Trùng Tang Nhà Phú Thương

Chương 5: Nhận nhầm ân nhân



“ Chàng ta khôi ngô quá. Nếu đúng đây là một trong những người con trai nhà ông phú thương, thì mình phải chớp lấy cơ hội này mới được. Dù sao cha mẹ cũng sẽ không bao giờ đồng ý mối quan hệ của mình với tên Sái.”

Nghĩ đoạn, đợi đoàn người gần tới, Vân Xuyên đứng dậy nhảy cẫng chân giơ tay lên cao vẫy vẫy, miệng liên tục gọi:

– Có ai không, cứu với. Làm ơn tới đây cứu giúp, ở đây có người bị thương.

Quả nhiên, tiếng chi hô thất thanh của Vân Xuyên đã được đoàn người chú ý. Họ đột ngột dừng chân, ông quản gia tên Thúc Hứa phẩy tay ra hiệu:

– Các cậu sang bên ấy xem tình hình như thế nào.

Nhoáng một cái họ đã tới nơi. Nhìn vào chàng trai nằm bất động sửng sốt thốt lên vẻ hoang mang lo lắng:

– Trời ơi, cậu chủ. Cậu chủ thật đây rồi.

Ông quản gia Thúc Hứa mừng rỡ, sai người đỡ cậu chủ dậy, bảo họ cõng cậu về nhà tìm thầy lang.

– Cô nương, chẳng hay cô tên gì, nhà cô ở đâu, tôi sẽ về bẩm thưa lại với ông bà chủ. Ông bà chủ sẽ cảm ơn hậu tạ tới cô nương.

– Vân Xuyên giơ hai tay ra ngang ngực, xua xua, miệng cười xòa:

– Vậy thì không cần đâu. Cha mẹ cháu dặn cứu người là cần thiết, không cần đợi họ tới trả ơn.

Ông quản gia mỉm cười:

– Vậy cô nương cho lão đây biết cao danh quý tánh, về nhà lão còn tiện bề thưa với chủ nhân.

Vân Xuyên bẽn lẽn đáp:

– Dạ, cháu tên Vân Xuyên, nhà cháu họ Thái, sống ngay trong làng mình thôi.

Ông quản gia nghe thấy nhắc tới họ Thái khẽ chau mày. Miệng lẩm nhẩm:” Họ Thái, tên Vân Xuyên ư? Nghe tên họ cô ấy quen thế nhỉ? Hình như mình đã từng nghe ai đó nhắc tới.”

Biết không thể ở đây quá lâu, ông quản gia ngẩng lên mỉm cười điềm đạm nói:

– Cảm ơn cô nương đã cứu mạng cậu chủ nhà chúng tôi. Cô nương cứ về nhà trước đi, đợi sau này sức khoẻ của cậu chủ ổn định, chúng tôi sẽ qua cảm ơn cô nương sau.

Chỉ đợi có vậy, Vân Xuyên cảm thấy rất vui trong lòng. Không ngờ chỉ trong giây lát cô đã thành công cướp đi công lao cứu người của chị gái mình.

Ông quản gia vừa quay người đi, Vân Xuyên ở đằng sau vội rướn đầu lên hỏi:

– Thưa ông, chẳng hay người tôi vừa cứu mạng tên gì?
Ông quản gia ngoảnh lại, cười hiền từ:
– Cậu chủ nhà chúng tôi tên Quân Ninh. Cũng chính là con trai thứ hai nhà ông chủ họ Ngô.
Vân Xuyên gật đầu, ông quản gia nói tiếp:
– Nếu cô nương không còn gì thắc mắc, thì già đây xin cáo lui.
Vân Xuyên đáp:
– Vâng, ông đi đi!

Ông quản gia vừa đi khuất, Vân Xuyên như một đứa trẻ, hí hửng nghĩ thầm:” Vân Xuyên ơi là Vân Xuyên, mày không cần tốn công sức mà cũng có thể gặt hái được thành công. Hừm! Số mình phải vậy chứ.”

Vừa hay lúc đó, Miên Lam cùng hai người dân trong làng chạy ra bến sông. Trông bộ dạng hớt hải lo lắng của Miên Lam, Vân Xuyên không khỏi vui trong lòng.

– Người gặp nạn đâu? Chàng ấy đâu, chàng ấy đâu rồi!

Miên Lam nhìn quanh quẩn một lúc, ngạc nhiên hỏi.

Vân Xuyên cười khẩy:

– Làm gì có người nào gặp nạn ở đây. Miên Lam, tôi nghĩ chị mắc chứng hoang tưởng rồi đấy.

Miên Lam nhìn hai người làng, rồi lại nhìn Vân Xuyên, chỉ tay vào vạt cỏ nằm ngả rạp ướt sũng, khẳng định:

– Khi nãy chị mới kéo chàng ấy từ dưới sông lên, chị nhờ em đứng đây canh chàng ấy, thế mà giờ em nói vậy là sao hả Vân Xuyên.

Biết không thể chối cãi, biến có thành không. Vân Xuyên ngúng quẩy vừa bỏ đi vừa nói:

– Người nhà tới đón chàng ấy về rồi. Còn gửi lời cảm ơn chị đó.

Nói dứt câu đã thấy Vân Xuyên đi cách xa mình một đoạn. Miên Lam thở dài nhẹ nhõm, cho dù không biết tình hình hiện tại của chàng ấy, nhưng nghe Vân Xuyên nói vậy cô yên tâm phần nào.
—-
Nhà ông Hoành tấp nập kẻ hầu người hạ chạy đôn chạy đáo chỉ vì lo cho tình trạng của con trai. Chốc chốc, tiếng khóc đau lòng của bà Nhã lại vang lên:

– Con ơi là con, mau tỉnh lại đi con. Con cứ nhắm mắt mãi thế này lòng mẹ đau như cắt.

Ông thầy lang được mời đến, hơ lưỡi da.o lên ngọn lửa rồi áp vào vết thương trên bả vai Quân Ninh, sau đó dùng miếng vải nhúng vào bát rượu để thấm lên vết thương khử trùng cho sạch. Tiếp đó ông thầy lang hơ cây kim, may từng mũi, mũi kim xuyên vào da thịt từ bên này sang bên kia, những người tận mắt chứng kiến cảnh ông thầy lang khâu vết thương, mà không khỏi rùng mình ớn lạnh.

– Tôi xử lý và khâu vết thương cho cậu ấy xong rồi đấy. Gia đình nhớ rửa vết thương và đắp thuốc cho cậu ấy như lời tôi dặn. Thuốc ngày uống hai lần, 3 bát nước sắc còn 1 bát. Nhớ uống thuốc lúc nước còn hơi ấm.

Ông Hoành trả lời:

– Vâng..vâng! Gia đình chúng tôi cảm ơn thầy nhiều.

Ông thầy lang đưa toa thuốc cho người hầu rồi đeo hộp dụng cụ lên vai. Ông Hoành vẫy quản gia lại và bảo:

– Ông tiễn thầy lang ra cổng, tiền công đã chuẩn bị cho thầy lang chưa.

Quản gia gật đầu:

– Dạ, thưa ông chủ, tôi đã chuẩn bị xong cả rồi. Xin phép ông chủ tôi đi tiễn thầy lang ra cổng.

Ông Hoành gật đầu, xua xua tay.

Nhìn đứa con trai đứt ruột mình sinh ra nằm bất tỉnh trên giường bệnh, lòng ông đau như cắt. Ông quay ra, nói với người làm:

– Bay lấy cho ông cây roi mây, ông phải đi hỏi đi thằng đó xem kẻ đã ra tay với cậu chủ là ai.

Cậu người làm khúm núm gật đầu, rồi đi giật lùi ra tới ngoài cửa mới quay người chạy đi.

Cánh cửa nhà kho vừa mở, mùi ẩm mốc đã xộc thẳng vào khoang mũi.

A Tưởng nghe thấy tiếng khoen cửa vội xoay người nằm nghiêng nhìn ra ngoài. Trông thấy cây roi mây trên tay ông chủ, cậu thoáng rùng mình.

– Ông..ông..chủ!

“Vù..vù..bụp..bụp.”
A Tưởng thét lên tiếng” Á” co rúm người lại cuộn tròn nằm dưới đất.
Tiếng ông Hoanh giận dữ quát mắng:
– Nói mau, đứa nào, là đứa nào đã ra tay với cậu chủ?
A Tưởng ôm đầu, cơ thể gầy gò của cậu co rúm:
– Bẩm ông, con..con..không biết.
Vèo..vèo..vù vù..bụp bụp.
– Này đây thì không biết, này đây thì hầu hậu chủ không tốt. Hôm nay ông đánh chế.t cái quân ăn hại như mày, noi gương cho kẻ khác.

Mỗi câu nói, một cua roi mây giáng xuống cơ thể đang run lên bần bật. Không biết đã nhiêu đòn roi giáng vào cơ thể, đến khi A Tưởng nằm bất tỉnh dưới đất, hơi thở yếu đi, hai mắt nhắm nghiền, thì ông Hoành mới chịu dừng tay.

Ông Hoành sai người hất cả chậu nước muối vào người A Tưởng. Nước muối thấm da thịt chỗ vết thương khiến toàn thân cậu cứng đơ tê cứng. A Tưởng run cầm cập, hai mắt cậu vẫn nhắm mà hàm răng va đập vào nhau nghe cập cập.

Ông quản gia đi tới, nhìn cơ thể A Tưởng rách nát như xơ mướp, vết thương còn nhiều hơn cả tóc trên đầu, trong lòng ông thầm xót thay cho phận tôi tớ.

– Bẩm ông chủ, nếu còn đánh nữa, tôi e thằng Tưởng nó chịu không nổi qua đêm nay!

Ông Hoành hừ tiếng, đưa roi mây cho người hầu bên cạnh rồi cao giọng nói:

– Cái mạng hèn hạ của nó được ông mua về đây, nó sống hay chế.t là do ông định đoạt. Mà này, ông cho người đi điều tra giùm tôi, xem kẻ nào lại to gan lớn mật như vậy. Không xem ai ra gì.

Ông quản gia đáp lời:

– Vâng! Tôi vẫn cho người đi điều tra. Có điều, lúc họ ra tay với cậu chủ đang là ban đêm, chỉ sợ không tra ra được gì. Khi ấy tôi e phải đợi cậu chủ tỉnh lại.

Ông Hoành ngồi phịch xuống ghế, kèm theo tiếng thở dài. Một lúc sau, ông hỏi lão quản gia:

– À còn chuyện này tôi muốn hỏi ông. Cô gái cứu cậu chủ đó, nếu biết danh tính cô ấy thì đem ít lễ sang cảm ơn họ. Bảo họ mai sau cần giúp đỡ gì, cứ qua đây nói với ta một tiếng.

Lão quản gia thưa bẩm:

– Tôi nghĩ ông chủ chỉ cần mang lễ sang cảm ơn họ được rồi ạ. Bởi vốn dĩ lòng người là vô đáy. Chẳng may gặp phải kẻ không biết đến điểm dừng, dựa vào câu nói này của ông chủ gây khó dễ. Như vậy phiền hà lắm ông chủ à.

Biết lão quản gia là người luôn chu đáo mọi việc, nên lời ông ấy nói không phải không có lý. Ông Hoành ậm ừ, tồi bảo:

– Thôi vậy cũng được, cứ theo ý ông quản gia mà làm. Lễ đưa sang đừng quá ít kẻo người ta cười vào mặt tôi.

Lão quản gia mỉm cười đáp:

– Vâng ông chủ. Từ nhà ta sang nhà họ Thái chỉ cánh nhau một đoạn đường ngắn. Trong chiều nay tôi sẽ mang lễ sang hậu tạ cô ấy.

Ông Hoành tò mò:

– Hả! Nhà họ Thái ư?
– Thưa vâng! Là tiểu thư Vân Xuyên đã cứu cậu chủ nhà chúng ta.
– Vậy thì tốt. Tuy con bê đó không đồng ý gả cho con trai ta, nhưng nó lại cứu con trai ta một mạng. Ơn này gia đình nhà họ Ngô xin ghi nhớ.
Lão quản gia đáp:
– Vâng! Vậy tôi xin phép lui xuống trước đi chuẩn bị quà cáp.

Ông Hoành xua xua tay, ra hiệu bảo lão quản gia cứ đi lo cho xong việc.
—-
Trời bắt đầu hé những tia nắng đầu tiên đổ xuống thôn xóm. Những tia nắng le lói chiếu qua từng kẽ lá trải dài xuống khu vườn rộng lớn.

Miên Lam phơi đồ xong, cũng là lúc con bé Nhài làm xong việc. Nó chạy tới cất tiếng:

– Tiểu thư à. À không, cô chủ! Bà chủ bảo em ra đây đưa cô chủ đi chợ sắm đồ.

Miên Lam vừa nhấc chiếc thau lên vừa nói:

– Chị cũng xong rồi đây. Em đợi chị một lát chị vào trong buồng thay bộ đồ.

– Vậy em đứng ngoài cổng đợi cô chủ ra nhé!

Để được tới được khu chợ bán đồ cũ, hay có người gọi là khu chợ bán đồ si thì hai người hai người phải băng qua lối mòn bên cạnh mảnh đất nghĩa địa. Ở đó chi chít mồ mả, to có, nhỏ có, mới cũ cũng đều có.

Bỗng, một cơn gió thổi xộc tới mang theo làn khí hàn lạnh lẽo, báo hại Miên Lam so vai rùng mình.

Bước chân cô nặng trĩu tựa như có người níu kéo.

Một mảnh vải từ đâu bị gió thổi bay tới đập vào mặt Miên Lam, thoáng chốc phủ kín khuôn mặt xinh đẹp của cô.

Miên Lam khựng chân, đưa tay tay lên gỡ mảnh vải trên mặt xuống thì nhận ra đó chính là chiếc khăn tay mà cô đã đánh mất vào mấy hôm trước.

Miên Lam đảo mắt nhìn xung quanh, nơi này ngoài cái Nhài và cô ra thì chẳng có nổi một bóng người.

Cầm chiếc khăn chưa kịp nóng tay, lại một cơn gió nữa thổi thốc tới. Lần này nó cuốn tung chiếc khăn khỏi tay cô, bay là đà dưới mặt cỏ xanh rì. Lại thêm một luồng gió nữa thổi tới, thổi chiếc khăn lên cao cuối cùng rơi xuống đậu trên một nấm mồ vừa mới đắp.

Khi đó Miên Lam không thể làm chủ được bản thân, cô chạy theo hướng gió cuốn chiếc khăn tay của mình đi. Mặc tiếng gọi thất thanh của cái Nhài sau lưng, cô vẫn vừa đi vừa chạy.

– Cô chủ, cô đi đâu vậy cô chủ ơi.

Miên Lam không trả lời. Đến trước nấm mộ thì cô dừng chân lại. Ánh mắt nhìn trân trân vào phiến đá có khắc dòng chữ đỏ:” Chi mộ: Ngô Quân Hào.”

Miên Lam lảo đảo lùi lại phía sau, lẩm nhẩm liên hồi trong miệng:” Tại sao, tại sao, tại sao mình lại chạy đến đây?”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner