Người Âm Mai Mối

Chương 68



– Ơ chị Mười khoan đi đã, đứng lại nói chuyện cho rõ đã chứ chị? Có nghĩa giữa hai nhà chúng ta không cần cưới xin gì nữa phải không?

Thím Mười dừng chân, để giấu nhẹm đi chuyện mình ép con gái phá thai nên thím ngoảnh lại trả lời qua quýt để nhà cô Đào không nghi ngờ:

– Ừ! Là cái Dung nhà tôi bị đau bao tử, thế mà cứ ngỡ mang thai. Còn chuyện thanh niên chúng nó xảy ra quan hệ với nhau trước hôn nhân cũng là bình thường thôi mà. Tôi tuy người nhà quê, ít học, ít va chạm với xã hội bên ngoài, cơ mà tính tôi không có suy nghĩ cổ hủ như thời các cụ. Chuyện này cứ kết thúc ở đây đi, duyên phận sau này do ông trời quyết định.

Nói xong thím Mười quay đi, lèm bèm trong miệng ra vẻ trách móc con gái:” Con với chả cái, chỉ giỏi khiến mẹ nó lo lắng.” Rồi đi thẳng dắt xe ra cổng.

Cô Đào thở phào nhẹ nhõm, nói với chồng, con:

– Vậy cũng tốt mình ạ, dù sao nhà chúng ta cũng không mặn mà với hôn sự lần này. Còn con nữa, hãy xem đây là bài học lần sau đừng có rượu chè quá chén. Đàn ông con trai phải mạnh mẽ lên con, con với cái Vân nếu đã không có duyên thì không nên cưỡng cầu con à.

Quý gật đầu. Mấy ngày nằm ở bệnh viện anh đã suy nghĩ rất nhiều. Trải qua tai nạn lần này càng thấy thấy thương bố mẹ mình nhiều hơn và quyết định xem Tường Vân như em gái. Rũ bỏ được chuyện buồn này xuống khỏi đôi vai, Quý thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn.
——
Thêm năm ngày nữa trôi qua…

Tin tức về chú Công vẫn bặt vô âm tín, ngay cả xá.c dưới ao bị thím Mười quăng xuống cũng không thấy nổi lên. Thím Mười lo lắng nhiều hơn mừng, bởi bình thường người chế.t đuối chỉ tầm khoảng 3-4 ngày là nổi, mà cũng có khi là 2 ngày.

Đang suy nghĩ vẩn vơ thì Thuỳ Dung đi vào, mặt nhăn nhó ôm bụng nói với mẹ:

– Mẹ, con đau bụng quá.
Thím Mười nhìn Dung, chau mày hỏi:
– Đau thế nào?
– Đau lắm, đau đến buốt bụng. Mà từ hôm phá thai đến giờ con cứ bị ra má.u mãi vậy mẹ?

Nghi con gái mình bị băng huyết sau sinh do tự ý phá tha.i, lại thêm cả hai mẹ con đều không có kinh nghiệm thì việc bị băng huyết sau sinh cũng là lẽ thường.

Thím Mười mở tủ móc ra một ít tiền đưa cho Thuỳ Dung và bảo:

– Cầm lấy, sang nhà cậu bảo thằng Nghĩa nó chở xuống bệnh viện huyện mà khám. Nó vừa mua xe, chân cẳng tao đau thế này không đưa bay đi khám được.

Thuỳ Dung nghe lời mẹ, cầm tiền rồi ôm bụng sang nhờ thằng em họ chở mình đi bệnh viện.

Thím Mười nhẩm tính trong miệng, sực nhớ ra hôm nay đúng ngày Trung Tín mang tro cốt của bố mẹ về mai táng. Thím một mình đi ra đó, đến một ngọn đồi thoai thoải dốc thì dừng lại khi trông thấy phía trước có toán người vây quanh hai huyệt mộ.

Thím Mười không tiến đến vì ngại chạm mặt, tự động rẽ sang một bên chọn chỗ kín để trốn. May mà xung quanh đây có nhiều bia mộ được xây cao nên không khó để thím Mười tìm được một chỗ cho mình đứng, tránh bị người khác thấy mặt, đặc biệt là Trung Tín và gia đình cô Thu.

Khi nhìn thấy khuôn mặt hiền từ điển trai của Trung Tín, thím Mười đã mừng thầm bụng. Thím nghĩ:” Ít ra cũng phải cao to đẹp trai giàu có như vậy chứ? Nhà thằng Quý chỉ bằng một phần nhỏ nhà cậu Tín thôi. Nếu cái Dung nhà mình được gả cho cậu Tín, thì mai mốt nó được xuất ngoại theo chồng là cái chắc.”

Nghĩ đến đây thím Mười đưa tay lên che miệng cố không để phát ra tiếng cười. Thím ngồi thụp xuống, ngẫm nghĩ làm sao để cho con gái mình và Trung Tín thành đôi. Một lúc sau đôi mắt thím sáng lên, vỗ đùi “đét” cái, quên luôn cả việc mình đang trốn sau bia mộ.

– Đúng rồi, có vậy thôi mà mình nghĩ mãi mới ra?

Bỗng phía đám đông khựng lại, không gian trở lên lặng phắc khi họ nghe thấy tiếng động lạ đâu đây vọng lại.

– Này! Cậu có nghe thấy tiếng gì không? Hình như bên kia có người vừa nói thì phải.

Người đứng bên cạnh rướn cổ nhìn theo hướng người đàn ông hất hàm, chẳng thấy có gì ngoài mấy bia mộ và mấy bụi cỏ dại mọc thì lắc đầu:

– Không, em không thấy gì.

Khi đó tiếng người đàn ông lớn tuổi nhất trong đoàn vang lên mới làm hai người kia quay lại, thôi không để ý hướng thím Mười đang trốn nữa:

– Hai cậu sang bên này phụ tôi một tay.

Thím Mười tim đập thình thịch tựa như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, thấy họ không tiến đến phía mình mới yên tâm thở phào nhẹ nhõm. Thím lặng lẽ lủi ra khỏi ngọn đồi, đi một mạch về thẳng nhà.

Cũng may Thuỳ Dung chỉ bị băng huyết nhẹ, bác sĩ thăm khám xong kê toa thuốc cho cô về nhà dặn dò nghỉ ngơi tránh ra gió hay làm việc nặng, vì sau khi phá tha.i vẫn phải kiêng cữ như phụ nữ mới sinh con để tránh cơ thể bị yếu đi khi về già, ảnh hưởng đủ thứ.

Đêm trong căn nhà ọp ẹp thím Mười chỉ nghe thấy hơi thở đều đều của cậu con trai và tiếng nhịp tim mình đập. Thím vạch sẵn kế hoạch, và mong muốn nó được thành công sớm.

Lại thêm ba ngày sau.

Thím Mười xúi con gái canh Tường Vân đi làm thì phải lấy trộm hết thư từ trao đổi qua lại giữa Thuỳ Vân và Trung Tín. Dung không hiểu mẹ muốn lấy nó làm gì song lại không dám hỏi. Chỉ lẳng lặng làm theo.

Xế trưa, thím Mười xách thức ăn qua. Thấy Hoàng Minh vừa đi học về tới thím ngoắc tay lại cười bảo:

– Minh về rồi đấy hử cháu, vào nhà cất cặp đi rồi ra đây ăn cơm cùng em Dung. Hôm nay thím nấu canh cá thì là, thịt ba chỉ kho cà chua với thêm đĩa cà pháo muối, ngon lắm đấy.

Hoàng Minh rụt rè, kí ức ngày xưa trong mỗi bữa ăn bị thím la rầy vẫn mãi ám ảnh trong tâm trí cậu. Nó nhìn thím, lí nhí đáp:

– Dạ, thím với em Dung cứ ăn trước đi ạ, con xuống bếp thổi cơm cho chị Vân và bà nội ăn.

Thím Mười ngoắc lại:

“ Thím nấu nhiều lắm, cặp lồng này đến 5-6 bát cơm chứ chả ít, vẫn không đủ hai đứa ăn hử?

Hoàng Minh:

– Dạ không phải vậy thím à, chả là bà nội ăn khoẻ lắm, mỗi bữa cả âu cơm to ngót nghét 10 bát cơm chưa kể thức ăn và tô canh.

Thím Mười ngạc nhiên, len lén nhìn vào gian buồng ẩm thấp tối om quanh năm đóng cửa im ỉm, một tia sáng muốn chiếu vào cũng khó bởi các kẽ hở trên vách và cả khung cửa sổ đã bị mẹ chồng mình dùng vải đen che kín.

– Bà nội ăn khoẻ vậy ư? Mà bà ăn nhiều vậy dạo gần đây hay đã ăn như vậy từ nhiều năm nay?

Hoàng Minh đáp:

– Dạ, năm đầu khi thím ra ở riêng thì bà nội ăn uống bình thường lắm, đến năm thứ hai thì bà bắt đầu ăn khoẻ dần cho tới tận bây giờ.

Thím Mười ậm ừ, mãi lúc sau, hỏi:

– Thế hai đứa có vào nói chuyện hay gặp mặt bà nội không? Hay chỉ nói chuyện giao lưu qua cánh cửa?

Nhìn Hoàng Minh lắc đầu, thím Mười dường như đã có câu trả lời. Thím nhớ lại những gì mình nghe và nhìn thấy lần cuối khi đến đây, cũng là ngày thím sinh non thằng con trai mà không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Bỗng chốc lông tơ dựng đứng.

Thím Mười nhanh sau đó kéo mình về thực tại, nói với Minh:

– Vậy thôi cháu xuống bếp nấu cơm đi, thông cảm cho em Dung, em nó trong người đang không được khoẻ.

Hoàng Mình gật đầu, vào nhà cất cặp sách rồi vào bếp đong gạo bưng nồi cơm ra giếng vo. Thím Mười không để ý hay hỏi han đến con gái, thỉnh thoảng nhìn len lén vào buồng cụ Doãn, vẫn thấy nét sợ hãi hằn rõ trong đôi mắt.

Đợi con gái ăn cơm xong, thím Mười ghé sát vào tai Dung thì thầm to nhỏ chuyện gì đó mà chỉ hai mẹ con thím ấy biết. Dung nghe xong tò mò hỏi:

– Mẹ muốn ra đó làm gì?
Thím Mười chẹp miệng:
– Làm gì thì khi đó sẽ biết.
Dung lắc đầu:
– Lần này con sẽ không nghe lời mẹ nữa nếu mẹ không nói sự thật cho con biết mẹ muốn làm gì?
Thím Mười toan gắt lên, song lại sợ cụ Doãn và Hoàng Minh nghe thấy nên lần nữa kéo đầu Dung ghé sát miệng mình, thì thầm to nhỏ.
Dung há hốc miệng ngạc nhiên, lắp bắp nói:
– Không phải mẹ muốn con đi thế thân cho chị ta đấy chứ? Anh ta có giàu như nhà anh Quý không để mẹ phải đánh đổi cuộc hôn nhân của con?
Thím Mười suỵt dài một hơi, Dung ý thức được mình vừa nói quá lớn, cô ta lập tức hạ giọng, nói nhỏ:
– Mẹ trả lời con đi chứ? Con hứa sẽ bé mồm.
– Tao nghe đồn thằng đó đang sinh sống và định cư bên Mỹ, nhà nó giàu lắm, kinh doanh gì thì tao không biết cơ mà nghe bảo có biệt thự siêu xe. Ở nước ngoài mà có gia cảnh như vậy thì bay nghĩ xem nhà nó với nhà thằng Quý đứa nào có điều kiện hơn?
– Nhưng mà..!!!
Dung nói chưa hết câu đã bị mẹ gạt phắt đi, thím Mười nói tiếp:
– Nhân lúc nó mất trí nhớ cố mà chiếm lấy trái tim nó con ạ. Chứ nếu nó bình phục thì mày chỉ là con bé quê mùa trong mắt nó mà thôi.
Rồi thím Mười vẽ vời ra khung cảnh mộng mơ giàu sang bên nước ngoài khiến Dung càng nghe càng khao khát xuất ngoại cháy bỏng. Mãi một lúc sau Dung bùi tai, liền gật đầu đồng ý:
– Được, con sẽ ra đó đúng giờ, chỉ sợ anh ta không thèm ngó ngàng gì đến con.
Thím Mười khẳng định chắc lịch:
– Cứ làm theo kế hoạch, những việc còn lại để đó mẹ lo.

Thấy Tường Vân vừa về thím Mười cũng vội đứng dậy cắp nón đi về. Số thư từ của Tường Vân cất trong buồng đã bị Dung lấy đưa cho mẹ. Để che giấu những lá thư thím Mười cần thận kẹp nó vào trong lưng quần rồi phủ tà áo che kín. Thấy thím Mười chỉ ậm ừ khi mình chào rồi nhanh chóng lướt qua Tường Vân cũng không mấy bận tâm bởi cô đã quen với thái độ này của thím.

Đầu giờ chiều, Tường Vân đi làm còn Hoàng Minh thì đi học, trong nhà chỉ có Dung. Thím Mười cọc cạch đạp xe sang, mắt đảo tía lia nhìn bốn phương tám hướng xong vội nhét vật gì đó vào tay Dung và dặn:

– Lúc ra đó nếu gặp thằng Tín con phải tranh thủ tiếp cận nó rồi cố ý làm rơi lá thư này nghe chưa? diễn cho tốt vào, đừng có làm ăn sống nhăn.

– Đây là gì hả mẹ?

Vừa hỏi Dung vừa mở tấm vải ra xem, bên trong là hình chụp một mình của cô và lá thư Tín viết cho Tường Vân. Xem xong Dung đã hiểu ra ý của mẹ, song để chắc chắn, Dung lên tiếng hỏi lại:

– Có thật mẹ muốn con đóng giả chị ta đi gặp người đó không?

Thím Mười hừ lạnh, nói:

– Thế mày chịu được cảnh thằng đó lấy lại được trí nhớ rồi nó đến cưới con Vân, sau đó đưa chị em nó sang nước sinh sống thật hử? Còn bay suốt đời úp mặt xuống đồng ruộng với mấy cái kiêu gạch thôi con à.

Nghĩ lời mẹ nói Dung lại không cam tâm chứng kiến Tường Vân hạnh phúc hơn mình, đọc qua vài lá thư thôi cũng đủ thấy Trung Tín đã thích Tường Vân từ bé. Khi đó Dung càng quyết tâm giành lấy người đàn ông giàu có và hạnh phúc về mình.

Hoàng hôn xuống thật đẹp nhưng cũng thật buồn và chất chứa những nỗi niềm tâm sự giống như trong lòng Vân lúc này. Cô đạp xe lướt ngang qua chiếc xế hộp mới cóng, không biết người điều khiển xe chính là Tín.

Tín phanh xe gấp gáp, đầu đau như búa bổ khi trông thấy hình bóng mảnh mai của cô thôn nữ vừa lướt ngang qua, đến khi cậu hạ kính xe xuống ngoảnh lại nhìn đã không còn trông thấy cô gái đâu nữa.

– Cháu sao vậy Tín? Lại nhức đầu à? Có đem theo thuốc không cháu.

Trung Tín gật đầu, nói với cô:

– Cháu không sao. Thỉnh thoảng bắt gặp ai đó thân quen gợi lại ký ức nên cháu thường bị đau đầu thôi cô à.

Cô Thu thở phào, đưa chai nước cho Tín uống:

– Nước đây uống đi cháu. Bác sĩ dặn rồi, việc lấy lại ký ức không thể trong ngày một ngày hai lấy lại được, cái gì càng cố càng làm cháu mệt mổ thêm.

Tín toan hỏi cô Thu về những người bạn ở quê của mình, song thấy điện thoại của cô đổ chuông cậu lại thôi không hỏi nữa.

Xe vừa dừng trước cổng, một đứa bé trong xóm chạy đến gõ vào cửa kính rồi đợi anh mở cửa đưa cho Tín mảnh giấy được gấp nhiều lần và bảo:

– Có cô kia nhờ em đưa cái này cho anh, cô dặn anh nhớ mở ra xem.

Nói xong đứa bé vội chạy đi dù được Tín gọi song cậu bé không dừng lại. Tín thấy cô Thu vẫn ngồi nghe điện thoại phía sau, cậu mở mảnh giấy xem. Tim cậu nhói lên nhịp khi đọc thấy dòng chữ:” Cậu muốn biết người con gái mình yêu hiện tại sống ra sao, thì hẹn cậu tối nay đến chỗ bụi tre phía đầu làng.” Chân tay cậu bủn rủn, Tín tự hỏi không biết mình đã có người yêu ở quê nội từ khi nào, chẳng nhẽ việc cậu mất đi trí nhớ lại bỏ lỡ một người con gái?


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner