36
Đêm hôm đó, tôi ngồi trên sô pha chờ đợi, chờ cho đến khi tiếng động cơ xe máy quen thuộc vang lên bên tai.
Xe dừng trong sân, người lại không lập tức xuống xe.
Bước tới cửa, tôi nhìn thấy thanh niên gác đôi chân dài tựa vào thân xe, đầu ngón tay kẹp một điếu thuốc, đường cong sườn mặt sắc nét rõ ràng, hàng lông mi đen dày buông xuống, khuôn mặt dày đặc lệ khí dần dần mơ hồ sau làn sương khói.
Ánh sáng bị bóng hắn ngăn lại.
Trông thấy tôi, hắn bóp tắt điếu thuốc, cảm xúc dưới đáy mắt dần dần rút đi, đáy mắt hiện lên một tia sáng trong trẻo nhu hòa.
“Sao còn chưa ngủ đi?”
“Em chờ anh.”
Tôi từ từ tiến đến gần hắn, dùng đầu ngón tay đụng vào đầu ngón tay lạnh lẽo của hắn rồi nhẹ nhàng nắm lấy, làm bộ thản nhiên kéo hắn đi về phía trước.
Giây tiếp theo, bàn tay to tách khỏi đầu ngón tay tôi rồi nắm ngược trở lại, mười ngón đan chặt.
Giọng hắn nhiễm ý cười, “Đi thôi.”
Tôi lặng lẽ hít thở sâu để ức chế tiếng tim đập thình thịch như muốn nổ tung trong ngực.
Lực đạo trên tay yên lặng gia tăng.
Chúng tôi vẫn nắm tay như vậy cho đến khi hắn dùng một tay đóng cửa, lên lầu, cuối cùng vào phòng lấy áo ngủ. Lúc mở cánh cửa tủ ra, hắn ho nhẹ một tiếng.
Tôi quay đầu nhắm mắt: “Anh tiếp tục thay quần áo đi, em không nhìn đâu.”
Ngăn kéo tủ bị kéo ra rồi đóng lại rất nhanh.
Mãi đến khi theo chân hắn đến tận cửa phòng tắm, tôi vẫn chưa chịu buông tay. Không biết vì sao, dường như chỉ khi cảm nhận được nhiệt độ cơ thể hắn tôi mới thôi không bất an nữa.
Hắn cụp mắt nhìn tôi, ám chỉ: “Anh phải vào tắm rửa.”
Tôi dạ một tiếng.
Hắn nhướn mày cường điệu: “Không phải rửa mặt, là tắm rửa.”
Tôi đáp đúng lý hợp tình, “Em biết.”
Hắn quơ quơ nắm tay, trong mắt viết rõ ràng “Biết rồi mà còn chưa buông tay đi”.
“Em bịt kín mắt lại không nhìn, được không?”
“Không được.” Hắn liếc tôi một cái lạnh buốt.
“Vậy anh đừng đóng cửa được không?”
“… Không được.” Khuôn mặt hắn hiện sắc ửng hồng rất nhạt.
Mi mắt tôi run lên, đột nhiên ngẩng đầu đề nghị: “Hay là tối nay anh đừng tắm cũng được?”
Hắn khiếp sợ nhìn tôi, ánh mắt phức tạp khó lòng miêu tả.
“Không được.”
Cuối cùng tôi đành bất đắc dĩ ngồi xổm trước cửa phòng tắm đóng kín. Cửa phòng làm bằng kính mờ, từ ngoài nhìn không thấy được thứ gì bên trong, mà bên trong cũng không thể thấy rõ bên ngoài, trừ phi có người dí sát mặt vào cửa mới miễn cưỡng nhìn được một cái bóng mờ mờ màu đen.
Vì thế tôi đưa lưng về phía phòng tắm, bàn tay dán lên cánh cửa, thỉnh thoảng còn lên tiếng, “Có thấy em không?”
“… Thấy.”
Một lát sau, tôi lại hỏi, “Có thấy em không?”
“… Thấy.”
Lại thêm một lát.
Hắn: “Có thể thấy, vẫn thấy mà.”
Tôi: “…”
Hắn tắm rửa nhanh như đánh trận rồi bước ra ngoài, thân trên mặc áo dài tay bó sát, tóc đen còn nhỏ nước tí tách xuống cằm rồi chảy xuống xương quai xanh.
Hắn kéo tôi đứng dậy, nhấc mí mắt. “Tối nay trông em giống đồ biến thái lắm đấy.”
Tôi đuối lý không phản bác.
Tôi theo hắn vào phòng ngủ, tính toán chứng minh tội danh đến cùng. Chúng tôi từng nhiều lần mặc nguyên quần áo ngủ cùng giường, đa số đều ở trong phòng tôi, tôi luôn có đủ chuyện để mãi lôi kéo không cho hắn đi.
Không giống phòng tôi, phòng hắn chỉ có mấy màu đen xám trắng đơn giản.
Tôi thuần thục bò lên giường, chen chúc bên cạnh hắn, yên lặng vươn tay ra nắm thật chặt.
Hắn hơi đăm chiêu hỏi: “Tối nay em làm sao thế?”
Tôi cắn môi không đáp, chỉ nắm ngón tay hắn như có như không.
Vào lúc hắn cho rằng tôi sẽ không trả lời, đột nhiên tôi mở miệng: “Anh sắp phải đi đúng không?”
Thời gian như bị đông cứng, mỗi một giây hắn do dự không nói đối với tôi đều là một giây chờ đợi bản án tử hình.
Hắn khàn giọng, “Anh ——”
“Anh muốn đi làm nhiệm vụ phải không? Em biết hết, em biết anh là cảnh sát giống anh Tiểu Phó. Anh phải đi thành phố khác công tác sao, dẫn em đi cùng được không? Anh đi đến đâu em sẽ đăng ký nguyện vọng đại học ở đó, với thành tích của em thì trường nào cũng vào được. Em sẽ nghe lời, sẽ ngoan ngoãn, em còn thông minh nữa, em đã trưởng thành rồi. Đến lúc đó em sẽ tìm việc làm thêm kiếm tiền, không liên lụy đến anh.”
Tôi nói hết những gì mình có thể suy nghĩ đến một lần, càng nói càng lộn xộn.
“À đúng rồi, quên nói với anh, em định đăng ký ngành pháp y đấy, sau này tốt nghiệp sẽ có cơ hội làm việc với anh. Chúng ta có thể ở cùng nhau, không chừng em còn có thể hợp tác giúp anh phá án như trong phim truyền hình ý. Em sẽ không mang thêm phiền toái cho anh, em cam đoan sẽ nghe lời.
“Chu Hải Yến, anh dẫn em đi với được không?” Cuối cùng tôi không nhịn được tiếng nức nở.
“Thanh Thanh nhà chúng ta rất thông minh, nhưng còn quá nhỏ.”
Hắn thở dài, cúi đầu ôm lấy mặt tôi, run rẩy hôn lên nước mắt trên khóe mắt tôi. Sau đó trán chúng tôi áp vào nhau, hơi ẩm lan xuống gối đầu phân không rõ là của ai.
Nỗi bất an trong lòng càng thêm mãnh liệt, tôi siết ngón tay đến trắng bệch.
Hắn ngẩng đầu, nhẹ nhàng vỗ vỗ lưng tôi như dỗ dành trẻ con, giọng nói như nghẹn trong cuống họng, nhưng hắn vẫn cố cất tiếng trêu ghẹo: “Sau này khóc ít thôi, còn nhỏ khóc nhiều hư mắt đấy.”
Nước mắt tuy đã ngừng nhưng trong lòng thì vẫn chảy mãi, thậm chí tôi không biết rốt cuộc một tiếng anh, hay một tiếng Chu Hải Yến có giữ hắn lại được không, hoặc cả hai đều không được.
Đột nhiên hắn nói: “Muốn nghe chuyện cũ của ba mẹ anh không?”
Không đợi tôi trả lời, hắn đã tự nói tiếp:
“Cuộc đời mẹ anh thật ra rất khốn khổ. Trong nhà bà ấy là con thứ nhì, phía trên có anh cả lớn hơn bốn tuổi, bên dưới có em trai nhỏ hơn mười tuổi. Gia đình trọng nam khinh nữ, chuyện gì cũng đến tay mẹ anh làm, kể cả chuyện chăm sóc con cái.
“Nhà đó không muốn cho mẹ anh đi học, nhà nước chỉ mới thi hành giáo dục bắt buộc những năm gần đây thôi. Mỗi ngày bà ấy đeo một cái giỏ đi cắt cỏ cho heo ở gần trường học, cắt một hồi liền len lén ghé vào cửa sổ nhìn trộm nghe trộm. Thầy giáo trong lớp thấy mẹ cũng chưa bao giờ đuổi bà đi, từ sáu tuổi đến tám tuổi, bà dựa vào cái đầu thông minh mà mỗi ngày về nhà đều tự học thêm, về sau thầy giáo bèn ưu ái tặng cho bà một quyển sách để đọc.
“Mẹ học tập cũng không xao nhãng việc nhà, hơn nữa thầy giáo từng đến nhà khuyên cha mẹ mấy lần để bọn họ cho bà đi học không mất tiền, ở thời đại đó người làm công tác văn hóa rất được tôn trọng, cứ như vậy mẹ anh mới được cho đi học.
“Năm mẹ anh thi đại học là khoảng năm 89, vùng Giang Nam xảy ra lũ lụt phá hủy rất nhiều đồng ruộng, trong vòng một đêm hoa màu mất hết, anh trai mẹ không có tiền cưới vợ. Người nhà liền thương lượng bán mẹ cho lão trưởng thôn làm vợ bé. Mẹ anh đánh chết cũng không chịu, bà khóc lóc cầu xin, nói mình chắc chắn có thể đỗ đại học, đến lúc học hành thành tài sẽ kiếm thật nhiều tiền cho anh trai cưới vợ, nhưng người nhà vẫn không nghe.
“Sau đó mẹ anh bỏ trốn, trên người không mang theo một đồng nào, cứ như vậy chạy suốt đêm đến nhà ga. Ở ngoài ga có người mãi nghệ làm xiếc, có cả ăn xin. Da mặt mẹ mỏng tính tình lại ương bướng nên không muốn làm ăn xin, bà bèn đứng đó nhảy múa, là bài múa duy nhất mà mẹ được học ở trường. Nhưng không ai để ý đến bà, nhảy múa suốt một ngày mà không đủ tiền mua một chai nước uống, mắt thấy chuyến tàu cuối trong ngày sắp đi rồi, bà càng nôn nóng hơn.
“Thế rồi một người thanh niên mặc quân phục xuất hiện, người đó khen mẹ anh nhảy múa rất đẹp mắt, sau đó hỏi bà muốn đi đâu, ông ấy có thể mua vé xe lửa cho bà xem như tiền công cho điệu nhảy. Chính mẹ anh cũng không biết bà muốn đi đâu liền hỏi ngược lại người kia, rồi làm như tiện đường đi cùng ông ấy.
“Năm ấy ba anh vừa xuất ngũ trở về, hai mươi ba tuổi, lớn hơn mẹ anh năm tuổi nhưng không thể cưỡng lại tình yêu sách vở của mẹ anh. Ba anh đi qua nhiều nơi, mẹ anh đọc nhiều sách, bọn họ nói chuyện với nhau rất vui vẻ, càng nói càng cảm thấy đối phương đúng là tri kỷ. Thế nên lúc xuống xe biết mẹ anh lừa gạt, ông ấy cũng không tức giận mà chỉ khen mẹ thông minh. Một người gan lớn một người lương thiện, một người dám đi một người dám nhận.
“Bọn họ cùng nhau làm công xưởng, cùng dựng sạp bán quán, cùng đi nhặt ve chai. Hai người dần dần vừa mắt nhau rồi tính đến chuyện kết hôn, nhưng mẹ anh không có hộ khẩu. Mẹ đề nghị hai người cứ như vậy sống chung cũng được, nhưng ba anh nói sao cũng không chịu. Ông ấy cầm số tiền mình tiết kiệm được mấy năm trời về quê nhà mẹ anh, đổi lấy hộ khẩu của mẹ, cũng xem như mua đứt luôn quan hệ của mẹ với gia đình cũ.
“Hai người họ quang minh chính đại kết hôn, còn tổ chức một lễ cưới đơn giản. Kết hôn xong ba anh làm tài xế lái taxi một thời gian, mẹ anh nhận làm giáo viên một trường tiểu học ở nông thôn. Cuộc sống của hai người mặc dù nghèo khổ nhưng rất ngọt ngào.
“Lúc anh được sinh ra, ba anh đã làm cảnh sát, mẹ vừa ở nhà chăm con vừa buôn bán nhỏ, cuộc sống chưa gọi là khá giả nhưng ít nhất đã có nguồn thu nhập ổn định. Lúc sinh anh mẹ bị sinh khó, nói cũng buồn cười, ba anh là đàn ông mà nghe tiếng mẹ la hét thê thảm vì đau, ông ấy không nói hai lời đã lao vào phòng sinh, bác sĩ cũng không ngăn lại kịp. Ba nắm tay mẹ quay đầu nói với bác sĩ, phải giữ lớn, giữ lớn, không cần giữ đứa nhỏ.
“Bác sĩ trả lời, đứa nhỏ đang khỏe mạnh như vậy, nói bỏ là bỏ sao được.”
Ngữ khí Chu Hải Yến quá hài hước làm tôi vừa khóc vừa cười.
Hắn xoa đầu tôi, tiếp tục kể.
“Mẹ sinh anh bình an, ba phục vụ mẹ ở cữ xong quyết định đi bệnh viện triệt sản, nói không bao giờ sinh con nữa.
“Gia đình anh là kiểu cha nghiêm mẹ hiền điển hình, trước đây nếu ở nhà anh chọc giận mẹ, ba đi làm về nhất định sẽ đánh anh một trận, nhưng thật ra ba mẹ đều rất thương anh. Từ nhỏ anh đã thấy ba anh rất ngầu nên cực kỳ sùng bái ông ấy, mỗi lần nghe tin ông ấy bắt được người xấu, anh đều cảm thấy ba anh đúng là anh hùng.
“Dù ở ngoài trông ba hung dữ thế nào, về nhà vẫn đối xử rất tốt với mẹ con anh. Tiền bạc trong nhà đều do mẹ quản lý, ba nói ở đơn vị bao ăn ở nên không cần tiêu tiền. Chỉ cần ba ở nhà, mọi công việc nặng nhọc đều do ông ấy làm hết, từ nhỏ ông ấy đã dạy anh rằng đàn ông biết quán xuyến thì trong lòng mới có gia đình. Ba thích rửa chân bóp vai cho mẹ, biết mẹ thích hoa quế, ba liền trồng cây hoa quế trước sân.
“Nếu nói có chỗ nào không tốt thì chính là chuyện ba chưa bao giờ đi họp phụ huynh cho anh. Anh mang họ mẹ, phần ghi tên ba mãi mãi để trống. Ông ấy cũng chưa bao giờ chụp ảnh, thậm chí vì ngày xưa nghèo quá nên cả một tấm ảnh cưới với mẹ cũng không có luôn.
“Về sau công việc của ba càng lúc càng bận rộn, đôi khi đến nửa năm cũng không quay về nhà được một lần. Hàng xóm láng giềng thấy mẹ cứ một thân một mình vất vả nên trào phúng nói chắc ba nuôi người khác bên ngoài rồi. Anh hỏi ba cụ thể là bận chuyện gì ông ấy không trả lời. Thời điểm anh thất vọng về ba lắm rồi mà mẹ anh vẫn tin tưởng ông ấy sẽ tuyệt đối không làm chuyện có lỗi với bà.
“Đến một năm nọ ba anh trúng đạn được người ta khiêng về nhà, bọn anh mới nhận ra công việc ba làm không hề đơn giản. Ba ở nhà dưỡng thương mất nửa năm, trong vòng nửa năm này ông ấy vẫn không trực tiếp nói rốt cuộc mình đang làm gì, chỉ dạy anh cách phân biệt hoa anh túc và cây thuốc phiện, để anh ghi nhớ hình dạng thứ độc dược đó cả đời, hễ thấy là phải tiêu hủy ngay.
“Khi đó anh mới hiểu rõ ba đang làm công việc gì. Anh hỏi ba chuyện đó có đáng không, ông ấy đáp, chuyện không ai muốn làm vẫn phải có người tình nguyện làm chứ. Cuối cùng anh được ba truyền cảm hứng rất nhiều, thi đại học cũng báo danh vào trường cảnh sát, muốn đi con đường giống ông ấy, trở thành người lợi hại như ông ấy.