Thập Toàn Cửu Hảo

Chương 13



Chương 13:

Ngày hôm sau, ta cùng Tú Nhi lên núi hái nấm. Trước đây, mỗi khi thấy ta, người trong làng thường tụ tập lại thì thầm rồi lảng đi xa, nhưng hôm nay, họ lại cười nói niềm nở từ xa, thậm chí còn muốn tán chuyện với ta, rủ ta đi hái nấm cùng họ.

“Đại Lang, hôm qua con bảo ta đừng đánh nhau, nhưng nhìn xem, hôm nay mọi người đối xử với ta khác hẳn rồi, có vẻ như đánh nhau cũng có cái lợi của nó đấy.”

Đại Lang đặt bát xuống, im lặng nhìn ta.

Kể từ hôm qua, thiếu niên này có vẻ thêm phần uy nghiêm.

“Sao vậy?” Ta co cổ lại, có chút bồn chồn.

“Mẫu thân, Lý góa phụ là người mà phụ nữ trong làng ai cũng sợ. Mẫu thân có biết phu quân bà ta chec như thế nào không? Hắn uống say, bị bà ta ném ra sân rồi chec cóng. Tâm địa bà ta ác lắm! Mẫu thân làm sao là đối thủ của bà ta được? Nếu mẫu thân chịu thiệt thì sao…”

Đại Lang nhíu mày, vẻ mặt nghiêm nghị đến đáng sợ.

“Nhà mình không gây chuyện, nhưng gặp chuyện thì cũng không thể trốn tránh. Trước kia nhà không có phụ nữ, bà ta bắt nạt các con, phụ thân con là đàn ông cũng khó mà tranh cãi với bà ấy. Nhưng bây giờ có ta rồi, chẳng lẽ ta để yên cho bà ta tiếp tục ức hiếp các con? Nếu sau này bà ta còn dám đến gây chuyện, ta sẽ lại đánh. Chỉ là khi đó, con đừng ra mặt nữa, người ta lại đàm tiếu, mà con lại là người đọc sách.”

“Mẫu thân, con lớn rồi, nếu mẫu thân và Tú Nhi bị đánh mà con không đứng ra bảo vệ, thì học hành còn có ích gì nữa?”

Nói xong, hắn cúi đầu tiếp tục ăn cơm.

Trong lòng ta dâng lên niềm vui, không nhịn được mà bật cười.

Tú Nhi thấy ta cười, cũng mỉm cười theo.

Hai đứa trẻ này, thật là tốt quá!

Hôm Tống Toàn trở về, trời mưa. Ta và Tú nhi không thể lên núi, chỉ có thể ở nhà làm mấy việc thủ công.

Ta nhận làm đế giày cho tiệm giày, mỗi đôi giày làm xong được trả bảy văn. Đây là công việc chỉ có người quen mới làm được.

Hứa lão tam có họ hàng xa làm thợ thêu ở tiệm giày. Ta không biết thêu hoa, nên được giới thiệu làm đế giày. Vì làm nhanh và cẩn thận, ta mới có thể giữ được công việc này đến tận bây giờ.

Tú nhi nằm bên cạnh ta ngủ say. Gần đây nàng có chút da thịt, hai má phúng phính, ngủ đến đỏ bừng cả lên. Đây là độ tuổi ngủ không yên, chỉ chốc lát tay chân nàng đã thò ra khỏi chăn.

Ta kéo chăn lại cho nàng.

Trời đã rất lạnh, nhất là vào những ngày mưa.

Đại Lang học bài mỗi ngày, ta đã đốt lò sưởi trong phòng cho hắn. Nhưng hắn không nói gì, lại mang lò sưởi vào phòng ta.

Ta và Tú nhi ngồi bên cửa sổ, còn hắn ngồi đọc sách ở bàn bát giác.

Lò sưởi đặt ngay cạnh giường.

Thiếu niên ngồi thẳng lưng, dáng vẻ cúi đầu đọc sách trông rất tao nhã.

Đúng là dáng dấp của người có số học hành.

Trong làng, nhà ai có đứa trẻ được sinh ra đẹp đẽ thế này?

Cửa sân bị ai đó đẩy ra, Đại Lang nhảy phắt khỏi ghế, mất đi vẻ điềm tĩnh thường ngày.

Tính ra hắn cũng mới tám tuổi, vẫn chỉ là một đứa trẻ thôi mà!

Ta cũng bước xuống giường.

Tống Toàn đứng ngoài ngưỡng cửa, râu tóc bù xù, mặt mũi dơ dáy, nếu không nhận ra hàm răng trắng ấy thì chắc khó mà nhận ra hắn là người.

Ta mỉm cười nhìn hắn, lòng chợt dâng lên nỗi chua xót.

“Nhị nương, nàng đoán xem ta săn được gì nào?”

Nhìn thấy ta tiến đến, Tống Toàn cười hỏi.

Ta lắc đầu.

“Là gấu đấy. Lần này Đại Lang có thể đi học rồi.” Hắn cúi đầu, khẽ nói vào tai ta, rồi đưa tay xoa đầu Đại Lang, nở một nụ cười chất phác mà rạng rỡ.

Thì ra hắn vẫn luôn nhớ lời muốn cho Đại Lang đi học.

“Ừ!”

Ta nấu cho hắn một bát mì nóng, hắn ăn liền bốn bát đầy.

Tú Nhi và Đại Lang quây quanh hắn, lắng nghe hắn kể về chuyện săn nai, săn thỏ. Ta ngồi trên giường, nghe tiếng nước trong nồi sôi, còn hắn thì kể lại mọi chuyện như thể chẳng có gì to tát.

Ta giúp hắn gội đầu, lau người, mới phát hiện khắp người hắn chẳng có chỗ nào lành lặn. Chỗ thì bị va đập, chỗ thì trầy xước…

Ta cạo râu cho hắn, hắn đã mệt đến mức ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Người đàn ông này…

Tống Toàn ngủ liền một ngày một đêm, đến ngày thứ ba mới tỉnh, tinh thần phấn chấn.

Sáng sớm, hắn vào thành, mãi đến ngày thứ ba mới trở về nhà.

Ta nấu cơm cho hắn, còn hắn ngồi bên bếp lửa nhóm củi.

“Nhị nương, ta đã đem gấu vào thành bán rồi.”

“À?” Ta có phần bất ngờ. Sao lại bán nhanh thế? Thậm chí còn chưa mang về làng.

“Ta đã bàn trước với cửa hàng thu mua da và lông, nếu có món hàng tốt, họ sẽ cử người cùng ta kéo vào thành theo đường khác, không vào làng.”

“Tại sao lại vậy?”

“Nàng có biết một con gấu có thể bán được bao nhiêu không?”

Ta lắc đầu, không biết.

“Họ trả ta ba ngàn lượng.”

Ta giật mình, làm rơi chiếc muôi vào nồi.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner