Yểm Mạng

Chương 35



Bình thường, thân thủ của Ý An đã khá nhanh nhẹn, những lúc trong tình hình cấp bách như hiện tại cô cũng hiểu rằng bản thân mình không thể chậm chạp.

Ý An biết, vì không muốn đối phương có sự chuẩn bị, nên lần phản công này có phần vội vàng gấp rút. Ý An càng không thể để bọn chúng tiếp cận đến gần ông ngoại của mình, bởi khi đó không chỉ bản thân cô, mà ngay cả ông ngoại cũng sẽ gặp nguy hiểm.

Cô giật chiếc áo khoác treo trên tường, mặc luôn vào người, búi cao mái tóc cho gọn, xỏ vội đôi giày vải vào chân nhằm không phát ra tiếng động mỗi khi di chuyển, cũng là để ra đòn cho dễ.

Ý An nắm khúc gậy trong tay, mở cửa sau đi theo hướng phát ra tiếng động.

Giữa màn đêm đen kịt, ngoài những tiếng gió rít thổi qua tai, thì đằng xa vẫn phát ra tiếng động lạ của chùm ống bơ. Đây là cách Ý An bày ra, cứ vào mỗi chập tối cô đều căng sợi dây treo những ống bơ xung quanh nhà, cố định vào các gốc cây trong vườn. Mỗi khi có người lạ đột nhập, nếu họ không tinh mắt, và không thông thuộc đường đi thì đảm bảo sẽ chạm phải sợi dây Ý An căng, tiếng động cũng vì thế mà phát ra, báo hiệu cho chủ nhà biết.

Bột nhiên có tiếng người thì thầm nói chuyện:

– Những thứ này là cái khỉ gì thế? Mẹ kiếp, đám trẻ ranh này chúng nó nghịch thật, căng dây kiểu gì mà tao càng gỡ càng rối.

– Mày im mồm đi không, bật đèn lên mà gỡ. Coi chừng là bẫy đó, con nhỏ này nó biết võ công, đừng có xem thường nó.

Gã kia nói:

– Bộ mày điên chắc, đi bắt người mà mở đèn? Mày cúi xuống gỡ dùm tao đi, xử lý con nhỏ kia xong, nơi này tao sẽ phóng hoả.

Ý An nghe thấy, cô đưa tay lên bịt miệng mình, tí nữa thốt ra tiếng động. Thì ra bọn chúng không chỉ đến đây giết mình, mà còn muốn phóng hỏa đốt nhà, xem ra không cần khách sáo với bọn chúng.

Cô lùi lại phía sau, đưa tay lên nắm sợi dây tòng teng ngay trên đỉnh đầu. Ý An vẫn nhìn không chớp mắt vào bóng dáng của hai gã bịt mặt, hai cái bóng đó vẫn nhấp nhô nhấc lên cúi xuống, đang nhanh chóng thực hiện một động tác có vẻ đơn giản, giống như các bà ngày xưa hay giã gạo, mà không phát ra tiếng động.

Bỗng vang lên một chuỗi âm thanh loảng xoảng, rồi gã kia nổi điên vung dao chém đứt sợi dây. Hắn nhếch môi cười, nhìn chăm chăm vào con dao trên tay mình, nói:

– Mình ngu quá, tay cầm con dao sắc bén vậy mà không nghĩ ra cắt nó từ sớm. Cứ cúi xuống lọ mọ gỡ dây, nhức hết cả lưng.

– Gỡ được chưa?

– Được rồi, đi thôi.

– Phải vào tóm nó bây giờ?

– Theo tao quan sát tình hình mấy ngày nay, thì hình như gian buồng mà con nhỏ kia ngủ, ở bên tay trái.

– Vậy chúng ta đi vòng ra phía sau, lúc mày cạy cửa đột nhập vào, tao sẽ đứng bên ngoài yểm trợ.

– Còn lão già kia?

– Lão ấy già rồi, chân tay chậm chạp, không đáng ngại. Khôn hồn thì đừng bước ra khỏi phòng, còn nếu làm vướng chân tay thì cứ gõ cho lão một cái, sống chết tuỳ số.

– Được, vậy chúng ta tiếp.

Bọn họ mò mẫm tìm lối tiếp cận ngôi nhà. Ý An canh bọn họ đi đến điểm thích hợp, cô nhanh tay nắm chặt sợi dây, kéo thật mạnh xuống, thình lình một khối gỗ tròn ngay phía trước mặt phóng ra vù vù với vận tốc kinh hoàng, nhanh đến nỗi bọn họ chỉ há hốc miệng chờ khối gỗ đập thẳng vào trán mình mà không kịp phản ứng.

– Á..thôi chết tôi rồi!

Bụp…vèo..vèo…một gã hét lên rần trời ngã uỵch xuống đất, đưa tay lên ôm trán hoa mắt đau đớn.

Khối gỗ bay qua tới bên này, đợi gã đồng bọn vừa ngoảnh đầu lại nhìn, Ý An đổi thao tác, nắm chặt sợi dây bên kia, giật mạnh một cái, ngay tức thì khối gỗ bay vù vù đến đập thẳng vào mặt gã. Hắn hét lên” Á…a..a..” đom đóm mắt lóe lên, đầu óc quay cuồng, loạng choạng ngã xuống đất cái” Thịch…!” Xương sống thốn như muốn gãy.

Lúc Ý An định lao ra dùng gậy gỗ khống chế bọn chúng, thì bất ngờ sau lưng cô một vệt sáng trắng hình lưỡi cung vụt đến, chém thẳng vào đầu cô, tính chẻ ra làm đôi kèm theo tiếng rít nặng nề. Song lưỡi dao trên tay hắn chém sượt xuống bả vai của Ý An, do đôi tai nhạy bén của cô đã mách bảo, sau lưng có nguy hiểm.

Vệt sáng trắng quét xuống bên phải, cắm phập vào thân cây mít, khiến gã kia mất đà bổ nhào xuống đất. Ý An xoay người lại, tung cước hét lên”A…” đạp hắn văng ra xa. Bấy giờ cô mới biết, vệt trắng sáng kia phát ra từ lưỡi dao trên tay gã, nó vẫn cắm chặt trong thân cây.

May mà cô né kịp thời, chứ nếu không đầu mình đã bị tách ra làm hai.

– Mấy người là ai? Tại sao nửa đêm nửa hôm vào nhà tôi có mục đích gì?

Bọn họ không đáp, lật đật đỡ nhau dậy, cả ba người họ nhìn nhau nháy mắt ra ám hiệu ngầm. Vào thời khắc cả ba gã định lao đến tấn công Ý An, bất ngờ phía sau có bóng người lom khom đi đến. Trên tay ông ấy là một chậu nước, không chần chờ tát thẳng vào người ba gã bịt mặt, làm cho cả ba người ngợm ướt nhẹp. Lảo đảo lùi lại phía sau theo bản năng.

Một gã ngước lên trừng mắt quát:

– Khốn kiếp, dám tạt nước vào người tao ư?

Ông Bân chỉ tay vào mặt bọn họ, quát mắng:

– Còn không mau cút ra khỏi đây? Hay muốn đợi tôi cho mấy người mồi lửa? Nước tôi vừa té vào người, nó không phải nước lã đâu nhé, mà là cồn đấy. Chỉ cần gặp lửa sẽ phát cháy.

Thấy tay ông Bân mở bật quẹt, cả ba gã mặt mày tái mét, chẳng ai bảo ai, cứ thế bỏ chạy thục mạng. Vừa chạy vừa chửi thề:” Hai người cứ chờ đấy, bọn này sẽ quay lại.” Ý An định đuổi theo, nhưng ông Bân lên tiếng ngăn cản.

– Con đừng có đuổi theo bọn chúng, vết thương trên tay con chưa khỏi hẳn, vẫn phải kiêng cữ động tay động chân, tránh vận động mạnh làm hở vết thương.

– Nhưng mà bọn họ….?

Ông Bân ngắt lời.

– Thôiiiii…vào nhà đi con. Khuya lắm rồi, nghỉ ngơi ngày mai còn đến trường.

Ý An đành nghe theo lời ông ngoại, lẽo đẽo theo sau tấm lưng còm cõi của ông, trở vào nhà.

Đợi ông Bân chốt cửa nẻo cẩn thận, Ý An mới lên tiếng dặn dò:

– Ông ngoại, con tưởng ngoại đã ngủ say. Lúc ngoại đi ra tạt nước vào bọn chúng, làm con hết hồn. Lần sau ngoại đừng ra ngoài ban đêm nữa, khi nãy con nghe bọn chúng nói sẽ tới đây làm phiền chúng ta nữa. Ngoại cần gì cứ kêu con, con dậy làm thay cho ngoại.

Ông Bân cười khà khà, nói với cháu:

– Ba gã này hôm qua ngoại thấy bọn họ rình rập ở ngoài cổng, đoán họ không phải người đoàng hoàng, kiểu gì cũng có chuyện, nên hai đêm nay ngoại cứ thấp thỏm trong lo âu, ngủ không yên giấc. Cuối cùng những suy đoán của ngoại xảy ra thật, bọn chúng ra tay đêm nay.

Nói đến đây ông Bân nhíu mày, hỏi Ý An.

– Mà này, mấy hôm nay cháu lại đi gây sự với người ta hay sao, mà để bọn họ kết thù tìm đến tận nhà?

Ý An ngúng nguẩy, mặt mày bí xị, đáp:

– Kìa ngoạiii…con làm gì dám chọc ghẹo ai bên ngoài, mấy hôm nay tay con đau mà ngoại. Hơn nữa sắp thi rồi, con chỉ chăm chú vào chuyện học hành thôi ngoại à.

Ông Bân thở dài xua tay.

– Tính khí con bốc đồng lắm, ngoại nuôi con từ bé đến bằng này chẳng nhẽ ngoại lại không hiểu tính nết con ra sao. Chắc con chưa quên năm cấp một con đấm sưng môi một bạn học trong lớp, chỉ vì con bé ghẹo con là không có cha mẹ.

Ông Bân đứng dậy, hối thúc:

– Thôi con đi nghỉ đi, ngoại chỉ muốn nhắc con làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả. Ngoại già rồi, nếu con có làm sao ngoại nhắm mắt không yên lòng.

Ý An buồn bã trông theo những bước đi của ngoại, vẻ mặt ưu tư hiện rõ trên gương mặt ông khiến cô dâng lên cảm xúc có lỗi trong lòng. Song cô lại không thể thốt thành lời, dù là một câu xin lỗi trân thành.
——
Sáng hôm sau, Ý An đẩy xe hàng ra chợ cho ông ngoại, dọn hàng xong cô định đến trường thì ông Bân ngoắc Ý An lại bảo:

– Ý An, lại đây, lại đây ông biểu.

Ý An mỉm cười, đôi mắt long lanh nhìn ngoại hỏi:

– Ông ngoại, ông cần con giúp gì nữa không ạ? Vẫn còn sớm chưa tới giờ học.

Ông Bân cười khà khà, gói cho cô cháu gái hai nắm xôi đùm vào lá chuối và dặn.

– Con cầm lấy mà ăn, nhớ chia cho Châu Anh một gói. Lần trước cháu chẳng bảo Châu Anh khen xôi ngoại nấu ngon còn gì. Nói con bé, này ngoại cho.

– Ngoại cho con tiền ăn sáng, con vẫn còn. Con lấy một gói xôi thôi, đem cho Châu Anh, còn gói này để cho ngoại bán.

Ông Bân xua xua tay:

– Hôm nay cháu cứ cầm lấy cho ngoại vui. À mà, tóc tai rối hết cả rồi, lại đây ngoại chải đầu cho.

Đôi mắt Ý An đỏ hoe như muốn khóc, song cô cố ngăn dòng nước mắt để nó không trào ra. Ý An ngồi xuống chiếc ghế, ông Bân ở đằng sau vuốt nhẹ mái tóc của Ý An nắm cho gọn. Lấy một sợi dây cột tóc mình mới mua, chìa ra trước mặt Ý An hỏi:

– Ngoại mua tặng con đấy, sắp đến sinh nhật con rồi, ngoại muốn con luôn vui vẻ lạc quan. Ngoại không cho con được một cuộc sống sung túc đầy đủ giàu sang, nhưng ngoại hứa sẽ cho con một cái nghề. Ngoại sẽ cố gắng nuôi con ăn học thành tài, để không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ con dưới suối vàng.

Vừa nói, ông Bân vừa cột tóc cho Ý An, ông thấy con bé rơm rớm nước mắt, ông cười xòa bảo:” Ôi cái con bé này, mười mấy năm ngoại vẫn chải tóc cho con, tại sao bây giờ lại khóc? Thôi cháu đi học đi, kẻo trễ học bây giờ.”

Ý An cắn chặt đôi môi, ngăn không cho tiếng khóc thành tiếng, cổ họng cô nghẹn đắng, sống mũi cay cay, ráng nuốt cơn xúc động vào trong bụng.

Bà bán bún ngồi kế bên thấy vậy, cười bảo:” Nhất bác Bân đấy nhé, có cô cháu gái vừa xinh, vừa học giỏi, chăm ngoan lại có hiếu. Ai như cái thằng Toản nhà em, hơn hai mươi tuổi đầu mà cứ lông bông, chẳng chịu tu trí làm ăn.”

Ông Bân nghe xong trong lòng cảm thấy vui lắm, bao năm nay nếu không nhờ có Ý An bên cạnh, thì cuộc đời ông cũng buồn bã hiu quạnh lúc tuổi xế chiều.

Ý An gật đầu chào bà bán bún, cô đạp xe thẳng đến trường, trong lòng lâng lâng vui mừng khôn xiết.
………………

– Ê! Cậu hứa kể cho mình nghe, tới nay gần một tuần rồi đấy cô nương. Còn nữa, trả cậu cái này.

Ý An vừa đi đến cổng trường, chưa kịp dắt xe để vào bãi, thì Phát chạy tới kéo xe cô lại cằn nhằn.

Ý An ngạc nhiên khi Phát dúi lại phong bì bên trong có 200 nghìn của mình đưa cho Phát hôm bữa. Cô hỏi:

– Ủa, đây là tiền công của cậu cơ mà. Cậu cầm lấy đi, làm như vậy mình ngại lắm.

Phát hừ mũi, nói:

– Thôi đi cô nương, tiền ăn sáng của cô, thằng này đâu dám nhận. Quân tử có thể nhịn đói chứ không muốn nhìn thấy nữ nhân héo úa chỉ vì bao tử trống rỗng.

Ý An bĩu môi:

– Bộ cậu xem phim cổ trang nhiều quá hay sao mà hễ nói chuyện cứ nữ nhân với chẳng quân tử.

Phát cười he he, trả lời:

– Ờ thì nhiễm tí cũng chả sao mà, thà nghiện phim cổ trang còn hơn nghiện ba thứ bậy bạ khác. Mà này, sang bên kia uống nước ăn sáng với mình, mình mời. Kể mình nghe thử xem thực ra đầu đuôi mọi chuyện nó ra làm sao? mấy hôm nay mình bận việc nhà,cũng quên phéng đi mất.

Ý An nhìn đồng hồ, vẫn còn 30 phút nữa mới đến giờ đánh trống. Hôm nay cô đi sớm hơn mọi khi, vì muốn kiểm tra tổ quét lớp.

– Ừ, mình có xôi rồi, cậu gọi thì gọi thức ăn cho mình cậu thôi nhé.

– Ờ, được rồi, biết rồi, cậu khó tính như ma mình hiểu mà. Không ăn sáng thì thôi, uống ly nước cam cho đẹp da. Có khi còn nhanh có người yêu í. Ha ha…

Ý An dừng chân, quắc mắt lườm Phát, nhăn mặt nói:

– Cậu nói gì cơ? Ai khó tính như ma hả?

Phát quay lại, thấy mặt Ý An đỏ phừng phừng vì giận mình, cậu chẹp lưỡi:

– Thôi mình xin lỗi, tại cái miệng này không biết ăn nói khéo léo đã làm cậu giận. Con gái các cậu khó hiểu thật đấy.

Ý An thôi không lườm nưa, toan bước đi tiếp thì Lâm Phong đi đến, nắm tay cô kéo lại, khiến Ý An mất đà đổ cả người nằm gọn trong vòng tay của Lâm Phong.

Lâm Phong nét mặt không vui, nói:

– Bằng đây đã nói chuyện yêu đương ư? Còn chưa dậy thì xong không lo học hành đã lo chuyện bao đồng rồi? Từ nay, cậu đừng có dụ dỗ cô ấy nữa nhé, tôi sẽ trừng phạt bất kể kẻ nào dám đến ve vãn em. Và sức chịu đựng của tôi chỉ có giới hạn.

Nói đoạn…Lâm Phong cúi xuống nhìn gương mặt thơ ngây của Ý An đang đỏ ửng lên vì mắc cỡ, tự dưng trong lòng thấy vui vui khó tả. Ánh mắt ấy, và cả đôi môi căng mọng trên gương mặt thanh tú này, nó bỗng làm tim cậu đập loạn xạ. Một thứ giác kỳ lạ mà từ trước đến bây giờ cậu chưa hề có.

– Chú..chú…

Lâm Phong nhún vai, thái độ tỉnh bơ nói chặn họng Ý An:

– Chú cái gì mà chú? Từ nay tôi cấm em gọi tôi bằng chú, gọi anh xưng em nghe chưa?

Không chỉ có Ý An, mà ngay cả Phát và rất nhiều bạn học trong trường khi chứng kiến cảnh này họ ồ lên reo hò. Đứa tranh thủ quay video, đứa móc điện thoại ra chụp ảnh, đứa thì ghen tỵ bĩu môi nói Ý An là đứa con gái hư hỏng. Song Lâm Phong lại một lần nữa lên tiếng khẳng định, khiến cả đám học sinh cấp ba vây quanh đấy, há hốc miệng ngạc nhiên.

– Từ hôm nay, từ giờ phút này, Phan Ý An là người con gái của Nguyễn Lâm Phong tôi. Nếu bất cứ chàng trai nào muốn tranh giành cô gái này với tôi, thì hãy bước qua xác của Lâm Phong này.

Ý An vùng dậy, nhấc một chân đạp vào giày của Lâm Phong, khiến cậu buông tay khỏi người cô, nhảy cẫng lên nhăn nhó đau đớn.

– Ai là người của chú hả? Chú đừng ở đây nói chuyện xằng bậy. Tôi không là người của ai hết, chú đừng có nằm mơ.

Lâm Phong mặt mày nhăn nhó, nói:

– Ôi cái con bé này, ương bướng thật.

Ý An quay sang hối Phát:

– Mình vào lớp thôi Phát, cuối tuần rảnh chúng ta nói chuyện.

– Ừ, như vậy cũng được. Thời gian bị ông chú này cướp đi cả rồi, phí thật.

Lâm Phong nhìn theo nói:

– Cậu bảo ai ông chú thế? Cứ liệu hồn với tôi đấy. Không nghe lời cảnh báo thì đừng trách tôi.

Đám học sinh ồ lên cười lắc lẻ, họ tản ra rồi vội vàng chạy vào lớp khi tiếng trống trường vang lên” Tùng…tùng..tùng..”

Tư Minh bước đến trước mặt Lâm Phong, cậu phì cười khi thấy Lâm Phong giận đến nỗi mặt đỏ như quả gấc. Khều tay Lâm Phong, ghẹo.

– Trời đất ơi anh tôi, diễn kịch thôi mà anh có cần tỏ ra nghiêm túc như vậy không? He he he he…

Lâm Phong xốc lại cổ áo, hừ một tiếng quay vào xe đóng sầm cửa, mãi một lúc sau mới nói:

– Đi thôi.

– Anh còn chưa trả lời câu hỏi của em. Đừng nói anh đã rung động trước vẻ đẹp mong manh của cô ấy rồi nhé? Mà thích thì cũng có làm sao đâu, trông cô bé đó khá xinh, lại còn ngoan ngoãn lễ phép. Có điều phải chờ kết luận ADN trước đã. Khi đó, anh yêu cũng chưa muộn.

Lời nói của Tư Minh như ngàn vạn cây kim đâm vào tim cậu. Cậu cảm thấy nó nhói đau, song lại không biết vì sao cậu lại có những cảm xúc nhất thời vội vã. Trong lúc này, cậu mâu thuẫn suy nghĩ của mình, khi mà đôi lúc cậu mong kết quả xét nghiệm cô ấy không phải là Tuyết Mai, cô cháu gái thất lạc của mình. Mặt khác cậu lại mong đó là Tuyết Mai, chỉ có tìm được con bé, những ngày tháng sau này cậu sẽ bù đắp cho nó bằng tình yêu thương của mình, như vậy cậu mới thấy lòng nhẹ nhõm.

Lâm Phong đưa sợi tóc cho Tư Minh, dặn dò:

– Đây là tóc tôi lấy được từ trên người cô ấy. Ngày mai cậu đến bệnh viện kiểm tra xem sao, nhớ bảo họ làm nhanh nhanh một chút.

Tư Minh đưa túi bóng cho Lâm Phong thả sợi tóc vào trong, cậu gật gù đáp:

– Vâng, ngày mai em sẽ đem đến bệnh viện, nhờ người ta kiểm tra.
——
Màn đêm buông, ánh trăng yếu ớt không đủ soi sáng cho bầu trời đêm đen kịt. Bà Nguyệt bước xuống xe, tâm trạng vô cùng phấn khích. Bà chậm rãi đẩy cửa bước vào,đám đàn em lập tức hô lớn” Bà chủ, bà vừa đến.” Bà Nguyệt ậm ừ, quét ánh mắt nhìn xung quanh khắp căn nhà một lượt, thấy mọi chuyện được đám đàn em lo xong đâu đấy, bà gật gù ưng bụng.

– Các cậu làm tốt lắm, tôi sẽ thưởng hậu hĩnh khi xong việc.

Ngoài những đôi mắt nhìn bà nể phục, thì có hai cặp mắt toát lên vẻ sợ hãi kể từ khi bà bước chân vào đây. Bà Nguyệt bước đến trước mặt một gã, bóp cằm nâng mặt hắn hếch lên, gằn giọng hỏi:

– Hắn là một trong những gã chạy mô tô đuổi theo tôi hồi sáng có phải không?

Gã đàn em đáp:

– Vâng , chính là bọn nó đấy thưa bà chủ.

Bà Nguyệt lại nhích lên phía trước một bước, nắm cằm một gã trai đang run rẩy sợ hãi, ánh mắt cúi gằm xuống chân, chạy trốn khỏi những tia nhìn sắc lạnh của bà Nguyệt, mỗi khi bà ấy nhìn mình.

– Còn đây, nhân viên của công ty chúng ta? Cậu có biết tôi cho người áp giải cậu đến đây, là vì việc hay không?

Gã nhân viên run cầm cập như cầy sấy, bất ngờ tiếng bà Nguyệt quát lớn khiến hắn xém đái ra quần.

– Nói mau, ai sai cậu làm việc? Ai là người đứng sau cậu giật dây, sai cậu trà trộn vào công ty tôi có mục đích gì?

Gã lắp bắp đáp:

– Bà chủ..không có ai sai tôi cả, là tôi tự tìm đến nộp hồ sơ xin việc vào công ty. Bà chủ quên rồi sao, bà chính là chính là người phỏng vấn tôi đấy bà chủ ạ.

Bà Nguyệt cười nhếch môi, khẽ hất hàm ra hiệu cho đám đàn em của mình làm theo kế hoạch. Khi đám đàn em của bà Nguyệt vừa cưỡng chế nắm tay gã nhân viên úp lên bàn. Thì bất ngờ, bà Nguyệt quay phắt lại, rút con dao nhọn cài ở lưng quần của gã đàn em, lao đến trợn mắt nhìn gã nhân viên, không một chút thương xót do dự, đâm phập con dao lên mu bàn tay của anh ta. Nghiến răng trừng mắt nói.

– Đối với những kẻ phản chủ, trong mắt tôi chỉ có một con đường chết.

Sau câu nói, bà Nguyệt nhấn thêm một cái thật mạnh, khiến con dao cắm ngập trong mu bàn tay. Máu me be bét chảy ra lênh láng, nhiễu qua những kẽ hở trên mặt bàn, chảy tong tong xuống đất.

Hắn thét lên đau đớn như chó thiến, luôn miệng van xin:

– Tôi sai rồi, tôi sai rồi, xin bà chủ tha mạng, xin bà chủ nương tay tha mạng.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner