Trùng Tang Nhà Phú Thương

Chương 1: Mở đầu



Hôm đó, một buổi chiều gió lộng.

Cô gái tên Miên Lam đang trên đường đi gặp khách hàng, thì bỗng gặp đoàn đưa ma từ phía trước đi tới. Theo bản năng cô rẽ sang một bên nhường lối cho đoàn đưa ma đi trước, còn không quên kéo tay cô nữ hầu đứng sát nép bên mình.

Chẳng biết duyên phận ý trời, hay do làn gió đột ngột thổi thoáng qua, mà làm bung chiếc khăn tay cô cài trên thắt eo, gió thổi thốc lên cao.

Miên Lam giật mình hoảng hốt:

“ Khăn tay của tôi!”

Câu nói của cô khiến đoàn đưa ma đột ngột khựng chân. Mọi ánh mắt đều đổ dồn nhìn về phía chỗ cô đứng.

Người hầu gái vội níu tay cô chủ lại và bảo:

“ Cô chủ, cô đừng qua đó. Khăn mất chúng ta có thể thêu dệt lại khăn mới, nhưng cản đường đưa ma hay gặp xui xẻo lắm.”

Miên Lam nhăn mặt. Mười bảy năm tuổi xuân thì, từ khi sinh và lớn lên cô nào đâu hay biết về những lời nữ hầu vừa mới nói. Hai người định bỏ đi, nhưng lúc ấy một người đàn bà nhan sắc mặn mà, phấn son tô điểm tuy không đậm, nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái nhiều tiền:

Bà ta bước tới, vội hỏi:

“ Chẳng hay cô nương là vị tiểu thư của gia đình nào trong thôn chúng ta thế.”

Miên Lam rụt rè nép mình sau lưng nữ hầu, chốc chốc lại len lén ngó ra nhìn bà ta. Miệng lí nhí trả lời nhưng bà ấy nghe không rõ. Bà ta cười xòa, hỏi lại lần nữa:

“ Cô nương là con cái nhà ai, mà Ngọc Hoa tôi đây chưa hề hay biết.”

Khi đó, nữ hầu nhanh miệng đáp:

“ À thì ra cô Ngọc Hoa. Đây là cô chủ nhà chúng cháu, cô tên Miên Lam, mang họ Thái.”

Bà ta phe phẩy chiếc khăn tay đưa lên che miệng, cười nụ cười hoa giống con gái mới lớn e thẹn trước người lạ. Một lát sau, bà ấy nhìn Miên Lam nói:

“ Khăn tay của cô chủ bị bay đi mất hay sao? Vậy để tôi nhờ người nhặt nó giúp cô chủ nhé!”

Miên Lam toan đáp, nhưng khi đó bà Ngọc Hoa đã quay người bước đi. Bà hỏi đám người trong đoàn đưa ma:

“ Này các cậu, các cô…có ai trông thấy hay nhặt được chiếc khăn tay của cô chủ Miên Lam hay không?”

Bấy giờ Miên Lam mới có chút tự tin bước ra, thôi không nép sau lưng nữ hầu gái nữa.

Họ lắc đầu, khi bà Ngọc Hoa định quay đi thì bất ngờ một gia nhân trong đoàn lên tiếng:

“ Thưa cô! Có phải chiếc khăn cô đang tìm là chiếc khăn kia không?”

Bà ta hướng ánh mắt tò mò nhìn theo hướng tay chỉ của người gia nhân, thảng thốt kêu lên:

“ Trời ơi, sao nó lại bay lên đó, sao nó lại phủ vào di ảnh cậu chủ nhà chúng ta thế kia. Mau..mau..kiễng chân lên gỡ nó xuống.”

Song người gia nhân vừa định chạm tay vào kéo chiếc khăn lấy xuống, thì bỗng một cơn gió thổi ào tới cuốn mang theo chiếc khăn tay. Làn gió tạo thành cơn lốc xoáy nhẹ, thổi thốc bụi đất tung mịt mù.

Một lát sau, cơn gió qua đi, chiếc khăn tay cũng không biết bị gió cuốn đi đâu nữa. Bà ta thở dài, quay lại giọng tiếc nuối:

“ Cô chủ à, tôi xin lỗi. Tôi định nhờ người nhặt nó cho cô mà gió máy quá khiến chiếc khăn bị cuốn đi mất rồi.”

Miên Lam mỉm cười gật đầu đáp:

“ Vâng thưa bà! Khăn mất rồi thì thôi, tôi sẽ dệt chiếc khác.”

Bà ta chộp lấy đôi tay mềm mại thon dài của Miên Lam, vỗ vỗ lên mu bàn tay mấy cái, cười hề hề rồi bảo:

“ Vậy cô chủ đi tiếp đi. Chúng tôi còn phải tiễn cậu chủ về nơi an nghỉ cuối cùng.”

Lúc này Miên Lam mới hướng đôi mắt tò mò nhìn sang chiếc cỗ quan tài, rồi lại nhìn lên bức di ảnh. Vào khoảnh khắc ánh mắt cô vừa nhìn lên đó, cô chợt sững người ra một lúc. Đến khi đoàn đưa ma đi cách xa chỗ cô hết một đoạn, tiếng gọi của nữ hầu mới làm cô giật mình.

“ Cô chủ, chúng ta đi tiếp thôi kẻo trời tối!”

Miên Lam bị nữ hầu kéo đi, ngược với lối đưa ma cậu chủ. Bất giác, cô thốt lên” Người đó khôi ngô tuấn tú thật! Chỉ tiếc yểu mệnh mất sớm.”.Câu nói tưởng chừng như rất khẽ, nhưng nó đã được nữ hầu nghe thấy.

Nữ hầu gái dừng chân, tay quơ qua quơ lại trước mặt cô chủ, miệng liên tục gọi:

“ Cô chủ, cô chủ Miên Lam, cô không sao chứ?”

Nghe tiếng nữ hầu gọi Miên Lam mới kéo mình về thực tại.

Đôi mắt cô chớp chớp, hai gò má ửng đỏ, đôi môi căng mọng như tô son khẽ rung lên:” À..à..chị..chị..không sao!”

Nữ hầu thở dài, vừa kéo cô đi tiếp vừa nhắc nhở:

“ Cô chủ này, lần sau cô đừng tuỳ tiện khen người chế/t xinh đẹp hay khôi ngô tuấn tú nữa nhé. Đó là điều cấm kỵ.”

Miên Lam ngạc nhiên, hỏi:

“ Vì sao?”
Nữ hầu đáp:
“ Em cũng không rõ thực hư. Nhưng ông ngoại em luôn dặn dò vậy đấy. Mà lời các cụ nói thì cấm có sai bao giờ. Ông ngoại chỉ bảo, khen người chế/t đẹp, nếu hợp bát tự họ sẽ đi theo và ám mình nữa đó.”

Bất giác Miên Lam rùng mình. Cô nhớ lại ánh mắt buồn man mác trên gương mặt điển trai đó, cảm thấy người đó cũng liếc nhìn mình trong giây lát.

Biết bản thân nói lỡ lời làm cô chủ sợ, nên suốt chặng đường đi nữ hầu bèn kẻ nhiều câu chuyện hay cho cô chủ nghe. Song những câu chuyện do người nữ hầu kể, quả thực không hề lọt vào tâm trí cô, dù chỉ một chữ.

“ Em có biết người chế.t khi nãy là ai không?”
Nữ hầu chẹp miệng, đáp:
“ Dạ! Em biết chứ. Đó là cậu cả nhà ông Phú Thương, người giàu có bậc nhất xứ mình đó cô chủ.”
Miên Lam lẩm nhẩm trong miệng:
“ Cậu cả, con trai lớn nhà ông bà phú thương ư?”
Nữ hầu gật đầu:
“ Thưa vâng.”

Rồi người nữ hầu bắt đầu kể câu chuyện được người dân trong xứ đồn thổi về nhà ông phú thương họ Ngô.

Xứ này, nổi tiếng bậc nhất phải kể đến phú thương họ Ngô. Tên khai sinh đầy đủ của ông ấy là Ngô Quân Hoành. Vợ ông là bà Nhã, có xuất thân không hề tầm thường. Bà Nhã sau khi về làm vợ ông Hoành đã hạ sinh cho ông ấy tới 6 người con, gồm bốn trai, hai gái. Lần lượt đặt tên con, Ngô Quân Hào, Ngô Quân Ninh, Ngô Quân Tam, Ngô Quân Tứ. Hai người con gái út thứ tự tên Ngô Quế Chi và Ngô Quế Yên. Ông phú thương tuy giàu có là vậy, nhưng không hề lấy thêm bà vợ nào ngoài bà cả.

Song ngoài tài kinh doanh bán buôn ra thì ông còn nổi tiếng là kẻ trăng hoa bay bướm. Bà Nhã biết bản tính của chồng mình, đã bắt ông ấy hứa không được lấy thêm vợ bé, nếu ông đồng ý thì các mối quan hệ bên ngoài bà ấy không quản. Đó cũng là lý do vì sao ông phú thương không lấy thêm vợ, chuyện này cả xóm ai ai cũng biết.

Nhà họ Ngô giàu có lắm, của nả con cháu mặc sức ăn uống tiêu xài tới ba, bốn đời chẳng hết. Nhưng khổ nỗi, gia đình họ nghe đâu bị vướng phải một lời nguyền.

Kể đến đây người hầu gái đột ngột khựng lại, câu chuyện của cô đã khơi dậy bản tính tò mò trong con người Miên Lam:

“ Ồ! Sao em không kể tiếp?”
Nữ hầu hỏi lại:
“ Tiểu thư, người muốn em kể tiếp thật chứ?”
Miên Lam nhắc nhở:
“ Nhài này! Chị dặn em bao nhiêu lần rồi, đừng gọi chị là tiểu thư. Hai chữ đó cao quý lắm, nó không phù hợp với hoàn cảnh của chị.”
Nữ hầu” xí” một tiếng, cằn nhằn:
“ Em thật không hiểu, cô chủ cũng là con gái của ông bà chủ, vậy mà lại phân biệt đối xử tệ bạc với cô. Nhưng cô chủ à, trong mắt em cô chủ luôn là một vị tiểu thư cao quý.”
Miên Lam gõ nhẹ lên trán Nhài:
“ Cẩn thận cái miệng của em đó, nếu để cha mẹ chị nghe thấy em gọi chị bằng hai từ tiểu thư, thì em cứ liệu hồn. Tới lúc đó chị không bênh vực em nổi đâu.”

Nhài cười hề hề:

“ Kệ, bị đánh vì tiểu thư em cũng sẵn lòng.”
“ Con nhỏ này, học ở đâu cái tính cứng đầu về đây cãi nhem nhẻm lời của chị thế hả?”

Nhài nhảy chân sáo, tung tăng bước đi trước, miệng hát véo von. Biết cô chủ đang đợi mình kể tiếp về nhà họ Ngô, Nhài thôi không nhảy hát nữa.

Nhài kể tiếp..

Nam nhân trong nhà họ Ngô không ai sống được quá 35 tuổi, chỉ duy nhất ông phú thương còn sống. Anh em trai của ông ấy đều đã chế.t hết, người thì ốm chết, người lại chế.t đuối, kẻ thì treo cổ, sợ nhất là cậu em út của ông phú thương. Cậu ấy tự tẩm dầu hoả lên người, dùng ngọn lửa trong bếp tự thiêu cơ thể mình. Con cái của họ cũng chịu chung số phận, hễ là đàn ông, cứ đến năm 35 tuổi đều chế.t bất đắc kỳ tử.

Miên Lam im lặng một lúc, rồi khẽ hỏi:

“ Vậy người khi nãy, có phải cậu ấy cũng 35 tuổi?”
Nhài lắc đầu:
“ Em cũng không rõ, nhưng ông ngoại em kể, sống cao nhất tới năm 35 tuổi thôi, cũng có thể đoản mệnh trước số tuổi đó.”

Miên Lam ậm ừ. Tự dưng sau khi nhìn thấy di ảnh của cậu cả nhà ông phú thương, tâm trạng cô trở nên nặng nề hẳn. Cô cũng không biết vì sao mình thành ra như vậy, nhưng cô có cảm giác, trong đôi mắt cậu ấy chất chứa điều gì đó muốn nói.

“ Cậu ấy vì sao lại chế.t? Ý chị hỏi cậu cả nhà họ Ngô í.”
Nhài đáp:
“ Cậu Quân Hào đó hả? Em nghe nói cậu ấy bị đoản mệnh sau một cơn bạo bệnh.”

Nói đến đây Nhài im bặt, một lúc sau nó cứ lẩm nhẩm trong miệng:” Kể ra cũng kỳ lạ thật. Cậu ấy khỏe mạnh là thế, hôm kia mình còn trông thấy cậu ấy đi dạo trong làng, đùng cái nói chế.t là chế.t. Thật lạ quá đi, đúng là sinh lão bệnh tử. Haizzzz..”
———
Tối đến, dưới ánh đèn dầu leo lét sáng là những gương mặt u buồn man mác. Không gian như chững lại, thời gian như ngừng trôi, ai cũng mang tâm trạng riêng, chỉ có nỗi đau vừa mất đi người thân là giống nhau.

Bà Ngọc Hoa bước vào, trên tay cầm tờ giấy nói với người làm:

“ Cô đưa cái này sang cho ông bà chủ xem đi.”

Bà Nhã mở ra đọc, rồi lại đưa nó cho chồng sau khi đã đọc xong. Ông Hoành gấp tờ giấy lại, nhìn bà Ngọc Hoa tựa như đang đợi chờ câu nói tiếp theo của bà ấy.

Bà Ngọc Hoa đứng dậy, bước đến lấy lại tờ giấy mở ra, rõng rạc đọc từng chữ:

“ Thái Vân Xuyên, người con gái nết na thuỳ mị, lại thêm tư dung tốt đẹp, tố chất xứng đáng làm phu nhân.”

Đó là câu nói vừa thốt ra của một người đàn bà làm nghề mai mối trong thôn. Bà ta tên Ngọc Hoa, một bà mai nổi tiếng nhất vùng.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner