PHIÊN NGOẠI A HỔ
Ngày ta đến sau núi, vốn dĩ ta định ăn no rồi sẽ t.ự t.ử.
Nào ngờ mẹ lại đứng ở phía sau vỗ lên vai ta.
Ta cảnh giác nhìn người, cứ ngỡ là người sẽ hắt nước bẩn hay gì đấy lên người ta.
Trước giờ vẫn luôn như vậy, cứ có đứa trẻ nào nghịch ngợm té ngã, hoặc để lạc mất gà vịt mà sợ bị mắng thì đều đổ lỗi cho ta, nói là do ta làm.
Triệu Nhị Đản để mất con vịt cũng đổ thừa cho ta.
Hắn nép trong ngực mẹ, không dám nhìn ta mà chỉ rống to lên.
Xùy!
Sao lại phải nói láo chứ? Cha mẹ cũng chỉ đánh ngươi thôi, đâu có bỏ mặc ngươi?
Ta ưỡn ngực: “Chuyện A Hổ không làm, A Hổ không nhận đâu.”
Cha mẹ của Nhị Đản lập tức nhặt cây gậy dưới đất lên dọa ta, còn thả chó ra để đuổi ta nữa.
“Đồ con hoang không có mẹ!”
“Đồ chó ghẻ không có cha!”
Bị chó đuổi theo nên ta ngã lăn một vòng vào rãnh bùn thối.
Tối đó, ta khập khiễng mò đến sau viện. Ta muốn đi phá giàn dưa của nhà Nhị Đản.
Nào ngờ ta nghe thấy Nhị Đản đang thút tha thút thít nhận sai.
Nhị Đản bị ăn đòn nên lúc này mới thừa nhận mình đã nói dối, ta không cướp mất vịt của nhà họ.
Thế mà cha mẹ của Nhị Đản lại không dám làm rõ mọi chuyện, chỉ vì họ sợ người khác bảo Nhị Đản là đứa nói dối.
Họ tình nguyện đâm theo lao, cứ đổ hết tội lỗi lên đầu ta.
Ta đứng nghe thật lâu.
Ta nghe cha của Nhị Đản dạy hắn không được nói dối.
Ta nghe mẹ của Nhị Đản đau lòng lăn trứng gà lên đôi mắt đã sưng húp vì khóc của hắn.
Ta đợi đến khi đèn trong nhà hắn tắt ngóm…
Vậy mà, ta chưa nghe ai nhắc đến việc phải đi xin lỗi A Hổ.
Ta ngồi xuống rồi khoanh tay ôm gối, im lặng một lúc lâu, ta bỗng hiểu ra mọi chuyện.
Hóa ra nói thật hay nói dối chẳng quan trọng, quan trọng là… người lớn bằng lòng tin cái gì.
Chỉ vì A Hổ không cha không mẹ nên chẳng có ai tin A Hổ.
Ta chờ suốt một ngày nhưng chẳng đợi được câu xin lỗi.
Nhị Đản còn cười ngặt nghẽo vì bộ dạng chật vật khi bị chó rượt của ta vào ngày hôm qua.
Qua ngày hôm sau, ta cạy mở chuồng gà rồi phá nát đống dưa của nhà hắn.
Cáo hoang cắn ch.ế.t đám gà, dưa vừa ra quả đã bị ta đạp nát.
Nhị Đản vừa thức dậy đã chứng kiến cảnh đó, nó đứng trong sân vừa khóc vừa mắng.
Ta chạy ra sau núi với sự thỏa mãn khó tả.
Ta chạy trốn rất nhanh, gió núi thổi phồng chiếc áo mỏng manh của ta.
Những làn gió mát êm ái như cái ôm của mẹ, dịu dàng đón ta vào lòng.
Đúng!
Không phải A Hổ chạy vì sợ bị đánh đâu, A Hổ chỉ muốn hóng gió mà thôi.
Cũng như A Hổ làm chuyện xấu không phải vì muốn nhận được lời xin lỗi, mà vì A Hổ là “đồ chó ghẻ”, chó ghẻ cắn người nào cần lý do?
Đúng!
Sau này A Hổ sẽ làm chó ghẻ như mọi người nói!
Vừa xấu xa vừa lì lợm! Ai ai cũng phải sợ A Hổ!
Cho nên khi Nhị Đản đánh ta, Hứa Thường thuê người tẩn ta, ta vẫn cười hì hì lăn lộn trong bùn đất.
“Ha ha, không đau, không đau chút nào cả.”
Bọn họ bó tay hết cách với A Hổ.
Ta không nhịn được mà tự khen mình: A Hổ thông minh quá!
Ngày sinh nhật mười tuổi cũng là ngày ta quyết định t.ự t.ử.
Ta bắt trộm gà rồi chạy ra sau núi.
Phu nhân A Kiều đứng sau lưng ta, từng bước chân nhịp nhàng êm ái như những ngọn gió trên núi cao.
Thấy ta không phát hiện, người vỗ nhẹ lên vai ta: “Gà Lô Hoa mà ăn như thế thì không ngon đâu.”
Nghe cứ như chuyện ăn trộm gà chẳng quan trọng bằng việc ta không biết cách thưởng thức món ăn vậy.
Ta nhìn phu nhân A Kiều đang loay hoay trước bếp mà lâm vào hoài nghi.
Bà nhanh nhẹn vén tay áo lên rồi nhóm lửa.
Rõ ràng chỉ bỏ thêm muối và rượu thôi mà đồ ăn lại thơm hơn mấy nhà khác trong thôn rất nhiều.
Mỡ gà vàng rực trong nồi, ta nhìn mà hai mắt như sắp rơi vào nồi cháo thơm ngon ấy.
Hai cái đùi gà được đặt vào bát của ta.
Có độc thì ta cũng ăn.
Ta ăn một mạch hết ba bát cháo mà vẫn chưa biết người kia muốn làm gì.
“Sau này đói bụng thì đừng đi ăn trộm nữa, cứ đến đây ăn cơm.”
Ta cảm thấy mắt mình nóng bừng lên, đúng lúc chẳng biết phải nói gì thì tên Hứa Thường đáng ghét kia tới đây, thế là ta bỏ bát cháo xuống rồi chạy đi mất.
Ta chạy thật nhanh ra sau núi.
Hôm nay là ngày 15, gió to thổi tan mấy đám mây dày đặc trên trời, để lộ ra vầng trăng tròn vành vạch
Hì hì, trăng sáng quá, sáng đến mức soi tỏ cả lòng A Hổ.
Nào ngờ mưa to bất chợt đổ xuống trong đêm.
Ta nhớ hình như giàn đậu của phu nhân A Kiều vẫn còn mới toanh.
Tờ mờ sáng hôm sau, ta vội vã chạy tới xem thử thì bị tên Hứa Thường đáng ghét kia bắt được.
Hứa Thường cho rằng ta phá hỏng giàn đậu nên định dạy dỗ ta một trận.
Xùy! A Hổ không sợ đâu, cùng lắm thì A Hổ lại biến thành chó ghẻ thôi!
Nhưng phu nhân A Kiều lại xuất hiện.
Mặt đất bùn lầy sau cơn mưa như mọc lên những chiếc gai nhọn vô hình, ta có làm thế nào cũng chẳng nằm xuống lăn lộn được nữa.
Nguy rồi! Có phu nhân A Kiều ở đây, ta không thể biến thành A Hổ chó ghẻ được!
Ta hung hăng đẩy Hứa Thường ra.
Ta sợ, ta sợ người sẽ giống với những kẻ khác.
Chỉ cần thấy chuyện xấu thì sẽ mắng chửi ta trước, chẳng thèm hỏi han ta câu nào.
“Ngày hôm qua mưa to gió lớn, có lẽ ta chưa dựng chắc thôi.”
“Vậy sau này gặp chuyện thì ta sẽ hỏi con trước, có được không?”
“Thế bây giờ A Hổ không chạy trốn nữa nhé. Ta hỏi con, con là người đã đẩy giàn đậu à?”
Ta lắc đầu: “Không phải, A Hổ nghe đêm qua gió to quá, sợ giàn đậu đổ xuống nên mới tới xem thử, nào ngờ tới nơi thì nó đã đổ rồi.”
Phu nhân A Kiều bật cười: “Đúng vậy, ta biết không phải A Hổ làm mà.”
Những năm qua ta chưa từng khóc dù có bị người ta đánh chửi thậm tệ, vậy nên ta cứ ngỡ A Hổ này sẽ không bao giờ rơi nước mắt…
Nhưng mà… Hóa ra lúc được yêu thương, ta cũng biết rơi lệ.
Phu nhân A Kiều thấy ta vừa ôm bát cháo vừa khóc thì dịu dàng mỉm cười: “Gà Lô Hoa chan nước mắt không ngon đâu, sẽ mặn đấy.”
A Hổ có mẹ, A Hổ có nhà rồi!
A Hổ có quần áo sạch để mặc, có thức ăn ngon trong từng bữa cơm, còn có giường ngủ mềm mại thơm thơm nữa chứ.
Mẹ hỏi ta rất nhiều chuyện, còn dắt ta đến nhận lỗi với tên Hứa Thường đáng ghét kia nữa.
Mẹ giải thích cho ta hiểu, tuy ta không cố ý, nhưng ta đã khiến Hứa Thường ca ca bị thương.
Thấy ta cúi người nhận lỗi, Hứa Thường quay ngoắt đầu đi: “Ta là quân tử, mà quân tử ắt có lòng bao dung, ta không so đo với ngươi đâu.”
Khi ta và mẹ đứng trước cửa nhà Nhị Đản, ta do dự nắm lấy vạt áo của người.
“… Con cũng phải xin lỗi Nhị Đản sao ạ?”
Ta không muốn xin lỗi hắn.
Không phải ta xin lỗi, mà người xin lỗi chính là Nhị Đản.
“Xin lỗi, khi trước ta không nên nói dối rồi đổ thừa cho ngươi. Nhưng ngươi đạp đổ giàn bí nhà ta rồi, coi như huề nhé?”
… Ta không biết.
… Ta đã hận Nhị Đản rất lâu rồi, thậm chí lúc nào cũng tính đến chuyện trả thù hắn, cũng vì vậy mà ta chưa từng nghĩ tới việc đến một ngày đó hắn sẽ xin lỗi mình.
Ta có nên tha thứ cho hắn hay không?
Mẹ xoa đầu ta: “Không tha thứ cũng chẳng sao cả, chắc là khi đó A Hổ đã rất đau lòng.”
“… Con, con không dễ giận như vậy đâu! Con chỉ muốn suy nghĩ một chút thôi.”
Nhị Đản bắt đầu mặt dày bám theo ta, còn luôn miệng gọi ta là Hổ ca.
Chỉ có ta biết, hắn muốn ăn cơm mẹ ta nấu!
Nhưng dù hắn có cợt nhả đến mấy thì ta vẫn không tức giận được nữa.
Ồ, hóa ra hận một người lại khó đến thế.
“Mẹ ơi, con không biết có nên tha thứ cho Nhị Đản hay không nữa.”
Mẹ ta suy nghĩ chốc lát rồi đáp: “Trước khi tha thứ thì A Hổ tự hỏi mình xem, sau này, những chuyện đã xảy ra có khiến con đau lòng mỗi khi nhớ lại hay không?”
Ta ngẫm nghĩ thật cẩn thận.
Hình như là không thì phải. Bây giờ ta chỉ nhớ tên ngốc mặt dày Nhị Đản kia cứ quấn lấy ta, suốt ngày gọi ta là Hổ ca mà thôi.
Hổ ca sẽ không tức giận hay so đo tính toán với tiểu đệ đâu.
Ta hào phóng vươn tay ra: “Nhị Đản, ta tha thứ cho ngươi.”
Ta cứ ngỡ mẹ ta thấu hiểu đạo lý như vậy là do trời sinh.
Sau này ta mới biết, bởi vì mẹ phải chịu quá nhiều uất ức nên mới nhìn thấu chuyện đời.
Bây giờ mẹ có A Hổ làm chỗ dựa cho mẹ rồi, A Hổ sẽ không để mẹ chịu tổn thương nữa đâu.
Mẹ đưa ta đến Túc Thành.
Chủ tửu lâu ở Túc Thành rất tốt bụng, ông ấy cứ khen tay nghề của mẹ ta không ngớt miệng. Biết mẹ mới tới Túc Thành, còn dẫn theo con nhỏ nên ông ấy sẵn sàng tăng lương cho mẹ ta.
Chúng ta thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Điềm Thủy, nhà không lớn nhưng lại có một khoảng sân nhỏ.
Sân vườn hoang sơ với hai khoảng đất trống và một cây quế già. Giữa tán lá xanh mướt, mấy bông hoa quế nhỏ xinh như những vì sao lấp lánh.
Mẹ rất thích nơi này, bà nói bà sẽ trồng mấy loại rau trong vườn, còn hoa quế thì nấu chè cho A Hổ ăn.
Hì hì, mẹ thích thì A Hổ cũng thích.
Mấy đại nương trong ngõ Điềm Thủy cũng quý mẹ ta lắm. Họ nói phu nhân A Kiều là người thật thà, hiền lành. Nhà ai gặp khó khăn cũng có phu nhân A Kiều đến giúp một tay.
…