Lâm Phong và cậu nhân viên trợ lý vừa xuống tới sân, bỗng cả hai khững chân khi thấy một người đàn ông đang loay hoay bên cạnh chiếc xe của mình. Cậu nhân viên định lên tiếng, nhưng bị Lâm Phong ngăn cản. Cả hai đứng im quan sát xem người đó đang làm gì? Anh ta loay hoay một lúc rồi đứng thẳng người, nhìn những chữ mình vừa vẽ mỉm cười.
-Xong rồi, đi an toàn nhé. – Vừa nói anh ta vừa đập đập tay vào xe, như thể đang dặn dò nó.
Lúc này Lâm Phong mới bước đến, cậu nhìn chăm chăm vào vết anh ta vẽ, điềm tĩnh hỏi:
-Anh vẽ gì lên xe tôi thế?
Người kia giật mình, làm rơi mẩu phấn trên tay xuống đất, luống cuống không dám ngẩng mặt nhìn Lâm Phong, cúi gằm mặt xuống lí nhí nói:” Là chữ bình an, chỉ là chữ Bình An”
Lâm Phong bước tới trước mặt, ngó vào những nét vẽ ngạc nhiên hỏi:” Anh vẽ chữ? Nhưng sao chữ của anh không giống với chữ phổ thông tiếng Việt, chẳng nhẽ đây là….?”
Đúng lúc đó Gia Huy chạy đến, kéo tay người đàn ông lại và nói:” Chú Lực, chú tới mà không vào văn phòng tìm cháu? Đây là xe của khách hàng, chú vẽ bậy lên đây khách sẽ không vui đâu chú ạ?”
Ông Lực cúi gằm mặt ấp úng lên tiếng:” Xin..xin..lỗi..”
Gia Huy giải thích:
-Anh thông cảm, đây là người quen của bác em vừa mới ở quê xuống. Ngày xưa chú ấy bị tai nạn nên mất trí nhớ, thành ra mọi hành động có hơi….
Gia Huy nói đến đây lại nhìn ông Lực thở dài. Hôm qua cậu còn gọi chú Lực là anh, song buổi tối lắng nghe bác mình tâm sự về lần cứu được chú Lực trong vườn cây, thì cậu đoán tuổi tác chú ấy cũng đã lớn, lên quyết đổi cách xưng hô cho phải đạo. Năm đó ông Chánh đi làm vườn thuê cho người ta, vô tình phát hiện có người nằm ngất dưới gốc cây nên đã cứu, sau khi nạn nhân tỉnh mới biết anh ta mất sạch trí nhớ do vết thương trên đầu gây ra. Ông Chánh và một số người dân đi dò hỏi xem nhà nào có người thân mất tích thì tới nhận dạng, song chờ đợi hết năm này qua năm khác vẫn không ai đến đón, thương tình người ấy cần cù hiền lành siêng năng, nên vợ chồng ông đã cưu mang cho ở lại, xem như người thân trong nhà. Từ đó họ đặt tên cho chàng trai là Lực, đến nay cũng hơn mười bảy năm sống bên nhau, ông Chánh đi làm thuê ở đâu, Lực cũng xin đi theo giúp sức.
Lâm Phong nhìn chăm chăm vào Ông Lực, bỗng hai mắt cậu mở to tròn, đôi môi mấp máy mãi mới thốt ha hai từ:” Anh Kpang?”
-Kpang! Có phải là anh không? Thầy Chu, anh nhớ thầy ấy chứ? Anh chính là đệ tử của thầy Chu. Anh không nhận ra em sao Kpang?
Mọi người không ai hiểu Lâm Phong vừa nói gì, Gia Huy cũng ngơ ngác, ngạc nhiên không kém, liền hỏi:
-Anh nói ai tên Kpang? Chú ấy tên Lực, là người ở…
Lâm Phong giơ tay cản lời nói của Gia Huy, cậu nhìn chữ mà ông Lực vừa vẽ, liền bảo:” Đây chắc chữ bùa, bùa bình an có đúng vậy không anh Kpang? Anh đã đoán ra điều gì có phải vậy không?”
Ông Lực ôm đầu, ngồi thụp xuống luôn miệng nói:
-Tôi không biết, tôi không nhớ gì cả. Sáng sớm đến đây tôi có linh cảm chiếc xe này không được tốt, nó có thể sẽ nổ, có thể sẽ gặp tai nạn. Tôi chỉ thuận tay vẽ bậy, tôi xin lỗi..tôi xin lỗi..
Lâm Phong chìa tay ra trước mặt ông Lực, giọng cậu trầm ấm nói:
-Xét về tuổi tác anh hơn em cả một con giáp, nhưng ngày xưa anh bảo em phải gọi bằng anh, không được gọi bằng chú như vậy sẽ nhanh già. Tuy chúng ta chỉ gặp nhau có hai lần, nhưng làm sao em quên được anh?
Ông Lực thấy Lâm Phong không trách mắng mình, từ từ ngước mặt nhìn Lâm Phong, lắp bắp hỏi:
-Cậu..cậu quen tôi?
Lâm Phong gật đầu:
-Đúng, anh chính là Kpang, là đệ tử của thầy Chu. Dưới anh còn một sư đệ có tên A ngưu. Anh nhớ ra chưa?
Trong lúc ông Lực đang ngơ ngác thì ông Chánh và Tú chạy đến, thấy ồn ào ông Chánh lên tiếng hỏi:
-Gia Huy, chú Lực lại gây phiền cho cháu à? Bác xin lỗi, hôm nay bác và mọi người về lại quê, sáng cháu đi làm sớm, cũng tiện đường ra bến xe nên muốn ghé qua đây chào cháu một tiếng. Nếu chú ấy làm gì sai mong cháu và mọi người bỏ qua cho chú ấy. Trước giờ chú Lực chỉ mất trí nhớ thôi, nhưng chưa làm việc xấu bao giờ. Tôi lấy danh dự của mình ra đảm bảo những lời tôi vừa nói là thật.
Lâm Phong mời mọi người ra quán nước bên đường ngồi nói chuyện, sau khi nghe ông Chánh kể lại tất cả sự việc năm đó mình cứu ông Lực như thế nào, thì Lâm Phong lên tiếng khẳng định.
-Cháu dám chắc đây là anh Kpang, là đệ tử của thầy Chu. Một ông thầy pháp rất tốt tính lại có còn có tâm. Năm xưa thầy Chu, ông nội và bố cháu là những người bạn tri kỷ, thường hay qua lại thăm hỏi nhau. Hôm ông nội cháu qua đời đột ngột, cũng chính thầy Chu là người cúng cầu siêu cho ông nội cháu. Bẵng đi một thời gian không gặp, cũng trong đêm cả gia đình cháu gặp nạn, bố đã bảo cháu chạy đến nhà thầy Chu cầu cứu, nhưng khi đến nơi, ngôi nhà chỉ còn lại đống tro tàn. Về sau cháu không quay lại đó thêm một lần nào nữa, cũng không biết họ ra sao.
Ông Lực nghe xong miệng lặp đi lặp lại câu” Thầy Chu…thầy Chu…thầy Chu…” không biết bao nhiêu lần, song càng cố tìm lại ký ức đã bị mất, thì đầu ông Lực càng lên cơn đau. Ông Lực ngồi trên ghế, hai tay đưa lên ôm đầu nhăn nhó, nhìn nét mặt khổ sở của ông Lực, ông Chánh lo lắng nói:
-Tôi cũng chưa biết chú Lực có phải là cậu Kpang gì đó cậu vừa nhắc đến hay không, nhưng hãy cho chú ấy chút thời gian, hiện giờ chú ấy vẫn phải dùng đến thuốc để làm dịu cơn đau đầu hành hạ chú ấy mấy chục năm nay.
Lâm Phong mỉm cười xúc động nói:
-Cháu cảm ơn bác và gia đình đã cưu mang anh ấy đến tận bây giờ, còn đối xử rất tốt với anh ấy. Cháu tuy không giàu có, song cũng có thể giúp anh ấy đi chữa bệnh, không chỉ cháu muốn biết năm đó đã xảy ra chuyện gì, mà anh ấy cũng cần nhớ lại mình là ai, tìm về cội nguồn của bản thân, ai cũng muốn làm điều đó. Bác cho cháu nhận lại anh ấy, cháu hứa sẽ chăm sóc và đối đãi với anh ấy như người nhà. Và sẽ để mọi người gặp anh ấy thường xuyên, nếu như cảm thấy nhớ hay không yên tâm về cuộc sống của anh ấy.
Ông Chánh cười khà khà, nói tiếp:
-Được vậy thì còn gì bằng, cậu và thằng Huy là chỗ quen biết, nên tôi không có e ngại gì. Song tôi cần hỏi ý kiến của chú ấy.
Lâm Phong gật đầu:
Ông Chánh nhìn chú Lực hỏi:
-Chú có muốn đi theo cậu ấy không? Nếu đi theo cậu ấy, bệnh tình của chú có cơ hội được chữa khỏi, mà còn có thể tìm lại được người thân của mình nếu như chú tìm lại được ký ức.
Ông Lực đảo mắt nhìn ông Chánh, rồi lại nhìn sang Lâm Phong. Tuy ông chưa gặp cậu thanh niên này bao giờ, song trong ông luôn khao khát muốn nhớ ra mọi chuyện. Ông Lực ngồi im một lúc, hai tay vò nát cả vạt áo, mãi mới chịu lên tiếng:
-Cậu..muốn..chữa bệnh cho tôi thật chứ? Tôi có thể nhớ ra mình là ai, có đúng vậy không?
Lâm Phong nhìn thẳng vào ánh mắt đang bối rối của chú Lực, giọng quả quyết:
-Em biết là rất khó, nhưng em sẽ cố.
Ông Lực khẽ gật đầu.
Ông Chánh nói:” Tôi vẫn còn một điều kiện, nếu cậu làm được tôi sẽ giao chú Lực cho cậu chăm sóc.”
-Dạ, bác có điều kiện gì xin cứ nói, cháu hứa sẽ thực hiện nếu trong khả năng cháu làm được.
Ông Chánh cười nhẹ, xua tay:
-Cũng không có gì? Nhà chúng tôi thì ở xa, dưới thành phố này chỉ có thằng cháu Gia Huy này là thông thạo phố xá, thôi thì tôi nhờ thằng Huy cháu tôi, mỗi tuần ghé nhà cậu thăm chú Lực một lần. Có thì thằng bé sẽ gọi điện báo cho tôi biết cũng được.
Lâm Phong nắm chặt tay ông Chánh, cảm ơn rối rít, họ ngồi nói chuyện thêm một lúc rồi hai bố con ông Lực xin phép ra bến xe. Lúc chia tay họ bịn rịn nhau lắm, chẳng gì thì mười bảy năm sống chung dưới một mái nhà, ngày ba bữa cơm ngồi cùng nhau, không phải máu mủ ruột rà cũng xem nhau như người thân. Ông Chánh trước khi bước lên xe còn ngoái lại dặn Gia Huy.
-Huy! Chuyện của chú Lực, bác nhờ cả vào cháu. Có gì cháu gọi điện báo cho bác, để hai bác và em cùng yên tâm.
-Vâng! Bác cứ yên tâm về đi. Ai chứ? Anh Lâm Phong thì cháu tin là người tốt.
-Ừ! Chú Lực ở lại vui vẻ nhé, ráng chữa khỏi bệnh đau đầu, sau muốn lên thăm tôi cho đỡ nhớ quê hương thì cứ bảo chúng nó chở về chơi. Từ đây lên quê cũng không xa lắm mà có phải không?
Ông Lực nhìn theo hai cha con ông Chánh rưng rưng nước mắt, ông quỳ mọp xuống đất vái ba lạy thay lời cảm ơn trong lòng mình. Mọi người cùng vẫy tay tạm biệt cho đến khi chiếc xe xa khuất sau con phố, Lâm Phong mới đỡ ông Lực dậy và bảo:
– Mình về nhà thôi anh Kpang. Gia Huy, cảm ơn cậu nhiều lắm, tôi sẽ cố gắng tìm bác sĩ giỏi chữa bệnh cho anh ấy, và giúp anh ấy phục hồi lại trí nhớ. Tôi biết sẽ rất khó khăn, nhưng tôi vẫn muốn thử, chỉ cần còn lại một tia hy vọng, tôi cũng sẽ không nản lòng.
Ông Lực theo Lâm Phong về nhà, vợ chồng ông Phùng sau khi nghe Lâm Phong kể chuyện thì đã chuẩn bị riêng cho ông ấy một phòng khách khá tươm tất. Tiếp đón như người thân trong nhà.
—-
Tối nay, Ý An lại ngồi tô màu vào bản vẽ mà hồi sáng Châu Anh ném vào sọt rác. Lúc không còn ai trong lớp, Ý An đã nhặt nó mang về. Bức vẽ lần này còn nhiều nét hơn bức vẽ lần trước, khiến Ý An ngồi hơn một giờ đồng hồ mới tô xong.
“Là cậu ấy?”
Ý An há hốc miệng ngạc nhiên, lần này Châu Anh vẽ khá rõ khuôn mặt, quang cảnh xung quanh cô gái trong hình không giống với trong bản vẽ lần trước, song nó lại làm cho cô phải dựng tóc gáy với những màn tra tấn tàn độc. Ý An đặt bức vẽ xuống, cô chưa biết mình phải làm gì? Và có nên cảnh báo cho nạn nhân tiếp theo hay không?
—-
Bà Nga mấy ngày không liên lạc được với con gái, nên đã báo cảnh sát. Buổi chiều hôm ấy, tâm trạng của bà Nga không tốt lắm, bà bần thần đi đi lại lại trong nhà, trên tay luôn cầm điện thoại trong tư thế chờ đợi. Không biết ma xui quỷ khiến thế nào bà lại dùng chân trước của phòng đọc sách của ông Sơn. Căn phòng này ông ấy không cho phép bất cứ ai vào kể từ khi gia đình chuyển vào đây sống.
Bà Nga cũng an phận, nghĩ bên trong chỉ có sách và tài liệu của công ty nên không mảy may nghi ngờ ông Sơn. Bà bấm điện thoại gọi cho Kim Huệ theo bản năng của một người mẹ đang ngóng chờ tin con. Bỗng…tiếng chuông trong phòng sách đổ lên liên hồi, không hiểu sao, tim bà lại đập thình thịch. Bà liếc ngang liếc dọc, thấy xung quanh không có ai và nghĩ ông Sơn đang nằm nghỉ trong phòng, nên đánh liều mở cửa bước vào.
Cạch..!!!
Bà Nga vừa bước vào bên trong, chợt sững người khi thấy ông Sơn đang cầm điện thoại nghe máy, ánh mắt bà bối rối, cười xòa bảo:
-Tôi đi tìm mình mãi mà không thấy, thì ra mình ở đây.
Ông Sơn cúp máy đặt điện thoại lên bàn, nhìn vợ mình hỏi:
-Vừa có khách hàng gọi đến nên tôi bận nghe máy, bà tìm tôi có chuyện gì?
-Mình chuẩn bị đi, bố và anh hai mời cả nhà mình sang dùng cơm. Nghe đâu có khách vip gì đó bạn của bố tới thăm.
Ông Sơn ra vẻ quan tâm, song lại lảng đi chuyện khác, hỏi bà Nga:
-Còn chuyện của Kim Huệ, bên cảnh sát đã có tin gì chưa? Mà kể ra cũng lạ, nó vẫn đăng hình lên facebook, vậy mà người thân gọi lại cấm bắt máy.
Bà Nga buồn rầu đáp:
-Phía cảnh sát họ vẫn chưa có tin gì!
-Được rồi, mình cũng đừng buồn quá mà ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chắc con bé mải chơi ở đâu chưa muốn về nhà thôi. Còn bây giờ mình về phòng chuẩn bị đi, lát xong việc tôi chở mấy mẹ con sang nhà ngoại.
Đợi bà Nga ra khỏi phòng, ông Sơn nhìn ra cửa cười nhếch môi. Ông ta cúi người xuống nhặt chiếc điện thoại của Kim Huệ cất vào ngăn kéo, và không quên tắt máy trước khi khoá tủ. Thực ra những story trên facebook của Kim Huệ, là do ông Sơn đăng cả, bởi hôm bắt cóc Kim Huệ ngay chính trong căn phòng này, chiếc điện thoại của cô cũng rơi vào tay ông ta. Khi nãy ông ta quên tắt máy nên khi bà Nga gọi đến nó đã đổ chuông. Song ông ta đã nhanh ý, lúc bà Nga vừa đẩy cửa bước vào cũng là lúc ông ta làm bộ nghe điện thoại của khách hàng gọi đến.
Và ông Sơn đã qua mặt bà Nga một cách suôn sẻ.
——
-Cậu chủ, cậu định đưa chú Lực đi theo thật sao?
Lâm Phong vừa chỉnh cà vạt cho thẳng, vừa đáp:
-Nếu đúng ông Sơn là A Ngưu, thì họ sẽ nhận ra huynh đệ của mình. Cháu chỉ giúp anh Kpang sớm lấy lại được ký ức đã bị mất.
Nhưng Lâm Phong không ngờ rằng, chính quyết định này của mình đã đẩy bản thân và vô tình đẩy cả ông Lực vào một trận chiến sống còn. Mà họ không thể ngờ mình đã bước một chân vào cánh cửa địa ngục.