Cỏ Dại

Chương 9



5 trường THCS lân cận tổ chức kỳ thi chung, tôi đứng thứ 3.

Thật tốt!

Tiếc là không có chị Hương Liễu, nếu không ắt hẳn chị sẽ rất vui.

Hôm đó, tôi nhận được một gói hàng từ Thượng Hải.

14.

Bên trong có thịt khô, sữa bột, hai bộ quần áo mới, bốn cái áo lót nữ cùng một tá quần lót.

Còn cả một lá thư.

[Tinh Tinh,

Mọi việc của chị đều tốt!

Em phải ăn uống đàng hoàng. Đừng hồi âm, chị phải chuyển nhà.

Đừng sợ, em vĩnh viễn không hề đơn độc!

…]

Đừng sợ.

Chị Hương Liễu.

Tuy bây giờ em một mình ăn cơm, một mình ngủ, một mình học hành.

Nhưng em…

Không bao giờ sợ cô đơn.

Ngày tháng vất vả trôi qua nhanh chóng.

Kỳ thi tuyển sinh trung học đến gần.

Chúng tôi thi trong huyện.

Ngày thi xong, bố đợi tôi bên ngoài trường thi, phá lệ gọi tôi đến nhà ông ăn cơm.

Mẹ kế không nhăn nhó với tôi, cũng không chê bai trên người tôi có bọ chét.

Bố còn gắp cho tôi hai miếng thịt kho.

Rất lâu rồi tôi mới cảm nhận chút tình thương của bố.

Nhưng bố nhanh chóng đánh vỡ ảo tưởng này của tôi.

Ông nói: “Tao với dì mày định mở cửa hàng, em gái không ai chăm, dù gì mày cũng thi xong rồi, ở lại giữ em gái giúp.”

Mẹ biết được thì nổi nóng: “Dựa vào cái gì mà phải đi trông con cho cô ta?”

Bà kéo tay tôi: “Mày đến giúp mẹ trông em trai, chú Ngụy nhận thầu công trường đang lúc thiếu người. Tinh Tinh, muốn giúp thì cũng phải là giúp mẹ. Sau này em trai còn có thể chống lưng cho mày.”

Thôi Tinh Tinh.

Đừng buồn.

Họ không yêu mày, không phải mày đã sớm biết rồi sao?

Tôi dứt khoát từ chối. “Con muốn học cấp 3, muốn thi đại học.”

Bố mẹ đều dậm chân:

“Nuôi mày học xong cấp 2 là tụi tao hoàn thành nhiệm vụ, học cấp 3 cái gì nữa?”

“Ở cái trường làng cấp 2 kia dù có đứng nhất cũng chả có gì ghê gớm.”

“Đứa con gái như mày học nhiều làm gì?”

Trong thôn cũng có người khuyên:

“Bố mẹ cháu không lấy sính lễ gả cháu ra ngoài đã là không tệ rồi.”

“Cháu cũng lớn, giờ họ cần cháu giúp một chút, cháu phải đền đáp. Làm người phải có lương tâm, không thể ăn cháo đá bát.”

“Nhất trung không dễ đậu đâu, hồi đó điểm của Hương Liễu cũng khá tốt mà cũng không đậu nổi đó thôi.”

“Thì đó, con gái mà đụng chuyện lớn thì tâm lý không vững, không làm được gì đâu.”

“Bình thường thi tốt không có nghĩa những kỳ thi quan trọng cũng vượt qua được.”

Tôi dọn đồ đạc bỏ trốn trong đêm, chạy đến một nhà máy làm công nhân thời vụ. Làm cả hai ca.

Hai mươi mấy người ở chung ký túc xá, mỗi khi tan làm, ngã đầu xuống gối là ngủ.

Ban đầu thao tác không thuần thục, có lần tôi không cẩn thận bị thương. Máu chảy ồ ạt, lộ cả xương. Làm công nhân thời vụ không có bảo hiểm y tế, tôi không nỡ đến bệnh viện nên tìm một chị lớn trong ký túc xá xử lý tạm. Lấy khăn trắng quấn lại, buổi chiều tiếp tục làm việc.

Tôi hiểu rất rõ: cho dù tôi thi đậu bố mẹ cũng không cho tiền tôi nên tôi phải dựa vào chính mình. Tôi không thể bỏ cuộc.

Giai Giai ở trong ký túc xá cùng tuổi với tôi, đi làm về là trang điểm lộng lẫy đi chơi. Cô ấy còn cười nhạo tôi: “Đã vào nhà máy rồi còn không chịu chấp nhận số phận? Không phải ai cũng có trí tuệ, có tiền. Không bằng nhân lúc còn trẻ, tìm một người đàn ông tốt mà lấy. Lấy chồng mới là lần đầu thai thứ hai của phụ nữ, học thì không!”

Cứ vậy nửa tháng trôi qua.

Hôm nay có kết quả tuyển sinh, tôi bồn chồn không yên, liên tục làm lỗi, bị tổ trưởng mắng tối tăm mặt mũi.

Đợi đến giờ thay ca, tôi ở căn tin gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm.

Thầy thở dài: “Tinh Tinh, kết quả lần này của em hơi đáng tiếc…”

Sàn xi măng lối vào nhà máy bị nắng chiếu bốc hơi nóng. Cái nắng nóng rực sau giữa trưa bao trùm lấy tôi nhưng tay chân tôi lạnh ngắt.

Chẳng lẽ…

Ông trời muốn nhổ cây cỏ dại tôi sao?

15.

Tôi tan nát cõi lòng, nghe thầy chủ nhiệm nói: “Em đứng thứ 31 toàn huyện. Chính sách của Nhất trung là top 30 học sinh đứng đầu có thể miễn học phí, em chỉ thiếu một chút thôi, thật đáng tiếc.”

Trái tim đã rơi xuống vực thẳm của tôi lại được kéo lên cao. Tôi hỏi to: “Thầy nói em thi được bao nhiêu?”

“Đứng thứ 31 toàn huyện. Đây là thành tích tốt nhất của trường chúng ta bao năm qua, đậu Nhất trung là chuyện ván đã đóng thuyền.”

Tôi thi đậu?

Tôi thi đậu!

Chị Hương Liễu, chị nghe thấy không?

Em đứng 31 toàn huyện.

Chị nghe thấy không?

Người trong ký túc xá đều biết tin này.

Mấy chị lớn tuổi khen tôi, bảo tôi cố gắng học hành, sau này kiếm tiền nhẹ nhàng dễ dàng hơn.

Người bình thường hay khịa tôi nhất là Giai Giai thì không hé răng.

Đến đêm, tôi nghe cô ấy thì thầm: “Tôi thật hâm mộ cậu có thể học Nhất trung. Tôi có hai đứa em trai, cho dù tôi đậu thì bố mẹ cũng không cho tiền tôi đi học. Cho nên tôi cũng lười học nghiêm túc.”

Thật ra bố mẹ tôi cũng không.

Thông báo của Nhất trung gửi đến trong thôn ghi rõ học phí, tiền sách vở, phí trọ, đồng phục. Tổng cộng cần 1850 tệ.

Tôi làm không biết ngày đêm suốt hai tháng hè, theo lý thì có thể nhận 2200 tệ. Nhưng kế toán trừ đông trừ tây, cuối cùng chỉ trả tôi 1800.

Ông ta còn giả mù sa mưa: “Vốn dĩ cháu không làm đủ 3 tháng thì không cho được nhiều tiền vậy đâu. Thấy cháu phải học Nhất trung nên chú mới xin lãnh đạo cho đấy.”

Khi đó quản lý khác bây giờ, bị trừ tiền là chuyện thường.

Ngày tôi rời nhà máy, mọi người đều đang đi làm. Chỉ có Giai Giai nói không khỏe nên xin nghỉ.

Tôi lên xe buýt, cô ấy từ đâu chạy ra, ném một túi vải bố vào xe, hét lên: “Thôi Tinh Tinh, nếu cậu không thi đậu đại học thì trả lại gấp 10 lần khoản tiền này cho tôi.”

Chiếc túi nhỏ chứa 300 tệ.

Cô ấy vào nhà máy cùng lúc với tôi, tiền lương không nhiều, lại tiêu hoang. 300 tệ có lẽ là toàn bộ gia sản của cô ấy.

Bố cực lực phản đối tôi học cấp 3.

“Mày đi học ai chăm Ưu Ưu? 3 năm trung học mày biết phải tốn bao nhiêu tiền không? Mày nghỉ hè làm công kiếm tiền cũng chỉ đủ đóng học phí một kỳ. Sau đó thì sao, dù gì thì tao cũng không bỏ tiền ra đâu. Tao nuôi mày đến hết cấp 2 đã là hết tình hết nghĩa rồi.”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner