8.
Tiếng ca vũ giờ đã ngớt, cung điện Kim Lăng giờ tiêu tan.
Bốn tháng sau, đông chí đã đến.
Cuối cùng ta đã đánh tới thành Kim Lăng, dựa vào một nửa xương cốt và nhiệt huyết của thiếu niên, nhờ vào những dòng máu đã đổ xuống vì ta.
Hòe An, ta đã đưa ngươi về nhà rồi, ngươi có vui không?
Máu huyết dâng trào, cổng thành hé mở.
Một quốc gia sắp tàn vong rồi mà lại yên tĩnh đến vậy, yên tĩnh đến nỗi ngay cả trong hậu cung rộng lớn kia cũng không có tiếng gà bay chó nhảy.
Hoàng đế nước Sở đã giết hết phi tần của mình, còn lão ta thì tựa vào long ỷ đợi ta đến.
Lão ta tỏ vẻ khó hiểu:
“Trẫm ba tuổi học văn, chín tuổi đọc sử, tinh thông bắn cung võ nghệ, trước kia Tiên hoàng cũng khen ngợi “Đứa con này giống ta”, vì sao trẫm lại thua trước ngươi?”
Ta hỏi một câu hỏi không liên quan:
“Nghe nói tối hôm qua trên triều đường, ông đã giết một đại thần đến khuyên ngăn ông?”
“Phải.”
“Ông hoàn toàn không cảm thấy đau khổ sao? Ông cứ tùy ý lấy mạng một người như vậy. Ta từng xem qua tư liệu về hắn, hắn học hành gian khổ suốt hơn mười năm, từ Hương Câu bò đến Kim Lăng, chính trực ngay thẳng, trung thành thanh liêm. Vứt bỏ hết mọi thứ không nói, hắn còn là con trai của một người, là chồng của một người, là cha của một người, ông giết chết hắn, hủy hoại cả nhà hắn, ông không có chút cảm giác nào sao?”
Lão ta tỏ ra mất kiên nhẫn:
“Việc này thì liên quan gì?”
Ta lạnh lùng đáp lại:
“Trả lời câu hỏi của ta!”
“Có thể có cảm giác gì được chứ? Trẫm là thiên tử, thiên tử chủ trì vận mệnh của vạn dân…”
“Thiên tử cũng phải bảo vệ sự an toàn cho vạn dân.”
Ta cắt ngang lời lão ta:
“Đây chính là nguyên nhân ông thất bại, ông vĩnh viễn sẽ không thể chiến thắng được.”
“Việc này không hề liên quan đến tuổi tác, giới tính, huyết mạch hay thủ đoạn gì cả. Ông mặc kệ mạng sống của những người bên cạnh ông, phớt lờ cảnh tượng khổ cực lầm than của con dân, thậm chí ông chưa từng suy nghĩ cho con dân của mình. Không có ai sẵn lòng đi theo ủng hộ ông. Nhưng ta thì khác, ta hiểu suy nghĩ cho họ.”
Lão ta bật cười ha hả.
Ta ban cho lão ta chút tôn nghiêm cuối cùng, tôn nghiêm được chọn cách ch/ết cho mình.
Lão ta được chết bằng một ly rượu độc, trước khi chết, lão ta nhìn ta với vẻ căm hờn:
“Nhưng ngươi chỉ là một nữ nhân, một nữ nhân mà thôi!”
Ta bình thản đáp lời:
“Nhưng ông thua trong tay một nữ nhân.”
Tiếp theo đó, tự có người đến kiểm kê công thư, kiểm kê thuế vụ, quét dọn cung điện, vứt bỏ hết mọi thứ.
Ta rời khỏi điện Kim Loan đi đến Tạ phủ, lập một phần mộ cho Tạ Hòe An.
Dòng chữ trên mộ là tự tay ta khắc nên: Sống nhẹ nhàng như mây trôi, chết an nhiên như ve lột xác… Ngàn năm vạn tuổi, dương liễu ngợi ca.
Ngàn năm vạn tuổi, dương liễu ngợi ca.
Khâm Thiên Giám nói ngày mười lăm tháng sau là ngày lành, thế là ta chọn ngày này để đăng cơ.
Trước lúc đó, ta cưỡi con ngựa cao lớn đi ba vòng khắp thành, có dân chúng quỳ gối hai bên đường, nhiệt tình tiếp đón.
Bỗng nhiên, trong đám người có một tên điên xuất hiện.
Gã cầm sách ném về phía ta, bị thân vệ binh giải đi nhưng vẫn cười lớn không ngớt:
“Gà mái mà muốn gáy sáng, cường đạo phong làm Vua, thời thế ngày sau, lòng người suy thoái!”
“Ta lại muốn xem xem, sử sách sẽ viết về ngươi như thế nào, sẽ ghi nhớ đến ngươi ra sao!”
Ta cúi người nhặt cuốn sách dưới đất lên, là Nữ đức.
Lật ra trang đầu tiên, nữ nhân có tứ đức: công, dung, ngôn, hạnh.
Ta xé cuốn sách ra từng mảnh, cười lạnh một tiếng rồi nói:
“Như ngươi thấy, Hoàng đế nước Sở có đẵn hết tre Nam Sơn cũng ghi không hết tội; khơi hết sóng Đông Hải rửa không sạch tội ác. Nếu đã như vậy, trẫm đây công bằng chính trực, gánh lấy mệnh trời, đón lấy cơ hội mở ra một thời đại hưng thịnh mới, cớ gì không thể?”
“Về việc sử sách viết về trẫm thế nào, chắc chắn sẽ lưu danh thiên cổ. Người đâu, mau áp giải hắn ta xuống. Chăm sóc cho hắn ta ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, trẫm muốn để hắn dùng cặp mắt vẩn đục đó tận mắt nhìn thấy thời thế hưng thịnh mà trẫm trị vì.”
Ta vừa dứt lời, lập tức có tiếng hô vang vạn tuế, nữ đế thiên thu.
Tháng này, ta tam phong ngũ cáo, đăng cơ triều chính, đổi Sở thành Khang, lấy niên hiệu Kiến Nguyên.
Ở trên điện Kim Loan hạ chiếu mười ba điều, bao gồm các chính sách lợi dân như trồng dâu nuôi tằm, giảm thuế, giảm lao dịch, tu sửa thủy lợi,…
Hai năm sau, kho hàng không còn khả năng vận chuyển hàng hóa nữa, đã đến giai đoạn chất đống.
Ta lại bắt đầu thiết lập khoa cử, xây dựng nền Nho học, mở khoa thi dành cho nữ tử.
Khi ta bận rộn trong việc này, một ngày nọ, Tả thừa tướng đột nhiên len lén kéo một thiếu niên đến gặp ta:
“Bệ hạ, hậu cung, hậu cung! Vương triều cần có con cái nối dõi, ngài không thành gia sao mà được?”
Bàn tay đang phê tấu chương chợt khựng lại, ta nói:
“Không cần, không có việc gì thì ra ngoài đi.”
Nhưng khi ánh mắt ta nhìn đến thiếu niên đứng trong cung điện thì chợt ngừng lại.
Hắn, trông rất giống Tạ Hòe An.
Nhất là gương mặt này, là Tạ Hòe An sạch sẽ, Tạ Hòe An được nâng niu, một Tạ Hòe An không trải qua tai họa xét nhà diệt tộc.
Tả thừa tướng đi rồi, thiếu niên còn quỳ dưới đất, hắn lên tiếng giới thiệu:
“Nô tài tên là Ly Ưu, thanh quan triền đầu, nô tài bán nghệ, đại nhân đã dùng một ngàn hai trăm lượng bạc để chuộc thân cho nô tài, bảo nô tài hầu hạ bệ hạ thật tốt.”