15.
Hai tuần sau khi chúng tôi dời sang tầng ba, cả đám chúng tôi vẫn chưa thể thoát khỏi ám ảnh từ chuyện kia.
Cho đến tận lúc này, chúng tôi vẫn không dám tắt đèn mỗi khi đi ngủ.
Không chỉ chúng tôi mà hơn nửa số phòng trong khu ký túc xá cũng chong đèn cả đêm.
Có người chết trong ký túc xá, lại còn treo cổ nữa chứ, ai mà không bàng hoàng cho được.
…
Sau khi tan học vào hôm thứ Sáu, nhân lúc trưa chẳng phải làm gì, tôi bèn về phòng lột đống bao gối ra để chuẩn bị mang đi giặt.
Nào ngờ tôi phát hiện một tờ giấy trong bao gối.
Trên tờ giấy ấy viết: Viên gạch trên cột thông gió thứ hai ở cửa Đông trên tầng thượng. 940821.
Lần cuối cùng tôi giặt bao gối là một tháng trước, khi đó, trong bao gối chẳng có mảnh giấy này.
Tôi suy tư trong chốc lát, có lẽ trước khi Bí Ẩn tự tử, cậu ấy đã nhét mảnh giấy vào gối của tôi.
Tôi tạm không nói chuyện này cho hai người kia biết, chờ bọn họ không có trong phòng thì lục lọi bao gối của họ.
Hai tên kia không giữ vệ sinh như tôi, hai học kỳ rồi mà họ chẳng thèm giặt bao gối, khiếp chết đi được.
Tôi lật qua lật lại vài lần thì đúng là trong đó chẳng có gì cả.
Thế nên tôi khẳng định, mảnh giấy kia được để lại cho mình.
Trên đó có viết địa chỉ, còn có cả dãy số ở phía sau.
Tôi biết dãy số kia có ý nghĩa gì, đó chính là ngày sinh của cậu ấy.
Vậy địa chỉ thì sao?
Tôi quyết định đi xem thử thế nào.
16
Tôi lên tầng thượng vào buổi chiều, nơi này đã bị khóa lại sau khi chuyện kia xảy ra, vì nhà trường sợ có học sinh nào đó sẽ nghĩ quẫn giống như vậy.
May mắn thay, nhà trường chưa kịp chặn cửa sổ bên cạnh lại.
Tôi trèo qua cửa sổ, sau đó tìm được vị trí được viết trong mảnh giấy.
Tôi phát hiện vị trí này chính là “điểm mù” của camera.
Khi đó Bí Ẩn dừng một lát ở điểm mù này, chẳng lẽ là giấu cái gì đó tại đây ư?
Tôi đi quanh cột thông gió một vòng rồi phát hiện có một viên gạch rất lỏng lẻo, chỉ cần rút nhẹ là đã lấy ra được rồi.
Dưới viên gạch đó là thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nông nghiệp.
Trên tấm thẻ toàn là bùn đất, thậm chí còn bốc mùi rồi.
Tôi vội rút tấm thẻ ra rồi giấu kỹ trong tay, sau đó chạy một mạch về phòng ký túc xá.
Lúc ấy tôi chẳng biết thẻ ngân hàng có thể rửa dưới nước được không, cho nên tôi đành cạo hết đống bùn bám trên thẻ trước, sau đó dùng khăn ướt lau chùi thật tỉ mỉ.
Tôi vui mừng nhìn tấm thẻ ngân hàng cùng ngày sinh trong mảnh giấy, bởi vì mọi chuyện được xâu chuỗi với nhau rồi.
Có lẽ ngày sinh này chính là mật khẩu của thẻ ngân hàng.
17
Nhân lúc không có ai, tôi tới cây ATM trong trường.
Sau khi đút thẻ vào, tôi nhận ra thẻ chưa bị hỏng, vẫn có thể dùng được.
Thế là tôi nhập ngày sinh của Bí Ẩn…
Quả nhiên là mật khẩu!
Tôi nhấn vào nút “Kiểm tra số dư”… Bên trong có đến hơn 47070 Nhân Dân Tệ*…
* Hơn 165 triệu VNĐ.
18
Tôi chẳng biết vì sao Bí Ẩn lại có nhiều tiền đến vậy.
Thế nên tôi ra ngoài trường, đến Ngân hàng Nông nghiệp để kiểm tra lịch sử giao dịch.
Đến lúc này tôi mới phát hiện, số tiền kia được chuyển vào thẻ theo từng đợt, mỗi đợt là 5000 tệ.
Tổng cộng có mười lần chuyển. Ngoài ra, trong thẻ còn có 1300 tệ tiền sinh hoạt mỗi tháng.
Tôi biết tháng nào Bí Ẩn cũng phải chi 700 tệ để mua thuốc, chi phí sinh hoạt chỉ còn lại 600 tệ mà thôi.
Có thể nhận ra, Bí Ẩn luôn tiết kiệm trong việc ăn uống.
19
Tôi thấy các lần chuyển khoản 5000 tệ rất có quy luật.
Thứ tự là:
Ngày 17, ngày 24 và ngày 31 tháng 3.
Ngày 7, ngày 14, ngày 21, ngày 28 tháng 4.
Ngày 5, ngày 12, ngày 19 tháng 5.
Tổng cộng mười lần chuyển tiền, lần gần nhất là ba tuần trước.
Tôi xem lịch thì nhận ra những ngày đó đều là Chủ nhật.
Lịch sử gửi tiền bị cắt vào đúng ngày Bí Ẩn tự vẫn.
Tôi càng cảm thấy nguyên cậu ấy tự sát không đơn giản chút nào.
20
Tôi muốn kiểm tra xem ai đã gửi tiền cho Bí Ẩn.
Tuy nhiên, thông tin tài khoản của người chuyển tiền không thể kiểm tra tại quầy dịch vụ được.
Chỉ có thể cầm căn cước đến quầy thì mới kiểm tra được thông tin đó.
Thế là, đầu mối đứt đoạn ở chỗ này.
Nhưng vẫn chưa hoàn toàn gãy lìa.
Thời gian gửi tiền rất gần với thời gian Bí Ẩn ra ngoài làm thêm mỗi tuần.
Cho nên, rất có thể số tiền này liên quan đến “việc làm thêm vào Chủ nhật” của Bí Ẩn.
Chắc chắn đó không phải là gia sư tại nhà, vì dạy kèm kiểu gì mà một tuần kiếm được tới 5000 tệ??
21
“Có phải Bí Ẩn làm chuyện… phạm pháp không nhỉ?”
Khi đó, tôi đã nghĩ như vậy.
22
“Việc gì mà có thể giúp sinh viên năm nhất kiếm được 5000 tệ trong một tuần?”
“Buôn thuốc phiện?” “Lừa gạt?” “Trộm cắp”?
Tôi càng nghĩ càng cảm thấy hoang đường.
23
Tôi rời khỏi ngân hàng rồi quay về ký túc xá, thế nhưng, tôi chẳng kể chuyện này cho bạn cùng phòng nghe.
Chẳng phải là tôi không tin bọn họ, tôi chỉ không muốn chuyện Bí Ẩn làm bị nhiều người biết mà thôi.
Có lẽ đó là chuyện rất mờ ám.
Bí Ẩn đã qua đời, không nên để danh tiếng của cậu ấy càng tệ thêm nữa.
24
Đầu tháng Sáu, năm đại học đầu tiên sắp kết thúc rồi.
Giảng viên các khoa đã giao nhiệm vụ kiểm tra đánh giá cuối kỳ, bài kiểm tra của ngành chúng tôi còn yêu cầu nghiêm khắc hơn các ngành khác, thế nên đám chúng tôi tụ tập trong phòng, bận rộn không thôi.
Bài tập của đại học không nhất thiết phải do mình tự làm, có thể tìm bạn bè có kinh nghiệm giúp một tay cũng được.
Nói thật, ba người chúng tôi không phải kiểu người thích học, nên trước kia chúng tôi hay nhờ Bí Ẩn giúp đỡ.
Tuy chúng tôi không học cùng chuyên ngành, nhưng cậu ấy thông minh sáng dạ, độ chính xác khi làm bài cao vô cùng.
Không ngờ thứ đầu tiên khiến chúng tôi nhớ đến cậu ấy lại là những ngày tháng cậu ấy giải bài tập giúp chúng tôi.
Nhắc tới cũng trùng hợp thật, nói đến đây, tôi lại liên tưởng tới một manh mối.
Có một hôm, Bí Ẩn có tiết học, còn chúng tôi thì không.
Bí Ẩn quên mang máy tính, nhưng cậu ấy lại cần một tài liệu trong đó, thế nên cậu ấy gọi điện thoại nhờ tôi chuyển cho cậu ấy.
Khi đó, cậu ấy đã gửi mật khẩu để mở máy tính cho tôi.
Cũng chính mật khẩu ấy đã giúp tôi có cách tiếp tục đuổi theo sự thật.
25
Trong cuộc sống, có rất nhiều người đặt mật khẩu theo thói quen, chính là kiểu đặt mật khẩu màn hình điện thoại, QQ hay WeChat giống hệt nhau đó!
Bây giờ tôi biết mật khẩu mở máy tính, thì tôi có thể dựa vào đó để mở WeChat và QQ của cậu ấy.
Tôi ôm suy nghĩ đó mở QQ ra, sau đó tìm QQ của Bí Ẩn, rồi lục lại được mật khẩu máy tính mà cậu ấy đã gửi cho tôi khi trước.
Tôi thử dùng điện thoại đăng nhập vào QQ của Bí Ẩn, kết quả là… thành công một cách dễ dàng.
26
Thông tin QQ đều được đồng bộ trên Cloud, vậy nên tôi có thể kiểm tra lịch sử trò chuyện trong nháy mắt.
Nhưng cậu ấy không đăng ký hội viên, lịch sử trò chuyện chỉ được lưu giữ trong vòng một tháng mà thôi, nhưng như thế cũng đủ rồi.
Sau khi đọc lịch sử trò chuyện, tôi không khỏi cảm thán, Bí Ẩn không hổ là Bí Ẩn.
Đối tượng trò chuyện trên QQ chẳng có mấy người, cậu ấy cũng không nói chuyện trong nhóm lớp, đừng nói là manh mối, ngay cả một ít thông tin riêng tư cũng chẳng tìm được.
Tôi biết, đối với cậu ấy, QQ không quan trọng.
Cho nên tôi định tập trung vào WeChat, một ứng dụng có tính bảo mật cao hơn.
27
Tôi đăng nhập vào WeChat theo cách cũ.
Kết quả… Lại thành công!
28
Sau khi đăng nhập thành công còn phải xác minh danh tính.
Ở đây có ba lựa chọn.
“Quét mã QR để xác minh.”
“Nhờ bạn bè hỗ trợ xác minh”
Và “Xác minh bằng tin nhắn”.
Hiển nhiên, cách thứ nhất và cách thứ ba không ổn lắm, chỉ có cách thứ hai là tốt nhất.
Hai cậu bạn trong phòng cũng là bạn bè trên WeChat của Bí Ẩn, thế nên tôi có thể thực hiện cách thứ hai dễ như trở bàn tay.
Tôi mượn điện thoại di động của bọn họ rồi hoàn thành các bước xác minh. Trước khi trả lại cho hai người kia, tôi đã xóa toàn bộ lịch sử hỗ trợ.
29
Sau khi thực hiện một loạt quy trình, tôi đăng nhập vào WeChat của Bí Ẩn thành công.
Ứng dụng WeChat khác hoàn toàn với QQ, lịch sử trò chuyện không được lưu trữ trong Cloud mà chỉ lưu lại trong điện thoại ban đầu của người dùng.
Bởi vậy, dù tôi đã đăng nhập thành công thì trong đó cũng chẳng có cuộc trò chuyện nào.
Muốn xem lịch sử trò chuyện thì chỉ có thể dùng điện thoại di động của Bí Ẩn mà thôi.
Nhưng cảnh sát đã nói, điện thoại của Bí Ẩn đã bị cài về mặc định.
Điện thoại di động của cậu ấy cũng chẳng còn lịch sử trò chuyện.
Nhưng tôi chẳng tức giận vì điều ấy, bởi vì tôi biết rõ, ngoài điện thoại thì máy tính của cậu ấy cũng cài ứng dụng WeChat.
Những tin nhắn kia sẽ được đồng bộ với máy tính.
30
Máy tính của Bí Ẩn đã được ba mẹ cậu ấy mang về nhà.
Thành thật mà nói, nếu không phải khi đó tôi quá muốn biết đáp án của câu chuyện này thì có lẽ tôi đã thả tay, từ bỏ chuyện điều tra rồi đưa tấm thẻ ngân hàng kia cho ba mẹ cậu ấy, coi như giải quyết xong mọi chuyện.
Nhưng không, tôi lấy thân phận là bạn cùng lớp của Bí Ẩn để liên lạc với ba mẹ cậu ấy, sau đó nêu lý do rằng trong máy tính của Bí Ẩn còn bài tập mà tôi và cậu ấy cùng nghiên cứu, hy vọng bọn họ có thể gửi máy tính tới trường, tôi sẽ thanh toán phí giao hàng, chờ tôi dùng xong thì lại gửi trả.
Chú và dì đều là người hiểu đạo lý, vậy nên sau khi họ kết bạn WeChat và xác nhận thân phận của tôi, tôi thành công nhận được máy tính của Bí Ẩn vào ba ngày sau đó.
31
Tôi hấp tấp mở máy tính của Bí Ẩn lên, dùng di động quét mã QR để đăng nhập vào WeChat, thành công truy cập vào lịch sử trò chuyện của WeChat trong máy tính.
Đối tượng trò chuyện trên WeChat của cậu ấy cũng không nhiều lắm, tôi nhanh chóng sàng lọc được một tài khoản có ghi chú là “XX – dạy kèm”.
Tôi sẽ không đề cập đến tên tài khoản ở đây, mọi người chỉ cần biết, đây là thông tin liên hệ của người mà cậu ấy nhận dạy kèm là được.
Tôi xem nội dung trò chuyện giữa họ thì phát hiện bên kia là một cô học sinh lớp 11, cuộc nói chuyện giữa bọn họ rất bình thường, đúng là chỉ thảo luận về học tập mà thôi.
Đôi lúc cô học sinh kia sẽ gửi hình selfie của mình cho Bí Ẩn, có thể nói, cô ấy rất xinh.
Quan trọng nhất là, tuần nào phía bên kia cũng chuyển 300 tệ tiền gia sư cho cậu ấy thông qua WeChat.
Đến bây giờ, trong tài khoản WeChat của cậu ấy vẫn còn hơn 600 tệ đây này.
Tôi bắt đầu nhận ra, 5000 tệ được chuyển vào thẻ ngân hàng kia chẳng liên quan gì đến việc dạy kèm cả.
32
Tôi không dám liên lạc với cô nữ sinh này.
Bởi vì đây là WeChat của Bí Ẩn.
Cậu ấy đã ch.ế.t.
Một người ch.ế.t thì không thể gửi tin nhắn cho người sống được.
Manh mối lại đứt đoạn ở đây.
33
Sau khi điều tra tới đây, tôi lại cảm thấy chuyện này càng lúc càng kỳ quái.
Đúng là tuần nào Bí Ẩn cũng đi dạy kèm, nhưng theo nội dung trò chuyện giữa hai “thầy trò” kia thì Chủ nhật nào cậu ấy cũng dạy hai tiếng là hết việc.
Thế thì, tại sao tối Chủ nhật cậu ấy không về phòng chứ?
Có lẽ sau khi dạy kèm… Cậu ấy còn làm thêm việc gì đó… Một việc có thể giúp cậu ấy kiếm được 5000 tệ trong một tuần.
34
Đã qua hai ngày kể từ khi tôi phát hiện ra manh mối.
Giờ cơm trưa hôm ấy, chúng tôi nghe thấy phòn kế bên đang bàn luận về cái ch.ế.t của Bí Ẩn.
“Cậu ta tự tử vì vay tiền online mà không trả được đó.”
“Đâu nào, cậu ta bị mấy tên đại ca trong trường hành hạ, không chịu nổi nên mới tự sát.”
“Không đúng, cậu ta bị bạn học chèn ép, không nhịn được nên mới chọn cái chết.”
“Sai hết, cậu ta bị bàn cùng phòng ức hiếp nên mới thế.”
Đúng là cái gì cũng nói được mà.
Nhưng ba người chúng tôi ngầm hiểu, dù có nghe được chuyện gì thì cũng không được trả lời, thậm chí còn kiêng kỵ nhắc tới mấy chuyện đó. Dù sao bữa trưa mà chúng tôi đang ăn cũng là tiền của trường học, chúng tôi nào dám hé răng cơ chứ.
Có thể là những tin đồn kia đã nhắc nhở một cậu bạn cùng phòng của tôi nhớ lại điều gì đó, cậu ta ấp úng hồi lâu, giống như đấu tranh tư tưởng dữ dội lắm mới lên tiếng kể lại: “Tôi nói hai cậu nghe, lúc hai cậu đi tìm dì quản lý thì có ai đó gọi điện thoại cho Bí Ẩn đó.”
Tôi vừa nghe đã hỏi dồn: “Gọi điện á? Ai gọi?”
Bạn cùng phòng lắc đầu, chỉ nói rằng: “Điện thoại nằm trong túi cậu ấy nên tôi có dám lấy ra đâu, nhưng thông qua lớp vải, tôi thấy tên người gọi tới có hai chữ.”
Tôi nghe xong thì chống cằm trầm tư.
Đột nhiên tôi nghĩ ra, có lẽ Bí Ẩn liên lạc với người kia thông qua cuộc gọi thông thường chứ chẳng phải QQ hay WeChat.
Nếu liên lạc qua điện thoại thì tôi nhất định phải lấy được điện thoại của cậu ấy để điều tra mọi chuyện.
Nhưng điện thoại đã bị cài đặt về mặc định, có lấy được thì điều tra kiểu gì chứ?
Có lẽ hacker sẽ làm được, nhưng chuyên ngành của chúng tôi là Truyền thông nên có biết mấy thứ ấy đâu, thế là tôi không nghĩ nhiều nữa, dứt khoát bỏ mặc chuyện này.
35
Sau khi tất cả manh mối đều đứt đoạn, tôi chuyển tiền trong thẻ ngân hàng và trong WeChat của Bí Ẩn sang thẻ của tôi, rồi lại chuyển toàn bộ cho ba mẹ của Bí Ẩn thông qua ẩn danh
Tôi biết mình không thể điều tra ra được gì cả.
Tôi chỉ là một đứa sinh viên bình thường, đâu có phải là cảnh sát?
Hơn nữa, dù tôi có là cảnh sát thì tấm thẻ ngân hàng kia cũng không được xem là chứng cứ. Mà nó có được xem là chứng cứ, thì việc Bí Ẩn tự sát là thật. Khách quan mà nói, nếu không có ngoại lực nào tác động thì chẳng thay đổi được sự thật “tự sát” này đâu.
Cho nên, tôi gần như bỏ cuộc rồi.
Thẻ ngân hàng và mảnh giấy cậu ấy để lại được bỏ vào ví đựng thẻ của tôi.
36
Câu chuyện chuyển hướng lúc chúng tôi thực tập vào năm cuối.
Đúng rồi, là ba năm sau đấy.
Chúng tôi đã hoàn thành ba năm rưỡi học trong trường và sắp ra ngoài thực tập.
Lúc ấy, tôi đến phòng Dịch vụ để làm thẻ sim mới vì gói dữ liệu trong sim của tôi đã không còn sử dụng được sau khi rời khỏi trường.
Sim tôi làm là sim X Vương rất hot vào lúc ấy.
Khi đăng ký, tôi đã hỏi nhân viên rất cụ thể: “Chào cô, tôi có thể chuyển danh bạ trong sim hiện tại sang sim mới không?”
Nhân viên nọ nói cho tôi biết: “Điện thoại thông minh ngày nay sẽ lưu danh bạ trong điện thoại chứ không lưu trong sim nữa ạ.”
Sau khi biết được tin tức này, tôi chỉ ồ lên một tiếng chứ chẳng liên tưởng đến việc gì khác.
Nhưng đến lúc ra khỏi phòng thì đầu óc như có dòng điện chạy qua.
Tôi chợt nhớ ra một manh mối vô cùng quan trọng trong chuyện năm đó.
Lúc ấy bạn cùng phòng tôi đã nói, khi chúng tôi đi gọi dì quản lý thì có ai đó đã gọi điện thoại cho Bí Ẩn.
Hơn nữa, tên của người đó có hai chữ!
37
Có lẽ các bạn vẫn chưa nghĩ ra hai chữ thì quan trọng chỗ nào.
Các bạn có nhớ cảnh sát nói thế nào không?
Điện thoại di động đã bị đặt về mặc định.
Một chiếc điện thoại mặc định thì danh bạ trong đó phải mất hết mới đúng.
Mặc dù có số điện thoại gọi đến thì chỉ có thể là một dãy số mà thôi.
Nhưng khi người nọ gọi tới thì bạn cùng phòng tôi lại thấy hai ký tự chữ Hán rất rõ, đấy chính là tên được lưu trong danh bạ!
Cho nên khả năng cao là cái tên đó được lưu trong thẻ sim, bởi vậy nó mới được hiển thị trong chiếc điện thoại đã bị cài đặt về mặc định.
Manh mối không bị đứt đoạn nữa!
38
Nghĩ đến đây, tim tôi đập rất nhanh.
Thật ra ba năm qua tôi vẫn chưa muốn từ bỏ việc tìm kiếm chân tướng.
Cho nên sau khi phát hiện manh mối này, tôi đã bỏ cuộc phỏng vấn và bắt chuyến tàu chiều tới nhà Bí Ẩn theo địa chỉ trong trí nhớ.
Tôi đứng trước cửa, đợi đến khi chú và dì tan việc trở về nhà.
Bọn họ ngây cả người lúc trông thấy tôi, cho đến khi biết tôi là bạn học của Bí Ẩn thì họ vui lắm.
Sau khi vào nhà, tôi cũng không dây dưa dài dòng mà hỏi thẳng vào vấn đề.
“Chú, dì, hai người còn giữ điện thoại của Bí Ẩn không ạ?”
Hai người họ nghe xong thì nhìn nhau, vẻ mặt vô cùng phức tạp.
Cuối cùng, dì trả lời: “Còn giữ.”
Tôi vội đáp: “Cháu nhờ dì lấy sim trong điện thoại cho cháu xem chút được không ạ?”
Dì vừa nghe đã ngẩn người: “Cháu muốn lấy sim làm gì?”
Tôi nói dối: “Trước kia cháu có một số điện thoại rất quan trọng, nhưng bây giờ cháu không nhớ rõ, trong điện thoại của cậu ấy có nên cháu muốn xem thử ạ.”
Dì nghe thấy thế mới đồng ý: “Được rồi, để dì đưa cho cháu, nhưng chắc là trong sim của nó không có số điện thoại nào đâu.”
Nói xong, dì tìm được điện thoại của Bí Ẩn trong một chiếc hộp nhỏ.
Tôi nhìn kỹ thì thấy trong đó đều là di vật của Bí Ẩn.
Tôi tháo điện thoại ra để lấy sim, sau đó nhét sim vào điện thoại của mình.
Đúng như dì nói, đây là thẻ sim trống, chẳng có số điện thoại nào cả.
39
Có phải các bạn lại cho rằng manh mối đã đứt đoạn nữa rồi phải không?
Sai rồi.
Chiếc sim trống không này chính là manh mối lớn nhất đó.
Chính chiếc sim này đã khiến tôi phải trăn trở suốt bốn năm nay, xem đi, bây giờ mọi chuyện đã hợp lại thành một tấm lưới lớn rồi.
Hôm nay, tôi đã có đáp án.
Nhưng đáp án này thật sự khiến tôi sợ hãi.
Có thể mọi người sẽ thấy hơi mơ hồ, nhưng xin hãy nghe tôi nói.
Hãy để tôi kể cho mọi người nghe toàn bộ quá trình phân tích của mình.
40
Đầu tiên, trong đoạn camera giám sát, Bí Ẩn từng đứng yên trước cửa phòng đến tận mười phút.
Trong thời gian đó, cậu ấy từng lấy điện thoại di động ra.
Tuy chất lượng hình ảnh của camera không được rõ, nhưng có thể xác định một điều rằng, việc mà cậu ấy làm trong mấy giây ngắn ngủi ấy không thể nào là cài đặt điện thoại về mặc định được.
Nếu ai đã từng cài đặt điện thoại về mặc định thì sẽ biết màn hình điện thoại sẽ tắt trong thời gian đó.
Nhưng trong camera, cậu ấy lướt điện thoại một chút, sau đó nhìn thông tin trong đó rồi lại cất điện thoại vào túi.
Vậy nên khi ấy, điện thoại của cậu ấy vẫn chưa bị cài đặt về mặc định, mọi chức năng vẫn còn đầy đủ.
Suốt thời gian sau đó, cậu ấy cũng không lấy điện thoại ra nữa.
41
Quay ngược thời gian vào buổi sáng Bí Ẩn t.ự t.ử.
Lúc chúng tôi đi gọi dì quản lý thì điện thoại trong túi cậu ấy sáng lên.
Hơn nữa, xuyên qua lớp vải quần, bạn cùng phòng còn thấy được tên người gọi đến có hai ký tự.
Nhưng thẻ sim của Bí Ẩn chẳng có số điện thoại nào cả.
Suy ra thông tin liên lạc đó nằm ở trong điện thoại!
Nói đúng hơn là ngay thời điểm ấy, chiếc điện thoại di động đó vẫn chưa bị cài đặt lại.