Sáng hôm sau, thím Mười đạp xe đạp đi ra ngoài đầu đình mua bánh cuốn nóng về ăn sáng, thì nghe mấy bàn bán bánh với bún ngồi kháo chuyện với nhau.
– Này! Tôi vừa nghe chị Lành kể đêm qua chị ấy ra đồng lấy nước gặp ma rên quỷ khóc ở bãi tha ma ngoài đồng làng mình đấy. Theo các bà, chuyện này chị Lành nói có thật hay không? Hay chỉ là ảo giác thôi các bà nhể?
Một bà bán hàng phe phẩy cái quạt trên tay, chẹp lưỡi nói tiếp lời:
– Tôi chả tin đâu, thời buổi này làm gì còn ma với quỷ.
Người khác lại nói như khẳng định:
– Tôi thì tôi tin cô Lành gặp ma thật đấy. Ngày trước ông già chồng tôi mới mất, chưa qua đám giỗ 100 ngày thì đêm hôm ấy có con bướm đen to lắm bay vào nhà tôi. Ban đầu nó cứ bay quanh quanh bàn thờ, sau đó vòng ra hai giường ngủ chỗ vợ chồng tôi nằm và giường chỗ hai đứa con. Hai đứa nhỏ sợ quá thét lên, xong nhà tôi phải thức dậy đốt nhang khấn vái nó mới chịu bay đi đấy.
– Ờ! Thế bác ấy khấn vái thế nào hử bà?
– Ông nhà tôi khấn” thầy ơi, thầy sống khôn chết thiêng, thầy về thăm con, thăm cháu xong rồi thì thầy ra đi thanh thản thầy nhé. Thầy làm vậy hai đứa cháu nội của thầy chúng nó sợ.” Khấn vái xong, nó bay vụt ra lỗ hổng trên cánh cửa luôn bà ạ.
– Đây! Cứ bảo không tin có ma quỷ, cơ mà ai gặp rồi sẽ tin thôi bà nhể?
– Hì..hì..vâng, đúng là vậy đấy bà ơi.
….
Thím Mười quay đầu xe, không còn tâm trạng mua bánh cuốn về ăn nữa. Về đến nhà, mặt mày thím Mười chằm bầm chười bưởi xệ xuống một đống. Lâu lâu liếc sang phía nhà cô Lành, lèm bèm chửi đổng.
– Cái thứ nhiều chuyện đây mà. Hừm! Người ta ngủ với ai thì mặc m/ẹ người ta chứ. Cứ phải xía mũi vào nhiều chuyện mới thỏa lòng đấy hử? Hư..!!!
Khi ấy, Tường Vân bưng mâm cơm lên đặt xuống hiên và thưa:
– Thím ơi, con mời thím ra ăn cơm. Để con vào buồng gọi bà nội và gọi em ra ăn chung.
Sẵn cơn tức giận đang sôi sục trong người, thím Mười nhìn mâm cơm trợn mặt chỉ tay vào đĩa cá phèn xanh, quát nạt:
– Cái gì đây hử?
– Dạ! Là cá khô con vừa rán xong.
Con bé lắp bắp đáp, ánh mắt sợ hãi hằn rõ trong đôi mắt khi thấy thái độ của thím trở nên căng thẳng.
– Mày nói cái gì? Cá này tao bỏ tiền ra mua về thả vào nỗi cám cho lợn ăn mau lớn, mày lại giành cả cá của bầy lợn để ăn ư? Con này, chắc hôm nay mày chán sống rồi chăng?
Tưởng Vân sợ sệt, mếu máo đáp:
– Dạ không! Tối qua thím dặn con nồi cơm nguội còn nhiều, sáng mai hâm lên cho nóng với rán ít cá ăn kèm buổi sáng.
– Mày còn cãi tao hử? Tao nói vậy bao giờ hử?
– Dạ! Thím dặn con hồi tối qua.
– Á à! Mày lớn gan lắm, hôm nay còn cãi tao đôm đốp. Lâu ngày chưa được ăn đòn nên ngang bướng đấy hử con.
Dứt lời, thím Mười chạy ngay xuống bếp rút cây roi mây mình cài sẵn trên gác. Quay lại chạy xồng xộc lên hiên, cứ thế vung tay đánh túi bụi vào người con bé một cách không thương tiếc.
– Mày cãi tao hử? Mày dám cãi tao hử? Cá là tao mua về nuôi lợn vỗ béo cho chúng nhanh lớn để bán mới có tiền chi tiêu chứ. Nuôi cái ngữ ăn hại như mày tổ tốn cơm gạo, nào đã báo đáp tao được cái gì. Hôm nay thì mày no đòn với tao nhé, con ranh.
Tường Vân khóc thét đau đớn, cơ thể nhỏ bé run cầm cầm nằm co ro quằn quại dưới đất, hai tay chắp trước ngực van xin:
– Con xin thím, thím tha cho con, làm ơn tha cho con thím ơi. Con biết lỗi rồi thím ơi, lần sau con không dám cãi thím nữa. Con đau lắm, con đau…
– Này đây thì tha. Cái thứ không biết vâng lời đánh chế/t cho chừa, không ai thương xót mày đâu. Con ranh con.
Khi ấy, cụ Doãn lật đật bước ra, tay run rẩy chống gậy bước đến nói với con dâu.
– Chị đừng đánh con bé nữa, tôi xin chị đấy!
– Bà không muốn dính đòn thì mau mau cút ra, hôm nay tôi phải dạy con bé này nên người, để lần sau nó chừa cái thói cãi người lớn đôm đốp.
– Nếu chị còn tiếp tục đánh con bé, tôi lên xã báo chính quyền đấy.
Lúc ấy, thím Mười nghe xong mới chịu dừng tay. Thím ném “phạch” cây roi mây xuống đất, xoay người người bước lên ngồi phịch xuống, mặt mày hằm hằm đầy sát khí liếc sang nhà cô Lành một tia nhìn sắc bén. Lẩm bẩm nói trong miệng:” Con mụ nhiều chuyện, để xem tao dằn mặt mày như thế nào, lần sau cho bỏ cái tật nhiều chuyện, xía mũi vào việc nhà người khác. Xí…!!”. Rõ ràng thím Mười đang giận cá chém thớt. Người loan tin gặp ma ngoài bãi nghĩa địa là cô Lành, nhưng lại về nhà trút cơn giận lên đầu cháu mình.
Chỉ khổ cho Tường Vân, sau trận đánh bằng roi mây thì con bé gần như lịm người đi vì đau đớn. Cụ Doãn buông cây gậy ngồi mọp xuống, tay run rẩy nhấc mãi không nổi cháu gái lên, nước mắt lưng tròng than vãn.
– Khổ thân cháu tôi quá. Con bé mới gần 13 tuổi, nào đâu hiểu hết được ý người lớn. Chị ác quá, có gì từ từ dạy bảo cháu nó chứ.
Nhìn da thịt con bé chằng chịt vết thương do roi vọt gây ra, lòng cụ Doãn lại đau như dao cắt. Chỉ tiếc mình mắt mờ chân yếu nên không thể bảo vệ được cháu gái. Trách mình thật nhu nhược.
Thằng Hoàng Minh chạy đến, len lén nhìn thím sợ một phép, rồi nhìn chị gái lay lay mếu máo gọi.
– Chị Tường Vân, chị Tường Vân!
Tường Vân từ từ hé đôi mắt sưng húp nhìn cậu em trai nước mắt giàn giụa, nói mãi mới thành câu:
– Chị không sao, em đừng khóc.
– Em đói, em đói!
Nghe lời cậu em ngây ngô nói mà nước mắt con bé rơi lã chã. Nó nhớ cha mẹ, nhớ từng bữa ăn đến giấc ngủ và cả điệu hát ru của mẹ mỗi khi con bé hay cậu em trai bị bệnh. Nó thèm hơi ấm gia đình, khao khát tình yêu thương của người lớn, nhưng chắc có lẽ ước mơ ấy mãi mãi là một điều ước xa xỉ với hai chị em Tường Vân.
– Dậy đi cháu, mau ngồi dậy đi cháu.
Con bé gồng mình ngồi bật dậy. Đôi tay nhỏ xíu đưa lên quẹt nước mắt trên khuôn mặt già nua nhăn nheo của bà nội, nhoẻn miệng cười.
– Cháu không sao, bà nội đừng lo cho cháu.
– Hừ! Nếu không phải bà già này can thiệp thì liệu mày có sao hay không tao còn chưa dám chắc. Hãy xem trận đòn hôm nay làm một học, lần sau đừng có ma ngu dại cãi lời tao nghe chưa.
– Thôi kệ thím, dậy ra ăn sáng đi cháu.
Cụ Doãn nói chưa hết câu, bỗng tiếng loảng xoảng vang lên, thì ra thím Mười tỏ vẻ tức giận không muốn cho ba bà cháu ăn cơm liền vung tay hất đổ cả mâm cơm xuống đất. Chén bát, niêu nồi và cả thức ăn văng tứ tung. Tường Vân nhìn mâm cơm mình dậy từ sớm để nấu bị thím quăng đổ hết, con bé rưng rưng nước mắt, nói chẳng thành lời.
– Ai cho chúng mày mà dám ăn hư? Ba bà cháu mấy người sáng nay ra nồi cám lợn vớt khoai lang lên mà ăn. Tiền bán nhà của bố mẹ tụi mày thì bà già ấy đòi giữ cả, muốn ăn ngon thì bảo mụ ấy đưa tiền cho mà hốc. Hừ..!!!
Nói xong, thím Mười đứng phắt dậy, dắt xe ra cổng, cất tiếng gọi:
– Thuỳ Dung đâu, ra đây mẹ chở đi ăn sáng.
Thuỳ Dung lên tiếng” Con ra ngay đây mẹ.” từ trong nhà chạy ra. Lúc đi ngang qua chỗ Tường Vân còn dừng lại xí một tiếng, cười thích thú cô chị họ vừa bị mẹ đánh, xong mới chạy ra cổng đi theo mẹ.
Ba bà cháu ôm nhau khóc như mưa. Cụ Doãn sau đó dẫn hai đứa cháu ra đình ăn sáng.
—-
Xế chiều, canh lúc nhà cô Lành không có ai ở nhà. Bọn trẻ thì chơi trước xóm, trong nhà cụ Doãn và Tường Vân chưa đi làm đồng về. Thím Mười bèn đi vòng ra sau nhà, rón rén mắt trước mắt sau quan sát thám thỉnh rồi nhảy phóc qua bên hàng rào sang vườn nhà cô Lành. Trên tay thím Mười bưng một gáo thóc trộn sẵn với thuốc diệt chuột.
Nhìn đàn gà to nhỏ cả gần 50 con đang bới tìm thức ăn trong vườn, thím Mười nhếch mép cười, rồi nhanh tay hất gáo thóc xuống, đàn gà thấy thức ăn chạy bu đến, thi nhau mổ. Làm xong, thím Mười mỉm cười, nụ cười của sự gian ác hiện trên gương mặt mưu mô đầy thủ đoạn, càng làm cho thím Mười thêm đáng ghét. Vừa quay đi được hai bước thì thím Mười sực nhớ ra nhà cô Lành có đàn lợn sắp sửa được xuất chuồng mổ thịt, bèn dã tâm quay lại tiến đến bên cạnh chuồng, móc ống thuốc diệt chuột ra nhỏ vào máng nước cô Lành múc cho lợn uống vơi cả ống mới chịu quay về.
Trước khi nhảy qua vườn nhà mình, thím Mười còn cẩn thận quan sát xung quanh, thấy không gian lặng phắc thím ấy mới yên tâm nhảy qua. Xong xuôi, thím Mười ung dung bước vào nhà, lúc đi ngang qua bể rắn còn dừng chân lại. Đặt tay đó gõ mấy nhịp lộc cộc, nghe khô khốc.
Miệng lảm nhảm:” Mày phù hộ cho tao đấy nhé, tao sẽ cống đủ thức ăn cho mày.” Ha ha… phải nói, từ hôm thỉnh bùa và mua rắn hổ mang chúa về nuôi, nhiều chuyện trong cuộc sống thím Mười cảm thấy nó trôi chảy hẳn lúc mình chưa thỉnh. Thím Mười cười khoan khoái, đi vào trong nhà với niềm tin, gia súc, gia cầm nhà cô Lành sẽ mạt vận ngay trong chiều nay.