SỰ THẬT CUỐI CÙNG 2 – chương 1
GIỚI THIỆU:
(Không có giới thiệu, mời các bạn đọc phần đầu trong page mình, phần này đứng ở góc nhìn của Bí Ẩn – nhân vật đã tự sát trong phần đầu).
1
Cuối tháng Hai, thầy Triệu ở phòng Công tác sinh viên nói với tôi chỗ làm thêm ở căn tin đã được giao cho sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, nếu tôi đồng ý thì thầy ấy sẽ điều tôi đến thư viện.
Thầy Triệu nói với tôi: “Thư viện cũng tốt lắm, lại nhàn nữa, em có thể tận dùng thời gian rảnh để học bài.”
Có lẽ tôi chẳng mấy khó khăn trong mắt thầy Triệu, thầy ấy nghĩ tôi chỉ muốn kiếm thêm một ít để chi tiêu sau thời gian học mà thôi.
Nhưng thầy Triệu không biết tôi cần uống thuốc, loại thuốc kia có giá 100 tệ một hộp, mỗi hộp chỉ có mười viên, tổng cộng 200mg.
Lúc tâm trạng tốt thì tôi uống 30mg một ngày, còn tâm trạng xuống dốc thì phải uống gấp đôi.
Bình thường chưa tới bốn ngày là tôi đã uống sạch một hộp rồi.
Công việc ở căn tin rất tốt, vừa được ăn cơm miễn phí, vừa có tiền lương nữa.
Tuy công việc ở thư viện nhàn rỗi, nhưng tiền lương chỉ bằng một nửa so với căn tin.
Nếu tôi bị điều đến thư viện thì sẽ mất suất ăn miễn phí, lại còn bị giảm tiền lương nữa chứ.
Cho nên tôi thử tìm thầy Triệu để nói chuyện.
2
Tôi đến Phòng công tác sinh viên tìm thầy Triệu, căng thẳng đến mức nắm chặt vạt áo, chẳng dám ngẩng đầu lên.
“Thầy Triệu.”
“Hả? Là em à?”
“Thầy ơi, em thật sự cần công việc ở căn tin.”
Câu trả lời của thầy Triệu rất đơn giản.
“Thầy đã gửi danh sách rồi, em có tìm thầy cũng vô ích.”
Tuy vậy, tôi vẫn cố hết sức xoay chuyển tình hình.
“Thầy Triệu à, em xin thầy đấy, em thật sự cần lắm.”
Thầy Triệu mới vừa mở nắp bình giữ nhiệt, nghe tôi nói vậy thì lại đậy vào.
“Bạn sinh viên thế chỗ em mồ côi cha mẹ.”
“Nhưng em…”
“Cứ vậy đi. Trong trường hay bên ngoài vẫn có mấy việc làm thêm khác mà, em cứ tìm thử xem sao, có khi không thua gì căn tin đâu.”
“…”
3
Sau khi bị thầy Triệu mời ra ngoài, tôi lủi thủi đi xuống cầu thang rồi tìm góc hẻo lánh nhất lẳng lặng ngồi xuống, sau đó tôi lấy bình giữ nhiệt trong cặp xách, tiếp đến là rút vỉ thuốc Paroxetine trong ví tiền ra.
Vỉ thuốc này chỉ còn hai viên mà thôi.
Bình thường tôi uống nửa viên, nhưng lần này tôi uống hẳn hai viên.
Sau khi xác nhận nhiệt độ nước uống vừa phải, tôi bỏ viên thuốc kia vào miệng.
Viên thuốc trôi tuột xuống cổ tôi theo dòng nước ấm.
Đến khi hô hấp của tôi đã bình thường trở lại, tôi mới phát hiện hóa ra xung quanh có nhiều người đến vậy.
Tôi tựa vào tường, ngồi trên bậc thang.
Tôi cảm thấy bọn họ chẳng liên quan gì đến mình cả.
Tay tôi đã lạnh rồi, bây giờ còn cầm bình giữ nhiệt bằng nhôm nên càng lạnh hơn.
Chẳng biết vì sao hốc mắt tôi cứ nóng rần lên…
Tôi khóc.
4
“Em ơi? Em ơi?”
Tôi từ từ quay đầu lại thì trông thấy một người đàn ông trung niên mặc vest đang nắm lấy vai tôi.
“Em có ổn không? Sao lại ngồi khóc ở đây?”
Tôi đứng dậy rồi gật đầu cảm ơn ông ta.
“Cảm ơn thầy, em không sao.”
Nói xong, tôi đi xuống lầu.
Tôi chỉ hơi khó chịu mà thôi, bây giờ đã tốt hơn rồi.
Tôi không thể cứ ngồi đó mãi được, thầy Triệu nói đúng, còn có rất nhiều việc làm thêm tốt hơn căn tin mà.
Tôi đi tìm những việc mà mình có thể làm được.
Chỗ nào được bao ăn là tốt nhất, nếu không có thì ít nhất tiền lương cũng phải nhiều nhiều một chút…
Tôi đã nghĩ thế đấy.
Sắp phải đi học rồi, tôi đành chờ đến chiều tan học thì tìm tiếp vậy.
5
Tôi quay về phòng ký túc xá thì thấy ba cậu bạn cùng phòng đang chơi game.
Tóc húi cua và Mắt kính chen chúc trên một giường, giành nhau quyền chỉ huy.
Còn Phát đại ca – cậu bạn ở giường đối diện tôi – đang ngồi ở phía dưới.
Thấy tôi về phòng, cậu ấy đưa một phần cơm cho tôi.
“Bọn tôi chờ cậu ở căn tin mà cậu chẳng tới, nên tôi mua cho cậu một phần này.”
Tôi nhận lấy hộp cơm.
“Bao nhiêu tiền vậy?”
“Tiền cái gì. Phát đại ca đây mời cậu đó, khi nào làm bài tập thì cho tôi chép là được.”
Tôi muốn cười lên thật to cho Phát đại ca nhìn, nhưng tôi vừa uống thuốc nên đầu óc cứ mông lung, cười chẳng nổi nữa.
Phát đại ca nhận ra tôi không ổn lắm nên vội hỏi: “Chẳng phải cậu đi tìm thầy Triệu à? Không được sao?”
Tôi ngồi xuống giường của mình.
“Ừ.”
Phát đại ca nghe xong thì tắt trò chơi ngay, sau đó cậu ấy định đi ra ngoài.
“Thầy Triệu làm việc không nghiêm chỉnh gì cả, do cậu ngại nên thầy ấy mới dễ bắt chẹt như vậy đó.”
“Cậu định đi tìm thầy ấy à?”
“Chắc chắn là thầy ấy thấy cậu hay ngại nên mới làm thế. Nhiều người như vậy, không đổi ai mà lại đổi cậu đi. Có mấy tên làm chung với cậu, một tuần bảy ngày thì thay cả bảy đôi giày, đâu có giống người khó khăn, sao không đổi bọn họ đi?”
Nói xong, Phát đại ca định xông ra ngoài.
Tôi muốn ngăn cậu ấy lại, nhưng cậu ấy trong đội bóng rổ, thoáng cái đã chẳng thấy đâu.
Cho dù Phát đại ca có đến gặp thì cũng vô ích thôi, như lời thầy Triệu nói, danh sách đã được gửi lên trên rồi.
Trước mắt tôi cần đi tìm một công việc khác.
6
Cơm nước xong xuôi, tôi đăng tin tìm việc bán thời gian quanh trường học lên Baidu Tieba rồi chờ đợi tin tức.
Khoảng mười phút sau thì đến giờ lên lớp.
Tôi đành cầm lấy sách giáo khoa rồi rời khỏi phòng.
7
Chưa ra ngoài được bao lâu, lúc tôi đang đứng trong hành lang thì nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại trong vùng.
Tôi cúi đầu nghe máy.
“Alo, xin chào.”
“Chào cậu. Tôi đang tìm gia sư tại nhà cho con gái của tôi. Một tiếng 50 tệ, dạy hai tiếng vào tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật. Có tiện cho cậu không?”
“Gia sư tại nhà? Được ạ.”
Tôi vừa nghe đến làm gia sư thì vui lắm, có lẽ đây chính là công việc thích hợp nhất dành cho tôi.
Người bên kia đầu dây nói tiếp: “Hôm nay là thứ Sáu, bảy giờ tối nay cậu đến Riviera Garden được không? Chúng ta dạy thử một hôm xem sao.”
“Dạy thử…”
“Dạy thử cũng có phí mà.”
“Được!”
8
Sau khi tan học, tôi không về phòng mà ra ngoài ăn đỡ bát mì rồi lên xe buýt tới nơi hẹn.
Tôi đến Riviera Garden rồi gọi điện thoại.
Sau khi được người đàn ông kia chỉ dẫn đường đi, tôi chính thức tiến vào nhà của ông ta.
Nhà của ông ta vừa lớn vừa đẹp.
Sau khi vào trong, tôi nhìn thấy người đàn ông nọ đang đứng ngay cửa chào đón mình. Ông ta chính là người mà tôi đã gặp vào trưa hôm nay.
Ông ta nhìn tôi: “Chào em, mau vào đi.”
Tôi nhìn đôi dép đã được chuẩn bị sẵn cho mình rồi hỏi: “Ông là…”
“Thầy là Hiệu trưởng của trường em.”
Tôi hốt hoảng: “Thầy Hiệu trưởng?!”
“Đừng căng thẳng, nhà thầy có một cô con gái, nó đang cần một giáo viên dạy kèm thật đó.”
Nói xong, ông ta chỉ vào trong nhà.
Tôi méo mặt mang dép vào rồi theo Hiệu trưởng đến phòng của con gái ông ta.
9
Hiệu trưởng giới thiệu đôi câu về tôi với cô con gái rồi đi mất.
Tôi ngồi bên cạnh cô bé kia.
Năm nay cô bé học lớp 11, vốn dĩ lúc này cô bé đang phải học tiết tự học ở trường.
Nhưng theo lời cô bé kể thì Hiệu trưởng đột ngột gọi mình về.
Tôi thấy hơi có lỗi.
Hẳn là Hiệu trưởng muốn tôi giành được cơ hội này nên mới gọi con gái về.
“Có lẽ trưa nay Hiệu trường đã nói chuyện với thầy Triệu.”
Nghĩ đến đây, tôi thấy cảm kích thầy Hiệu trưởng vô cùng.
10
Bài vở của năm lớp 11 rất nặng, dường như cô bé này chưa bao giờ ngưng việc học.
Lúc ôn tập cho cô bé, tôi phát hiện cô bé cố ý tránh những câu hỏi chủ quan nêu ý kiến, ngược lại, với những câu hỏi có đáp án cố định thì cô bé lại trả lời rất trôi chảy.
Tôi cảm thấy cô bé này hơi đáng thương.
Rõ ràng đang ở độ tuổi hoa, nhưng cô bé chỉ biết vùi đầu vào sách giáo khoa và học thuộc lòng.
Nhưng cẩn thận suy nghĩ lại, tôi có tư cách gì mà thương hại cô bé chứ.
11
Vì là buổi học đầu nên tôi chỉ muốn biết sơ qua về trình độ của cô bé.
Với sức học hiện tại của cô bé, việc vượt qua kỳ thi là chuyện rõ như ban ngày rồi.
Chuyện khiến cô bé hoang mang chỉ là có đậu vào trường 985 hay 211 hay không mà thôi.
Còn việc tôi có thể làm, chính là giúp cô bé giành thêm điểm với mấy câu hỏi chủ quan.
12
Buổi học đầu tiên trôi qua rất bình thường.
Đến tối, lúc tôi sắp rời đi thì Hiệu trưởng kéo tôi lại và nói: “Để thầy chở em về, đừng nhỡ giờ đóng cổng.”
Tôi ngại ngùng: “Không ổn đâu ạ…”
“Thầy định đưa em về, nhân tiện nhờ em vài chuyện ấy mà.”
Hiệu trưởng đã nói đến vậy nên tôi không từ chối nữa.
13
Trên đường về, tôi ngồi trên ghế phụ.
Hiệu trưởng nói: “Thầy đã nghe tình hình của em từ chỗ thầy Triệu rồi.”
Tôi chỉ gật đầu chứ không trả lời.
Hiệu trưởng nói tiếp: “Thành tích của em rất tốt, thầy giao con gái của thầy cho em đó.”
“Đến giờ thì em tới dạy, nhưng đừng nói với ai nhé!”
Tôi hiểu, sinh viên tới nhà Hiệu trưởng dạy kèm, đây là chuyện rất dễ khiến người ta hiểu nhầm.
“Em chỉ nói là em đi dạy kèm thôi ạ.”
“Ừ, ngoan lắm. Em cũng phải học tập thật giỏi, sau này ra ngoài xã hội cống hiến cho đời.”
Tôi hơi cảm động…
“Vâng ạ.”
14
Tôi về phòng ký túc xá.
Đám bạn cùng phòng đều hỏi tôi đã đi đâu.
Tôi chỉ trả lời qua quýt: “Đi làm.”
“Đi làm á?”
“Ừ, tìm được việc dạy kèm, làm vào cuối tuần, tiền lương không thấp.”
Nói đến đây, mấy cậu bạn đều mừng thay cho tôi.
Tôi cũng cảm thấy cuộc sống của mình bắt đầu tốt lên rồi.
15
Buổi dạy thứ hai, tôi xem bài kiểm tra hàng tuần đầu tiên của cô bé.
Cô bé đạt điểm cao nhờ vào phương pháp học thuộc lòng, nhưng những đề bài cần động não thì cô bé chẳng thể diễn đạt suy nghĩ của mình được.
Tôi thử nói chuyện với cô bé, nào ngờ câu trả lời mà tôi nhận được khiến tôi quá đỗi bất ngờ.
“Em không thích mấy câu hỏi chủ quan, nêu suy nghĩ của bản thân. Hai năm trước em học bài ‘Tuyết’ của Lỗ Tấn, trong đó miêu tả tuyết sẽ tan ra ở vùng ấm áp, em cho rằng điều đó thể hiện sự không đoàn kết, không thể gắn kết cùng nhau. Tuy nhiên, ý nghĩa của bài thơ lại là không cúi đầu, không kiêu ngạo và không cấu kết. Vậy thì, câu hỏi chủ quan nêu ý kiến là gì? Là ép buộc người ta thừa nhận đáp án tiêu chuẩn chính là sự chủ quan của bản thân mình.”
Câu trả lời này khiến tôi chẳng phản bác được.
Bởi vì tôi cũng đồng ý với cách nói của cô bé.
Nhiều khi nội dung bài viết của tác giả lại bị các giáo viên suy luận và phỏng đoán một cách vô căn cứ.
Trong tình huống này, ai có thể nói “câu hỏi chủ quan” là “chủ quan” cơ chứ?
16
Buổi học thứ ba sắp kết thúc thì cô bé chợt dáo dác nhìn quanh rồi hỏi tôi: “Anh không thắc mắc tại sao trong nhà chỉ có em với ba hả?”
Tôi cau mày, thật ra tôi có tò mò chuyện đó, nhưng tôi không định hỏi.
Cô bé nói: “Mẹ em bỏ đi vào năm ngoái, bọn họ không ly hôn, nhưng mẹ em vẫn dọn ra ngoài. Bà ấy bảo em học cho thật giỏi, không được đến gặp bà ấy. Em cũng chẳng biết tại sao nữa.”
Vẻ mặt cô bé bình thản như đang đọc bài trong sách vậy.
Trong mắt tôi, dường như cô bé thiếu đi nét hồn nhiên vui vẻ mà những cô gái ở độ tuổi này nên có.
Cũng tựa như tôi lúc mới bị trầm cảm…
17
Kết thúc buổi học thứ ba, tôi vẫn quay về trường bằng xe của Hiệu trưởng.
Bình thường ông ta sẽ đưa tôi đến giao lộ gần cổng trường, và tôi sẽ tự đi nốt quãng đường còn lại.
Lần này ông ta đưa tôi đến tận cổng trường, nhưng chưa cho tôi xuống xe vội.
Ông ta giữ tôi lại rồi đưa cho tôi một cái túi.
Trong đó có một hộp giày thể thao.
Đây mới lần thứ tư tôi gặp ông ta, tôi không thể nhận món quà đắt tiền như vậy được.
“Em không nhận được đâu ạ.”
“Sau này con gái của thầy phải nhờ em nhiều lắm, cầm đi, về sớm một chút.”
Hiệu trưởng nhét hộp giày vào tay tôi, sau đó ông ta vươn tay tới mở cửa xe cho tôi.
Tôi không nghĩ nhiều, chỉ cảm thấy ngại mà thôi.
Nhưng Hiệu trưởng không cho tôi từ chối, thế nên tôi đành nhận món quà đó.
“Cảm ơn thầy Hiệu trưởng.”
18
Tôi quay về phòng, lúc vừa nằm xuống giường thì tôi nhận được tiền lương do cô bé kia chuyển khoản.
300 tệ.
Quả nhiên công việc dạy kèm tại nhà rất dễ dàng.
19
Thuốc sắp hết rồi.
300 tệ này, tôi sẽ trích ra 200 tệ để đi mua thuốc.
Còn dư lại 100 thì mai bao bạn cùng phòng ăn bữa cơm.
Bọn họ rất tốt với tôi.
20
Vào hôm thứ Ba, nhà trường thông báo lựa chọn vài sinh viên năng nổ, tích cực hoạt động để vào Đảng, lớp chung tôi được hai chỉ tiêu.
Tôi không dám mong ước xa vời.
Bình thường tôi rất ít nói chuyện, bởi vậy quan hệ với các bạn trong lớp cũng không tốt lắm.
Có thế nào thì chỉ tiêu được vào Đảng kia cũng chẳng tới lượt tôi đâu.
Quả nhiên là thế.
Xã hội này chính là như vậy.
Người có tài không bằng người làm nhiều, người làm nhiều không bằng kẻ hay nói.
Kết quả cuối cùng đúng như tôi dự đoán, hai suất đó được trao cho hai cô gái có quan hệ thân thiết với ban cán sự lớp tôi.
Ừ.
Tôi thấy hơi khó chịu.
Hôm nay uống hai viên thuốc vậy.