Sự Thật Cuối Cùng

Chương 1



Tại trường đại học, các giảng viên chẳng quan tâm đến chuyện bạn nợ môn, cúp học hay bay lắc ở mấy quán bar.

Bọn họ chỉ để ý đến việc bạn có chết trong trường hay không mà thôi.

Rất nhiều trường đại học mang đến cảm giác “năm tháng tĩnh lặng” với người ngoài, nhưng ẩn giấu bên trong là những tấm màn đen chẳng cho ai thấy.

Tại một trường Đại học Truyền thông ở vùng hạ du của một con sông dài, có một sinh viên đã chết trong ngôi trường ấy.

Tôi không thể nói cụ thể tên trường vì trường học đã đưa tiền để bịt miệng chúng tôi, ngoài ra, họ còn dùng việc tốt nghiệp để ép chúng tôi ngậm miệng.

Bây giờ tôi đã tốt nghiệp rất nhiều năm rồi, thế nên, tôi muốn kể chuyện đó ra.

Tôi sẽ cố gắng không đưa cảm xúc cá nhân vào câu chuyện, chỉ nói những việc mắt thấy tai nghe mà thôi.

Tôi có quan hệ khá tốt với cậu bạn đã khuất kia, làm gì cũng gọi cậu ta đi cùng. Lý do tôi kể lại chuyện này là để khôi phục sự thật, bởi vì câu chuyện này… Có hai bản.

Câu chuyện mà đám sinh viên vẫn truyền miệng cho đến tận bây giờ là bản không hoàn chỉnh.

Những cái tên được dùng trong câu chuyện đều là tên giả, xin đừng kiểm tra, cũng đừng tìm căn nguyên hay nguồn gốc.

1.

Khi vừa nhập học, tất cả sinh viên năm nhất đều phải làm bài kiểm tra tâm ký, câu hỏi cuối cùng chính là “Bạn/Gia đình có tiền sử bệnh tâm thần không?”

Bình thường thì ai cũng sẽ điền thông tin thật vào đó. Sau này chúng tôi có hỏi giảng viên, người bạn tự sát kia cũng điền thông tin thật.

Cậu ấy bị trầm cảm mức độ trung bình.

Chúng ta hãy gọi cậu ấy là “Bí Ẩn” nhé, đây cũng là biệt danh mà đám chung phòng ký túc xá bọn tôi đặt cho cậu ấy.

Biệt danh đó không phải là để bắt nạt hay chê cười cậu ấy, bởi vì ai cũng có biệt danh. Mọi người cũng hiểu đám sinh viên nam luôn thích pha trò mà.

2

Trong phòng ký túc xá, chúng tôi phát hiện Bí Ẩn hay uống thuốc, sau này chúng tôi mới biết thuốc đó gọi là Paroxetine, chuyên trị trầm cảm.

Có mười viên Paroxetine trong mỗi vỉ thuốc, giữa mỗi viên lại có khe nhỏ có thể bẻ ra. Chúng tôi thấy Bí Ẩn thường uống một viên rưỡi mỗi lần uống.

Khi đó là học kỳ hai của năm nhất, tôi trở về phòng sau tiết tự học buổi tối thì không nhìn thấy Bí Ẩn mà chỉ thấy một vỉ thuốc đã hết trên bàn của cậu ấy.

Bây giờ mỗi lần nhớ lại chuyện này, tôi cùng mấy người bạn trong ký túc xá vẫn còn phân vân lắm. Một là Bí Ẩn đã uống hết cả vỉ thuốc đó vào tối hôm ấy, còn hai là cậu ấy đã uống rất nhiều thuốc và tình cờ hết vào tối ấy mà thôi.

Nói đến đây, chắc mọi người cũng đoán được, cậu bạn Bí Ẩn đã tự sát kia là bạn cùng phòng tôi.

3

Một phòng có bốn người, ba người chúng tôi một lớp, còn Bí Ẩn học lớp khác, cho nên bình thường chúng tôi chẳng rõ tình hình của cậu ấy lắm.

Chỉ biết cậu ấy học rất giỏi, mới học kỳ hai năm nhất mà cậu ấy đã là Đảng viên dự bị, còn được nhận xét rất tốt nữa.

Quan trọng là cậu ấy khá đẹp trai, không phải kiểu đẹp trai ngời ngời đến lóa mắt, mà là rất ưa nhìn. Sau khi học xong năm hai tôi mới biết, kiểu đẹp trai đó gọi là mặt mũi cân đối.

Trừ việc không thích nói chuyện thì cậu ấy là một người toàn vẹn.

Nhưng cậu ấy chẳng có bạn bè, trừ việc ở cùng chúng tôi thì cậu ấy luôn lủi thủi một mình.

Chủ nhật cũng đi sớm về trễ, thậm chí có lúc còn không về phòng.

Chúng tôi từng hỏi cậu ấy đi đâu, nhưng cậu ấy không nói cho chúng tôi biết, chỉ cười chua xót: “Đi làm.”

Chúng tôi biết gia cảnh của cậu ấy chẳng mấy khá giả, hơn nữa cậu ấy còn phải uống thuốc nên chi phí sinh hoạt thường không đủ dùng. Vì vậy cậu ấy thường đi làm thêm, trong kỳ học thì đến căn tin phụ giúp, sau kỳ học thì đi làm gia sư.

Cho nên anh em trong phòng chúng tôi rất chu đáo với cậu ấy.

4

Hôm đó là thứ Sáu, hơn mười một giờ khuya mà cậu ấy vẫn chưa về phòng.

Mười giờ là ký túc xá đã đóng cổng rồi, mười một giờ thì chẳng ra vào được nữa.

Chúng tôi đều cho rằng hôm nay cậu ấy lại đi dạy kèm cho người ta.

Vì là thứ Sáu nên ngày mai không có tiết học, ai cũng muốn ngủ nướng. Cho nên chúng tôi không khóa cửa, nếu Bí Ẩn quay về thì có thể tự vào phòng, tránh đánh thức đám chúng tôi.

Sau đó mọi người lên giường đi ngủ, vừa nằm xuống là đã thiếp đi ngay. Dù sao đám con trai thích vận động như chúng tôi đều ngủ rất ngon mà.

Ngày hôm sau.

Một thành viên trong phòng buồn đi vệ sinh nên tỉnh giấc, cậu ta mơ màng bước xuống giường dựa vào cảm giác chứ chẳng buồn mở mắt, sau đó cậu ta mang dép rồi đi vào phòng vệ sinh, khi bả vai đụng phải cái gì đó, cậu ta cũng chẳng thèm quan tâm vì quá mệt mỏi.

Sau khi “xả lũ” xong, cậu ta quay về theo đường cũ, và lần này lại tiếp tục đụng phải cái gì đó.

Cậu ta vừa mới đi vệ sinh nên đã tỉnh táo hơn một chút, thế là cậu ta mở mắt ra nhìn thứ mình vừa đụng phải.

Nào ngờ vừa nhìn thì cậu ta đã sợ đến mức đụng ngã chiếc ghế và tủ giày ở bên cạnh.

“A!”

Chúng tôi tỉnh giấc vì tiếng hét ấy.

“Sao vậy?”

Tôi vừa hỏi xong đã chạm mắt với Bí Ẩn đang treo người ở giữa phòng.

Khi đó, xác của cậu ấy lơ lửng trên không trung, đúng lúc hướng sang phía tôi, con ngươi trượn ngược, tròng trắng hướng thẳng sang chỗ tôi, lưỡi thè ra ngoài.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác khi ấy.

Đầu óc tôi trống rỗng, trái tim thắt chặt, cả người run rẩy, hô hấp không thông, suýt thì ngạt thở đến chết.

Chúng tôi thấy Bí Ẩn treo cổ dưới quạt trần.

Mọi người hãy tưởng tượng, chúng tôi tới đây để học, vậy mà bạn cùng phòng lại tự sát. Có lẽ cậu ấy đã lặng lẽ treo cổ trong lúc chúng tôi đang ngủ say.

Mấu chốt là cậu ấy còn chết bên cạnh chúng tôi nữa chứ.

Cảm giác không rét mà run đó, bây giờ nhớ lại vẫn khiến tôi sợ chết khiếp.

Chúng tôi vẫn luôn suy đoán cách chết của Bí Ẩn.

Có lẽ rạng sáng hôm đó, khi chúng tôi chìm vào giấc ngủ sâu thì cậu ấy trở về phòng, tìm sợi dây rồi luồn qua chiếc móc sắt dùng để treo quạt tường, sau đó thắt nút lại…

5

Chúng tôi vội vàng mặc quần áo tử tế, không dám động vào hiện trường.

Tôi cùng một cậu bạn ra ngoài gọi quản lý ký túc xá, người còn lại thì chịu trách nhiệm không để đám sinh viên khác tiến vào, tiện thể gọi điện thông báo với giáo viên hướng dẫn.

Dọc đường đi, luôn có bạn học tới hỏi chúng tôi:

“Có người chết hả? Thật luôn hả?”

“Nghe nói là treo cổ, thật hay giả vậy?”

Mặc dù bình thường tôi hay nói mấy từ linh tinh như “chết” hay “giết chết” gì đấy, nhưng khi thật sự thấy người chết, tôi cũng biết sợ chứ.

Cho nên chúng tôi giữ kín như bưng, chẳng dám mở miệng nói cái gì cả.

Gặp người quen tới hỏi thì tôi sẽ hùng hùng hổ hổ mắng họ: “Nếu nhắc đến mấy chuyện ch.ế.t chóc thì câm miệng lại ngay! Tích đức chút đi!”

Chúng tôi chạy đi tìm dì quản lý ký túc xá rồi nói với bà ấy chuyện xảy ra.

Dì quản ký nghe xong thì bị dọa sợ, tay run run trước ngực, không muốn đi theo chúng tôi mà cứ trốn Đông trốn Tây.

Đến khi thầy giáo hướng dẫn tới, bà ấy mới miễn cưỡng đi cùng chúng tôi.

Kết quả là sau khi giáo viên hướng dẫn nhìn thấy hiện trường, thầy ấy bảo chuyện này quá lớn nên gọi lãnh đạo tới, lãnh đạo nhìn hiện trường rồi lại gọi lãnh đạo lớn hơn.

Cuối cùng, Hiệu trưởng, Thư ký Hiệu trưởng và cả Thư ký của khoa cũng tới.

Hiệu trưởng hỏi chúng tôi: “Chưa nói chuyện này với người khác chứ?”

Tôi lắc đầu.

“Không có ạ, em liên lạc với giáo viên hướng dẫn đầu tiên.”

Hiệu trưởng gật đầu.

“Làm đúng rồi đấy.”

Sau đó, Hiệu trưởng cùng Trưởng ban hậu cần cùng vào phòng ngủ, còn Thư ký của khoa và Thư ký Hiệu trưởng dẫn chúng tôi ra hành lang, bắt đầu hỏi thăm.

6

Thư ký của khoa: “Chết lúc nào?”

Tôi: “Không biết nữa ạ, hôm qua bọn em ngủ lúc mười một giờ, sáng nay thì phát hiện cậu ấy… chết rồi.”

Thư ký của khoa: “Một người lớn treo cổ bên cạnh ba em mà cả ba em đều không chú ý sao?”

Một bạn cùng phòng đáp: “Bọn em ngủ như chết, có biết gì đâu ạ.”

Thư ký của khoa: “Không phải ba đứa ghét em ấy nên giết em ấy đấy chứ?”

Tôi nghe xong thì giận đến mức la to: “Thầy đừng có mà xúc phạm người ta! Quan hệ giữa chúng em tốt lắm!”

Thư ký Hiệu trưởng cũng nói với Thư ký khoa: “Thầy Vương, thái độ làm việc nghiêm túc một chút, sao lại tùy tiện nghi ngờ nhân phẩm của học sinh trường mình như thế?”

Sau đó, Thư ký Hiệu trưởng lại hỏi chúng tôi: “Tối qua em ấy cũng ở trong phòng ký túc xá chứ?”

Tôi đáp: “Không ạ. Tối hôm qua chúng em đi ngủ lúc mười một giờ, khi đó cậu ấy vẫn chưa về phòng. Chúng em có gọi điện thoại và gửi tin nhắn nhưng cậu ấy không trả lời. Chúng em lo sáng mai cậu ấy về sớm nên không khóa cửa.”

Nói xong, tôi đưa lịch sử cuộc gọi và tin nhắn cho Thư ký Hiệu trưởng xem.

Người nọ lấy điện thoại di động của tôi, không chỉ xem tin nhắn của ngày hôm qua mà còn xem của mấy ngày trước nữa.

Nhưng cũng chẳng có gì để kiểm tra, lịch sử tin nhắn mấy ngày trước chỉ toàn là mấy nội dung linh tinh như mang cơm, mang nước, khi về nhớ bật đèn,…

Thư ký Hiệu trưởng cảm thấy chẳng có gì quan trọng nên trả điện thoại lại cho tôi, sau đó lại hỏi: “Em ấy có tình huống đặc biệt nào không?”

Tôi đáp: “Cậu ấy không học cùng lớp với bọn em, quan hệ với bạn bè trong lớp cũng không tốt. Cậu ấy còn uống thuốc nữa, chính là loại thuốc trên bàn kia ạ.”

Thư ký khoa nghe thế thì vào phòng, chưa tới một phút đã đi ra, thầy ấy nói với Thư ký Hiệu trưởng: “Paroxetine, là thuốc trị trầm cảm, sinh viên này bị trầm cảm.”

Thư ký Hiệu trưởng nghe xong thì giống như âm thầm đưa ra quyết định, thế rồi hai người nọ nhìn nhau gật đầu.

Thư ký khoa nói: “Bị tự kỷ nên tự sát cũng dễ hiểu.”

Thư ký Hiệu trưởng nói với chúng tôi: “Các em sẽ chuyển sang phòng khác, tạm thời không được động tới phòng này. Lát nữa cảnh sát đến đây, họ hỏi cái gì thì các em cứ trả lời như vừa nãy nhé.”

Chúng tôi biết cậu ấy bị trầm cảm thì kinh ngạc lắm, nhưng nhiều hơn là cảm giác nhẹ nhõm vì rốt cuộc cũng rửa sạch hiềm nghi.

Cơ mà, nghĩ tới nghĩ lui tôi lại thấy sợ.

Đã hơn một tiếng kể từ khi chúng tôi phát hiện xác của Bí Ẩn, vậy mà cậu ấy vẫn còn treo lơ lửng trong phòng, chẳng ai nghĩ tới việc đưa cậu ấy xuống cả.

7

Đúng lúc này, Hiệu trưởng và Trưởng ban hậu cần cũng ra ngoài với sắc mặt không tốt lắm. Hiệu trưởng liếc nhìn thư ký: “Có phải nên báo với cảnh sát không?”

Thư ký Hiệu trưởng gật đầu: “Vâng. Chúng ta đi xem camera giám sát trước, không có vấn đề gì thì báo cho cảnh sát.”

Thú thật, tôi cảm thấy vô cùng khinh bỉ lúc nghe thấy đoạn đối thoại này.

Chẳng trách chỉ cần có người tới kiểm tra camera thì bọn họ lại nói camera bị hỏng, đang sửa chữa.

Sợ là họ đã cắt bỏ nội dung trong camera từ trước, không có gì để đưa cho người ta xem nên mới phải nói dối như vậy.

Sau đó, Hiệu trưởng, Trưởng ban hậu cần, trưởng ban bảo vệ, Thư ký Hiệu trưởng và giáo viên hướng dẫn, tổng cộng năm người đến phòng giám sát cùng chúng tôi.

Mấy vị lãnh đạo còn lại đi làm gì thì tôi chẳng biết.

Tuy bây giờ là ban ngày, nhưng nội dung của camera đã để lại cho mỗi người chúng tôi ấn tượng không thể xóa nhòa…

8

Nơi theo dõi camera giám sát của ký túc xá nam nằm ở phòng quản lý.

Lãnh đạo để dì quản lý xem xét các đoạn camera.

Sau đó, chúng tôi thấy trên màn hình, vào lúc 2 giờ sáng, Bí Ẩn xuất hiện tại cuối hành lang.

Cậu ấy đi tới cửa phòng, mới vừa đặt tay lên trên cửa thì hình ảnh dừng lại.

Lúc đầu dì quản lý còn tưởng mình chạm nhầm nút tạm ngừng, nhưng sau đó mọi người phát hiện dòng thời gian bên phải màn hình vẫn đang chạy.

Không phải hình ảnh bị ngừng, mà là Bí Ẩn vẫn không nhúc nhích.

Thế là dì quản lý nhấn vào nút tua nhanh.

Hai phút sau, hành lang tối đen như mực, nhưng camera có chức năng quan sát ban đêm nên chúng tôi vẫn thấy rõ hành động của Bí Ẩn.

Cậu ấy vẫn đứng im như trước, khoảng năm phút sau, cậu ấy mới từ từ buông tay khỏi cửa. Tiếp đến, cậu ấy lấy điện thoại di động ra, lướt một chút rồi lại cất vào trong túi.

Cuối cùng, cậu ấy không vào phòng mà xoay người đi.

9

Dì quản lý điều khiển các camera theo hướng đi của Bí Ẩn.

Nhưng rồi, hình ảnh kế tiếp vô cùng quỷ dị.

Suốt khoảng thời gian từ hai đến ba giờ sáng, Bí Ẩn cứ đi qua đi lại trên hành lang của ký túc xá.

Từ tầng năm xuống tầng ba, rồi từ tầng ba xuống tầng dưới cùng.

Đêm đã khuya, các sinh viên đều đã đủ.

Cậu ấy như u hồn du đãng giữa các tầng lầu.

Đèn cảm ứng tắt rồi sáng, sáng rồi lại tắt.

Có lúc cậu ấy sẽ ngồi xuống khóc thút thít, có lúc lại tìm đến cửa sổ giữa cầu thang, nhìn xuống khung cảnh phía dưới, sau đó sợ hãi rụt người về rồi lại ngồi xuống đất khóc lóc.

Trong khung ảnh trắng đen của camera, chúng tôi đứng xem từ đầu tới cuối.

Trong lòng trĩu nặng chẳng thể diễn tả bằng lời.

Hình ảnh trong camera như bức tranh sơn dầu đáng sợ được vẽ bằng chì đen.

10

Sau đó…

Trong camera, Bí Ẩn đi tới tầng thượng, sau vài phút ngắn ngủi thoát khỏi góc nhìn của camera, cậu ấy lại xuất hiện trong khung hình.

Lúc này đây, cậu ấy đi tới cạnh tường, leo lên lan can rồi nhìn xuống dưới.

Tôi có thể nhận ra cậu ấy muốn nhảy xuống, nhưng cũng cảm giác được cậu ấy đang sợ.

Cậu ấy đứng tại chỗ thực hiện động tác lấy đà nhảy xa, cứ vài lượt như vậy, nhưng cuối cùng vẫn không thể nhảy xuống.

Có lẽ cậu ấy sợ rơi xuống thì sẽ biến thành đống thịt lẫn lộn mất thôi.

Rồi cậu ấy bỏ tay vào túi, sau đó lấy ra một bó dây ni lông, tuy hình ảnh trong camera không rõ lắm, nhưng đó hẳn là sợi dây mà cậu ấy dùng để tự tử.

Bí Ẩn như đã đưa ra quyết định, cậu ấy xoay người xuống tầng dưới, xông thẳng đến tầng năm.

Lần này, cậu ấy đi tới trước cửa phòng rồi đẩy cửa tiến vào chẳng chút do dự.

Sau đó, cậu ấy không còn ra ngoài nữa…

11

Hình ảnh suốt hai tiếng rút gọn chỉ còn mười lăm phút.

Nhưng mười lăm phút ngắn ngủi ấy lại đè nén cảm xúc của những người có mặt tại đây.

Sắc mặt của Hiệu trưởng khó coi nhất, ông ta than thở: “Hầy, có lẽ vẫn chưa làm tốt việc giáo dục sức khỏe về tinh thần cho các bạn. Bạn học này trù trừ hơn hai tiếng, nhưng cuối cùng vẫn quyết định kết thúc cuộc đời mình.”

Tôi cũng cảm thấy chua xót: “Lúc cậu ấy quyết định tự sát, hẳn là đã tuyệt vọng lắm.”

12

Sau khi cảnh sát vào cuộc, sự kiện này nhanh chóng được dẹp yên. Kết luận đưa ra chính là: Người bị trầm cảm tự sát.

Nhà trường cũng bắt đầu thực hiện các công tác quan hệ xã hội.

Trong trường thì chèn ép các sinh viên thảo luận về chuyện này.

Bên ngoài thì lợi dụng sức ảnh hưởng của trường, hạn chế đưa chuyện này lên các phương tiện truyền thông.

Ba người chúng tôi viết báo cáo xong thì nghỉ học hai ngày để phối hợp điều tra với cảnh sát.

Nói là phối hợp điều tra chứ thật ra cảnh sát cũng không xem trọng chuyện này cho lắm.

Bọn họ chỉ xác nhận Bí Ẩn là người mắc bệnh trầm cảm, đồng thời điều tra các mối quan hệ của cậu ấy, nghe nói còn kiểm tra cả điện thoại di động nữa.

Có điều điện thoại di động nằm trong túi áo của cậu ấy đã bị cài đặt về mặc định, cho nên cảnh sát chẳng tra ra được manh mối hữu dụng nào thông qua nó.

Thế là họ dứt khoát kết hợp với báo cáo pháp y, kết luận đây là một vụ tự sát.

Trưởng ban hậu cần nói với chúng tôi: “Hiện tại các em không thể ở phòng này được, vào dọn dẹp đồ đạc rồi đến phòng trống ở tầng ba đi.”

“Vâng ạ.”

Trường ban hậu cần vừa định đi, nhưng nghĩ tới điều gì đó nên quay lại nói với chúng tôi: “Trong quá trình khám xét, cảnh sát đã tìm thấy máy sấy tóc, ấm đun nước và âm đạo giả, âm đạo giả có tận hai cái.”

Tôi lập tức nhìn hai người sau lưng.

Bọn họ sợ đến rụt người lại.

Tôi không cần thứ đồ chơi đó, cho nên, tôi biết rõ chúng là của ai.

Trưởng ban hậu cần cũng là người sáng suốt, ông ấy nói với tôi: “Đồ trái phép thì sẽ bị tịch thu, nhưng lần này không xử phạt các cậu. Tôi còn chuyển 8000 tệ vào thẻ ăn của các cậu, từ nay về sau, các cậu đừng nhắc đến chuyện này nữa. Nếu còn nói về chuyện này thì các cậu sẽ phải trả lại số tiền kia, không những thế, trường học sẽ cho các cậu nghỉ học ngay lập tức.”

Chúng tôi chấp nhận với kết luận Bí Ẩn tự sát, cũng nhanh chóng chấp nhận điều kiện của trường học.

13

Sau đó, chúng tôi mang hành lý xuống tầng ba.

Trên đường đi, chúng tôi nhìn thấy ba mẹ của Bí Ẩn. Chỉ nhìn lướt qua cũng có thể đoán được họ đã lao động vất vả suốt cả đời mình, trông họ rất bình thường… là kiểu bình thường của những cô bác trung niên bình thường nhất trong khu chung cư.

Tôi thấy được nỗi tang thương khi mất người thân trên những gương mặt kham khổ ấy.

Cũng may nhà trường và cảnh sát đã bảo vệ thân phận cho chúng tôi, không để chúng tôi gặp ba mẹ của Bí Ẩn. Dĩ nhiên đây chỉ là lời khách sáo mà thôi, nguyên nhân thật sự chính là, nhà trường sợ chúng tôi sẽ nói những lời không nên nói với hai người nọ, nên họ mới không cho chúng tôi gặp nhau.

14

Một sinh viên mắc chứng tự kỷ, vì không thể thích ứng với môi trường đại học nên mới từ bỏ cuộc sống ngay trong phòng ký túc xá của mình.

Từ đó đến nay, đây chính là “phiên bản” được lưu hành khắp trường.

Đó cũng là phiên bản mà ai cũng hiểu, ngoại trừ tôi.

Thực tế thì, câu chuyện đó vẫn chưa kết thúc.

Phần tiếp theo của câu chuyện là một phiên bản khác chưa ai biết tới.

Có lẽ rất nhiều người sẽ hoài nghi độ chân thật của câu chuyện sau khi nghe nó.

Nhưng chỉ cần các bạn đọc một ít tin tức thì sẽ biết… chuyện khủng khiếp trong khuôn viên đại học… nhiều cỡ nào.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner