VĂN ÁN:
Bị cha ruột bạo hành, bị bạn bè bắt nạt, trong cơn tuyệt vọng, tôi đi đến cửa tiệm xăm hình nằm trong ngõ nhỏ.
Nghe nói chủ tiệm là một tên côn đồ đánh người vừa dã man vừa độc ác, mọi người xung quanh ai cũng sợ hãi.
Tôi đẩy cửa, lấy từ trong túi ra một tờ mười đồng nhăn nhúm, cố lấy hết dũng khí nói: “Nghe nói anh có thu phí bảo kê, vậy anh… bảo kê cho tôi được không?”
Giữa màn sương khói lượn lờ, thanh niên cong môi cười nhạo: “Con cái nhà ai đây? To gan quá nhỉ.”
Sau đó, hắn lại vì mười đồng này mà bảo vệ tôi suốt mười năm.
1
Ngày quen biết Chu Hải Yến, tôi mới mười bốn tuổi.
Bởi vì từ nhỏ không được ăn uống đủ dinh dưỡng nên tôi vừa nhỏ vừa gầy, bề ngoài thấp bé hơn những đứa trẻ cùng trang lứa rất nhiều.
Từ ngày bắt đầu có ký tức, tôi không thấy cha tôi làm gì cả, chỉ chơi bời cờ bạc suốt cả ngày. Một nhà ba người chúng tôi sống nhờ vào đồng lương mỗi tháng ba nghìn tệ ít ỏi của mẹ làm việc ở xưởng may.
Cha tôi quen thói cờ bạc, nhưng mười lần đánh thì hết chín lần thua. Mỗi lần thua bạc tâm trạng ông ấy thường không tốt, sau đó đi uống rượu, uống say rồi là bắt đầu đánh đập vợ con. Trên sàn nhà lúc nào cũng toàn là mảnh chén bát bị đập vỡ tan tành.
Năm tôi lên năm tuổi, cha tôi thua bạc rất nhiều tiền. Tối hôm đó ông ấy mang một thân đầy mùi rượu nắm tóc mẹ tôi ném bà xuống sàn xi măng rồi liên tục nện đầu mẹ xuống đất, nện mệt rồi liền chuyển qua đá túi bụi vào bụng.
“Con mẹ mày, có phải bây giờ mày đang xem thường ông đây không có năng lực đúng không? Hả? Con điếm thối tha còn không biết sinh cho ông một đứa con ra hình ra dạng, làm ông đây ra đường không biết ngẩng mặt với ai! Tất cả là tại mày hại tài vận của ông, lúc trước tao mà không cưới mày thì đã sớm phát đạt rồi.”
Mẹ tôi bị đánh chỉ biết đau đớn cuộn mình dưới đất, dòng máu đỏ thẫm quấn vào tóc thành từng búi rối tung. Mẹ không tránh né cũng không phản kháng một lời, khờ dại cho rằng chỉ cần cố gắng chịu đựng sẽ đánh thức chút lương tâm cuối cùng của cha dậy.
Đến khi trên người mẹ không còn nơi nào lành lặn để ngược đãi nữa, ông ấy liền hướng ánh mắt về phía tôi.
“Còn con điếm này nữa, con của điếm thì sớm muộn gì cũng đi làm điếm thôi. Mày giương mắt ếch nhìn bố mày như thế là sao? Muốn đánh luôn tao à?”
Một cái tát nặng nề giáng xuống mặt tôi, sau một trận đau đớn là tê liệt. Dường như mọi âm thanh xung quanh tôi đều bị nhét vào một cái lồng thủy tinh lớn, bị ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Tôi bị tát đến mức thủng màng nhĩ.
Mẹ tôi vừa khóc vừa giấu tôi vào trong lòng, dùng thân thể gầy yếu che chắn giông bão cho tôi. Tiếng mắng nhiếc của đàn ông và tiếng khóc la của phụ nữ chỉ chấm dứt sau khi kẻ bạo hành đã sức cùng lực kiệt.
Khuya hôm đó, tiếng ngáy của cha và tiếng nức nở của mẹ hòa lẫn vào nhau. Mẹ tôi đỏ mắt xoa thuốc cho tôi, sau đó lẳng lặng thu dọn đống hỗn độn dưới sàn nhà.
Chúng tôi ôm chặt nhau chen chúc trên chiếc giường nhỏ.
Tôi nói: “Mẹ ơi, chúng ta rời khỏi đây được không? Sau này con lớn sẽ kiếm thật nhiều tiền nuôi mẹ.”
Bà nhìn ánh trăng ngoài cửa sổ, nơi đó có một cái lỗ rất lớn.
“Mẹ không đi, hồi trẻ ba con đối xử với mẹ tốt lắm. Ông ấy tiết kiệm tiền mua vòng vàng cho mẹ, cõng mẹ đi hết mấy dặm đường chỉ để cho mẹ xem pháo hoa. Ba con còn mua cho mẹ rất nhiều quần áo đẹp, mặc hoài không hết.”
Tôi kéo vạt áo đã phai màu nhăn nhúm của mẹ. “Mẹ, mẹ đang nói dối.”
Bà ấy sờ đầu tôi, ngữ khí vẫn bướng bỉnh: “Mẹ không nói dối, ba con bây giờ chỉ tạm thời hồ đồ thôi. Ông ấy sẽ tốt lên, ba con đã hứa sẽ đối tốt với mẹ cả đời, ông ấy hứa rồi.”
“Giống như mặt trăng ngoài cửa sổ, phải có lúc tròn lúc khuyết chứ.” Giọng bà thấp dần như đang nói cho tôi nghe, hoặc như đang tự thuyết phục chính mình.
Ngày hôm sau cha tôi tỉnh rượu lại làm như không có việc gì mà nói nói cười cười với mẹ, sau đó giơ tay đòi tiền. Ông ấy nói, Uyển Nhu, anh yêu em lắm, chỉ vì uống rượu nên mới hành động hồ đồ, chờ anh thắng nhiều tiền rồi em sẽ có cuộc sống sung sướng. Lời rất hay ý rất đẹp, dỗ cho mẹ tôi mụ mị đầu óc, thế là bà ngoan ngoãn đưa toàn bộ tiền lương cho cha.
Cảnh tượng này quen thuộc đến không thể quen hơn.
Tôi nhìn tiền trong tay cha mà rất muốn mở miệng hỏi mẹ, không phải bà ấy đã nói tháng này nhận lương sẽ cho tôi đi học nhà trẻ sao? Tôi đã năm tuổi rồi nhưng chưa bao giờ được đi học nhà trẻ.
Nhưng lúc này mẹ đang cười rất vui vẻ, trong mắt chỉ có mình cha tôi, thậm chí hoàn toàn quên luôn tôi rồi. Vì thế tôi lẳng lặng ngậm miệng lại.
Không sao, tháng sau chắc chắn mẹ sẽ nhớ tới tôi thôi.
Thế nhưng thẳng đến ngày tôi phải vào tiểu học theo chính sách giáo dục quốc gia, mẹ vẫn chưa lần nào nhớ đến tôi. Tôi cứ như vậy bỏ lỡ mấy năm học nhà trẻ.
2
Lớn lên một chút tôi mới biết hành vi của cha tôi gọi là bạo lực gia đình. Giáo viên nói tôi có thể báo cảnh sát, người ta sẽ bảo vệ cho tôi và mẹ.
Vì thế vào một buổi tối nọ, thừa dịp cha đang ngủ say, tôi kéo tay mẹ, mang theo sung sướng khát khao vô hạn đến mức quên hết đau đớn trên người. Tôi nói: “Mẹ ơi, chúng ta báo cảnh sát đi, để người ta bắt ba lại.”
Mẹ không hề vui vẻ như tôi tưởng tượng, ngược lại còn nhìn tôi bằng ánh mắt vô cùng khiếp sợ và đau lòng: “Thanh Thanh, ông ấy là ba con! Sao con có thể làm như vậy được!”
Lời khiển trách như một cú bạt tai hung hăng giáng thẳng vào mặt tôi. Trong nháy mắt tôi mặt đỏ tai hồng, có cảm giác như mình là đứa con bất hiếu nhất trần đời.
Nhưng rõ ràng mọi chuyện không phải như thế. Thầy giáo nói bạo lực gia đình chính là bạo lực, cho dù người ra tay là ai thì cũng không thể tha thứ.
Vì thế tôi cố ý lẻn đi báo cảnh sát.
Đó là lần đầu tiên mẹ đánh tôi, đánh mạnh đến mức cây gậy gỗ to bằng đầu ngón tay cũng bị đánh gãy, sau đó bà bắt tôi quỳ dưới sàn để thức tỉnh.
Đến hôm đó tôi mới biết hóa ra không chỉ có cha đánh đau, mẹ đánh cũng có thể đau không kém. Lần đầu tôi mới biết hóa ra mẹ tôi cũng biết đánh người, chẳng qua bà ấy không bao giờ đánh cha mà thôi.
Vô số lần bị cha đánh tôi không khóc, nhưng ngày bị mẹ đánh tôi khóc suốt một đêm.
Ngày hôm sau, mẹ phá lệ luộc một quả trứng gà để xoa máu bầm cho tôi. Xưa nay trứng gà trong nhà chỉ có mình cha tôi được ăn, tôi biết chiêu này người ta gọi là vừa đấm vừa xoa.
Bởi vì chính cha tôi cũng đối xử với mẹ y như vậy.
Nhưng tôi không thích mẹ hành xử thế này, bà ấy khiến tôi cảm thấy vô cùng xa lạ.
Trước kia những lúc bị đánh tôi thường trông ngóng bản thân mau mau lớn lên, bởi vì lớn lên mới có thể bảo vệ được cho mẹ. Nhưng rồi theo từng năm trôi qua, tôi phát hiện ra lớn lên là một chuyện cực kỳ khó khăn, bởi vì nó dần dần phá nát mọi ảo tưởng của tôi.
Những trận bạo hành gia đình vẫn cứ tái diễn hết lần này đến lần khác.
Những lần tha thứ cũng tái diễn hết lần này đến lần khác.
Tôi bắt đầu trở nên tê liệt vô cảm, lãnh đạm nhìn mẹ mình giây trước còn khóc lóc thê thảm như sắp chết, giây sau đã ngọt nhạt cẩn thận lấy lòng cha.
Tôi cho rằng mình không bao giờ còn khoảnh khắc nào thất vọng hơn ngày hôm nay nữa, nhưng vẫn không biết đằng sau thất vọng vẫn còn có tuyệt vọng.
Năm mười một tuổi, tôi bị cha đánh đến gãy xương. Mặc cho mẹ khuyên can, tôi vẫn quyết tâm phải đi báo cảnh sát.
Mẹ vừa khóc vừa quỳ xuống cầu xin tôi, nói rằng nếu tôi báo cảnh sát thì chính là bức chết bà ấy.
Một người mẹ lại quỳ dưới chân con gái.
Tôi như bị đóng đinh vào cây cột đạo đức để tất cả mọi người sỉ nhục, không có đường tiến lên mà cũng không có đường quay lại.
Mẹ tôi có yêu tôi không? Tôi cũng không biết nữa.
Có lẽ là có, nhưng tình yêu mẹ dành cho cha tôi gần như đã đào rỗng linh hồn bà ấy mất rồi, cho nên phần dành cho tôi không còn bao nhiêu nữa.
Trong nhà có vô số chén đĩa vỡ nát, bởi vì gia cảnh quá nghèo nên mẹ đành giữ hết lại những món vẫn còn dùng được. Cái bát tốt nhất bà để cho cha tôi dùng, cái tốt thứ nhì chia cho tôi, mình thì dùng cái sứt mẻ nhiều nhất.
Sau đó, số chén bát nứt vỡ ngày một nhiều, chính mẹ cũng không thể phân ra cái nào tốt hơn cái nào nữa, thế là mọi người đều cầm trong tay những cái chén vỡ khốn khổ như chính cuộc sống của chúng tôi vậy.
Cha tôi càng ngày càng đòi nhiều tiền hơn, tâm trạng khi về nhà càng lúc càng kém đi, xuống tay với mẹ con tôi cũng càng ngày càng nặng.
Nhưng qua vài ngày sau, đột nhiên nét mặt cha tôi trở nên rạng rỡ khác thường, không chỉ mua hẳn một con gà nướng về nhà mà còn mua cho mẹ tôi một bộ váy mới.
Mẹ tưởng rằng mùa xuân đã quay về với mình rồi, không ngờ những lời của cha sau đó lại đẩy bà vào mùa đông lạnh lẽo thấu xương.
Cha tôi kéo tay mẹ, nói rằng: “Uyển Nhu, ông chủ lớn của sòng bạc anh hay đi là người vừa có tiền vừa có năng lực, ông ấy rất thích em. Ngày mai em mặc bộ váy này vào, đi ăn một bữa cơm với ông ấy được không?”
Diện mạo của mẹ tôi rất đẹp, bà vốn là mỹ nhân có tiếng trong trấn.
Nụ cười trên mặt mẹ cứng đờ, bà kinh ngạc nhìn trân trối vào mắt cha, chậm rãi hỏi: “Chỉ là ăn một bữa cơm thôi sao?” Giống như đang muốn xác nhận chuyện gì vậy.
Ánh mắt cha tôi lảng đi chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào mẹ. Ông nói: “Uyển Nhu, anh van em giúp anh một lần này được không. Ông chủ nói sau này sẽ dẫn anh cùng đi làm ăn, về sau anh sẽ cho em cuộc sống sung sướng.”
Mẹ ngồi lặng một chỗ, thân thể run rẩy đến mức không nói nổi tựa như một con búp bê bị rút mất linh hồn, nháy mắt già đi đến mười tuổi.
Tôi chưa bao giờ trông thấy mẹ như thế này, cứ như mọi suy nghĩ của bà đã biến mất.
Cha cho rằng mẹ không muốn đáp ứng nên lật mặt chửi mắng ầm ĩ: “Mày ở trên giường ông kêu rên vui vẻ lắm mà? Đổi thành người khác lại không được hay sao? Mẹ mày, còn không bằng được gót chân con vợ thằng Trương Đại Tương nữa!”
Tôi biết cô vợ Trương Đại Tương, nhà bọn họ ở đầu trấn phía tây. Các bạn học tôi nói cô ta phải đi làm gái để lấy tiền nuôi chồng.
Nước mắt mẹ tôi rơi như mưa, bà kéo tay cha tôi để ngăn ông đừng nói nữa. “Em đi, em đi mà!”