Người Âm Mai Mối

Chương 30



Hôm nhà thím Mười khởi công đào móng, tình cờ bà đồng người làng đi ngang qua chỉ vào hai mô đất cạnh chỗ khởi công rồi bảo:

– Cô Mười, cô tính xây nhà ra tận đây hay sao?

Thím Mười ngoảnh lại thấy thì ra là bà đồng, bèn cười khẩy rồi nói:

– Vâng, thế không được sao bà? Giấy phép tôi đã cầm trong tay chẳng nhẽ lại không được xây dựng nhà?

Bà đồng cười hạt, rồi nghiêm sắc mặt nói:

– Ý của tôi không phải vậy. Nhưng tôi khuyên cô làm nhà thì làm thụt lùi vào trong một chút, tránh hai cái mô đất nhô cao kia ra. Khi làm nhà xong đừng quên dựng cây hương ngoài sân để thờ cúng vong linh, cho người ta ăn hương hoa, còn mình xin lộc người ta phù hộ cho.

Thím Mười hừ nhẹ, rồi nói:

– Nhà bà nhìn đâu cũng thấy vong với người âm thế nhể. Đúng là xem bói ra ma, quét nhà ra rác. Tôi không tin đâu, vì sao phải làm theo.

Bà đồng điềm tĩnh giải thích:

– Vì hai mô đất là hai ngôi mộ vô danh đấy. Năm xưa, cũng từ lâu rồi chắc phải thời chiến tranh loạn lạc ấy, các cụ nhà tôi có bảo bên bờ sông có đôi vợ chồng chạy loạn đến đây thì trúng bom đạn mà chế/t. Người dân làng ta thương tình nên đào hai cái huyệt rồi an táng cho họ nằm cạnh nhau. Do là mộ vô danh, lại không được ai thờ cúng vun đắp nên bây giờ nó chỉ nhô cao như hai gò đất.

Bà đồng vừa nói đến đây, thím Mười xua tay gạt phắt đi:

– Ôi dào, cháu không tin đâu bà đồng. Lời các cụ truyền miệng thì có mấy câu đúng sự thật. Chỉ là lời đồn mà thôi. Hơn nữa, lùi thế nào được mà lùi, bên sát vách là thửa ruộng nhà người khác rồi còn gì.

Bà đồng thở dài, nói:

– Chỗ người làng, lại là họ hàng xa, cành trên cành dưới nên tôi mới khuyên chị thôi. Còn nghe hay không tùy chị. Hai ngôi mộ đó tuy bây giờ nó không giống hai ngôi mộ, đã bị tẹt xuống theo thời gian, nhưng không có nghĩa nó không có hồn.

Nói xong, bà đồng quay người rời đi.

Thím Mười nghe vậy cũng không nói gì thêm, đứng nhìn theo tấm lưng của bà đồng, nhổ toẹt bãi nước miếng tỏ vẻ khinh khỉnh, nói lẩm nhẩm trong miệng:

– Rõ cái loại dở hơi. Chuyện nhà mình lo còn chưa xong, còn bày đặt chạy đến tận đây kiếm chuyện sinh sự. Bà đốt vía, đốt vía cái mồm ăn mắm ăn muối nhà bà tới đây phán dăm ba lời không hay. Bà là bà khinh!

Nghĩ đến đây, thím Mười quơ vội nắm lá chuối khô trong rổ rồi mở bật lửa ra đốt cháy phừng phừng. Chân thím Mười uyển chuyển bước qua bước lại, tay múa máy nắm lá chuối đang cháy, miệng không ngừng khấn vái:” Vía lành thì ở, vía dữ thì đi. Đừng để mấy lời thị phi ở lại làm ảnh hưởng đến ngày trọng đại. Nam Mô A Di Đà Phật..Nam Mô A Di Đà Phật.. Nam Mô A Di Đà Phật…”

Lắm lá chuối vừa cháy hết, cũng là lúc mấy bác đào móng đằng sau lưng thím thốt lên:

– Ôi trời ơi, rắn, rắn.

Thím Mười quay lại, hỏi:

– Có chuyện gì thế bác!

Một người đáp:

– Chúng tôi đang đào hố đổ móng thì đào phải con rắn cô ạ.

– Đâu, nó đâu, to không?

Người kia trả lời:

– Nó trốn dưới mô đất kìa, to đáo để bác nhể.

– Tôi nghe nói làm nhà thấy rắn thì lùa chúng đi, đừng đánh chết nó, xui ba đời bảy kiếp đấy.

Sẵn trong người có máu thích ăn thịt rắn, lại trông thấy con rắn béo múp, bụng chửa to phè nên thím Mười nghi có trứng bên trong, làm thịt vừa có trứng ăn vừa có thịt nhắm rượu, đỡ tốn tiền mua thức ăn cả một ngày.

Ngẫm nghĩ xong, chẳng đợi mấy bác thợ xây lùa rắn đi, thím Mười lượm luôn cái xẻng bên cạnh cầm trên tay giơ lên cao quá đỉnh đầu, cứ thế phang những nhát xẻng oan nghiệt đánh chế/t con rắn.

– Ấy chết! Sao cô Mười lại đánh nó thế? Con rắn này nó hiền lắm, to xác vậy thôi chứ gặp người là sợ, nào nó có tấn công ai.

Một bác thợ nhìn xác con rắn ngao ngán thở dài nói.

Thím Mười cười hề hề, nói:

– Ôi dào, có sao đâu bác. Con rắn béo vậy kia mà! Hề hề hề…

Mấy bác thợ nhìn nhau lắc đầu, rồi cặm cụi làm tiếp.

Gần trưa, thím Mười xách con rắn về nhà cột vào sợi dây treo trên cành cây. Khi đó Tường Vân đi ngang qua, nhìn con rắn rồi hỏi:

– Thím ơi, để con mang nó đi chôn, thím không cần treo lên cây đâu ạ.

Thím Mười trừng mắt, quát:

– Mày điên hử con nhỏ này. Rắn tao bắt được mày lại bảo đem đi chôn. Chôn chôn cái đầu mày đó.

Nói xong thím Mười bỏ đi, toan vào trong bếp lấy dao ra ra xẻ thịt rắn thì đôi chân thình lình khựng lại, ngoảnh ra sau thấy Tường Vân định gỡ con rắn xuống bèn lao đến cốc một cái đau điếng vào trán con bé, hét thẳng vào mặt:

– Con điên này, mày muốn chế/t theo nó đấy hử? Lần trước mày thả của tao mấy con ếch tao còn chưa nguôi ngoai cục tức đấy nhé. Giờ mày mà muốn đem rắn đi chôn thì hôm nay no đòn với tao.

Vừa nói, thím Mười vừa giơ chân đạp liên tiếp vào người Tường Vân, khiến con bé khóc om sòm xin tha:

– Thím đừng đánh con, tại con thấy nó tội nên con muốn chôn nó thôi mà thím.

– À, ra vậy. Này đây thì chôn, này đây thì tha. Tao đạp cho mày chế/t.

Mỗi câu nói, thím Mười đạp vào người Tường Vân một cái. Con bé không dám phản kháng càng không dám bỏ chạy, bởi ngày xưa thím từng nói nếu dám cãi lời thì thím ấy sẽ đuổi bà nội và thằng Hoàng Minh ra khỏi nhà. Nghĩ tới đây hai hàng nước mắt con bé rơi lã chã, cơ thể đau nhức mà cố cắn răng chịu đựng. Mãi đến khi thím Mười cảm thấy mệt, tức tức trong bụng thì mới chịu dừng lại hành động của mình.

Thím Mười thở phì phò, chỉ tay vào mặt con bé mà rằng:

– Biến đi cho khuất mắt tao. Tao làm thịt rắn xong cấm mày ăn. Rõ cái thứ ăn hại, trông thấy mày tao càng thêm tức.

Tường Vân đứng dậy, lết cơ thể đau nhức cầm rổ ra ngoài vườn hái rau.

Bữa cơm trưa, đĩa thịt Rắn rán giòn thơm phức đặt trong mâm, bên cạnh còn có bát trứng rắn do thím Mười luộc vừa chín. Thằng Hoàng Minh nhìn thức ăn toả mùi thơm nuốt nước miếng thèm thuồng. Nó toan thò đũa gắp thì bị thím Mười gạt phăng đi, phùng mồm trợn mắt quát:

– Ê thằng kia, ai cho mày ăn thịt rắn hử?

Tường Vân kéo tay cậu em trai lại, còn thằng bé mếu máo nói lí nhí trong miệng:

– Chị, em muốn ăn thịt.

Con bé dỗ dành em:

– Để chị gắp rau cho em ăn nha. Ngoan, chị thương.

Bỗng..tiếng loảng xoảng trong buồng cụ Doãn vang lên làm cả mấy thím cháu giật nảy mình nhìn vào, kèm theo sau là tiếng khèng khẹc tựa như người bị ngạt mũi.

Thím Mười hất hàm, ra lệnh:

– Một tí nữa mày ăn cơm xong nhớ vào trong phòng bà già dọn bát đũa nghe rõ chưa?

Tường Vân gật đầu:” Vâng!”

Thím Mười làu bàu trong miệng:” Rõ toàn thứ vô dụng. Đã ăn hại còn báo đời.”

Khi đó, bà Phấn sang chơi. Thấy mẹ sang thăm thím Mười tươi cười ngoắc tay, nói:

– U sang nhà con chơi đấy hả? Vào đây ăn cơm cùng hai mẹ con con u ơi.

Bà Phấn đặt cân lòng lợn xuống cạnh mâm rồi bảo:

– Nhà chị nấu món gì mà thơm đáo để? Người ta cho thầy chị cân lòng lợn, nhưng mà hôm qua em dâu chị nó vừa mua ăn, nên thầy bảo u mang sang đây cho hai mẹ con chị.

Thím Mười cười hề hề, nói:

– Vâng, vậy quý hoá quá u nhể. Con xin nhận u nhé. Gửi lời cảm ơn tới thầy giùm con.

Nói chuyện một lúc, thím Mười sai Tường Vân đi lấy thêm bát đũa xới cơm cho bà Phấn. Trong bữa cơm, nhà họ ba người cười nói vui vẻ ăn với món thịt rắn, tuyệt nhiên ngó lơ hai chị em Tường Vân. Còn cân lòng lợn thím Mười giữ lại, đợi ăn xong mang sang cho người tình.

Thấy bát trứng rắn ngon, bà Phấn đã xin một nửa đem về cho con dâu ăn, bởi con dâu bà cũng đang mang thai ở tháng thứ 7.
—-

Chỉ vài tháng sau, gian nhà tạm bợ của thím Mười được hoàn thành trước dự định. Thím Mười chọn mảnh đất cạnh bờ sông để chuyển ra ở riêng, cũng chính là mảnh đất này nằm trong diện vườn ao chuồng mà xã cho phép nông dân đào ao, nuôi cá, chăn nuôi. Vì vậy không khó để thím Mười xin tờ giấy dựng tạm căn nhà ở tạm, vì lý do mai mốt múc đất đào ao xong, có chỗ che mưa, che nắng để canh giữ vườn tược, ao chuồng.

Cũng vào khoảng thời gian đó bụng thím Mười ngày một lớn dần. Hôm chuyển nhà, thím Mười đứng trước cửa buồng phòng cụ Doãn, nói:

– Bà ở lại mạnh khỏe nhé, tôi đưa Thuỳ Dung ra ao ở riêng. Vườn tược, nhà cửa, và cả mảnh đất này tôi không lấy gì cả, của 3 bà cháu mấy người tất đấy. Còn tiền chi phí sinh hoạt, kể cả tiền học cho hai đứa nó, bà đi mà lo, thân tôi lo chưa xong thì tội gì tôi phải lo cho chúng nó.

Chẳng đợi cụ Doãn lên tiếng, nói xong thím Mười quay lưng bỏ đi. Thím hừ tiếng, lẩm bẩm trong miệng:” Không muốn nôn tiền ra cho con này thì tự xoay sở mà sống. Tội gì con này ôm rơm cho nặng bụng.” Vừa nói dứt câu, hai cánh cửa buồng của cụ Doãn đang đóng im ỉm bỗng bật tung ra rồi đóng rầm rầm như có ai đó điều khiển, báo hại thím Mười một phen khiếp vía.

Thím Mười thình lình đứng lại, đưa tay ôm ngực miệng thốt lên:

– Ôi cha mẹ ơi, nói mụ già ấy là ma cũng đâu có sai.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner