8.
Ta trở về tiểu viện của mình, cẩn thận gấp bức thư nhà lại, đặt vào hộp và cất cùng những bức thư khác.
Vừa mài mực xong, giấy cũng đã được trải ra thì Tiểu Ngộ đã từ bên ngoài lẻn vào bằng cách trèo tường.
Giờ đệ ấy trèo tường rất thuần thục, không còn bị ngã như trước nữa.
Tiểu Ngộ tiến đến bên bàn, nhìn tờ thư ta vừa viết được một dòng, nghi hoặc hỏi: “Vì sao câu đầu tiên lại viết là, Nhật Nguyệt Sơn Xuyên Hà khởi?”
“Nhật Nguyệt Sơn Xuyên Hà là tên của các ca ca ta, viết như vậy cho tiện.” Ta ngại ngùng gãi đầu.
Huynh muội chúng ta không câu nệ lễ nghĩa, nên thư từ cũng khá tùy tiện.
“Nhật Nguyệt Sơn Xuyên Hà Phong sao?”
“Nhật Nguyệt Sơn Xuyên, Hà Phong Vân Vũ. Thầy bói nói rằng phụ thân vốn định có tám đứa con.” Ta cúi đầu, nhớ lại chuyện buồn.
“Đại ca, nhị ca, tam ca, tứ ca và ngũ ca lần lượt là Bá Nhật, Trọng Nguyệt, Thúc Sơn, Quý Xuyên, Hạ Hà.”
“Nhật Nguyệt Sơn Xuyên, Hà Phong Vân Vũ. Tiểu Phong, nhà các ngươi đặt tên thật thú vị.” Tiểu Ngộ không khỏi thán phục.
“Những cái tên này đều do mẫu thân ta đặt.” Ta vừa cầm bút tiếp tục viết, vừa hỏi: “Muộn như vậy rồi, Tiểu Ngộ, có chuyện gì sao?”
“Ừm?” Ánh mắt Tiểu Ngộ chớp chớp, nét mặt có chút bối rối, “Không… không có gì cả! Tiểu Phong, tỷ nghỉ sớm đi. Ta đi trước!”
Nói xong đệ ấy liền vội vàng chạy đi, nhưng trên bàn ta đã xuất hiện thêm một món đồ.
Đó là một chiếc trâm kỳ lạ, đuôi trâm làm từ lông thỏ, phần tai được gắn hai viên bảo thạch đỏ tạo thành hình dáng của một con thỏ nhỏ.
Trông thật đáng yêu.
Hai tháng sau khi từ cuộc săn trở về, giấc mơ của Thái tử phi đã ứng nghiệm. Thái y nói rằng nương nương đã mang thai được hai tháng. Ta và Thái tử vui mừng đến nỗi suýt nhảy cẫng lên.
Bởi vì giấc mơ trước đó, Hoàng thượng cũng vô cùng hoan hỉ, ban thưởng rất nhiều lễ vật. Chỉ có Tiểu Ngộ là lo lắng không nói gì.
Ta hiểu đệ ấy lo lắng điều gì, thật ra mọi người đều có cùng nỗi lo, chỉ là không ai dám nói ra. Lần này Thái tử phi nghén rất nặng, hầu như không thể ăn uống hay rời khỏi giường.
Ta liền đi xin Thái tử một số kinh Phật về để chép, cầu phúc cho nương nương.
Thái tử nhìn ta, thở dài một hơi, ngập ngừng nói: “Tiểu Phong… ngươi… ngươi ở Đông Cung có vui không?”
Ta ôm kinh Phật, ngơ ngác đáp: “Vui chứ.”
“Ta… ý ta là…” Thái tử lại thở dài, “Thôi, ngươi đi đi.”
Ta mơ màng gật đầu, rồi đi chép kinh. Lần này Thái tử phi mang thai vô cùng khổ cực, gần như không thể xuống giường. Thái tử thường lén mắng đứa bé chưa ra đời là bất hiếu.
Đến Tết Đoan Ngọ năm sau, Thái tử phi thuận lợi sinh hạ một Hoàng tử, mẹ tròn con vuông.
Hoàng thượng đích thân ban tên là Vọng, tự là Tử Nha.
Vì giấc mơ thấy gấu của Thái tử phi, Hoàng thượng đặt kỳ vọng rất lớn vào đứa trẻ này, còn nói rằng khi đến tuổi nhập học, sẽ cho vào cung để tự mình dạy dỗ.
Đồng thời, ta nhận được một bức thư lạ từ Ngọc Môn quan.
Đại ca nói rằng lo lắng ta ở Đông Cung không sống tốt như những gì ta viết trong thư, nên muốn tự mình quay về Trường An xem thế nào.
Đại ca dặn ta ngày mười lăm tháng sáu phải tìm cách ra khỏi cung, đến Linh Giác Tự để gặp huynh ấy.
Đại ca tuy có phần thô lỗ, nhưng dù gì cũng là tướng thủ thành Ngọc Môn quan, không có chiếu chỉ không được tự tiện hồi kinh, huynh ấy tuyệt đối không thể rời bỏ chức trách.
Vậy nên ta quyết định trước hết phải hồi thư hỏi rõ mọi chuyện. Nhưng mãi ta vẫn không nhận được hồi âm của đại ca.
Để tìm hiểu sự tình, ta quyết định đến Linh Giác Tự một chuyến. Ta bèn đến gặp Thái tử phi, thỉnh cầu được ra ngoài thành đến Linh Giác Tự lễ Phật, cầu phúc cho tiểu Hoàng tử.
Thái tử phi không ngăn cản.
Thế là, vào ngày mười lăm tháng sáu, ta khởi hành một cách nhanh chóng, lặng lẽ rời khỏi Đông Cung.
Linh Giác Tự nằm ở vùng hẻo lánh, cách thành khoảng hai mươi dặm đường núi. Ai ngờ vừa tiến vào núi không bao lâu, chúng ta đã bị tấn công.
Bên địch đông đảo, chúng ta không thể chống cự. Ta không có cung bên cạnh, vai vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, dù có tài bắn cung thì lúc này ta cũng chỉ như một nữ tử yếu đuối, không thể trói nổi con gà.
Vì vậy, ta bị đánh ngất và bắt đi. Khi ta tỉnh lại, không biết mình đang ở đâu.
Tay chân bị trói, mắt bị che, miệng cũng bị bịt kín. Ta không biết đã hôn mê bao lâu, cũng không biết hiện tại là ngày hay đêm.
Họ rất ít nói chuyện trước mặt ta, nếu có cũng chỉ thì thầm to nhỏ. Ta cố gắng ngồi dậy, định gây sự chú ý để thu thập thêm thông tin.
Nhưng không ai thèm để ý đến ta. Điều duy nhất ta có thể chắc chắn là, họ không có ý định gi/ết ta, mà có vẻ như đang đưa ta đến một nơi nào đó.
Họ có ngựa, có xe, dựa vào âm thanh thì nhóm này ít nhất có hơn hai mươi người. Và họ đi trên quan đạo, bởi ta nghe được tiếng xe ngựa qua lại tấp nập trên đường.
Muốn hơn hai mươi người đường hoàng đi trên quan đạo mà không bị chú ý, cách tốt nhất là giả làm một đoàn thương nhân. Bọn họ rốt cuộc là người phương nào?
Muốn đưa ta đi đâu? Họ định làm gì? Đại ca có phải đã gặp chuyện chẳng lành?
Không rõ đã qua bao lâu, đoàn người dừng lại nghỉ ngơi. Bọn chúng kéo ta xuống khỏi xe ngựa, tháo dây trói.
Cuối cùng ta cũng có cơ hội mở mắt, nhưng nhận ra trời đã về đêm và nơi này là chốn hoang vu đồng nội.
Bóng tối tựa như một chiếc túi vải lớn trùm xuống, dẫu rằng họ đã nhóm lửa, nhưng ánh sáng chỉ lọt qua những khe hở nhỏ, chẳng khá hơn so với khi bị bịt mắt là bao.
Người đứng đầu quỳ xuống trước mặt ta, hành lễ quân cách.
“Mạt tướng, Chu Nhiên, phụng mệnh Tạ Đại tướng quân, đến đón tiểu thư về phủ.”
Trong lúc hắn nói, ta không ngừng quan sát những người xung quanh.
Bọn chúng vô cùng cẩn trọng, dù lúc này đang là giờ nghỉ nhưng vẫn có người đứng canh gác xung quanh.
Bên cạnh đống lửa chỉ có một người ngồi ung dung, thái độ của những người xung quanh đối với hắn vô cùng cung kính, xem chừng hắn mới là thủ lĩnh thực sự của nhóm này. Hắn cố tình ngụy trang, làm bộ như không có gì nổi bật.
Tứ ca từng dạy ta, việc lạ tất có điềm ngờ.
“Đại ca phái ngươi đến đón ta?”
“Đúng vậy.”
“Tại sao?” Trong thư đại ca không hề đề cập đến việc này.
“Tướng quân bị người khác hãm hại, vu cho tội mưu phản. Không bao lâu nữa sẽ bị áp giải về kinh. Ngài lo lắng tiểu thư ở Trường An có thể bị liên lụy, nên phái thuộc hạ đến đưa tiểu thư về phủ an toàn.”
“Trong thư đại ca không nói đến chuyện này.” Đại ca bị áp giải về kinh, muốn sắp xếp cho ta, tại sao không phái nhị ca, người không ở trong quân, mà lại gửi đến một phó tướng ta chưa từng quen biết?
Người tự xưng là phó tướng Chu Nhiên lấy từ trong ngực ra một quân lệnh và một tín phù đưa cho ta.
“Lá thư đó do thần thay tướng quân chấp bút, không dám viết rõ vì sợ lá thư rơi vào tay kẻ xấu sẽ bất lợi cho tướng quân. Nhưng tiểu thư hẳn nhận ra tư ấn của tướng quân.”
Quả thật, lá thư ta nhận được không phải nét bút của đại ca, nhưng có tư ấn của huynh ấy, nên ta mới cảm thấy kỳ lạ.
Khi mở quân lệnh ra, ta cũng thấy có quan ấn của đại ca.
“Ngươi đứng lên đi.” Hắn nghe vậy liền đứng dậy, ta tiếp tục hỏi, “Ngươi là phó tướng của đại ca, tại sao trước giờ ta chưa gặp ngươi?”
“Thần mới được điều đến bên cạnh tướng quân trong hai năm gần đây. Lúc ấy tiểu thư đã là lương đệ của Thái tử, nên không gặp được thần. Nhưng thần đã từng thấy tiểu thư, một lần tiểu thư theo tướng quân tuần tra, đã bắn trúng một con nhạn, chính thần là người nhặt về.”
Ta quả thật từng cùng đại ca tuần tra, cũng từng bắn hạ một con nhạn.
Xem ra người này đúng là thuộc hạ của đại ca. Nhưng ta vẫn không lên tiếng, chỉ lặng lẽ quan sát đám người xung quanh. Mặc dù bọn họ đang canh gác, nhưng lại không theo cặp, hành vi cũng có phần lén lút.
Ngoài người tự xưng là Chu Nhiên kia, tất cả bọn họ đều là người Hồ.
Thấy ta còn nghi hoặc, Chu Nhiên tiếp tục giải thích: “À, bọn họ là một đoàn thương nhân người Hồ mà ta thuê. Từ Trường An về Ngọc Môn quan cần sự che chở của họ. Người kia…” Hắn chỉ vào người đang ngồi cạnh đống lửa, “Là thủ lĩnh của họ.”
Nghe Chu Nhiên nói, người đó mới quay đầu lại, mỉm cười chào ta một cái. Ta giữ ý, giả vờ như vô tình đút thứ Chu Nhiên giao vào ngực áo, rồi tiếp tục hỏi: “Các vị ca ca khác thế nào rồi? Có ổn không?”
“Tiểu thư yên tâm, các tướng quân tạm thời chỉ bị quản thúc trong phủ, hiện chưa có gì nguy hiểm. Khi tiểu thư về phủ sẽ gặp lại bọn họ.”
Ta gật đầu, hắn quả nhiên không có sơ hở. Sau đó, ta im lặng một lúc, như thể vừa nhớ ra điều gì, liền hỏi: “Chân nhị ca đã khỏi chưa?”
Chu Nhiên cười: “Tiểu thư nhớ nhầm rồi, Tạ quân y không hề bị thương ở chân.”
Ta gật đầu, lẩm bẩm: “Phải rồi, ta nhớ nhầm. Nhị ca không bị thương ở chân, người bị thương là tam ca.”
Chu Nhiên thả lỏng, nói: “Đợi tiểu thư về Ngọc Môn quan, có thể tự mình hỏi tướng quân.”