7.
Ngày 12 đến thành phố này, tôi bắt đầu mở rộng dịa bàn.
Tôi nhớ lúc tôi xuống lầu, nhân viên tiếp tân rất kinh ngạc.
Tôi hỏi cô ấy gần đây có tiệm cắt tóc nào không, cô ấy ngẩn người chỉ cho tôi vài nơi. Khi tôi định ra ngoài, đột nhiên cô ấy đuổi theo, nhét vào tay tôi một miếng chocolate.
“Ăn đi, ngọt, ngon lắm!”
Tôi nhìn viên kẹo một lúc lâu, rồi mỉm cười.
Ngày hôm đó, tôi uốn và nhuộm lại tóc. Màu xanh (dương) xám đậm, thu hút vô số sự chú ý.
Tôi còn mua cho cô gái lễ tân một phần hạt dẻ rang đường. Cô ấy vui vẻ kết bạn wechat với tôi, nói sẽ giới thiệu cho tôi những món ăn ngon, những điều thú vị trong thành phố.
Tôi cười, không từ chối. Dựa theo đề cử của cô ấy mà đi vòng quanh thành phố này.
Gặp Trần Hạo tại một tiệm thịt nướng do người Tân Cương mở. Mặc dù là tiệm thịt nướng nhưng món đặc biệt lại là canh thịt dê, còn có bánh naan/nang. (Một loại bánh nướng trong lò đất sét đặc trưng của khu vực Trung Á, Tân Cương TQ)
Cô lễ tân nói nó cực kỳ chính gốc. “Tuy là tôi chưa ăn qua bánh chính gốc nhưng mà tôi cảm thấy nó chính tông lắm.”
Mô tả đáng yêu như thế, chắc chắn là tôi phải nếm thử.
Phải nói thật là không tồi.
Lúc tôi đang bẻ bánh cho vào bát canh thịt dê, một cậu bé mặc đồng phục học sinh tiến tới.
“Chị ơi, mua hạt dẻ không? Hạt dẻ rang đường mới ra lò.”
Thật ra lúc đó tôi cũng không biết cậu nhóc bán gì, chỉ lắc đầu theo bản năng.
Nhưng khi tôi từ chối rồi, cậu ta bỏ đi dứt khoát đến mức tôi không kiềm được gọi lại.
“Khoan đã. Em bán hạt dẻ?”
Cậu bé thở hơi gấp gáp, gật đầu, quay lại cạnh bàn tôi: “Mới vừa rang xong, vẫn còn nóng đây. Chị muốn nếm thử không?”
“Bao nhiêu một túi?”
“24.”
Tôi lấy điện thoại ra. Cậu ấy sáng mắt lên, cong khóe môi, vội vàng lấy mã QR đeo trên cổ đưa ra. Cậu cung kính đưa hạt dẻ cho tôi.
Khi rời đi, bước chân cậu ấy dường như nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Đến khi bóng dáng cậu ấy biến mất, người khách bàn bên bỗng nói, “Người đẹp, cô mua đắt rồi. Qua tiệm bên cạnh mua có 22 đồng. Thằng nhóc này ranh ma, lấy trong tiệm ra bán, sang tay là kiếm được 2 đồng.”
Hửm? Bán kiếm tiền chênh lệch? Giúp bố mẹ hay kiếm tiền tiêu vặt?
Lúc đó chuyện này chỉ lướt qua, tôi không để tâm.
Đến lúc tôi cơm no rượu say rời đi thì lại thấy cậu bé ngồi ở trạm xe buýt đang gặm màn thầu, uống nước.
Cậu bé đen đen tròn tròn, nhìn chắc nịch, mang lại cảm giác ngây thơ, chất phác.
Tôi không nhịn được trêu, “Sao thế, tự kiếm tiền tiêu vặt mà không mua cơm cho mình ăn?”
Cậu bé ngẩng lên nhìn. Nhận ra tôi thì lại ngượng ngùng cúi đầu, “Kiếm không được nhiều.”
“Kiếm được nhiêu rồi?”
“32.”
“Mỗi phần lời 2 tệ, bán được 16 phần? Giỏi quá. Bố mẹ em đâu? Sao không cùng về à?”
“Họ ở nhà.”
?
“Không phải em bán giúp gia đình à?”
Cậu bé lắc đầu, “Em tự kiếm tiền.”
Trong nháy mắt tôi hiểu, đây không phải là kiếm tiền tiêu vặt mà là kiếm tiền để sống.
“Kiếm tiền làm gì?”
“Em sắp lên cấp 3 rồi, em muốn tự trả học phí.”
8.
Ngày hôm đó, tôi dùng một phần hạt dẻ rang đường để mua được một câu chuyện.
Có một người đàn ông, đẹp trai lịch lãm, phong lưu phóng khoáng nhưng lại chọn một cô thôn nữ có dung mạo bình thường. Anh ta đối xử với cô ấy dịu dàng, ân cần, làm mọi thứ có thể để tốt với cô ấy.
Người trong thôn nói, kiếp trước cô gái đã tích đức lắm mới vậy.
Cô ấy cũng cảm thấy thế.
Vì vậy khi người đàn ông nói muốn gây dựng sự nghiệp, cô không do dự mà thuyết phục bố mẹ, lấy 500.000 tiền đền bù giải tỏa trong nhà ra cho anh ta. (Tầm 1.7 tỉ VNĐ)
Người đàn ông hứa hẹn, anh ta sẽ làm việc chăm chỉ để mang lại cho cô ấy và đứa bé một cuộc sống tốt nhất.
Cô gái chờ, chờ, ngày qua ngày, tháng qua tháng. Mãi đến khi điện thoại của gã đàn ông đó không còn liên lạc được.
Hắn là kẻ lừa đảo. Chỉ vì 500.000 tệ mà hắn lừa gạt một cô gái sinh con cho hắn.
Cô gái, đứa bé cô ấy sinh ra, kể cả bố mẹ cô ấy làm thế nào để sống sót, tôi không biết.
Trần Hạo nói mẹ cậu ấy đã tái hôn. Một em gái chào đời. Mẹ rất tốt, cha dượng rất tốt, em gái cũng tốt, ông bà ngoại cũng tốt. Chỉ có cậu là có tội.