3
Tối hôm đó cha cầm tay mẹ nói rất nhiều lời hay ý đẹp, đến đêm ngáy càng to hơn mọi ngày.
Mẹ ôm tôi ngủ trên chiếc giường nhỏ bên phòng chứa đồ, miệng không ngừng lải nhải: “Trước kia ba con đối xử với mẹ tốt lắm, sau này cũng sẽ tốt mà, đúng không?”
Tôi hỏi: “Thế hiện tại thì sao?”
Bà quay đầu chậm rãi nhìn tôi, khóe mắt ướt đẫm. “Trước kia ông ấy tốt lắm, lúc còn chưa có con thật sự vẫn rất tốt. Nếu không có con, nếu không có con ra đời thì biết đâu…”
Tôi không nói gì mà chỉ nhìn mẹ chăm chú, ánh mắt tràn ngập đau thương. Vốn tưởng rằng trái tim đã không còn đau âm ỉ nữa, vậy mà….
Đột nhiên mẹ giật mình như ý thức được mình vừa buột miệng nói gì, bà lập tức ôm tôi giải thích: “Thanh Thanh, mẹ không có ý đó, ý mẹ không phải như thế đâu.”
Mãi đến khi tôi ngủ rồi, bà vẫn liên tục thấp giọng lẩm bẩm.
Buổi chiều ngày hôm sau, tôi tan học trở về thấy trong nhà không có ai cả.
Đẩy cửa phòng ngủ ra, mẹ tôi mặc chiếc váy đầm trắng mới tinh, hai mắt nhắm chặt nằm trên chiếc giường tân hôn của bà và cha tôi, trên đầu giường còn treo ảnh cưới của bọn họ. Máu từ cổ tay mẹ nhỏ giọt uốn lượn chảy xuống đất, gần như đã khô lại.
Dưới sàn có một vũng máu đã khô một nửa, thân thể mẹ cũng cứng đờ từ lúc nào.
Mẹ tôi tự sát.
Bà ấy chết trong giấc mộng do chính mình dệt nên. Trái tim cha tôi đã trống rỗng từ lâu rồi, nhưng mẹ luôn cho rằng mùa xuân năm tới nó sẽ lại nảy mầm. Cuối cùng toàn bộ kỳ vọng trọn vẹn của bà chẳng còn lại gì, ngược lại cả thân thể và trái tim cùng chết yểu.
Lời xin lỗi chân thành phải bao hàm cả báo đáp lẫn bồi thường, còn xin lỗi suông chẳng khác nào khổ nhục kế, cho nên cha tôi hoàn toàn không đáng được tha thứ.
Nhưng cho đến phút cuối cùng, mẹ tôi vẫn không hiểu.
Năm mười một tuổi, tôi không còn mẹ nữa. Từ đó trở đi giông bão cuộc đời mới chân chính ập đến với tôi, cơn thịnh nộ của cha cũng chỉ còn một mình tôi gánh vác.
Không còn người ôm tôi đi vào giấc ngủ, không còn ai gọi tôi là Thanh Thanh nữa. Trong nhà không còn mùi thơm của mẹ, chỉ còn lại mùi rượu và mùi thuốc lá nồng nặc hôi thối.
Mẹ đi rồi, cha tôi chẳng những không đau lòng mà ngược lại còn mắng bà vô ơn không biết tốt xấu, vì thế ngay cả một lễ tang sơ sài cũng không muốn tổ chức.
Mỗi một lần say rượu cha lại đấm tôi ngã nhào xuống đất, tôi đứng dậy mà trong mắt chỉ còn lại uất hận.
Cha đánh, tôi báo cảnh sát.
Tôi từng ngây thơ cho rằng chỉ cần báo cảnh sát là có thể giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng rồi ông ấy cũng chỉ bị giam giữ vài ba ngày, sau khi được thả thì lửa giận càng sâu, xuống tay với tôi cũng càng thêm tàn nhẫn.
Tôi bị đánh hộc cả máu, thậm chí còn bị mù tạm thời. Vô số lần giữa cơn đầu váng mắt hoa, tôi cứ nghĩ lần này có lẽ mình được chế.t thật rồi.
Nhưng đáng buồn là tôi vẫn không chết.
Có thể là vì cha mới là kẻ nên chết trước tôi.
Tôi hận ông ấy, nhưng càng hận bản thân hơn. Tôi hận mình quá yếu đuối không dám đánh trả, tôi hận mình chỉ cần trông thấy ông ấy là toàn thân phát run không kiềm chế được, tôi hận mình tại sao lại đi sợ hãi một con người không bằng cả loài súc sinh như cha.
Chính phần oán hận này đã chống đỡ cho ý chí sinh tồn vốn lung lay sắp đổ của tôi. Cuộc đời tôi như một mớ hỗn độn, tỏa ra mùi hôi thối làm ai cũng chán ghét.
Bởi vì gia cảnh nghèo khó, không có mẹ chăm sóc, không có cha quan tâm, thành tích tầm thường, lại còn hướng nội ít lời nên tôi nhanh chóng trở thành đối tượng để đám bạn học bắt nạt. Bọn họ thường xuyên lôi chuyện nhà tôi ra bàn luận, một bên cô lập, một bên thì cười nhạo tôi.
Đôi khi bạo lực bằng ngôn ngữ cũng đáng sợ không kém gì bạo hành về thể xác. Bọn họ không hề ra tay đánh tôi, nhưng luôn khiến cho tôi phải run rẩy ớn lạnh.
Ở trong lớp, mỗi khi tôi trả lời câu hỏi, bọn họ đều nhìn tôi đầy khinh ghét rồi nói giọng tôi nghe thật ti tiện, còn cố ý bịt miệng tôi lại.
Ngoài giờ học, tôi vào phòng vệ sinh thì bọn họ cố ý lớn tiếng nói tư thế đi của tôi kỳ cục, cứ như cố ý vừa đi vừa lắc mông.
Bọn họ dán giấy nhớ lên lưng tôi, ném sách bài tập của tôi, đặt cho tôi đủ loại biệt danh nhục nhã.
Bọn họ còn cười tôi ăn mặc kỳ quặc. Nhưng các nữ sinh đó không biết rằng thời điểm ngực tôi bắt đầu phát triển, tôi đã sợ hãi, xấu hổ và bất lực đến thế nào. Tôi không có mẹ chỉ dạy, không biết rằng ở tuổi dậy thì các thiếu nữ bắt buộc phải mặc áo ngực phù hợp với kích cỡ bản thân.
Để tiết kiệm tiền, tôi chỉ có thể mặc áo ngực của mẹ để lại.
4
Nạn bắt nạt học đường thường không phân biệt nam nữ.
Vị trí bên cạnh thùng rác trong lớp học là của một nam sinh chậm phát triển trí não. Gia cảnh cậu ấy không tốt, cũng là học sinh ngoại trú giống tôi, nhưng lại có một người bà cực kỳ yêu thương cậu ấy.
Quần áo của cậu ấy mỗi ngày đều sạch sẽ, tuy phải vá víu vài chỗ nhưng ngửi vẫn rất thơm. Trong cặp sách của cậu ấy ngày nào cũng có cơm nắm và trứng gà luộc do bà chuẩn bị.
Nếu nói các bạn học ra tay với tôi còn kiềm chế, thì lúc bắt nạt cậu ấy chỉ biết trút xuống toàn ác ý và khinh miệt. Bọn họ lợi dụng cậu ấy ngờ nghệch mà lừa người vào trong WC, bắt cậu ấy uống nước bẩn và nước tiểu; bọn họ vừa mắng cậu ấy là đồ ngốc vừa cướp hết tiền tiêu vặt; bọn họ ném hết việc trực nhật hằng ngày cho cậu ấy làm, còn uy hiếp cậu ấy phải làm xong mới được về nhà.
Bọn họ nói đó chỉ là trò đùa giữa bạn học với nhau.
Cậu ấy tin.
Không ai quan tâm tên thật của cậu ấy là gì, tất cả mọi người đều gọi cậu ấy là đồ ngốc.
Chuyện đầu tiên mỗi ngày đồ ngốc đến trường là dâng tiền tiêu vặt của mình như dâng đồ cúng lên để các bạn học thấy thoải mái vui vẻ.
Cậu ấy không muốn lãng phí thức ăn, cho dù cơm nắm và trứng gà bị các bạn giẫm nát vẫn ăn hết sạch sẽ, sau đó lê thân thể đầy dấu chân về nhà.
Bà cậu ấy đã cao tuổi rồi, hằng ngày chỉ có thể nhặt thêm nhiều ve chai để cho cháu mình thêm chút tiền tiêu vặt, để cậu ấy sống thảnh thơi hơn một chút.
Tại sao tôi biết à? Bởi vì tôi đi nhặt ve chai đã gặp bà cậu ấy rồi. Đó là một bà cụ rất hiền lành có đôi mắt từ ái, giống hệt như đôi mắt của đồ ngốc.
Nhưng người tốt thì lại dễ dàng bị bắt nạt.
Tôi lo thân còn chưa xong, tất cả những việc có thể làm được chỉ là hô lên một tiếng “Hiệu trưởng đến kìa” mỗi khi thấy cậu ấy bị kéo vào WC.
Tại sao tôi không hô tên giáo viên chủ nhiệm? Là vì giáo viên đã mặc kệ từ lâu.
Tôi thường xuyên giúp cậu ấy phủi bớt bụi bặm trên đồng phục để lúc trở về dấu chân không còn quá rõ ràng nữa.
Mùa đông, trước giờ tan học tôi luôn ở lại giúp cậu ấy vệ sinh để cậu ấy về trước, bởi vì trời tối quá sớm, bà cậu ấy sẽ lo lắng.
Cậu ấy không giống tôi, trong nhà không ai chờ tôi, không ai thắp một ngọn đèn lên cho tôi cả. Đứa trẻ không có cảng tránh gió thì cũng không trông mong được về nhà sớm.
Dần dà tôi nhận ra cậu ấy không ngốc như mình nghĩ.
Tên cậu ấy là An Tề, một cái rất hay.
Cậu ấy biết ai đối xử tốt với mình, ai không. Lúc tôi ra tay giúp đỡ, cậu ấy luôn nói cảm ơn, ngày hôm sau sẽ mang cho tôi thêm một phần điểm tâm.
Mỗi ngày cậu ấy luôn có một miếng dồi hun khói làm đồ ăn vặt, trước kia luôn phải lén ăn trước khi đến cổng trường, về sau lại để dành mang đến trường chia cho tôi cùng ăn, mỗi người một nửa.
Bởi vì tất cả mọi người đều chê cậu ấy bẩn thỉu, cho nên thời điểm cậu ấy chia đồ ăn cho tôi, ánh mắt vẫn lóe lên một tia cảnh giác.
Cậu ấy nói: “Tôi không bẩn đâu, mấy thứ này cũng sạch cả đấy, cậu đừng ghét bỏ.”
Cậu ấy nói tôi là người bạn tốt nhất, người bạn duy nhất trong lớp này. Cậu ấy còn nói nếu mình không nghe lời, những người kia sẽ đi bắt nạt bà cậu ấy.
Tôi luôn kè kè đi theo cậu ấy cho nên cứ thế biến thành đứa ngốc thứ hai trong lớp. Từ đó trở đi tôi không được gọi là Đường Hà Thanh nữa, mà trở thành Đường ngốc.
Bọn họ nói Đường ngốc rất xứng đôi với đồ ngốc, nói hai chúng tôi là cặp đôi ngốc yêu sớm, bọn họ viết lên mặt sau vở bài tập của tôi hàng chữ “Vợ của đồ ngốc”, còn hỏi bao giờ thì tôi sẽ cưới đồ ngốc làm chồng.
Bọn họ vừa nói vừa cười to y hệt một đám quỷ bò ra từ địa ngục.
Mặt thiện và ác của tuổi thiếu niên biểu hiện đối lập rất rõ ràng.
Học kỳ hai năm lớp tám, lớp tôi thay đổi chủ nhiệm, là một cô giáo trẻ họ Lý. Trong mắt tôi, cô ấy là một giáo viên rất giống những lời miêu tả trong sách giáo khoa: “Truyền đạo thụ nghiệp, kinh sư vi sư” .
Cô giáo rất nghiêm khắc nhưng cũng rất công bằng, chuyện gì cũng quan tâm, mỗi tuần cô đều đặn tổ chức sinh hoạt lớp, cực lực nghiêm cấm toàn bộ các hành vi bắt nạt bạn học và bạo lực học đường, nếu tố cáo với cô giáo sẽ nhận được phản hồi ngay lập tức.
Vì thế tôi không còn phải chịu đựng những lời trêu đùa thấp kém, An Tề cũng không phải mang thương tích về nhà mỗi ngày nữa.
Cậu ấy rất vui vẻ, để cảm ơn tôi, cậu ấy hứa ngày mai sẽ mang cho tôi nguyên cả một cây dồi hun khói. Tôi đồng ý, còn nói ngày mai cũng sẽ chuẩn bị cho cậu ấy một món quà nhỏ.
Cả hai chúng tôi đều muốn chúc mừng cho phần chính nghĩa đến muộn quá lâu này.
An Tề rất thích mấy quả bóng bay bán ngoài cổng phía nam trường, đặc biệt là quả bóng hình con cừu lười. Phải tội mỗi ngày tiền tiêu vặt của cậu ấy đều bị người ta cướp mất, cho nên chỉ có thể nhìn mà không mua được.
Vì thế, ngày hôm sau tôi cố ý đến trường thật sớm. Bóng bay giá năm tệ một trái, tôi dùng tiền tiết kiệm của mình mua cho cậu ấy hai trái.
Tôi đã chờ rất lâu, nhưng bàn của cậu ấy luôn bỏ trống.
Mãi đến khi chủ nhiệm lớp bước vào nghẹn ngào thông báo với mọi người rằng: “Sau này các em học sinh nhất định phải cẩn thận khi qua đường. Sáng hôm nay, bạn học An Tề bất hạnh bị xe tải vượt đèn đỏ gây tai nạn, lái xe hiện đã bỏ trốn, bạn không qua khỏi, tử vong tại chỗ.”
Ngay lập tức, đủ loại ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Bản thân tôi chỉ ngồi ngẩn trên ghế, đầu óc cứng đờ không suy nghĩ nổi.
Đến khi lấy lại tinh thần, nước mắt đã thấm ướt hai gò má.
Rõ ràng, rõ ràng ngày hôm qua mọi thứ còn tốt đẹp mà. Chúng tôi thậm chí còn chưa kịp ăn mừng, chưa được trải qua bao nhiêu ngày tháng tốt đẹp.
Tôi vẫn chưa tặng bóng bay cho cậu ấy.
Tôi vẫn chưa nói với cậu ấy rằng, cậu ấy cũng là người bạn tốt duy nhất của tôi.
Bây giờ mọi thứ đã không còn kịp nữa rồi.
Bà cậu ấy đến trường thu dọn di vật cho cháu trai, hai mắt bà lão sưng đỏ, bàn tay không ngừng run rẩy.
Tôi giúp bà xếp đồ đạc lên chiếc xe đẩy ba bánh.
Bà khóc không thành tiếng, run rẩy lấy từ trong túi ra hai miếng dồi vẫn còn ấm rồi đặt vào tay tôi.
“Tiểu Tề nói rằng hôm nay phải tặng cho bạn học hai miếng dồi hun khói, nó nhắc mãi từ tối hôm qua, bảo bà sáng nay phải nhắc nó kẻo quên. Cháu là đứa trẻ tốt, cảm ơn cháu đã chăm sóc Tiểu Tề lâu nay.
“Cuộc đời nó chẳng có chút may mắn nào, lại còn ra đi trước cả một bà già sắp chết.”
Tôi đứng ở cuối đường nhìn theo bóng dáng bà lão tập tễnh chầm chậm đẩy xe ba bánh, bộ quần áo trống rỗng trên người bay phần phật theo làn gió cứ như con thuyền độc mộc giây tiếp theo sẽ lật úp.
Hai bên tay cầm buộc hai trái bóng bay hình cừu lười đung đưa qua lại, giống như An Tề đang vẫy tay chào từ biệt tôi.
Mãi đến khi bóng bà lão biến mất sau ngã rẽ, tôi mới chớp chớp đôi mắt khô khốc.
Ánh nắng buổi chiều mùa đông đâm vào làm mắt tôi đau nhói.