mặt gầy nhom, đôi mắt trừng to muốn nhảy ra khỏi tròng mắt, có chỗ nào giống với dáng vẻ thiếu niên mười bốn tuổi đâu chứ?

Ta đắp tấm chiếu lại, muốn tìm một nơi không người nhưng đôi chân ta mềm nhũn, may mà có Tạ Hòe An giữ lấy ta đúng lúc, ta cứ thế khuỵu vào trong lòng hắn.

Hắn vỗ vai ta an ủi:

“Ngươi đã rất giỏi rồi, họ chỉ là những người nông dân chưa từng được thao luyện mà ngươi có thể dẫn dắt bọn họ kiên trì trấn thủ nhiều ngày như vậy, ngươi thật sự rất lợi hại…”

Ta ngẩng đầu lên, tựa như một linh hồn chẳng còn xương cốt, chỉ còn ánh mắt sáng trong nhìn hắn:

“Ta muốn dẫn dắt họ sống sót, ta có cách để sống sót, Tạ Hòe An, ngươi đi theo ta ám sát Khả Hãn của Nhu Nhiên nhé?”

Ở nơi mà Trần phó tướng ngã xuống, khi đó bọn ta đã tiếp cận đến lều trướng của người đứng đầu quân Nhu Nhiên.

Sau khi bàn giao để họ phòng thủ, ta và Tạ Hòe An ra khỏi doanh trướng ngay trong đêm, đi thẳng về phía tây.

Trên đường gặp phải hai chi đội quân Nhu Nhiên, Tạ Hòe An ấn ta vào trong bụi gai, sống chết bảo vệ ta, còn bản thân hắn thì bị đâm mấy lỗ thủng, chảy thứ máu không đáng tiền trong thời loạn thế.

Thật ra, ta không hiểu được con người Tạ Hòe An.

Hắn giống một đứa trẻ vừa phẫn nộ tuyệt vọng vừa bất lực, cả ngày bày ra khuôn mặt lạnh như người khắp thiên hạ nợ hắn hai lượng bạc vậy.

Hắn tài hoa và có năng lực hơn ta song chưa từng chủ động ra quân, nhưng khi ngươi ngờ vực đến cực điểm, khi thời thế nguy cấp, hắn sẽ làm ra những hành động khiến ngươi kinh ngạc không thôi.

Thủ vệ của lều trướng nửa canh sẽ thay đổi một lần, ta và Tạ Hòe An nấp ở hang động gần đó, tính toán thời gian thay đổi canh phòng luân phiên cả ngày và đêm.

Có một chốc yên tĩnh, ta cảm ơn hắn:

“Ngươi lại cứu ta một lần nữa.”

Hắn lắc đầu, một hồi lâu sau mới nói:

“Là ngươi đã cứu ta.”

Ta không hiểu ý hắn.

Đúng lúc này, có tia sáng từ trong động chiếu lệch vào, thân hình cao lớn thẳng tắp của hắn tiến lại gần ôm ta vào trong lòng, cánh môi mỏng hờ hững, góc quai hàm đẹp đẽ.

Trên đầu ta chợt lỏng lẻo, hắn rút dây cung từ trong quan miện ra, tiếp theo đó trong không khí tràn ngập mùi m/á/u tanh khó ngửi.

“Có rắn.”

Hắn nhếch môi nói khẽ.

Mái tóc dài như mây bay rơi xuống, ta quay đầu nhìn lại: Quả nhiên, có một con rắn độc toàn thân đỏ thẫm đã bị hắn ném vào vách động.

Tầm mắt hắn liếc nhìn về phía ta, hắn chợt khựng lại một giây:

“Dáng vẻ nữ tử của ngươi trông rất xinh đẹp.”

Ta vội buộc lại mái tóc dài lên.

Trong một khắc sau đó, hắn kể cho ta nghe những chuyện mà hắn đã trải qua.

Tạ Hòe An, con trai duy nhất của Tạ Bá vùng Thanh Hà, kiếm sống bằng lễ, nhạc, xạ, ngự, thư; thông thạo thi, thư, dịch thời Xuân Thu.

Còn nhớ năm sáu tuổi, thánh thượng vì muốn xây dựng Dưỡng Tâm Trai đã hao tốn sáu trăm vạn, tự xưng “Khổ cho dân chúng, nuôi dưỡng quân phu”, cả triều đình văn võ bá quan câm như hến, không ai dám nói lời nào.

Chỉ có cha Tạ đập đầu vào tường, dùng cái ch/ết để can ngăn buộc thánh thượng phải nhượng bộ, mà cái giá phải trả là năm mươi trượng ban đánh, cuối cùng cha Tạ được khiêng về trong tình trạng máu thịt lẫn lộn.

Tiểu Hòe An khi đó không hiểu:

“Cho dù việc này có đúng đi chăng nữa, tại sao nhất quyết phải là cha làm mới được?”

Cha Tạ trả lời:

“Bởi vì chúng ta mang họ “Tạ”, chúng ta phải xứng đáng với cái họ này.”

Tạ Hòe An gật đầu như hiểu như không.

Trong thân thể hắn chảy dòng máu Tạ thị, từ nhỏ sinh ra xương cốt đã cứng hơn người ngoài hai tấc. Thế là năm đó, ước mơ lớn nhất của hắn là trở thành trụ cột của nước Sở, văn chết vì can gián, võ chết trên chiến trường.

Ấy là vinh quang của hắn, là tín ngưỡng của hắn, thần thoại của hắn.

Nhưng tất thảy đều đã bị phá vỡ vào mùa hè năm hắn mười tuổi.

Đại Sở muốn đàm phán hòa bình với Hung Nô, thành ý tốt nhất chính là thủ cấp của Tạ Công chủ chiến của phái nhất mạch.

Thế là tội danh ‘Vô căn cứ’ đã nện xuống đầu, Tạ gia tận trung bốn đời bị tịch thu tài sản, xử tử toàn tộc, chỉ còn mình hắn sống sót.

Cha hắn chết đứng, trước khi chết còn nhìn thẳng vào hắn:

“Hòe An, Hoàng thất bất nhân nhưng Tạ gia không được bất nghĩa. Con phải hứa với cha, lập lời thề trung thành trước từ đường Tạ gia, con không được phép trả thù, không được phép trả thù!… Con muốn làm ô nhục cửa nhà Tạ thị ta sao? Mau thề, mau lập lời thề!”

Hắn không nói làm sao hắn có thể sống sót được.

Nhưng ta nghĩ, giữa cái chết bi tráng và cuộc sống khuất nhục, chắc chắn sống sót vẫn lừng lẫy hơn.

Tia sáng trong hang động mờ dần rồi tối hẳn.

Ta nhìn hình xăm lóe sáng trên má trái của hắn như hằn lên sự tuyệt vọng và lụn bại sâu sắc.

Tạ Hòe An hừ một tiếng:

“Cả nhà trung thành, cả tộc trung thành đó. Lão già trước khi chết còn nói muốn bảo vệ đất nước, bảo vệ xã tắc, con trai lão sống rồi nhưng cơ thể hắn lại chia thành hai nửa, một nửa ở trên người, một nửa ở từ đường. Ta nghĩ ta nên làm gì đó, ta có thể làm chút gì đó, nhưng cuối cùng, ta không làm được cái gì cả.”

“Ngươi đã làm rồi.”

Ta nói:

“Ngươi đã cứu ta, không chỉ một lần.”

“Có lẽ thế.”

Hắn khẽ cười một tiếng:

“Thực ra nếu muốn bảo vệ nước Sở, việc đầu tiên ta nên làm là giết ngươi, nữ nhân như ngươi thật sự quá nguy hiểm.”

“Nhưng không biết vì sao, ta không thể ra tay được. Trên người ngươi luôn có một sức sống hồn nhiên, ngang tàng mà nguyên sơ, khiến ta nhớ nhà, nhớ về quá khứ.”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner