Chương 1:
Lần đầu tiên ta gặp Tống Toàn là ở trong gian chính của nhà ta. Phụ thân và mẫu thân ta ngồi trên, còn hắn ngồi bên dưới, ta đứng sau lưng mẫu thân.
Tống Toàn là người cao lớn, rắn rỏi, làn da màu mật ong hơi ửng đỏ. Hắn ngồi rất nghiêm trang, hai tay đặt trên đầu gối, cổ hơi cúi. Phụ thân hỏi một câu, hắn trả lời một câu, từ đầu đến cuối không hề ngẩng đầu lên. Ta chỉ thấy một chiếc gáy đen nhánh.
Hắn nói: “Mỗi năm săn bắn cũng được ba, bốn mươi quan tiền, Đại Lang năm nay mười tuổi, đôi khi cũng theo ta vào núi. Còn Tú Nhi còn nhỏ, nhưng việc nhà đã có thể đỡ đần một chút.”
Nói xong, mẫu thân ta lén bóp mạnh vào lòng bàn tay ta, đau đến nỗi ta phải nén lại tiếng rên. Ta biết, mẫu thân vô cùng hài lòng.
Mỗi năm kiếm được ba, bốn mươi quan tiền, dân làng bình thường không ai sánh được. Nghe đồn Tống Toàn là thợ săn lão luyện, xem ra không phải là lời đồn thổi.
Ngay lúc hắn bước vào nhà, ta đã lén nhìn qua hắn. Năm nay hắn hai mươi bảy tuổi, khuôn mặt vuông vức, mày mắt sắc bén, sống mũi cao thẳng, nhìn qua đã thấy là người nghiêm túc, đoan chính. Xem tướng mạo cũng không phải kẻ hẹp hòi, lại thêm trong nhà chỉ có hắn và hai đứa con, ta đã cảm thấy rất hài lòng về mối hôn nhân này.
Dẫu sao một người phụ nữ bị chồng bỏ, trở về nhà mẹ đẻ cũng chẳng được ai yêu quý. Cả phụ thân, mẫu thân lẫn huynh đệ đều chẳng tỏ vẻ gì tốt đẹp, chỉ ít lâu nữa thôi, họ cũng sẽ chọn đại một người để bán ta đi.
Phụ thân đã đồng ý mối hôn sự này, thậm chí còn mời Tống Toàn ở lại uống rượu.
Rượu là rượu mạnh, phụ thân và đệ đệ ta thay phiên nhau chuốc rượu hắn, đến khi hắn rời đi thì mặt đã đỏ bừng, bước chân loạng choạng.
Món nhắm là do ta nấu, phụ thân cố ý bảo ta đi cắt hai cân thịt mỡ và giec con gà mái già nhà ta nuôi. Vì phụ thân và mẫu thân đều tiết kiệm, nên nhà ta chỉ ăn những món này vào dịp lễ Tết. Khi thịt được bày ra bàn, hai đứa cháu của ta đứng ngoài cửa, nuốt nước miếng nhìn vào.
Em dâu ta mắng chửi, lôi kéo mãi mà không gọi được bọn chúng về.
Tống Toàn nhìn thấy, liền vẫy tay gọi hai đứa vào. Một lúc sau, chúng đã cầm trong tay bát thịt, miệng cười toe toét mà quay ra ngoài.
Em dâu ta nhìn hai đứa trẻ ăn ngấu nghiến, vừa cười vừa nói với mẫu thân ta: “Mẫu thân à, tỷ tỷ của con đúng là có phúc.”
Mẫu thân gật đầu, cười nhìn ta.
Chính ta đã tiễn Tống Toàn ra khỏi nhà.
Ta đã là người từng bị chồng bỏ, cũng chẳng còn nhiều điều phải giữ lễ nghi nữa.
“Tiếng tăm của ta không tốt.”
Tống Toàn đi phía trước, ta giữ khoảng cách nửa bước, theo sau hắn. Vai hắn rộng, bước chân dài, lúc đầu ta có chút khó khăn để theo kịp, nhưng dường như hắn đã nhận ra và bước chân chậm dần lại.
“Ta biết.”
“Vậy sao chàng vẫn đến cầu hôn ta?”
“Họ Hứa kia không phải người tốt, không thể trách nàng được.”
Hắn không quay đầu lại khi nói, nhưng không hiểu vì sao ta cảm thấy lời hắn là thật lòng.
Cổ họng ta nghẹn lại, từ khi bị chồng bỏ, đây là lần đầu tiên có người nói rằng không phải lỗi của ta.
Những lời đàm tiếu của người ngoài có thể bỏ qua, nhưng lời nói gây tổn thương nhất luôn đến từ chính người thân của mình.
Họ thường khuyên ta “phải nhẫn nhịn,” nói rằng nữ nhi sau khi gả đi phải coi phu quân mình như “trời”, có khó khăn gì cũng nên chịu đựng rồi bỏ qua. Họ còn bảo, với hoàn cảnh như ta, ngoài Hứa lão tam, thử hỏi còn ai sẽ đoái hoài đến nữa?
Còn bảo đợi đến khi ta già, con cái lớn lên, một đời mơ mơ màng màng cũng sẽ trôi qua.
Nhưng đời người là cả một kiếp dài, làm sao có thể sống một cách mơ màng, hồ đồ như vậy được?
“Chàng chọn ngày lành tháng tốt, chúng ta thành thân thôi!” Ta nói.
Trong làng, cuộc sống của mọi người đều khó khăn, hiếm khi có đám cưới nào được tổ chức rình rang. Ngày cưới, người ta thường chỉ chuẩn bị một chiếc kiệu và một cỗ xe bò, sau đó mời bà con đến ăn một bát canh rau, có vài miếng thịt mỡ cũng đã là hiếm lắm rồi. Huống hồ, ta là kế thê của Tống Toàn, chẳng ai nghĩ rằng hắn sẽ bày biện linh đình.
Nhưng Tống Toàn lại cưới ta theo đủ cả ba thư sáu lễ, không thiếu thứ gì. Ta ngồi trên mép giường, đợi Tống Toàn đến vén khăn trùm đầu. Chiếc khăn ấy được hắn mua từ tiệm vải tốt nhất trong trấn, làm bằng gấm, dày dặn và kín đến mức ánh nến cũng không xuyên qua được.
Đây đã là lần thứ hai ta thành thân. Lần đầu ta chỉ vừa tròn mười sáu, tràn ngập những kỳ vọng và lo âu. Sau sáu năm làm thê tử của người ta, trải qua không ít khó khăn, ta đã học được cách bình tĩnh, không còn mong đợi quá nhiều.
Bên ngoài ồn ào náo nhiệt, người thì uống rượu, người thì đấu quyền. Bụng ta đã hơi đói, bữa sáng cũng chỉ mới ăn một bát mì, miệng lại khô khốc. Ta nghĩ tự mình vén khăn lên để tìm chút gì ăn, nhưng nghĩ lại, mọi người đều nói chuyện này không may mắn, đành thôi vậy.