Giới thiệu:
Nó nói cũng đúng, Phúc kéo tôi đi tiếp, chật vật mãi cuối cùng cả hai cũng len lỏi tới bên trong. Trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng rùng rợn ớn lạnh. Trước cửa chính của căn nhà, một đôi chân thõng xuống ngang cửa, không biết máu từ đâu chảy xuống mà hai ống quần của nạn nhân đã nhuộm đỏ chót ướt sũng một màu máu đỏ tươi. Thi thoảng, vẫn còn một vài giọt máu rơi xuống đất, nhìn theo những giọt máu chảy tôi thấy một bãi máu bầy nhầy xen lẫn cả dịch gì đó đọng lại một bãi dưới đất, ngay dưới chỗ cái xác bị treo.
Tôi so vai rùng mình mấy cái, lảo đảo lùi lại phía sau. Chẳng hiểu sao trời đang lặng gió là vậy mà cái xác cứ đu đưa qua lại, tiếng sợi dây thừng vang lên kẽo kẹt.. kẽo kẹt.. kẽo kẹt…càng làm xương sống tôi lạnh buốt.
Vào một chiều hè cuối tháng 5 hoàng hôn buông thật đẹp. Từng ánh nắng yếu ớt chiếu xuống con đường đê quen thuộc, tôi mỉm cười, chân bước chậm rãi không vội, chắc vì vẻ đẹp bình dị của quê hương níu kéo chân tôi chậm lại. Gió thoảng vi vu làm mái tóc tung bay, những ngọn tre ngả nghiêng theo chiều gió làm cho những tán lá kêu xào xạc.
Sau bao ngày công tác xa nhà cuối cùng tôi cũng được cơ quan cho nghỉ phép 1 tháng, sau chuyến công tác, tôi vội gom ít đồ bỏ vào balo bắt chuyến xe về quê với bố mẹ. Chẳng là một tuần nữa đám giỗ đầu của ông nội tôi sẽ đến nhân cơ hội này tôi muốn làm tròn bổn phận của một người cháu với ông nội.
Tôi nhớ hồi ông mất, lúc đó tôi đang phải đi công tác nước ngoài, về cũng không kịp, bố động viên tôi bớt đau buồn ở lại mà công tác. Tôi buồn lắm, hồi còn sống ông rất thương tôi, không phải vì tôi là đứa cháu độc đinh của dòng tộc, mà bởi vốn tính tôi hiền lành, chăm học, biết lễ nghĩa.. đấy là lời ông thường nói với mọi người mỗi khi có ai đó bảo ông thiên vị với cháu trai.
Tất cả giờ chỉ còn là kỉ niệm.
Đang đi chợt phía trước có tiếng bước chân người chạy dồn dập về phía cuối làng, già trẻ lớn bé cứ thế ùa theo nhau mà chạy, xen lẫn là những lời bàn tán xôn xao. Tôi rướn cổ lên nhìn, ngơ ngác như con nai mới vừa ở rừng xuống, đang chưa hiểu chuyện gì bỗng đằng sau có tiếng hỏi, kèm theo cái vỗ vai làm tôi giật nảy mình quay lại.
– Ôi trời ơi, ai vậy…?
Hì… hì…. thì ra là thằng Phúc con nhà ông Diện, nó thấy tôi giật mình sợ hãi như bị ma nhác nó nhe răng ra cười, tay gãi đầu nhìn tôi hỏi.
– Anh Minh, anh vừa về đấy à? Lâu lắm không gặp anh. Ah hôm nào cuối tuần hẹn anh đi nhậu bữa, gớm.. người thành đạt có khác, không có thời hian cho bọn nhà quê tụi em.
Tôi trách nó.
– Này.. anh cấm chú nói vậy. Làm gì thì làm, về tới đây không phân biệt sang hèn nhá.
Hì hì… cười xong, mắt nó đảo như rang lạc, hất hàm về hướng mọi người đang chạy nói với tôi bằng giọng sợ hãi.
– Mà anh về hôm nay đúng cái ngày không đẹp. Haizzz…
Nhìn nó tôi hỏi lại.
– Chú nói vậy là sao hả?
– Anh biết mọi người chạy đi đâu không?
Tôi lắc đầu, nó kéo tôi đi tiếp, vừa đi vừa kể.
– Thì là làng mình có người treo cổ tòng teng chết đấy anh. Ahhh mà nói chính xác thì chẳng phải người làng mình anh ạ. Cơ mà ai thì ai, chết đâu không chết, lại chọn chết trong làng mới ghê, đã thế nhá, còn treo cổ ở trong căn nhà hoang cuối thôn, nơi mà 5 năm trước con bé Tâm nó thắt cổ tự vẫn. Anh thấy ớn không cơ chứ?
Nghe nó nói xong tôi khựng lại. Con bé Tâm thì tôi biết, nhà nó tuy không gần nhà tôi nhưng nó là người cùng làng. Nghĩ cũng khổ, con bé mới 17 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, chăm ngoan học giỏi là thế vậy mà đùng một cái cả làng té ngửa sửng sốt khi hay tin cái Tâm treo cổ tự tử ở căn nhà cuối thôn. Tới tận bây giờ cũng đã hơn hai năm công an chỉ kết luận cái Tâm tự tử vì thi đại học không đậu. Mà kể ra cũng lạ, nó học giỏi là vậy, 12 năm toàn là giấy khen học sinh giỏi, vậy mà thi đại học lại rớt thì nghe hơi vô lý. Mấy đứa thanh niên trong làng cứ bảo “ học tài thi phận” dù học giỏi thi chưa chắc đã đậu, quan trọng là nhờ vào vận may. Tôi thì nghĩ khác, chắc chắn cái chết của con bé có một điều gì đó khuất tất, nên mẹ nó thường nằm mơ con gái mình về báo mộng rằng mình chết oan, sau bao lần như vậy mẹ cái Tâm là cô Thuý nói với gia đình nhưng không một ai tin, họ còn bảo cô ấy bị điên. Vì thương con quá và nghĩ uất ức trong lòng nên một năm sau cô ấy phát điên thật. Giờ cứ thơ thẩn đi quanh làng gọi tên con, có khi ngày ở nhà rồi đêm xuống lại ra căn nhà hoang ấy nằm ngủ. Mới đầu chú Tuấn chồng cô ấy còn chăm lo quan tâm cho vợ mình, riết.. đâm cũng chán, chẳng lâu sau cũng sa chân vào rượu chè bê tha để giờ thành con ma men nghiện rượu của làng. Một gia đình đang đẹp thế bỗng chốc tan nát, cả làng nhìn thấy mà thương xót. Người chết thì khổ mà người sống thì lại chẳng ra người. Đang suy nghĩ miên man chợt thằng Phúc hỏi kéo tôi về thực tại.
– Anh nghĩ gì thế? Hay anh sợ?
Tôi gượng cười lắc đầu.
– Ah không, sợ thì anh không sợ, chỉ có điều thắc mắc là ai chết mà thôi? Với lại, sao lại là chỗ con bé Tâm chết năm xưa nhỉ..?
Câu hỏi của tôi đánh đúng tâm lý của thằng Phúc đang trăn trở, mắt nó sáng lên ghé sát tai tôi thì thầm.
– Em cũng thắc mắc như anh, tự dưng ở đâu chạy đến đây chết. Mà em còn nghe nói là chết thảm nữa. Thôi anh về cất đồ đi, ra đây đi cùng em cho bớt sợ. Trời nhá nhem tối thế này đi càng hãi, mà không đi thì cái tính tò mò trong em nó ngứa ngáy hết cả người.
Tôi vỗ vai nó.
– Vậy chú chờ ở đây, để anh chạy về nhà cất đồ, mượn bố cái xe phóng ra xem cho nhanh.
Một lúc sau tôi quay lại, hối thằng Phúc leo lên xe rồ ga chạy thẳng về hướng cuối làng. Căn nhà hoang này tôi nghe bà nội kể lại nó có từ rất lâu đời rồi, nó thuộc đất đai của dòng họ Nguyễn ở làng tôi. Năm đó, họ Nguyễn trong làng tôi giàu có bậc nhất, giàu cứ như địa chủ một vùng. Ông cố của dòng họ Nguyễn thấy của ăn của để ba đời không hết nên cho xây dựng căn nhà bề thế cuối thôn, ở đó cũng được cho là mảnh đất cao ráo có địa hình đẹp nhất làng. Nhà cất xong gia chủ ở đâu được hơn một năm thì bắt đầu thời thế loạn lạc, ông chủ nhà vì muốn bảo toàn tính mạng cho gia đình mà đưa cả nhà đi xơ tán đến nơi khác sinh sống. Bỗng một ngày giặc Mỹ kéo về làng sau một thời gian càn quét căn nhà bị đổ sập mất một góc vì bom đạn. Một hôm bọn giặc Mỹ đã lôi một cô gái ra đấy hãm hiếp xong giết chết còn treo cổ lên mái nhà ngay chỗ cửa ra vào. Từ đó..những lời đồn thổi thêu dệt về bóng ma của cô gái chết oan càng làm cho căn nhà thêm ma mị. Thủa đó một vài người ban đêm về ngang qua bị cô gái ấy nhác, chính quyền muốn dập tắt nỗi sợ hãi trong dân làng bèn ra lệnh phóng hoả với mong muốn thiêu rụi nó. Lạ ở chỗ căn nhà đang cháy dở bỗng gặp một trận mưa như trút nước vào giữa tháng 5 oi ức. Sau trận mưa ấy căn nhà tồn tại tới bây giờ. Đôi chỗ tường đã đổ nát song mái nhà lại còn rất chắc, đã vậy không một con mối mọt nào đục khoét, đấy là điểm đặc biệt của căn nhà hoang này. Đôi lần, con cháu trong dòng họ Nguyễn có ra đấy canh tác, định dọn dẹp cho quy hoặch lại nhưng hễ đặt chân lên mảnh đất ấy y như rằng về ốm liệt giường. Làng tôi chẳng ai dám ra ngoài đấy, vì họ bảo căn nhà đã bị cô gái năm xưa nguyền rủa.
Thằng Phúc ngồi sau xe hối.
– Anh Minh, chạy nhanh đi anh, em sốt ruột quá.
– Ờ được rồi, nôn nóng cho lắm khéo tối lại không dám đi đái á mày.
Nó cười tít mắt, đập tay vào bả vai tôi chỉ về phía trước.
– Kia rồi..
Tôi tấp xe vào bên đường, cả hai chúng tôi tiến sát về căn nhà, phía trước mặt, dân làng đã bu kín chen lấn ngó nghiêng vào trong để xem. Có người không dám vào chỉ đứng bên ngoài chờ mấy người vào xem chạy ra kể lại. Tôi hơi sợ, cảm giác lạnh hết sống lưng đến tê buốt. Tôi níu thằng Phúc lại hỏi.
– Ê Phúc, chú có nghe lạnh trong người không?
Nó lắc đầu.
– Làm gì có anh, trời không tí gió cơ mà.
Nó nói cũng đúng, Phúc kéo tôi đi tiếp, chật vật mãi cuối cùng cả hai cũng len lỏi tới bên trong. Trước mắt chúng tôi là một cảnh tượng rùng rợn ớn lạnh. Trước cửa chính của căn nhà, một đôi chân thõng xuống ngang cửa, không biết máu từ đâu chảy xuống mà hai ống quần của nạn nhân đã nhuộm đỏ chót ướt sũng một màu máu đỏ tươi. Thi thoảng, vẫn còn một vài giọt máu rơi xuống đất, nhìn theo những giọt máu chảy tôi thấy một bãi máu bầy nhầy xen lẫn cả dịch gì đó đọng lại một bãi dưới đất, ngay dưới chỗ cái xác bị treo.
Tôi so vai rùng mình mấy cái, lảo đảo lùi lại.
Trời lặng gió mà cái xác cứ đu đưa qua lại, tiếng sợi dây thừng vang lên kẽo kẹt.. kẽo kẹt.. kẽo kẹt…