Tiếng thím Mười quát mắng trong bếp làm Tường Vân giật mình, tay khựng con dao, rướn cổ đáp vào trong.
“ Dạ, con băm rau lợn sắp xong rồi thím ơi.”
“ Còn không nhanh tay lên, hay tối nay mày không muốn có cơm ăn đấy hử?”
“ Dạ..dạ..con xong ngay đây thím. Tại con dao hôm nay cùn quá nên băm rau hơi lâu.”
Thím Mười ngó đầu ra, quơ luôn cái ghế ném về phía Tường Vân ngồi băm rau, cũng may không trúng vào người con bé. Thím Mười quắc mắt, tay chắp bên hông, nghiến răng rít lên:
“ Á à, dạo này mày học ở đâu ra cái thói cãi lời người lớn thế hả con kia? Tao..tao..tao..”
Thím Mười nói chưa hết câu, bỗng trong nhà vang lên tiếng động loảng xoảng, nghe tựa như vừa có con mèo đuổi chuột, làm động đống bát đĩa xoong chảo.
Vài giây sau tiếng động im bặt. Cả Tường Vân và thím Mười nhìn chăm chăm vào nhà, vẻ mặt người nào người nấy ngơ ngác đến khó hiểu.
Mãi thím Mười mới nói như ra lệnh:
“ Ê con kia, mày chạy vào xem con gì phá phách trong nhà lùa nó ra ngoài cho tao, chốt cửa lại.”
Tương Vân đáp:” Dạ, thím.”
Thế nhưng, Tường Vân vừa buông nắm rau lợn đứng dậy, bất ngờ bóng dáng chú Mười ngả nghiêng xiêu vẹo trong nhà hiện ra ngay trước mắt, khiến gương mặt thơ ngây non dại của con bé bắt đầu đổi sắc sang xám ngoét, chỉ tay vào bên trong nhà, lắp bắp nói:
“ Thím..thím..ơi..chú con..chú ấy..bị làm sao vậy thím?”
Thím Mười buông rổ khoai, ngó đầu ra, bỗng hai mắt mở trừng to tròn, miệng há hốc, chân tay run rẩy nhưng vẫn chạy lên nhà ôm chồng gào thét:
“ Mình ơi mình, mình bị làm sao thế này hả mình? Ối làng nước ơi, có ai không, may sang đây cứu chồng tôi với.”
Tiếng gào thét của thím Mười lớn đến nỗi hàng xóm cũng nghe thấy, một hai người đã bắt đầu ùa chạy sang.
Tường Vân đứng chôn chân một chỗ, nhìn chú Mười nước mắt rơi lã chã. Chú Mười nằm giãy giụa dưới đất, sòi bọt mép, hai bên quầng mắt thâm đen, lòng tử trắng dã, ánh mắt chú như chất chứa rất nhiều điều muốn nói với Tường Vân trước khi đi xa, nhưng đã quá muộn.
Một lúc sau, chú Mười nằm tắt thở trong vòng tay của vợ mình. Chú cứ thế ra đi không một lời trăng trối, cũng không kịp dặn dò vợ con, càng không kịp nhìn mặt người mẹ đã hơn 80 tuổi của mình, vẫn đang lọ mọ làm ngoài vườn.
Thím Mười gào khóc trong nước mắt:
“ Mình ơi..mình à.. tỉnh dậy đi mình ơi. Cớ sao mình bỏ lại vợ góa con côi mà đi..”
Rất nhanh sau đó, tin chú Mười chết được người dân đồn đi khắp làng. Chẳng ai bảo ai, mỗi nhà một người kéo đến nhà thím Mười phụ thím ấy một tay lo tang lễ cho chú.
Mắt chú Mười mãi chẳng thể nhắm. Cứ mở trân trân mặc dù thím Mười và bà nội thay phiên nhau vuốt, song hai mắt chú ấy vẫn mở thao láo.
Mẹ thím Mười sấn tới, kéo thím Mười ra và bảo:
“ Này! Hay là tại nó chết đột ngột chưa kịp trăng trối gì cho vợ con nên mãi mà mắt vẫn không chịu nhắm?”
Thím Mười chẹp lưỡi, đáp:
“ U bị làm sao thế? Nhà con khi còn sống có cái đếch gì quý báu đâu mà trăn với chả trối.”
“ Thế bây giờ chị tính sao? Sắp tới giờ nhập quan rồi mà mắt nó cứ mở thế kia.”
Thím Mười kéo u mình ra ngoài hiên, thì thầm:” Thế ông thầy con nhờ u mời đến, ông ấy đã tới chưa?”
Bà Phấn chẹp lưỡi:
“ Ờ, chắc thầy sắp sang rồi đấy!”
Lời bà Phấn vừa dứt, tiếng xe đạp lạch cạch từ ngoài cổng dội đến làm hai mẹ con thím Mười chú ý đến. Cả hai nhìn ra ngoài cổng vội reo len:
“ Kìa, ông ấy đến rồi kia.”
“ Ơ kìa, tôi mong thầy đến còn hơn mong u đi chợ về.”
“ Mời thầy vào nhà!”
Ông thầy vừa bước vào trong nhà, khi nhìn thấy xác chú Mười nằm co quắp đã thở dài lắc đầu.
Bà Phấn bước đến bên cạnh ông thầy, hỏi nhỏ:
“ Thầy xem, con rể tôi nó mãi chẳng chịu nhắm mắt, có khi nào nó còn điều gì muốn nói không hả thầy.”
Không thầy không nói gì, chỉ thấy ông ấy châm ba cây hương đốt lên, đi xung quanh xác chú Mười lẩm nhẩm gì đó trong miệng, rồi khựng chân, nhìn Tường Vân ngoắc lại và bảo:
“ Cháu lại đây ta bảo.”
Tường Vân nhích lên được hai bước, ánh mắt sợ hãi len lén nhìn thím Mười, hành động và ánh mắt ấy không qua khỏi cặp mắt cú vọ của thím Mười. Chỉ đến khi nghe thím Mười quát, Tường Vân mới dám bước đi tiếp.
“ Thầy bảo mày tới thì tới nhanh đi. Làm gì chậm chạp như rùa bò thế hử?”
Ông thầy mỉm cười, vẫy Tường Vân lại và nói:
“ Đừng sợ. Khi còn gsống người chú ấy thương nhất là cháu, nên khi về với tổ tiên, người chú ấy muốn vuốt mắt cho mình cũng là cháu.”
Tường Vân bật khóc nức nở, nhiều lần thím Mười muốn lao đến nắm kéo con bé nhéo cho nó mấy cái nhưng bị bà Phấn ngăn cản.
“ Thôi con à! Làm gì cũng một vừa hai phải thôi chứ con. Ở đây còn biết bao nhiêu người, bay làm vậy khác gì vạch áo cho người xem lưng. Rồi thiên hạ họ đồn bay ngược đãi hai chị em nó.”
Thím Mười toan nói gì đó nhưng lại thôi.
Tiếng bà Doãn khóc thút thít bên cạnh xác con trai khiến thím Mười càng thêm bực tức. Bởi lẽ cả nhà có mình chú Mười là lao động chính đi kiếm tiền về nuôi vợ con, thì hôm nay chú lại đột ngột ra đi. Việc chú Mười ra đi cũng có nghĩa ngày tháng sau này mọi chuyện lớn bé, cơm ăn áo mặc trong nhà đều do một ray thím Mười quán xuyến, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Mỗi khi nhìn thấy bà mẹ chồng gia yếu, thím Mười lại ước bà ấy chết quách đi cho rảnh nợ.
Tường Vân run rẩy đặt bàn tay nhỏ xíu lên trán chú Mười, từ từ vuốt nhẹ xuống theo lời ông thầy chỉ. Lạ thay, mắt chú Mười cuối cùng cũng chịu khép lại, miệng cũng ngậm vào y như chú ấy đang nằm ngủ.
Hai mẹ con thím Mười nhìn nhau ngạc nhiên. Xong chẳng ai nói với ai câu nào.
Ông thầy làm lễ khâm liệm xong, dặn dò thím Mười vài điều rồi ra về. Tiếng kèn trống vang lên inh ỏi, mãi tận khuya đội kèn trống mới về nhà chợp mắt, cũng là để bà con lối xóm có chút không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Đêm hôm ấy, trời mưa phùn rả rích. Tiếng ếch nhái ộp oạp ngoài vườn thi nhau kêu, khiến Tường Vân không tài nào chợp mắt được. Con bé thức dậy, nhìn ra ngoài gian nhà chính thấy chiếc quan tài kê ở giữa, đằng trước đặt di ảnh của chú Mười càng làm con bé thêm buồn.
Ngó sang bên cạnh, thấy cậu em trai đang ngủ ngon giấc, Tường Vân nhè nhẹ bước xuống khỏi giường.
“ Con kia, mày không ngủ thì ở đây canh quan tài chú mày cho tao. Tao tranh thủ vào buồng chợp mắt một lúc.”
Hồi chiều, ông thầy được mẹ của thím Mười rước về cúng có dặn, không được để mèo hoang nhảy qua quan tài của chú, nhất là mèo đen tuyền, hay còn gọi là mèo mun. Bởi chú Mười mất vào giờ xấu, gặp mèo đen nhảy qua xác hoặc áo quan sẽ rất dễ bị quỷ miêu nhập vào. Hơn nữa, chú mất vào giờ khắc, nên gia đình sau này chăn nuôi không đặng. Muốn giải hạn phải sắm lễ cúng mới mong gia đạo được yên.
Nghĩ đến đây, Tường Vân bước đến bên cạnh, đáp:
“ Dạ con tỉnh ngủ rồi thím. Thím cứ đi ngủ đi con ở lại canh quan tài của chú cho thím đi nghỉ ạ.”
Thìm Mười bĩu môi, dí ngón tay vào trán Tường Vân, nhếch môi nói:
“ Con ranh, đừng có lúc nào cũng tỏ ra ngoan hiền lễ phép trước mặt tao như thế, thấy mắc nôn lắm. Mày định diễn kịch trước vong linh của chú mày cho ông ấy xem hay sao hả? Tao khinh!”
Nói xong, thím Mười quay đi nhổ toẹt bãi nước miếng xuống đất, ngay trước linh cữu của chồng mình, rồi mới xoay người hậm hực bỏ đi.
Hành động đó của thím Mười khiến Tường Vân chột dạ. Con bé mới mười hai tuổi, thì làm sao hiểu hết ý nghĩa thâm sâu trong những câu nói đay nghiến của thím Mười thốt ra. Chỉ cảm nhận được rằng thím Mười không hề yêu quý mình, có chăng vì nể mặt chú Mười nên thím ấy mới miễn cưỡng đồng ý cho hai chị em cô bé ở lại đây mà thôi.
Nhìn lên di ảnh của chú Mười, con bé rưng rưng nước mắt. Không hiểu sao, khi ấy Tường Vân cảm nhận được khóe mắt trên di ảnh của chú mình, khẽ lăn ra hai hàng lệ.
“ Chú ơi..con nhớ chú lắm.”
Đôi môi run bần bật, mãi mới thốt ra thành câu. Bỗng, một cơn gió lạnh ngắt như tuyết từ ngoài vườn thổi thốc vào làm mấy cây hương trong bát trước bàn thờ chú Mười bùng cháy đỏ rực.
Tường Vân hoảng hốt lùi lại, nhìn chăm chăm vào bát hương đang cháy mà thốt lên:
“ Thím ơi, cháy..cháy..bát hương trên linh cữu của chú bị cháy.”
Thím Mười bật dậy đi ra khỏi buồng, miệng làu bàu tỏ vẻ khó chịu:
“ Lại chuyện gì nữa? Mày không để tao chợp mắt một chút được hả con ranh này?”
Vừa nói, thím Mười vừa mắt nhắm mắt mở bước đến, thấy bát hương đang bùng cháy dữ dội, tự dưng thím Mười nổi đóa, nắm cổ áo Tường Vân kéo xềnh xệch đến cạnh quan tài, chỉ vào đó tức giận quát.
“ Tao vừa đi khỏi bay đã làm bàn thờ của chú mày tanh bành ra thế này đấy hả? Khi còn sống chú mày thương mày nhất kia mà, vậy mà khi ông ấy chết mày cũng không để ông ấy ra đi thanh thản. Đã thế đừng trách tao ác.”
“ Không..không phải tại con đâu thím ơi. Là bát hương tự cháy, tự cháy thật mà!”
“ Tao tin mày chắc.?” Thím Mười trợn mắt nghiến răng rít lên.
“ Đừng mà thím ơi, tha cho con!”
Mặc kệ con bé giải thích và van xin, đang trong cơn tức giận nên thím Mười đưa tay nhổ cả nắm hương đang cháy phừng phừng trong bát, chẳng thương xót gì con bé định dúi cả nắm hương vào mặt thì bất ngờ nắm hương vụt tắt.
Bàn tay thím Mười nới lỏng, ánh mắt có chút sợ sệt nên buông tay ra khỏi cổ áo. Nắm hương trên tay cũng rơi xuống đất.
Tường Vân chỉ ra ngoài bụi chuối cạnh giếng và nói:
“ Thím ơi, chú Mười về. Chú Mười về thăm nhà kìa thím.”
Tường Vân thấy chú Mười đứng đó, người ngợm ướt sũng nước mưa. Hai mắt buồn bã nhìn vào nhà một cách vô hồn, rồi lặng lẽ quay đi. Bóng chú Mười tan biến trong làn mưa, xen lẫn tiếng gió rít điên cuồng.
“ Mày điên hả Tường Vân? Chú mày chết rồi, xác chú mày vẫn còn nằm đó.”
Dưới ánh đèn dầu đỏ quạch leo lét hắt ra, di ảnh chú Mười bỗng bị đổ nằm úp xuống. Thím Mười giật mình, lùi lại sát chỗ Tưởng Vân sợ hãi lắp bắp hỏi:
“ Chú bay..chú bay..ông ấy đi chưa?”
Lúc đó, cụ Doãn chống gậy từ trong buồng bước ra, giọng rất khẽ vang lên:
“ Là con trai về thăm nhà đấy. Chắc hẳn trong lòng nó không yên, nên mới không đành đi xa gia đình.”
Cụ Doãn đi đến dựng di ảnh của con trai mình đặt lại chỗ cũ cho ngay ngắn, rồi ngoảnh lại nhìn Tường Vân hiền từ, nói:
“ Cháu gái, mang hương lại đây cho bà. Nhà có người thân vừa mới mất thì không được để hương tắt.”