Người Âm Mai Mối

Chương 55



Nghĩa biết cô gái đó. Cô gái ra ám hiệu cho Nghĩa tên Hạnh, là một gái làng chơi có tiếng bởi nhan sắc xinh đẹp cộng với thân hình nóng bỏng chính là điểm nhấn giúp cô nổi tiếng trong giới ăn chơi của đám người nhà giàu.

Nhiều lần Hạnh tỏ rõ tình cảm của mình cho Nghĩa biết, nhưng cậu thẳng thừng từ chối và vạch rõ quan hệ. Nghĩa đã từng nói với Hạnh, bản thân cậu không muốn ăn nằm với chung chạ với bồ của đại ca, đó cũng là một cách thể hiện lòng trung thành của cậu đối với ông ấy. Song lý do chính để Nghĩa từ chối Hạnh nhiều lần đó là trái tim cậu đã có bóng hình của người con gái khác.

Nghĩa nhấp xong hớp nước, hỏi ông chủ:

– Đại ca muốn hỏi ý em về vụ đi buôn thuốc lá điện tử ư?

Lão đại ca gật đầu, cười hô hố trả lời:

– Đúng thế. Chú đã suy nghĩ xong chưa báo anh biết một tiếng. Lâu rồi mà chưa thấy chú trả lời, hàng hoá thì đang tồn đọng bên kia biên giới chỉ cần chúng ta lên lấy, vận chuyển về là xong.

Cũng chính vì chuyện này mà mấy hôm nay Nghĩa đắn đo suy nghĩ đến mất ăn mất ngủ. Nếu không nhận thì sợ đại ca không vui, còn nhận thì xem như đôi tay cậu đã nhúng chàm, chính thức bước chân vào con đường phạm pháp.

Nhưng rồi cậu cũng phải đưa ra quyết định, một quyết định mà cậu không hề mong muốn, bởi nó trái với lương tâm.

– Dạ! Em đồng ý đi buôn chuyến này. Tuy nhiên, những chuyến hàng sau em xin từ chối.

Nghĩa vừa nói tới đây gã đại ca lập tức phẩy tay, cười hề hề vui vẻ mà chẳng cần bận đến lý do vì sao Nghĩa lại từ chối những chuyến hàng sau. Ông ta rót cho Nghĩa một ly rượu và bảo:

– Ok, anh hiểu ý của chú mà. Chỉ cần đi áp tải hàng cho anh chuyến đầu tiên thôi, những chuyến sau anh sẽ cử thằng khác đi thay chú.

Nghĩa nâng ly rượu đưa lên miệng uống” ực” hớp, rồi hạ xuống vừa ngắm nghía cái ly vừa gật gù. Một lúc sau cậu nói:

– Vâng! Vậy đại ca định hôm nào xuất phát?

Ông tha nhìn Nghĩa khẽ nhếch mép cười khi Nghĩa không để ý, sau đó làm ra vẻ vui tươi hớn hở, trầm giọng nói nhỏ:

– Hai ngày nữa. Chú về nhà chuẩn bị đi. Cứ yên tâm mà đi Nghĩa nhé, anh đã bố trí người dọn đường sẵn cả rồi. Sẽ không gặp bất trắc gì đâu.

Nghe ông ta vậy, Nghĩa yên tâm phần nào. Bàn chuyện xong cậu đứng dậy xin phép ra về. Khi đó Hạnh cũng giả vờ muốn đi vệ sinh, cốt là muốn gặp Nghĩa để hỏi chuyện.

Đợi hai người đi khỏi, ông ta ngoắc gã đàn em lại và ra lệnh:

– Mày nhớ theo dõi hai đứa này cho tao, nếu phát hiện chúng nó phản bội sau lưng tao thì cứ theo luật mà làm.

Gã đàn em gật đầu, đáp:

– Vâng, em biết rồi đại ca cứ yên tâm.

– Ừ! Ở đây hết việc của mày rồi, mau đi làm việc đi.

– Vâng, em xin phép đại ca em đi làm việc.

Trong phòng bây giờ chỉ còn mình ông ta và một cô em chân dài bên cạnh. Thình lình ông ta bóp chặt cánh tay cô gái kéo cô áp sát vào người mình khiến cô gái đau đớn nhăn mặt. Tay còn lại đưa lên bóp cằm hếch lên. Ông ta trợn mắt, nghiến răng, làm cho những gân máu trên mặt nổi chằng chịt, nói với cô gái bằng ngữ điệu hăm doạ:

– Những chuyện ở đây cô vừa nghe thấy, nếu dám hé răng nửa lời đừng trách tôi không thương hoa tiếc ngọc, nghe rõ chưa?

Nói xong, ông ta hất mặt cô gái ra khỏi người mình. Cô gái đưa tay lên che mặt, hơi thở tựa như muốn rớt tim ra ngoài, nhìn ông ta sợ sệt gật đầu:

– Em..em..hiểu.
Ông ta cười khẩy, nói:
– Hiểu rồi thì tốt. Muốn ăn sung mặc sướng thì phải biết nghe lời, đừng để tao biết tụi mày đâm lén sau lưng tao.
Cô gái gật đầu lia lịa, miệng lắp bắp:
– Vâng..vâng..vâng…
….

Hạnh theo chân Nghĩa ra ngoài cửa quán, cô gọi anh giật lại:

– Anh Nghĩa, em có chuyện muốn nói.
Nghĩa quay lại, hỏi:
– Có chuyện gì cô Hạnh nói mau đi, tôi còn phải về nhà giúp cha mẹ cày bừa thửa ruộng.
Hạnh nhìn quanh quẩn thám thính, thấy xung quanh không có tai mắt, lúc này cô mới lên tiếng nói nhỏ:
– Anh tính đi buôn chuyến hàng đấy thật à?
Nghĩa nhún vai:
– Tại sao không? Ông chủ trả tiền công khá cao thì có lý do gì để tôi từ chối.

Nhìn thái độ của Nghĩa thì Hạnh hiểu anh đã quyết tâm đi buôn chuyến hàng này. Chỉ là Nghĩa không hiểu rằng tiền công càng cao thì nguy hiểm càng nhiều, và có thể sẽ phải trả một cái giá khá đắt, đôi khi bằng cả mạng sống của chính mình. Hạnh thôi không khuyên nhủ nữa, mà nói với Nghĩa.

– Tác hại của thuốc lá điện tử nó ghê gớm lắm, không đơn giản chỉ là thuốc lá đâu anh. Hãy cẩn thận với người của ông chủ.

Cô vừa nói đến đây đã bị gã đàn em vừa từ phòng của ông chủ bước ra, anh ta từ từ bước đến lên tiếng hỏi:

– Cậu Nghĩa chưa về nữa hả? Có đi làm tách cafe với tôi không? Giờ tôi đang rảnh.

Mặt Hạnh biến sắc khi nghe thấy giọng của gã cách chỗ mình đứng không xa, cô đang sợ hắn đã nghe những lời mình vừa nói. May mà có Nghĩa ở đó, đánh trống lảng sang chuyện khác.

– Cô Hạnh đi trước đi, việc cô nhờ tôi đợi tôi lên đó xem có bán hay không tôi mới mua giùm cho cô được. Tiền bạc thì khi nào mua được hàng thì hẵng tính.

Hạnh chợt hiểu ý, mắt chớp chớp, nhập vai diễn theo Nghĩa cho ăn khớp.

– Vậy anh Nghĩa giúp em nhé. Bố em thích loại trà sen đấy lắm. Lần trước em được đại ca biếu 1 hộp mang về cho bố em dùng, cụ thích lắm anh ạ.

Nghĩa gật đầu, rồi cậu đưa mắt nhìn gã đàn em của đại ca, nói:

– Hôm nay em bận rồi anh, nhà em có mấy đám ruộng cần cày bừa, thôi vì đang rảnh em về phụ các cụ cày bừa cho xong. Bố em mấy năm nay cũng yếu rồi, chẳng làm được những công việc nặng nhọc.

Gã ậm ừ, xua tay cho Nghĩa đi đi.

Khi cả hai đi khỏi, gã lấy điện thoại báo cho ông chủ:

– Ông chủ, con nhỏ Hạnh nhờ thằng Nghĩa mua trà sen cho bố nó. Hình như loại trà hôm bữa ông chủ tặng nó sau chuyến đi công tác vùng cao.

Đầu dây bên kia, giọng của lão đại ca vọng đến dặn dò:

– Cho dù là vậy thì cậu cũng đừng rời mắt khỏi hai đứa chúng nó. Đợi chuyến hàng này êm xuôi trước đã, tôi sẽ căn dặn cậu phải làm gì tiếp theo.

Gã đáp rồi cúp máy:

– Dạ, em hiểu rồi thưa ông chủ.

Về đến nhà Nghĩa không vội đi cày bừa, mà cậu chui luôn vào buồng móc chiếc điện thoại mình trong túi ra kiểm tra. Thì ra, biết tính ông chủ là người hay lật lọng nên Nghĩa đã mua chiếc điện thoại mới khá xịn sò để ghi âm những cuộc đối thoại, trò chuyện giữa cậu và ông ta. Làm vậy là anh tự chừa cho mình một con đường lùi, đảm bảo rằng mình sẽ có đủ bằng chứng kéo ông ta vào ngục nếu như cậu bị ông ta chơi xấu hay gài bẫy.
—-

Chiều nay, đôi mắt chú Công mờ vì men rượu. Chẳng biết do có người âm dẫn lối, hay do vì quá thương nhớ vợ con mà chú Công lại khật khưỡng một mình đi ra bãi nghĩa địa.

Đứng trước hai nấm mộ một to, một nhỏ, chưa từng một lần được xây mới bị cỏ dại mọc tốt um.

Chú Công ngồi phịch xuống nền cỏ, hai tay đặt lên mộ xoa xoa bật khóc nức nở như một đứa con nít đang nhớ mẹ.

Bỗng, tiếng khóc im bặt, tay chú khựng lại. Dường như chú cảm nhận có sự thô ráp trên mộ vợ mình. Khi chú nhấc tay lên đã thấy lòng bàn tay bị vật gì đó sắc nhọn cứa đứt, đang ri rỉ máu bắt đầu chảy ra.

Lúc đó chú Công như bừng tỉnh. Men rượu trong người không giải tự hết và tinh thần cảm thấy minh mẫn hơn bao giờ hết.

Chú Công ghé mắt sát vào ngôi mộ, đôi tay mò mẫm vạch từng bụi cỏ dại ra xem, quả nhiên phát hiện ra đầu cọc tre nhô lên cao. Tay mình bị thương cũng là do vết xước trên đầu cọc tre gây ra. Chú công dùng sức nhổ nó lên nhưng do cả ngày chẳng ăn uống gì ngoài chai rượu tu vào người nên nhổ mãi mà chiếc cọc tre vẫn không hề nhúc nhích.

Vừa may cô Lành đi ngang qua, liền bị chú Công gọi giật lại.

– Này cô Lành, cô Lành ơi.

Làm cô Lành giật mình, bởi đây là đoạn đường sát bãi nghĩa địa.

Cô Lành ngước lên nhìn, thấy chú Công đứng bên trong mới xua tan đi cảm giác sợ hãi vừa rồi.

– Bác Công đấy hả? Trời ạ! Tự dưng bác gọi tên em làm em hết hồn vía.

Chú Công cười hề hề, nói:

– Cô Lành đi thăm đồng đấy hả? Cho tôi mượn cái cuốc được không cô?

Cô Lành cười, đáp:

– Vâng, cuốc đây, bác cứ lấy mà làm. Đằng nào thì em cũng lấy nước xong cho thửa ruộng rồi, đang trên đường về nhà thổi cơm cho bọn nhỏ.

Chú Công đi xuống nhận cái cuốc trên tay cô Lành, cười hì hì nói tiếp:

– Cô Lành về trước đi, tí nữa cuốc xong vạt cỏ tôi đem nó về trả cô nhé.

Cô Lành gật đầu, chẹp lưỡi, đáp:

– Mấy ai nghĩ chu đáo được như bác Công, còn ra thăm mộ với nhổ cỏ. Thôi bác Công về sau nhé, em chạy về lo cơm nước kẻo trời tối đến nơi rồi.

Nghe cô Lành nói chú Công cảm thấy thật xấu hổ. Bởi đây là lần thứ hai bản thân chú ấy ra thăm mộ vợ con. Kể từ ngày thím Mười sinh ra cậu con trai không được lành lặn, thì bản thân chú ấy trượt dài trong men rượu. Ngay cả đám giỗ hay vào những dịp tết thanh minh chú ấy cũng chẳng buồn ra thăm mộ vợ con mình.

Đợi cô Lành đi khuất, chú Công bắt đầu dọn dẹp. Sau hơn 30 phút, hai ngôi mộ đã sạch cỏ dại, khi ấy nhìn lên mộ chú ấy mới tá hoả khi phát hiện ra không chỉ mộ vợ mình bị người ta đóng cọc, mà ngay cả mộ con gái mình cũng bị đóng.

Nhổ những cái cọc tre ra khỏi mộ, trái tim người đàn ông như vỡ vụn. Chú ấy ngồi thụp xuống, vò đầu bứt tai suy nghĩ kẻ đã gây ra chuyện này. Một lúc sau, đôi mắt chú Công mở to tròn, sực nhớ ra cái đêm hôm thím Mười ra khỏi nhà giữa đêm mưa gió mà trong lòng bắt đầu nhen nhóm mối nghi ngờ.

“ Chẳng nhẽ người làm chuyện này chính là cô ta?” Chú Công lảm nhảm trong miệng. Hai tay siết chặt đấm thùm thụp xuống dưới đất.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner