Nụ cười trên môi bà Nguyệt vội tắt, khi bà nhớ lại lời phán của ông Lực hôm họ gặp nhau ở bệnh viện.Sắc mặt bà không vui mỗi khi nhớ đến chuyện đó, nếu đúng là sự thật, thì chẳng nhẽ vụ “ Thế Mạng” năm xưa ông thầy kia làm cho bà, nó lại không hiệu quả? Hai ông thầy hai lời phán khác nhau, ai mới đáng tin? Ai mới là thầy giỏi? Trong thâm tâm của bà ấy bây giờ rất mâu thuẫn, nửa muốn tin nửa không muốn tin. Song cho dù ai đúng đi chăng nữa, thì bà Nguyệt quyết không chịu ngồi yên một chỗ, nhìn sự sống của cô con gái mà bà hết mực yêu thương, chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Bà Nguyệt nói với Gia Huy.
– Cậu mướn cho tôi vài người làm được việc, bảo họ đến nhà Ý An, âm thầm bảo vệ hai ông cháu họ. Nhớ là phải âm thầm mà làm, đừng có lộ liễu kẻo bọn chúng đánh hơi thấy.
Gia Huy đáp:
– Tôi nghĩ chưa cần thiết đâu thưa bà chủ, vì cậu Lâm Phong đã cho người lén theo dõi và bảo vệ họ rồi ạ.
Bà Nguyệt khẽ cau mày, nghĩ trong giây lát rồi ậm ừ nói tiếp.
– Vậy còn vụ tập đoàn Hoàng Hữu thì sao rồi? Tôi muốn nó sụp đổ càng nhanh càng tốt. Bảo bọn họ trong vòng một tháng nếu như người đứng đầu tập đoàn Hoàng Hữu không bị bắt, thì đừng có vác mặt đến đây lấy tiền công.
Gia Huy:
– Họ không chỉ là tập đoàn lớn, mà hậu thuẫn sau lưng họ cũng không hề tầm thường. Bà chủ, chúng ta đang trong thế lấy trứng chọi đá, nếu chỉ dựa vào tài liệu trốn thuế, làm ăn phi pháp, mua chuộc quan chức thì e rằng bọn họ có thể tẩy trắng hoàn toàn. Những kẻ còn lại cũng sẽ không chịu ở yên, thấy mình bị chìm dần.
Bà Nguyệt cười nhếch môi, nói:
– Cậu lo gì, tôi đã tính toán đâu vào đấy. Con người tôi xưa nay nếu không nắm chắc phần thắng trong tay, thì tôi sẽ không hành động. Mà nếu đã hành động thì không cho phép mình tham sống sợ chết. Cậu hãy gửi những tài liệu phạm tội đồng loã và những cuộc ăn chơi sa đọa thâu đêm của bọn họ đến từng người cho tôi, bảo họ nếu còn dám nhúng tay vào chuyện này, thì không những bản thân mình sẽ thân bại danh liệt,mà đến người nhà của họ sống cũng không được yên thân. Bọn họ có những cái đầu rất thông minh, xem xong ắt biết bản thân mình sẽ phải làm gì.
Gia Huy nhận chiếc usb trên tay bà Nguyệt, gật đầu nói:
– Vâng, tôi sẽ cho người đi làm ngay thưa bà.
Gia Huy xin phép cáo lui, cậu vừa mới quay đi được vài bước thì bị bà Nguyệt gọi lại:
– Gia Huy, còn chuyện này nữa.
– Vâng, còn chuyện gì bà chủ cần tôi làm xin cứ nói.
– Cũng không có gì, tôi chỉ muốn hỏi về những vụ án mất tích xảy ra gần đây trên địa bàn thành phố, và cả những vụ án giết người dã man, bên phía truyên thông hay cảnh sát có tiết lộ đăng tin gì không? Đã tìm ra hung thủ chưa?
Gia Huy nói:
– Dạ chưa bà chủ ạ. Người của mình báo lại, bên phía cảnh sát vẫn cho người đi điều tra, song hung thủ không hề để lại bằng chứng gì. Nhưng nạn nhân mất tích đa số là phụ nữ mang thai, hoặc tuổi đời đang là vị thành niên và trẻ con. Số nạn nhân mất tích tính đến nay là hơn 10 người, bị giết thảm 1 người và một người bị tấn công nhưng may mắn thoát nạn.
– Nạn nhân thoát nạn có phải là cháu gái nhà họ Hoàng ?
– Vâng, đúng là như vậy thưa bà chủ.
Bà Nguyệt cười trừ, nói:
– Xem ra con bé đó cũng may mắn thật. Chỉ tiếc oán nghiệt đời trước gây ra quá lớn, khiến thế hệ sau phải gánh nghiệp còng lưng, thậm chí có người sẽ phải trả nghiệp thay tổ tiên bằng chính mạng sống của mình. Thật đáng tiếc….
– Đáng ngạc nhiên trong vụ cháu gái nhà họ Hoàng được thoát nạn, chính là bầy chó săn của cảnh sát đột nhiên phát bệnh dại, song bọn chúng không tấn công, chỉ đứng im gầm gừ, nhúc nhích được vài bước loạng choạng đi không vững rồi đồng loạt lăn ra chết. Mẫu xét nghiệm nước bọt của bên pháp y cũng kết luận bọn chúng bị nhiễm vi rút bệnh dại, chỉ có điều không hiểu vì sao bọn chúng lại không tấn công?
Nghe tới điều này bà Nguyệt cũng cảm thấy hơi kỳ lạ. Xưa nay loài chó một khi phát điên thì chúng nó rất hung hăng tấn công người trước mặt. Đằng này phát dại lại chỉ đứng im, có nhúc nhích cũng khó khăn không vững.
– Chẳng nhẽ bầy chó bị Hàn Trùng trong truyền thuyết?
Bà Nguyệt nói không rõ, làm cho Gia Huy nghe câu được câu mất, cậu không hiểu ý bà chủ muốn nói gì. Mấy lần cậu toan hỏi lại nhưng rồi lại thôi. Cậu xin phép ra về, trước giờ Gia Huy hiểu rất rõ tác phong làm việc của bà Nguyệt. Bà ấy là người có thù báo thù, có ân báo ân, ai đối xử sao bà ấy đáp trả lại y như vậy, công tư rõ ràng, tuy vài ba việc cũng không được lương thiện cho lắm, song bà Nguyệt lại chưa một lần dồn ai vào con đường chết. Đó là lý do vì sao cậu vẫn một lòng trung thành với bà Nguyệt cho đến tận bây giờ.
Bà Nguyệt đứng bên cạnh cửa sổ, ánh mắt nhìn xa xăm vào thành phố. Đôi mắt bà cay cay hai hàng lệ khẽ tuôn trào. Bỗng hai bàn tay bà Nguyệt siết chặt, hàm răng nghiến vào nhau,đôi vai mảnh mai run lên vì hận, miệng rít lên:” Những gì năm xưa ông gây ra cho gia đình tôi, tôi sẽ bắt các người phải trả giá đắt gấp ngàn lần. Có như vậy các người mới thấm được nỗi đau thế nào là gia đình tan nát. Cứ chờ đấy..hừm!..” khoé môi bà Nguyệt khẽ cong lên, ánh mắt hằn lên tia giận dữ.
——
– Này các cậu, vậy là hôm nay chúng ta đã thi xong học kỳ, sắp được nghỉ hè rồi. Tiện đây Kiều xin có đôi lời muốn nói với lớp.
Cả lớp nhao nhao nhìn lên bục giảng chỗ Kiều đứng, rồi lại nhìn nhau xì xầm bàn tán không biết Kiều muốn nói gì. Kiều đứng trên nghiêm mặt nhìn xuống, cô giơ hai tay lên cao, nói lớn tiếng cố át đi ồn ào.
– Các cậu muốn nghe mình nói, thì phải giữ trật tự, mình mới nói được chứ.
Song không hiểu vì sao, ngữ khí của Kiều có chút gì đó giống như ra lệnh. Cả lớp bớt đi tiếng ồn, răm rắp ngồi xuống. Khung cảnh lặng phắc.
Chỉ riêng có Phát hành động ngược lại đám đông. Cậu chậm rãi bước đến chỗ bàn Ý An, chống tay xuống bàn, khom cong người ghé sát vào tai Ý An thì thầm:” Con nhỏ này hôm nay nó lại dở quẻ gì thế? Chẳng phải vừa mới nói thi xong muốn để tâm trạng cả lớp thoải mái hay sao?”
Ý An nói cũng rất khẽ:”Ờ thì đúng là như vậy, nhưng mà thôi, mình ngồi im lắng nghe xem bạn ấy muốn nói gì.”
Phát nhấc mặt mình ra khỏi tai Ý An, nhún vai bĩu môi gật đầu:” Được thôi, dù sao mấy ngày nay mình cũng đang buồn bực chân tay khi mà bị bố mẹ giam lỏng ở nhà ôn thi. Xong vụ thi cử, mình khao hai bạn một chầu ăn uống ở quán bar nổi tiếng nhất trong thành phố này nhé. Đến hôm ấy hai cậu đừng có mà từ chối.”
Châu Anh huých trỏ tay vào mạng sườn Ý An, nhỏ giọng nói:” Ê này! Nghe cậu ấy nói cũng hấp dẫn đấy. Mình cũng chưa từng đến đó bao giờ. Nghe nói trong ấy tụ tập nhiều dân chơi khét tiếng, lại còn vui nữa.”
Ý An nghiêm mặt nhìn cô bạn, nói:” Bộ cậu muốn đến đó thật sao? Nơi đấy rất phức tạp và nhiều cám dỗ, cậu hãy cẩn thận.”
Châu Anh mỉm cười, nói tiếp:” Nói thì nói vậy thôi, nhưng nghe đâu họ không cho trẻ vị thành niên vào quán. Muốn vào phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân, còn không phải có người lớn bảo lãnh. Xem ra kèo này có thơm nhưng không hợp với bọn mình thiệt rồi.”
Phát nhìn hai cô bạn học nói chuyện than vãn với nhau thì bật cười thành tiếng, cậu xua tay trấn an:” Ơi xời! Hai cậu cứ lo bò trắng răng. Đến hôm đó mình sẽ chỉ cách để chúng ta qua mặt được đám bảo kê. Okay chưa hai cô nương?”
– Có yên lặng thì không bảo? Các cậu không thấy bạn Kiều của chúng ta nói khản cổ ở trên kia hay sao? Thật đúng chẳng có tí phép lịch sự nào?
Lời của Phát vừa dứt, tiếng quát của Sương ở sau lưng làm cậu giật mình, xoay người nhìn Sương hậm hực. Song Phát không nói gì, cậu biết nhỏ Sương vốn là một đứa đanh đá, lẻo mép, còn già mồm. Loại con gái như Sương cậu không muốn dây dưa, không phải vì sợ mà vì ngại phiền phức. Chỉ cần nói lại cô ta một câu thôi, nó sẽ cằn nhằn cả ngày bên tai, chưa kể Sương còn ôm cục tức rồi để bụng, ra nhiều chiêu quái gở trả đũa. Rất nhiều cô cậu trong lớp, hay cả trong ở ngôi trường này đã tỏ ra không hài lòng với cách cư xử của Sương, có vài lần phản bác lại song hậu quả họ phải lãnh dở khóc dở cười. Phát đút hai tay vào túi quần, vừa đi nghênh ngang về chỗ, vừa huýt sáo như thể trêu ngươi Sương. Còn Sương nhìn Phát chằm chằm, lườm cậu bạn học chung lớp muốn lé con mắt.
Kiều nói tiếp:
– Lớp chúng ta như đã hoàn thành xong kỳ thi cuối cấp. Vụ đi tham quan hè năm nay lớp mình vẫn chưa có điểm đến, vậy chúng ta tổ chức tham quan đi trải nghiệm ở đồi chè một chuyến trên Thái Nguyên có được không? Chúng ta sẽ thuê khách sạn ngủ nghỉ trên đó.
Cả lớp thi nhau bàn tán sau câu nói của Kiều. Nhắc đến sẽ ăn ngủ tại khách sạn, một số bạn do gia cảnh khó khăn nên từ chối. Nhưng Kiều lại nói tiếp.
– Các cậu đừng lo vụ đóng tiền phòng khách sạn, ông ngoại mình có quen biết chủ nhân căn biệt thự nổi tiếng đó, nên anh ấy đã đồng ý cho chúng ta ăn ở free phòng mấy ngày đi tham quan. Các cậu thấy thế nào?
Kiều nói đến đây cả lớp đồng loạt hét lên vỗ tay rào rào, họ vui mừng khôn xiết, vừa được đi chơi, lại được ăn uống ngủ nghỉ miễn phí thì có ai lại không thích? Trong lúc Kiều phổ biến thêm cho chuyến đi, thì Sương là người đi ghi danh sách những bạn đăng ký tham gia.
Phía góc lớp có Đình và Khải không lên tiếng. Khải mặt mày ủ rũ tâm trạng cậu không được tốt lắm do vừa phải trải qua nỗi đau mất cha. Đình thấu hiểu tâm trạng của Khải, cậu lên tiếng bảo:
– Này! Đi đi, biết đâu sau chuyến đi tâm trạng cậu khá hơn.
Khải buồn bã nói:
– Thực sự mình không còn tâm trạng cho bất cứ chuyện gì trong thời gian này.
– Mình biết, nhưng cậu như vậy mãi bố cậu có sống lại được không? Cậu không nghĩ cho bản thân thì cũng phải nghĩ cho mẹ cậu nữa chứ? Bác ấy còn mình cậu làm chỗ dựa tình thần, cậu suy sụp, bác gái phải làm sao?
Đình nói rất đúng, sau khi bố cậu là ông Hào qua đời đột ngột thì mẹ cậu là người đau buồn nhất. Lo xong đám tang cho bố, mẹ cậu cũng nằm bẹp trên giường, lúc nào cũng ôm gối khóc cơm nước chẳng buồn ăn. Mới có gần một tuần mà nhìn bà gầy sọp đi trông thấy, hai mắt thâm đen hốc hác vì thiếu ngủ.
Khải thở dài, nói:
– Ừ, đi thì đi. Cũng mong mình sẽ có cái nhìn khác về cuộc sống, và nghĩ tích cực hơn trong mọi chuyện.
Đình vỗ vỗ vào vai Khải, cười xòa:
– Có vậy chứ, để mình bảo cái Sương ghi tên hai chúng mình vào danh sách.
Khải ngồi thì lì không buồn đáp lại lời cậu bạn. Ngồi tựa lưng vào tường, ánh mắt nhìn xa xăm vào khoảng hư không buồn thiu.
Ý An luôn có dự cảm không tốt cho chuyến đi, nhưng cô lại không biết rõ dự cảm xấu đó là gì? Chỉ biết, sau khi tô xong hai bức tranh của Châu Anh vẽ, thì tâm trạng cô luôn cảm thấy bất an. Châu Anh đứng phắt dậy, giơ tay lên cao nói rõ to khiến cả lớp im lặng hướng ánh mắt đổ dồn về phía cô.
– Cho mình đăng ký hai suất nhé. Một của mình và một cho Ý An.
Do phản ứng của Châu Anh quá nhanh nên Ý An cản không kịp, cô níu cánh tay Châu Anh giật giật, kéo cô bạn ngồi xuống, nhưng vẫn chậm hơn Sương một bước.
Sương vừa ghi chép vừa nói:
– Okay! Lớp mình có thêm hai bạn Đặng Châu Anh và Phan Ý An. Còn ai nữa không để mình ghi luôn chốt danh sách, bọn mình còn liên hệ nhà xe và đặt phòng khách sạn. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ mời cả cô chủ nhiệm lớp và các thầy cô dạy bộ môn. Nếu thầy cô đi cùng thì sẽ vui hơn.
Cả lớp vỗ tay tán thành.
– Nếu Châu Anh và Ý An đi, thì mình cũng đăng ký một slot.
Sương liếc ánh mắt xuống nhìn Phát, bĩu môi buông lời trêu ghẹo.
– Chà chà…quỷ tử nhà cái bang hôm nay cũng biết sống hòa đồng đấy nhỉ? Hay cậu đang thầm thương trộm nhớ hai cô bạn học trong lớp? Này mình khuyên, tán ai tán một cô thôi nhé, bắt cá nhiều tay coi chừng bị đánh ghen đấy.
Nói xong Sương còn liếc mắt để ý thái độ của Châu Anh và Ý An xem họ có phản ứng gì không? Châu Anh định lên tiếng xong bị Ý An cản. Bởi cô biết, từ lâu họ xem hai người là cái gai trong mắt muốn nhổ bỏ, chỉ cần hành xử bồng bột một chút, sẽ tạo cơ hội cho họ làm tới.
Ý An nói rất khẽ, đủ Châu Anh nghe.
– Cậu mặc kệ bạn ấy đi, chúng ta không nên đeo thêm phiền phức. Mình định sẽ không đi, nhưng nếu bạn và Phát đã đăng ký thì mình sẽ đi cùng.
Châu Anh mở to đôi mắt tròn xoe, vui mừng hỏi:
– Cậu nói thiệt không Ý An? Nếu vậy chúng ta sẽ đăng ký một phòng. Về tiền bạc đi lại cậu khỏi lo, mẹ mình có nói nếu hè này bọn mình đi chơi theo lớp, mẹ sẽ chuẩn bị tiền cho cả hai đứa. Chiều mình ghé nhà cậu, xin phép ông ngoại dùm cậu nhé. Lâu rồi mình cũng không sang thăm ông, có mình nói đỡ cho cậu một tiếng, ngoại chắc yên tâm mà cho cậu đi.
Ý An nét mặt luôn tỏ ra lo lắng, nhìn Châu Anh hỏi:
– Có thật là cậu muốn đi đến đó trải nghiệm hay không? Cậu suy nghĩ kỹ chưa?
Châu Anh cảm thấy cô bạn mình hôm nay nói chuyện như người lớn, bèn đáp:
– Chao ôi, xem kìa, cách cậu nói chuyện y chang bà cụ non. Nói mình biết đi, cậu và Pháp hôm bữa hẹn gặp riêng nhau bàn tính chuyện gì? Có thể kể mình nghe được không? Tự dưng mình trở thành người tối cổ, bị gạt sang một bên, cảm giác mình hơi lạc lõng đấy Ý An.
Nghe Châu Anh nói Ý An hơi bối rối, vốn dĩ cô không định nói ra chuyện những bức tranh cho Châu Anh nghe, vì dù sao trong bốn bức tranh cô ấy vẽ, chỉ có một bức trùng hợp với hiện trường vụ án, đó là hôm Thảo Vy gặp nạn. Bức tranh đầu tiên và hai bức tranh Châu Anh mới vẽ ngày hôm qua, vẫn chưa biết chính xác nó nằm ở đâu. Và những gì được mô phỏng theo bức tranh, liệu nó có xảy ra giống như vụ của Thảo Vy gặp nạn hay không? Hay đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nghĩ vậy thôi, nói gì thì nói, trước sau gì cũng phải nói cho Châu Anh biết, không thể giấu cậu ấy mãi.
– Lát nữa tan học, cậu theo mình và Phát ra quán nước ngồi, mình sẽ kể cho bạn nghe tất cả.
Châu Anh nhíu mày khi thấy thái độ của Ý An có vẻ quan trọng trong từng câu nói. Châu Anh hỏi nhỏ:
– Bộ có chuyện gì nghiêm trọng hay sao Ý An? Cậu đừng làm mình lo.
Ý An vỗ tay cô bạn thân, mỉm cười nói.
– Đấy, thấy chưa? Nhìn cậu kìa, chưa gì đã lo xoắn hết cả lên. Đó là lý do mình và Phát muôn giấu cậu chuyện này đợi thi cử xong mới cho cậu biết.
Châu Anh trách yêu:
– Cậu cũng thiệt tình, có mới nới cũ. Từ bao giờ mình lại là kẻ đến sau lão Phát thế?
Nói đến đây cả hai nhìn nhau cười lắc lẻ, hành động của họ lọt vào tầm ngắm của Kiều. Cô đang lườm Ý An và Châu Anh, nghĩ thầm trong đầu:” Mày khá lắm Phan Ý An, không những giúp con nhỏ kia sống hoà đồng, còn dám tranh giành anh Lâm Phong với tao? Mày cứ đợi đi, để xem trong chuyến đi lần này, tao xử đẹp và cho mày bẽ mặt nhục nhã như thế nào?” Nghĩ xong Kiều quay đi, thái độ khác hẳn lúc nãy, cười nói vui vẻ với các bạn trong lớp.
Mỹ Trang vẫn ngồi im đọc sách không lên tiếng một câu. Mắt cô chăm chú vào những trang truyện tranh mình yêu thích, kệ cho chị mình là Mỹ Kiều muốn làm gì thì làm. Kể từ hôm tự ý đi vào phòng đọc sách của bố, thái độ của Mỹ Trang trầm lắng hẳn, cô ít nói, lầm lì cả ngày, hễ nói chuyện hay gắt gỏng và thích ngồi trước gương hằng giờ, chỉ để trang điểm, chải tóc, ngắm mình trong gương. Bà Nga có đôi lần trông thấy vậy thì chỉ nghĩ do Mỹ Trang đang trong độ tuổi dậy thì, nên muốn xí xọn chút cũng không sao. Bởi lòng bà còn đang nóng như lửa đốt, khi phía công an vẫn chưa hề tìm ra tung tích của con gái bà, Kim Huệ.
Giữa đám đông ồn ào, Kiều đi xuống chỗ bàn học, lấy ra một xấp thiệp mời trịnh trọng nói:
– Trước khi lớp mình đi chơi, ngày mốt đến sinh nhật mình và Mỹ Trang. Hai chị em mình trân trọng mời cả lớp tối hôm ấy đến nhà mình dự sinh nhật của hai chị em mình nhé. Bọn mình không cần quà cáp gì đâu, mình biết một số bạn ngại sẽ không đến vì lấn cấn vụ quà cáp. Sinh nhật lần này bố mẹ mình tổ chức lớn, ngoài các cậu ra bố mẹ còn mời đối tác làm ăn, tối hôm đó chúng ta vui chơi thỏa thích, vui là chính, quà cáp hai chị em mình không màng. Vì bọn mình cũng chẳng thiếu thứ gì, các cậu tới đủ chung vui là món quà lớn nhất đối với Kiều và Trang.
Vừa nói, Kiều vừa đi phát thiệp mời cho từng người. Trông vẻ mặt kiêu ngạo của Kiều làm Phát thấy tởm. Cậu nghĩ bụng” Thường ngày con nhỏ này ăn nói hỗn láo, chảnh choẹ, vậy chẳng hiểu sao hôm nay có bài phát biểu đi vào lòng người như thế? Đúng là sự khéo léo luôn che khuất bản tính thật của con người, chả biết đâu mà lần.”
Mọi người đang nói cười vui vẻ thì đột nhiên phía ngoài hành lang có tiếng nhốn nháo và tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch. Cả lớp nhìn ra thấy khung cảnh hỗn loạn ngoài kia thì lấy làm ngạc nhiên, một cậu bạn trong lớp tò mò chạy ra cửa, kéo một cô nữ sinh lại và hỏi:
– Này em, trường mình có chuyện gì mà hỗn loạn vậy?
Cô nữ sinh hồi hộp đáp:
– Anh chưa biết gì sao? Trên sân thượng của trường có học sinh khoá lớp 12 đang tính nhảy lầu tự tử kìa. Thầy cô giáo ngăn cản không cho ai lên xem sợ làm chị ấy thêm phần kích động mà nhảy xuống. Bọn em đành xuống sân xem vậy.
Nói dứt câu cô nữ sinh đó ùa chạy theo đám đông. Cả lớp lúc này nháo nhác ùa ra cửa, chen lấn xô đẩy chạy xuống sân trường hóng tình hình vụ nữ sinh định nhảy lầu.
Phát chạy đến chỗ Châu Anh và Ý An, gấp gáp nói:
– Đi thôi các cậu, xem tình hình thế nào?
Ý An cản:
– Mình đừng hùa theo họ, bọn mình nên tìm cách giúp thầy cô đưa chị ấy xuống. Nhưng là ai mới được cơ chứ? Trường mình trước giờ chưa xảy ra chuyện đau lòng nào như thế này.