Tôi nhìn thấy anh đứng trong sân mãi không chịu đi, cứ nhìn chằm chằm vào tôi với ánh mắt bướng bỉnh. Và cũng nhìn thấy cha tôi động thủ đánh anh, xô đẩy anh ra khỏi cửa nhà.
Tôi điên cuồng xông ra, ôm chặt chân của cha tôi gào thét: “Anh ấy không phải là tội phạm g i ế t n g ư ờ i! Em trai của ông mới là tội phạm g i ế t n g ư ờ i! Em trai ông h i ế p d â m g i ế t n g ư ờ i, ông ta nên bị xử bắn! Ông bao che cho ông ta, ông cũng nên bị xử bắn!!”
Cha tôi hung hăng cho tôi một bạt tai.
Đêm hôm đó tôi bị bọn họ nhốt vào phòng. Xuyên qua khe cửa, tôi nhìn thấy căn phòng nằm ở phía tây của bọn họ mãi đến đêm khuya mới tắt đèn.
Bọn họ lại đang bàn bạc cái gì? Lại là kế sách gì nữa đây?
Ở cái nơi ăn thịt người này, tội phạm h i ế p d âm, tội phạm g i ế t n g ư ờ i, tội phạm buôn người, côn đồ lưu manh, kẻ điên gã ngốc…Ai ai cũng là những con quỷ dữ tợn.
Tôi lấy một chiếc túi nilon từ trong ngăn kéo ra, trùm nó vào đầu mình rồi siết chặt lại. Khi tôi vừa cảm giác được cơn ngạt thở kéo đến thì khóa cửa bên ngoài bị người khác cạy ra.
Là Dương Tiếu vừa trèo tường vào.
Đêm đó trời tối đen như mực, tôi không nhìn rõ khuôn mặt của anh. Nhưng anh bước đến kéo chiếc túi nilon trên đầu tôi ra, anh dang tay ôm tôi rồi siết chặt vào lòng mình.
Anh khóc.
Trúc mã đã lớn lên với tôi từ thuở nhỏ, người suốt ngày cãi nhau ầm ĩ với tôi đã hôn tôi bằng đôi môi run rẩy ấy, anh nói: “Thúy Thúy, anh dẫn em đi nhé, em có bằng lòng không?”
“Thúy Thúy, đi với anh đi, chúng ta rời khỏi nơi đây rồi không bao giờ quay trở lại nữa.”
Lúc anh nói ra câu này, tôi chưa từng nói với anh rằng khi ấy tôi như một con cá thiếu nước đã sắp chết khô, mà nắng hạn gặp mưa rào, con cá ấy bị ngập nước suýt chút nữa thì không thở nổi.
Năm mười bảy tuổi, tôi và Dương Tiếu bỏ trốn.
Trong đêm đen hôm ấy anh đứng ở cửa nhà mình, nhìn thoáng qua chuồng dê còn chưa tắt đèn.
Ông cụ Dương nằm ở trong đó, ông ấy lót thảm thành một chiếc giường, quanh năm suốt tháng trông giữ đàn dê của mình giữa cái mùi khó ngửi của lũ dê kia.
Tôi biết ông ấy không ngủ.
Dương Tiếu chỉ nhìn qua một cái, anh không nói thêm gì, chúng tôi cứ như vậy mà rời khỏi nơi đây.
Đường đời dài đằng đẵng như thế, tôi vẫn luôn nhớ rõ bàn tay của anh đã nắm chặt tay tôi.
Chúng tôi chạy rất lâu, tự cho là đã tránh thoát khỏi gông xiềng của vận mệnh, nghênh đón tân sinh, lao về phía tự do.
Lên xe buýt, sau đó đổi sang xe lửa.
Không có mục đích, không có phương hướng.
Hai chúng tôi rúc vào bên nhau, đầu tôi tựa vào bả vai vững chãi của anh.
8
Thành phố lớn rực rỡ ánh đèn, dòng người qua lại như nước thủy triều dâng.
Đèn neon trên cầu cao tốc sáng rỡ, xe cộ tấp nập, náo nhiệt tưng bừng.
Tôi không biết chỗ này có phải là nơi đã xuất hiện trên tấm bưu thiếp năm đó của Nhạn Tử không, nhưng nó quả thật có một con sông và những tòa cao ốc ở bên kia bờ cũng lóng lánh đèn đuốc như cầu vồng giữa đêm.
Muốn dừng chân ở đây rất khó. Lúc đầu tôi và Dương Tiếu đã phải trải qua những tháng ngày vô cùng cực khổ.
Từng ở dưới gầm cầu, từng nhặt rác rưởi để sống, đi tìm việc ở khắp mọi nơi, mặt dày hỏi người ta có cần tuyển người nữa không.
Nhà dột còn gặp mưa, sau khi chúng tôi bị đám môi giới ác ôn lừa mất hai trăm tệ thì có một khoảng thời gian ngay cả cơm cũng không có mà ăn.
Không có cơm ăn, Dương Tiếu đã đi hiến máu.
Tôi vừa khóc vừa uống sữa bò, nói với anh là sữa bò tanh quá, cứ như em đang uống máu của anh vậy.
Anh vỗ đầu tôi một cái, nói vãi lúa Thúy Thúy, em nói vậy nghe có thấy mắc ói không hả!
Tôi đến kì kinh, ngay cả tiền mua băng vệ sinh cũng không có. Tôi đi tới phòng vệ sinh trong trung tâm thương mại liều mạng rút giấy nhưng lại bị cô lao công đuổi ra ngoài. Anh tới siêu thị muốn mua nợ băng vệ sinh, bị người ta coi là biến thái xua đuổi mắng nhiếc.
Cuối cùng tôi ôm bụng nói em đau quá, nói xong lại cười đến nỗi chảy cả nước mắt. Anh trừng mắt nhìn tôi, khuôn mặt hơi ửng đỏ: “Qua đây! Anh xoa bụng cho em.”
Hai chúng tôi lang thang dưới chân cầu vượt, cùng ôm lấy nhau để sưởi ấm. Anh liên tục xoa nóng bàn tay, dùng lòng bàn tay đặt lên bụng dưới của tôi. Tôi ôm cổ anh rồi lầm bà lầm bầm, sau đó tôi hỏi anh: “Dương Tiếu, anh đã ăn KFC bao giờ chưa?”
“Chưa.”
“Anh có muốn ăn không?”
“Không muốn.”
“Nhưng em muốn ăn.”
“Đợi anh đây có tiền sẽ mua cho em một đống, cho em ăn đến khi nào nôn ra thì thôi.”
“Em sẽ không nôn đâu, ăn xong em sẽ lấy dây buộc miệng lại, chờ khi nào dạ dày tiêu hóa xong thì mới cởi ra!”
“…”