Thím Mười tụt xuống khỏi giường, vén tấm màn cửa hé ra, nhìn thấy gã nhân tình vượt rào thành công ra khỏi mảnh đất nhà mình, thím Mười mới yên tâm buông rèm xuống. Thở phào nhẹ nhõm.
Gã đàn ông sau khi nhảy ra khỏi bờ rào, bỗng dừng chân đảo mắt quan sát bốn phía. Khi thấy xung quanh không có ai, hắn mới dám đứng thẳng lưng nhanh chóng rời đi.
Cô Lành là hàng xóm sát vách nhà bà Doãn, dậy sớm chuẩn bị đi chợ thì vô tình trông thấy người đàn ông nhảy phóc từ bờ rào bên nhà cụ Doãn đi ra, tưởng đâu ăn trộm, bèn hô lớn:
“ Ối làng nước ơi, ăn trộm, có kẻ ăn trộm đột nhập nhà cụ Doãn kìa. Bớ người ta ối làng nước ơi.”
Chồng cô Lành vội cầm cây đòn gánh trên tay, vừa chạy theo bóng lưng người đàn ông, vừa hô hoán:
“ Có ăn trộm, bà con ơi có ăn trộm.”
Gã nhân tình thấy động, ba chân bốn cẳng vắt lên bỏ chạy thục mạng về phía sườn núi. Phía sau lưng vẫn vang lên tiếng hô hoán của chồng cô Lành:” Ăn trộm, có ăn trộm bà con ơi. Nó chạy vào hướng sườn núi kìa bà con ơi.. mau mau bắt nó lại.”
Thím Mười tim đập thình thịch, trong đầu thím đang nghĩ:” Thôi chết, nếu để con mụ Lành lắm chuyện biết được anh ta là bồ mình, thì cả làng cũng sẽ biết. Không được, mình không thể để chuyện này xảy ra.” Nghĩ tới đây, thím Mười chạy ra bờ rào ngó sang nhà cô Lành, hỏi:
“ Chuyện gì đấy cô Lành, mới sáng ra đã gặp ăn trộm hử?”
Cô Lành ra vẻ thần bí, bước tới hỏi:
“ Ấy chết, thế bá Mười kiểm tra đồ đạc trong nhà hay chưa? Có bị mất mát thứ gì không?”
Thím Mười vờ ngạc nhiên, ngơ ngác hỏi:
“ Cô Lành hỏi vậy là sao, tôi vẫn chưa hiểu đầu cua tai nheo gì?”
Cô Lành ngoắc thím Mười lại, oang oang nói:
“ Thôi chết, vậy là bá Mười chưa biết thật hả? Khi nãy em thấy có người nhảy qua hàng rào nhà bá, chắc ăn trộm đột nhập vào nhà chứ gì nữa.”
“ Hả! Thật vậy hả cô Lành? Sao tôi không thấy gì nhỉ?”
“ Ơ, thế bá Mười không trông thấy hắn thật hả?”
“ Không, tôi cũng vừa mới dậy đây mà. Thôi..thôi..để tôi đuổi theo chú Hậu xem sao. Nếu đúng hắn đột nhập vào nhà tôi với mục đích xấu, tôi tóm được, bẻ gãy giò.”
Đợi thím Mười đi khỏi, cô Lành thở dài lắc đầu. Tính quay đi vào nhà nhưng chợt nhớ ra chuyện đó cô Lành khựng chân, đăm điêu một lúc có tiếng bà Năm trong sân vọng ra, mới phá tan suy nghĩ của cô Lành.
“ Trời sáng rồi không đi chợ hử chị Lành? Đi muộn lại than không có chỗ ngồi.”
“ Vâng..vâng..con vào ngay đây u.”
Vừa xếp rau vào quang gánh, cô Lành vừa nhớ tới bóng lưng người đàn ông ấy, lảm nhảm trong miệng:” Quen lắm, nhìn hắn quen lắm. Không biết mình đã gặp ở đâu rồi kìa, nhất thời nhớ không ra.” Nghĩ đến đây, cô Lành thở hắt ra một hơi, nói:” Thôi kệ, đi chợ bán rau cái đã.”
Nghe tiếng tri hô của Hậu, một vài người đàn ông trong xóm cũng cầm gậy đuổi theo. Gã đàn ông thấy phía sau có người rượt đuổi bèn nhảy xuống cái hố bên cạnh sườn núi. Đúng lúc ấy, chú Hậu và mấy người dân chạy ngang qua, không thấy bóng dáng kẻ trộm đâu bèn dừng lại, đứng thở.
Chú hậu nói với mọi người:
“ Mẹ cha nó, đuổi đến đây lại để nó trốn thoát.”
Người khác nói theo:
“ Mà nó đột nhập vào nhà ai đấy anh Hậu?”
“ Nhà cụ Doãn. Mụ vợ em dậy sớm gánh rau đi chợ bán thì nhìn thấy nó vọt qua hàng rào nhà cụ Doãn bỏ chạy.”
“ Rõ khổ, chú Mười vừa mới mất, còn chưa qua 100 ngày đã vậy thì nguy to.”
“ Bởi vậy mới có câu, nhà không có đàn ông như gió lùa vào nhà trống đấy các bác, các chú ạ.”
“ Về thôi các chú, lần sau gặp lại đừng hòng trốn thoát.”
Họ vừa quay người đi, thì thím Mười đuổi tới. Thở hồng hộc không ra hơi, nhưng thím Mười vẫn hỏi:
“ Trộm đâu? Thằng ăn trộm đâu chú Hậu?”
“ Nó trốn thoát rồi bá.”
“ Mẹ kiếp! Trốn cho kỹ nhé, để bà bắt được thì no đòn với bà.”
“ Thím về nhà xem có mất đồ đạc không, lần sau trước khi đi ngủ nhớ đóng cửa cẩn thận.”
“ Vâng bác, em cảm ơn bác và mọi người đã giúp em đuổi trộm.”
“ Ừ thôi, quay về làng thôi mọi người.”
Mọi người đi khỏi, thím Mười nán lại ngó nghiêng bốn phương tám hướng, muốn xem xem gã nhân tình ẩn náu ở đâu, nhưng cuối cùng vẫn không thấy bóng dáng gã. Như vậy cũng tốt, may mà mọi người không bắt được hắn, chứ nếu không chuyện thím Mười cặp bồ khi chồng vừa mất sẽ loan tin ra cả làng.
Thím Mười thở phào nhẹ nhõm.
—
Buổi trưa, thím Mười hôm nay tự tay vào bếp, khác hẳn với thường ngày. Tường Vân thấy thím Mười đi tập tễnh, bèn chạy đến giúp:
“ Thím ơi, chân thím đau để đấy con nấu cơm cho.”
Thím Mười quay lại, cười hì hì vung đôi đũa lên cao, nói:
“ Thôi, để thím nấu. Hôm nay thím đãi nhà mình mấy món ngon, cứ lên nhà đợi thím, thím nấu oàng cái là xong.”
Tường Vân gật đầu quay lên hiên ngồi. Nhìn dáng thím đi tới đi lui trong bếp nấu nướng, cử chỉ và lời nói thân thiện điềm đạm rất nhiều, con bé ước ngày nào thím cũng tốt như vậy thì hay biết mấy.
Rất nhanh, mâm cơm thịnh soạn gồm cá rán, canh cà chua nấu trứng, tôm rang, đã được thím Mười tận tay bưng lên nhà. Thím Mười ra vườn gọi mẹ chồng bằng chất giọng ngọt xớt:
“ U ơi, con mời u vào nhà ăn cơm.”
Cụ Doãn cũng thấy lạ với thái độ bất thường này của con dâu, nhưng cụ chẳng nghĩ gì nhiều, bởi lưng cụ đã tê cứng vì nhổ cỏ cả buổi sáng, bụng dạ đói meo.
Hôm nay thím Mười bới ba bát cơm đầy có ngọn, gắp đầy thức ăn để vào bát, con bé Thuỳ Dung và thằng nhóc Hoàng Minh ngạc nhiên đến nỗi miệng mồm há hốc.
Thằng bé ngây ngô, hỏi:
“ Thím ơi, con ăn được chứ? Con đói.”
Thím Mười cười hì hì, nói:
“ Ăn đi, thím gắp cho thì cứ ăn đi. Hôm nay thím không mắng đâu, nên ăn bao nhiêu cũng được hết.”
Chỉ đợi có vậy, thằng bé và lấy và để những miếng cơm thật to vào miệng, đôi lúc ăn nhanh quá còn không kịp nhai, và vào miệng cứ vậy nuốt, xém chút bị nghẹn.
Thím Mười thấy vậy, bèn bảo:” Ăn từ từ thôi, thím có cấm ăn đâu mà vội gì.”
Thằng bé nhoẻn miệng cười với cái miệng dính đầy cơm, nó cặm cụi ăn tiếp, ăn như chưa từng được ăn.
Cơm nước xong, chén bát đã rửa sạch. Thím Mười gọi Tường Vân đến bên cạnh nói chuyện có cả mặt cụ Doãn.
“ U này, năm học mới cũng sắp đến. Nhà con thì vừa mới qua đời, chuyện này cũng không ai muốn. Một mình con lo công việc đồng áng, phụ thêm chăn nuôi vài con lợn, tính ra vẫn không đủ quán xuyến chi tiêu. Hôm nay con bàn với u như thế này, u và Tường Vân nghe xem có ổn không.”
Cụ Doãn đi guốc trong bụng con dâu, thừa biết hôm nay thím Mười đối đãi tử tế, mềm mỏng với ba bà cháu là chắc hẳn có mục đích chuộc lợi. Nhưng có sao, cụ không vạch trần âm mưu của con dâu là muốn hai đứa cháu được ăn no một bữa, mà không cần nhìn sắc mặt bà thím gian ác mỗi khi đưa cơm lên miệng và.
“ Có chuyện gì chị cứ nói. Bà cháu tôi đang nghe chị trình bày đây.”
Thím Mười cười hì hì, đi thẳng luôn vào vấn đề:
“ Con tính toán thế này u ạ. Mảnh đất và căn nhà của bác cả bây giờ cũng bỏ trống không ai ở, cũng chẳng ai trông nom. Hay mình bán quách đi u nhỉ, kiếm chút tiền lo cho mấy đứa ăn học.”
Cuối cùng thì thím Mười cũng nói ra ý đồ của mình. Cụ Doãn không phải chưa nghĩ đến chuyện này, chỉ là cụ chưa đưa ra quyết định, vì mảnh đất và căn nhà ấy là tài sản duy nhất mà vợ chồng con trai cụ để lại cho hai đứa con. Giờ bán đi mai mốt chúng nó lớn sẽ không có đất ở, mà không bán thì thím Mười con dâu thứ của cụ sẽ không đủ kinh tế lo cho mấy đứa ăn học. Lời thím Mười nói ở trên cụ Doãn cho là đúng, giá mà con dâu thứ của cụ cũng tốt tính như người con dâu cả đã mất, thì hay biết mấy. Nghĩ đến đây, cụ Doãn đành phải đưa ra quyết định.
Cụ Doãn thở dài, chẹp lưỡi nói:
“ Thôi thì bán đi cũng được, nhưng tôi có điều kiện.”
Thím Mười vui hơn tết, tưởng đâu bà mẹ chồng sẽ không đồng ý, nào ngờ bà già ấy lại đồng ý luôn. Biết vậy thì không cần hì hục cả buổi trong bếp chi cho cực thân, còn tốn bao nhiêu là tiền mua toàn thức ăn ngon. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, nhưng thím Mười để trong lòng không nói ra. Miệng thím Mười cười tươi rói, hỏi mẹ chồng:
“ U có điều kiện gì cứ nói ra, con nghe hết.”
Cụ Doãn nói:
“ Tiền bán nhà tôi sẽ giữ. Hằng tháng tôi đưa chị chút tiền chi tiêu ăn uống sinh hoạt và tiền học cho mấy đứa. Tôi làm vậy không phải sợ chị tiêu hết, mà tôi muốn tiết kiệm, mới mong hai đứa nó học xong đại học.”
Thím Mười bĩu môi, xìu mặt, ngồi im lặng suy nghĩ một lúc, tự nói trong đầu.” vậy cũng được. Bây giờ mụ già này đồng ý thì cứ bán quách cho xong, sợ ngày mai mụ ấy đổi ý thì chả xơ múi được gì. Còn phải nuôi theo hai cái tàu há miệng kia nữa chứ. Hừ.!!!”
Thím Mười chẹp miệng:
“ Vậy cũng được, nhưng u phải đóng cả tiền học cho cái Thuỳ Dung nữa đấy nhé.”
“ Hả! Sao phải vậy, nó là con gái chị cơ mà.”
Thím Mười làm bộ mặt nhăn nhó, khổ sở phân bua:
“ Nó là con gái con, nhưng u thử nghĩ mà xem. Hai chị em Tường Vân ăn uống ở nhà con, một tay con quán xuyến cơm ăn, áo mặc, u hàng tháng chi có tí cho con làm sao đủ nuôi chúng. U nghĩ xem con nói có đúng không?”
Cụ Doãn thở dài, nghĩ không cãi lại miệng mồm chua ngoa của cô con dâu, chẹp miệng trả lời:
“ Thôi đành vậy, chị gọi người vào mua, được giá tôi sẽ bán.”
Thím Mười đứng phắt dậy, đôi mắt như biết cười nhìn cụ Doãn, hỏi lại:” Là u nói đấy nhé, con gọi người vào xem đất xong u đừng có mà đổi ý.”
“ Ừ! Tôi già rồi, lời đã nói ra rồi thì không rút lại.”
Con bé Tường Vân rơm rớm nước mắt. Hai bà cháu nhìn nhau chẳng nói được câu gì. Con bé ngả đầu vào lòng bà nội, khóc thút thít. Chắc con bé đã hiểu, tài sản duy nhất của bố mẹ sắp được đem bán để trang trải cho cuộc sống, nên con bé chỉ buồn và khóc chứ chẳng thể giữ lại những kỷ niệm của cha mẹ.
Buổi chiều, thím Mười đi ngang qua cánh đồng thì thấy vợ chồng nhà ông Công đang làm ruộng, lại còn nói chuyện cười đùa rất vui vẻ.
Thím Mười khựng chân, nhìn chăm chăm xuống thửa ruộng nơi hai vợ chồng đang cười đùa, lòng bỗng nổi cơn ghen.
Thím Mười nghĩ trong đầu:” Cứ cười đi, cười tươi vào, để tôi xem vợ chồng nhà hai người cười với nhau được bao lâu.”
Nghĩ đến đây, thím Mười quẩy quang gánh đi tiếp, trong tâm trí đang nghĩ cách làm sao để phá hoại hạnh phúc nhà người khác, quyết đoạt lại gã tình nhân, độc chiếm làm của riêng mình.