Thế nên dù chỉ có hai mẹ con ta chuyển tới sống nhưng chẳng bao giờ nghe được những lời đám tiếu không hay.
Bởi vì ai sống trong ngõ Điềm Thủy cũng biết, kẻ nào dám nói xấu phu nhân A Kiều thì các đại nương ở đây sẽ đứng ở đầu ngõ, vừa chống nạnh vừa mắng đến hết ngày mới thôi.
Mẹ thường nói Túc Thành cũng như Thanh Châu, nơi nào cũng có rất nhiều người tốt.
Mẹ nói sai rồi.
Do mẹ là người tốt nên mẹ xứng đáng nhận được những điều đó.
Mẹ còn viết một phong thư rồi nhờ Xuân Sinh ca ca đưa đến Thanh Châu.
Trong thư, người muốn “tên bội bạc lớn” để “tên bội bạc nhỏ” học tập tại Thanh Châu, bởi vì thư viện ở Thanh Châu là nơi tốt nhất rồi.
Đính kèm theo thư là một bộ quần áo mùa đông nho nhỏ.
“Vải mẹ may cho A Hổ còn dư lại đó.”
Hừ, mẹ xem thường A Hổ quá, A Hổ là quân tử, ai mà thèm phân bì với tên vong ân bội nghĩa kia chứ.
Năm nào mẹ ta cũng nhận được quà từ Thanh Châu gửi tới mỗi dịp sinh thần.
Có khi là trâm bạc hay đồ trang sức nào đấy, có khi lại là son hoặc phấn.
Xùy! Ta cũng tặng mẹ tận hai món quà đó nha!
Bởi vì A Hổ này không chỉ tặng trang sức mà còn nấu cơm cho mẹ nữa đấy!
Huống chi quà của bọn họ đâu có đẹp bằng quà của ta.
Thời gian thấm thoát trôi qua.
Năm ta lên Kinh thi võ, vùng Thanh Châu lại nổi lên nạn cướp bóc trên sông.
Đó là nơi ta lớn lên, cũng là nơi ta gặp được mẹ.
Thế là ta về Thanh Châu gia nhập thủy quân.
Thấy ta trở lại, Nhị Đản giận đến giậm chân bình bịch: “Đại ca bỏ lỡ kỳ thi võ rồi, chẳng biết bao giờ đại ca mới khiến mẹ mình nở mày nở mặt được đây! Nghe nói tên Tiểu Bạch đáng ghét kia đã thi đỗ, giờ làm quan rồi đấy!”
Ta vừa cắn miếng lương khô mà mẹ đã chuẩn bị sẵn, vừa khoát tay với Nhị Đản: “Mẹ ta không thèm để ý đến mấy cái đó đâu.”
Trận chiến ở Thanh Châu kéo dài ròng rã suốt cả năm trời mới dập tắt được bọn phản loạn.
Ta vội vàng trở về nhà, nào ngờ lại bị quan trên câu cổ kéo đến tiệc chúc mừng.
Không ngờ trong bữa tiệc mừng chiến thắng lại toàn là người quen.
Hứa Thường đã thi đậu và được làm quan, nhưng huynh ấy quá ngay thẳng, quan trường lại chẳng được như ý, thế nên huynh ấy định từ quan rồi trở về thư viện cùng vợ con, ngày ngày sung sướng thoải mái.
Hứa Thường nhắc lại chuyện xưa, rồi lại kể cho ta nghe mấy chuyện sau khi mẹ con ta rời đi.
Ta bị chuốc rượu đến say khướt, trong men say, ta loáng thoáng nghe tin thằng nhóc vô ơn kia đã thi đỗ, thậm chí chức vị còn khá cao nữa chứ.
Nghe đâu hắn tới nhậm chức ở Túc Thành, trong nha môn có hơn bốn mươi người nghe hắn sai sử.
Nhị Đản mon men lại gần xin ta nửa bầu rượu: “Tuy hắn đang làm quan phụ mẫu ở Túc Thành, nhưng đại ca lợi hại hơn nhiều cơ mà. Chẳng phải đại ca quản hơn hai trăm người trong trong Thủy quân hay sao?”
Cái gì? Túc Thành á?
Ta bị dọa sợ đến mức tỉnh rượu hơn phân nửa, ta chẳng nói chẳng rằng mà vội vàng cầm lấy hành lý rồi cắm đầu chạy tới bến đò.
Mưa thu rơi lác đác, hệt như ngày mẹ dẫn ta rời khỏi nơi đây. Âu cũng vì thế mà chẳng có khách nhân nào cả, con thuyền kia cứ lênh đênh ngay sát bến đò.
Mưa rơi chưa bao lâu nên người chèo thuyền vẫn đang thảnh thơi nằm ngửa trên thuyền, người nọ dùng nón cỏ che mặt lại, gối đầu lên tay ngủ thật say…
“Nhanh, nhanh, nhanh! Về Túc Thành!”
Ta đang lo muốn ch.ế.t, vậy mà người chèo thuyền chẳng gấp chút nào cả.
Hắn từ từ ngồi dậy rồi đặt nón cỏ xuống, để lộ ra gương mặt quá đỗi quen thuộc.
“Ồ, đại anh hùng của Thanh Châu chúng ta vội đi đâu đấy?”
Xuân Sinh ca ca vỗ vỗ lên nón cỏ, vừa nhìn đã thấu nỗi lòng của ta.
Song, hắn không nói toạc ra mà chỉ cười toe toét: “Nhìn đại anh hùng của chúng ta gấp gáp chưa kìa, cứ như đi làm chuyện quan trọng nhất đời này vậy.”
Ta muốn giải thích, nhưng cuối cùng lại bật cười. Xuân Sinh ca ca nói đâu có sai.
Chuyện quan trọng nhất trên đời này… Chẳng phải là quay về nhà ăn cơm hay sao?
—– HẾT ——