Yểm Mạng

Chương 1



Giới thiệu:
Xưa kia có gia đình nọ rất giàu có, họ tìm mua một mảnh đất có địa thế phong thuỷ đẹp, để làm nơi an dưỡng tuổi già. Chẳng may họ rơi vào vòng xoáy thù hận, bị đối phương thuê thầy Yểm Mạng cho đến chết. Đầu tiên là ông chủ nhà chết thảm, sau đó là con cháu bị người ta sát hại ngay trong căn biệt thự mới xây xong.
17 năm sau, những đứa trẻ lớn lên ôm mối hận trong lòng, quyết tâm truy tìm hung thủ. Để điều tra ra sự thật, đôi khi họ phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.

Chương 1

-Tôi muốn ông YỂM MẠNG một người!
-Muốn người đó chết nhanh hay chậm?
-Hãy làm cho hắn thật đau đớn trước khi chết.
-Được, giá niêm yết 100 triệu /1 mạng. Đồng ý thì chuẩn bị cho tôi một tấm hình của người cần yểm, bát tự của người đó. Nhận tiền trước một nửa, xong việc thanh toán hết số còn lại.
-Tiền bạc không quan trọng, nhưng ông có dám chắc vụ này thành công và không một ai biết chứ?
Khà..khà..khà…à…à…
-Nếu đã không tin sao phải tìm đến tôi? Mà nếu tìm đến thì hãy tin là mọi chuyện tốt đẹp. Yên tâm, hắn sẽ bị dày vò và đau đớn cho đến chết. Trời đất quỷ thần không ai hay, chỉ có ông biết, tôi biết. Thế nào! Chốt giá chứ?
Người đàn ông đứng trong bóng tối ở một ngôi biệt thự sang trọng nằm ở phía ngoại ô thành phố, ông ta im lặng trầm ngâm một lúc, rồi gật đầu.
-Tôi chốt giá.
Lão thầy bùa bên kia cúp máy, ông ta ngẩng mặt lên trời vang lên một tràng cười man dại.
——
Ba tháng sau…
Sau bao ngày xa quê hương đi buôn ba khắp nơi, rong ruổi trên những con đường dài đầy nắng mưa và gió. thầy Chu và Kpang cũng quyết định về cố hương ở ẩn một thời gian. Họ tạm dừng chân nghỉ mệt, sống một cuộc sống bình dị như bao người dân khác ở đây.
Đêm nay, ngoài trời mưa tầm tã.
Sau cơn mưa tưởng chừng muốn cuốn bay mái nhà tranh xiêu vẹo của thầy Chu, thì bầu trời tĩnh mịch hẳn.Ngoài kia chỉ còn tiếng gió vi vu thổi, làm những giọt nước mưa nặng trĩu đọng trên tán lá trút ào xuống đất, và cả tiếng tí tách từ mái nhà tranh rớt xuống, lộp bộp.
Cứ nghĩ đêm đầu tiên sau khi về nhà thầy Chu sẽ được ngủ ngon, nào ngờ tiếng bước chân dồn dập rẽ màn đêm ngoài kia, lại làm cho thầy tỉnh giấc. Không lâu sau, tiếng bước chân ngày một rõ, kèm theo cả tiếng lội nước bì bõm trước sân.
Cộc..cộc..cộc….
-Thầy Chu ơi thầy Chu! Thầy cứu bố con với.
Câu nói đó dội lên đúng ba lần thì bỗng tiếng cánh cửa ẽo ẹt vang vọng. Kpang ngó đầu ra nhìn người đàn ông ngoài 40 tuổi, trên người ông ấy khoác tạm cái áo mưa mỏng dính, đôi môi run cầm cập nói chẳng lên lời.
-Khuya vậy bác tìm sư phụ cháu có chuyện gì?
-Làm ơn, cho tôi gặp thầy Chu. Cậu báo với thầy ấy có chú Hưng qua kiếm.
-Ngày mai mời bác quay lại, thầy cháu vừa đi xa về,trong người hơi mệt, không tiện tiếp khách.

Nói xong, Kpang định đóng cửa quay vào nhà, bất ngờ ông Hưng chồm người đến giữ chặt cánh cửa, nài nỉ cậu.

-Cậu làm ơn vào báo với thầy một tiếng, bố tôi xảy ra chuyện không hay rồi.
Kpang định nói gì đó mà bị giọng nói của thầy trong nhà cản lại:
-Cứ để ông ấy vào, ngoài trời gió độc.
Ông Hưng không kịp gỡ chiếc áo mưa ra khỏi người, chạy xộc vào ngồi mọp xuống đất ôm chân thầy Chu than khóc.
-Mời thầy đến nhà con một chuyến, cứu bố con với.
Thầy Chu đỡ ông Hưng dậy, thở dài nói:
-Trước khi đi xa tôi đã dặn đi dặn lại rằng đừng có mua mảnh đất ấy rồi còn gì? Vậy mà ông ấy lại bỏ ngoài tai những lời tôi khuyên. Để bây giờ hối tiếc cũng đã muộn.
-Thầy ơi, con biết con sai rồi. Vốn dĩ con định nghe thầy,nhưng bố con nhất quyết đòi mua mảnh đất ấy xây nhà an dưỡng tuổi già cho bằng được. Sau này một bên dùng để xây cất nhà ở, phía bên kia làm nơi an nghỉ khi các cụ xuôi tay nhắm mắt.Chỉ vì lão thầy phong thuỷ kia phán, mảnh đất ấy có long mạch. Con cản cỡ nào bố cũng không nghe.

Thầy Chu nhíu mày, đưa tay lên luận quẻ, sắc mặt lập tức thay đổi khi thầy đã đoán ra điều gì đó nghiêm trọng. Thầy ngước lên nói với ông Hưng.
-Không kịp nữa, bây giờ tôi có tới thì cũng không thể cứu được ông ấy. Cậu về lo hậu sự cho cha mình đi, ngày mai tôi sẽ qua cúng cầu siêu.
Ông Hưng nghe xong oà khóc như một đứa trẻ, tay bấu chặt thành ghế run rẩy nói:” Bố con bệnh nặng lắm, cụ nôn ra máu liên tục mấy tháng nay. Vợ chồng con có đưa cụ đi chạy chữa khắp nơi, nhưng đến đâu bác sĩ siêu âm chẩn đoán cũng không sao, vậy mà về đến nhà cụ lại thổ huyết. Nhìn thấy bố chết dần từng ngày mà không giúp được gì, tâm can con cũng héo mòn theo.”
Thầy Chu chẹp lưỡi:
-Nếu đã là số mệnh thì không thể tránh được. Đi ngược với mệnh trời là phạm vào điều cấm kỵ. Ông ấy sống mà bị ngải hành, đau đớn như có ngàn cây kim đâm vào da thịt, như vậy, cứ để cụ đi sớm cho bớt đau khổ. Xin lỗi, chậm mất rồi.
Ông Hưng thẫn thờ gạt nước mắt quay đi, hòa mình vào màn đêm u tịch. Từ chỗ để xe ông phải lội bộ cả km mới vào đến nhà thầy, vậy mà kết quả lại quá đau thương.
Kpang khép cửa lại, cậu châm siêu nước nóng vào ấm trà, rót cho thầy Chu một chén và nói:
-Xem ra nhà họ không chỉ có một người phải chết. Ấn đường của ông ta hiện rõ nhiều gân đen chằng chịt, nó chứng tỏ, đại hoạ mới chỉ bắt đầu.
Lời Kpang vừa dứt, bên ngoài có tiếng gõ cửa liên hồi.
-Mở cửa…mở cửa ra nhanh lên. Đứa nào dám vào nhà ông nghịch dại, ông cho một phát chết ngắc bây giờ.
Là giọng lè nhè của A Ngưu, hình như anh ta say khướt. Kpay vừa mới mở cửa, cả cơ thể to con hôi hám lâu ngày chưa tắm của nó đổ gục về phía cậu. May mà cậu đỡ kịp thằng A Ngưu, chứ nếu không nó ngã nhào xuống đất.
-A Ngưu! Cậu uống ở đâu mà say mèm thế này?
A Ngưu cố giương đôi mắt nhìn người vừa đỡ mình, hắn nhận ra người quen liền cười hì hì, nói:
-Kpang, là anh đó hử? Có phải Kpang không? Hề hề hề…
-Ơ này! Cái cậu này, tỉnh dậy đi. Sư phụ về nhà rồi kìa. Này..A Ngưu..dậy đi..!
Nói chưa dứt câu, nó gục xuống ghế ngủ ngáy như sấm, cũng chẳng kịp chào hỏi sư phụ một câu. Thầy Chu lắc đầu, phẩy tay ra hiệu cho Kpang.
-Thôi con dìu nó về giường, say mờ mắt thế kia có đánh thức nó dậy cũng chẳng được gì.
Thầy Chu quay lại giường nằm ngủ. Nhà có mỗi hai chiếc giường tre ọp ẹp. Khi nằm xuống bụi bặm mối mọt bốc lên cả đám. Từ ngày thầy Chu và Kpang đi vắng, A Ngưu không mấy có mặt ở nhà, anh ta sa đọa vào bài bạc rượu chè, đạo hạnh học dang dở cũng chẳng buồn tu luyện.
Thầy Chu có cả thảy hai người đệ tử. Một là Kpang và hai là A Ngưu. Cả hai đều là người dân tộc, nhưng họ đến từ hai miền xa lạ. A Ngưu được thầy Chu nhận nuôi ở một vùng dân tộc miền núi phía Bắc, trong một lần thầy đi ngang qua. Bố mẹ cậu đều bị gã thầy mo hại chết, vì thương thằng bé bơ vơ không nơi nương tựa, thầy đã xin trưởng làng dắt nó theo. Từ đó, cái tên A Ngưu được thầy Chu đặt tên cho nó. Chữ A đặt theo tên người dân bản địa nơi A Ngưu sinh ra. Còn chữ Ngưu thầy Chu đặt theo năm sinh của cậu. Năm con trâu.
Nằm vắt tay lên trán mãi chẳng ngủ được, không hiểu sao lần này về thầy có cảm giác nơi đây quá xa lạ. Thêm việc A Ngưu đồ đốn rượu chè bài bạc, khiến lòng thầy càng buồn man mác. Thầy tự trách bản thân mình nuôi dạy A Ngưu không được tốt, để thằng bé ở nhà một mình tự bươn trải, thiếu đi tình thương yêu của người lớn, thành ra A Ngưu dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Đôi lúc thầy cảm thấy có lỗi với bố mẹ nó.
Trời mờ sương, thầy Chu đã bước ra khỏi nhà. Thầy vội ghi vài dòng nhắn gửi Kpang rồi đặt nó trên bàn uống nước. Từ nhà thầy qua đến nhà ông Bốn cũng mất cả giờ đi bộ chứ chẳng ít.Hôm qua trước khi ông Hưng về có bảo” Sáng qua đây đón thầy.” Nhưng bị thầy từ chối. Thầy bảo muốn đi bộ để chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, tận hưởng bầu không khí trong lành và ngắm thôn làng cho thỏa nỗi nhớ mong.
Lúc ngang qua cánh rừng già u tối. Thầy Chu dừng chân nhìn chằm chằm vào sâu thẳm bên trong. Bỗng một con quạ từ đâu sà xuống ngay dưới chân thầy, nó giãy phạch phạch, cố góc cao cổ chu lên hai tiếng rồi chết. Trên khoé mắt và mỏ trào ra những dòng máu đen xì. Chớp mắt một cái, xác con quạ héo quắt, hốc mắt bắt đầu xuất hiện đám giòi bọ trắng phau bò lúc nhúc.
Thầy Chu nhíu cặp chân mày, lảm nhảm trong miệng:” Lạ nhỉ, sao nó vừa mới chết đây thôi mà cứ như đã chết mấy ngày?” Thầy nhìn lên phía chân trời xa xăm, thấy bình minh đang dần hé lên xua đi những áng mây tăm tối. Tự dưng, trong lòng thầy nhẹ tễnh.
Hơn một giờ sau, cánh cổng nhà ông Bốn cũng hiện ra trước mắt. Tiếng khóc nỉ non trong nhà vọng ra nghe đã thấy thê lương, cả một bầu trời u ám.
-Thầy..thầy tới sao không báo để con qua đón?
-Không sao, đằng nào tôi cũng muốn vận động cho giãn gân cốt.
-Vâng, mời thầy vào nhà, bố con mất từ đêm qua. Thầy phán đoán như thần, khi con từ nhà thầy về thì bố con đã tắt thở.
Thầy Chu trầm giọng, tiếc nuối nói:
-Cầu mong ông ấy an nghỉ nơi chín suối.
Càng tiến sâu vào trong ngôi nhà, máu huyết trong người thầy lập tức đổ dồn về khuôn mặt. Hai mắt thầy hoa lên, nhìn cảnh vật xung quanh lờ mờ như trong giấc mộng. Thầy đưa tay lên ray hai vầng thái dương, bấm huyệt để lấy lại thăng bằng.
Ông Hưng thấy vậy, lo lắng hỏi:” Thầy không sao chứ? Hay trong người thầy còn mệt?”
-Tôi không sao, chúng ta vào nhà thôi.
Thắp nén nhang đưa tiễn cho ông Bốn xong, thầy Chu đến bên cạnh chỗ ông Bốn nằm. Khi nãy nghe ông Hưng nói hai mắt của ông Bốn dù có vuốt cách gì cũng không nhắm lại, mọi người nghĩ do ông cụ còn nhiều điều muốn trăn trối với con cháu nhưng chưa kịp nói ra thì đã mất đột ngột. Thầy Chu dừng ánh mắt ở yết hầu của ông Bốn, thấy có con gì đó đang muốn đội lớp da xám xịt chui lên. Một lúc sau, chúng lại di chuyển sang chỗ khác, hình như bọn chúng đang gặm nhấm từng miếng thịt dưới lớp da trên người.
-Đưa cho tôi con dao đến đây!
Lời thầy vừa dứt, đột nhiên miệng ông Bốn hộc ra một bãi dịch bầy nhầy hôi hám. Kèm theo cả nắm tóc rối trôi ra.
-Bùa Chà?
Thầy Chu sửng sốt thốt lên.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner