– Về sính lễ hết bao nhiêu ta không tiếc, chỉ sợ bên nhà họ Thái không đồng ý.
Lời ông Hoành vừa dứt, tiếng bà Nhã liền cất lên:
– Mình sợ gì nào! Chẳng nhẽ mình lại quên đi lời hứa năm xưa giữa mình và ông chủ bên ấy.
Nghe vợ nhắc, ông Hoành mới sực nhớ đến chuyện cũ. Năm đó, hai người là bạn tâm giao chí cốt, đi đâu cũng có nhau tựa như hình với bóng. Về sau, họ có gia đình riêng, yên bề gia thất, mỗi người chọn cho mình một con đường làm ăn khác nhau, nhưng điều đó không hề làm rạn nứt tình cảm của họ.
Trong một lần hai người ngồi ăn nhậu, ông chủ Thái cao hứng hứa gả con gái của mình cho con trai mình. Gả cho đứa con trai nào cũng được, miễn hai nhà được kết thông gia.
Nghĩ tới đây ông Hoành vỗ đùi ten tét, mà rằng:
– Có thế chứ lị! Giá mình không nhắc thì tôi quên phéng mất.
Bà Nhã cười trừ:
– Nghe nói nhà họ Thái có hai đứa con gái nết na đằm thắm xinh đẹp lắm. Nhà họ dệt tơ lụa, nhà chúng ta buôn bán xuất khẩu tơ lụa, hai gia đình kết thông gia thì trên con đường làm ăn khác gì hổ mọc thêm cánh. Mình thấy tôi nói vậy có đúng không.
Ông Hoành nhấp ngụm nước xong, đặt chén trà xuống, cười hà hà:
– Vẫn là mình chu đáo nhất.
Rồi ông quay sang dặn dò bà Ngọc Hoa:
– Ngày mai bà sang bên nhà họ Thái đánh tiếng. Nếu bên đó đồng ý thì hỏi xem sính lễ họ cần những gì. Nhà ta không tiếc chi tiền bạc, chỉ mong cưới được dâu hiền hiếu thảo mà thôi.
Bà Ngọc Hoa cười hề hề, cất lời:
– Vậy chẳng hay ông bà chủ muốn cậu nào lấy vợ. Để tôi còn biết mà sang thưa chuyện với nhà họ Thái.
Hai vợ chồng phú thương nhìn nhau, rồi quay sang nhìn bà Ngọc Hoa, đồng thanh nói:
– Là thằng hai đó, Quân Ninh.
Vừa đúng lúc Quân Ninh đi đâu về, đập tai cậu là những lời tìm vợ cho mình ép cưới. Quân Ninh bước vào, nhấc chén trà lên tu ực hớp hết cạn, rồi thưa:
– Cha mẹ muốn lấy vợ cho con ư? Nếu hai người thích tiểu thư nhà họ Thái như vậy thì hai người tự đi mà lấy.
Ông Hoành tức giận ném chén trà xuống đất, chỉ tay vào mặt con trai, quát tháo:
– Cái thằng bất hiếu! Cha mẹ làm vậy là vì ai, vì ai hả. Tao chẳng dám trông mong mày làm nên sự nghiệp, chỉ mong sao bay sớm yên bề gia thất, sinh con cháu nối dõi cho nhà họ Ngô. Như vậy là sai, là sai sao hả?
Khụ..khụ..khụ..
Bà Nhã vỗ vào tay chồng, khuyên nhủ:
– Kìa mình, bớt giận, bớt giận lại kẻo ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Vai ông Hoành rung lên bần bật theo con ho. Tay run rẩy chỉ vào Quân Ninh, dường như ông vẫn chưa hạ hoả:
– Thằng mất dạy. Đời thủa nhà ai, cha mẹ nói một câu con cãi nhem nhẻm một câu.
– Được rồi mình à, để đó từ từ tôi dạy lại con. Quân Ninh nhà chúng ta như con ngựa bất kham, cương không được thì phải nhu mà khuyên nhủ.
Ông Hoành xua xua tay, rồi đấm ngực thùm thụp.
Quân Tam thấy tình hình căng thẳng, cậu ngước lên bàn thờ còn khói nhang nghi ngút, nói với cha:
– Thưa cha, thưa mẹ! Anh hai phản ứng vậy cũng chỉ xuất phát từ lòng tốt mà thôi. Không thể vì sinh con nối dõi cho nhà họ Ngô chúng ta, mà bắt con gái nhà họ làm quả phụ suốt đời.
Nghe câu nói này của con trai giống như nắm muối xát vào trái tim ông bà. Hoàn cảnh nhà họ Ngô cả trong xóm, ngoài xã hay cả cả huyện này có ai mà không biết. Nam nhân nhà họ Ngô không một ai sống quá 35 tuổi. Mấy ông chú, bác, trong họ, không đoản mệnh mất sớm thì đến đời con cháu cũng mạt vận. Chỉ nội trong mấy năm, nhà họ Ngô được dân làng gọi với cái tên đầy bi ai, dòng họ góa chồng.
Bà Nhã ôn tồn khuyên nhủ:
– Mẹ biết chứ, nhưng con trai à, không lấy vợ sinh con thì chẳng nhẽ đời sau nhà chúng ta không có người nhang khói.
Quân Tam thưa:
– Nhưng mẹ à, nhà chúng ta đâu thể ích kỷ như vậy được, chỉ biết nghĩ đến lợi ích gia đình mình mà không biết rằng, phụ nữ góa chồng sống cả cuộc đời tủi cực.
Sinh ra trong cái thời phong kiến này, tập tục luôn khắt khe, phàm là những phụ nữ mất chồng, họ chỉ ở vậy nuôi con. Hễ ai đi bước nữa cũng chịu sự sỉ vả nhục mạ của dân làng, họ phải sống trong sự ghẻ lạnh và ánh mắt săm soi của thiên hạ. Đôi ba người, vì không chịu được cuộc sống khắc nghiệt ấy, đã rời bỏ xứ mà đi.
Đêm nay, trời trăng thanh gió mát. Mái tóc dài chấm thắt lưng được Miên Lam bới cao thành một búi gọn sau đầu. Hương thơm của lá bưởi kết hợp với bồ kết và sả, vẫn phất phơ thoảng qua cánh mũi.
– Cô chủ, nghỉ ngơi ăn cơm thôi.
Nhài bưng giỏ thức ăn tới, gồm cơm canh đạm bạc nhưng không nhiều. Vỏn vẹn một đĩa nhỏ rau luộc cùng con cá mắm và bát cơm.
Miên Lam ngoảnh lại:
– Để chị dệt xong tấm vải này trước đã, chốc nữa chị ăn.
Nhài bước tới kéo cô chủ dậy và đáp:
– Cô chủ mau ăn đi cho nóng, để đó em dệt nốt cho.
Dưới sự cương quyết thúc giục của Nhài, Miên Lam đành nghe theo.
Nhài vừa dệt vải vừa cằn nhằn thay cô chủ:
– Cô chủ à, sao số cô cực khổ vậy chứ. Em được ông bà chủ mua về từ bé, tới bây giờ tính ra cũng hơn mười năm hầu hạ trong nhà ông bà chủ, vậy mà chẳng hiểu sao ông bà chủ lại đối xử với cô bất công như vậy chứ. Bữa cơm nào của ông bà chủ và cô Vân Xuyên cũng mâm cao cỗ đầy, thức ăn nào là cá, nào thịt, gà, ngan, ngỗng…đủ cả. Còn cô thì..
Nhài nói đây bèn thở dài. Tiếng dệt lụa vang lên đều đều, át đi tiếng than thở và nỗi lòng của Miên Lam.
– Nhài đừng nói vậy. Có cơm ăn và chỗ che mưa che nắng được rồi, chị chẳng mong gì hơn.
Nó ngoảnh lại, đôi mắt long lanh dần chuyển sang ánh mắt tò hò, thì thầm nói nhỏ:
– Cô chủ, tối hôm kia em thấy tiểu thư Vân Xuyên lẻn ra ngoài vào lúc nửa đêm, bên ngoài hàng rào có một bóng người to cao vạm vỡ lắm. Hình như anh ta tới đứng đó đợi tiểu thư Vân Xuyên thì phải.
Miên Lam đưa tay lên suỵt dài một hơi, ngầm ra hiệu cho Nhài đừng nói thêm gì nữa. Bởi Miên Lam thấy bóng dáng của Vân Xuyên thấp thoáng đâu đó ngoài kia.
Vân Xuyên chưa đi tới nơi, chất giọng lanh lảnh ghê gớm đã thốt ra:
– Chị làm xong việc chưa mà ăn? Ăn xong rồi thì lên nhà trên cha mẹ có chuyện muốn nói.
Vân Xuyên bước tới, liếc nhìn giỏ thức ăn rồi lại nhìn Miên Lam, bĩu môi khinh bỉ:
– Cha mẹ dạy, không nên lãng phí thức ăn, xương cá mắm mềm lắm, nếu có nhai được thì nhai luôn đi. Bỏ thì phí lắm.
Nhài cãi:
– Hay tiểu thư tới nhai thử, chứ em chưa thấy ai ăn cá ăn cả xương bao giờ.
Vân Xuyên tức giận, hất hàm cho đứa người hầu của mình xông đến, nắm chặt túi tóc của Nhài kéo bật ngược ra sau. Cô ta phăm phăm bước đến, giáng vài cú tát như trời giáng vào mặt.
– Chủ nhân của mày không dạy nổi mày thì để tao dạy. Cái thứ vong ơn, ăn ở nhà tao mà hở ra là cãi thế hả.
Mỗi một câu nói, Vân Xuyên vả một cái vào gương mặt non nớt của Nhài. Miên Lam buông bát đũa trên tay xuống, lao đến kéo Vân Xuyên ra khuyên nhủ:
– Vân Xuyên, tha cho Nhài đi. Con bé ngây ngô lỡ miệng thôi mà.
Vân Xuyên khưng tay, ngoảnh lại nhìn chị mình, hằm hừ nói:
– Vậy được! Chị qua ăn hết xương cá đi, tôi sẽ tha cho nó.
Nhài khóc nức nở:
– Cô chủ, đừng ăn! Xương cá cứng vậy làm sao cô chủ ăn được.
Bình thường, cá mắm được làm từ những con cá nhỏ ướp muối thật mặn rồi phơi khô, cất đi ăn dần. Nhưng cá mắm lần này thì khác, được phơi từ con cá chắm trong ao nhà. Xương của nó to và cứng, bắt người ta ăn khác nào cố ý hành hạ họ.
Dù biết là vậy, nhưng vì muốn giúp Nhài tránh được những trận đòn roi, Miên Lam miễn cưỡng gật đầu:
– Để chị ăn!
Bàn tay buông nơi ra khỏi mái tóc đen nhánh của Nhài, khi Miên Lam bắt đầu bốc từng miếng xương lên nhai.
Đến mảnh xương vè to nhất cứng nhất thì Miên Lam dừng lại. Vân Xuyên thấy vậy bèn nói:
– Sao nào! Sao chị không ăn tiếp. Hay để tôi mách chuyện này với cha mẹ.
Miên Lam đặt mảnh xương cá xuống. Nhìn cô em gái bằng ánh mắt không mấy thiện cảm:
– Nếu em bỏ qua lần này, chị hứa sẽ không đi mách cha mẹ chuyện em trốn đi chơi ban đêm. Em nghĩ xem, nếu để cha mẹ và thiên hạ biết, tiểu thư nhà họ Thái lén lút ra ngoài đi chơi với đàn ông vào ban đêm, thì thử hỏi, mặt mũi nhà họ Thái biết để ở đâu.
Nét mặt của Vân Xuyên hốt hoảng, cánh tay khẳng khiu cùng đôi vai rung lên bần bật, chỉ tay vào Miên Lam tức muốn ứa máu, thốt chẳng thành câu:
– Chị..chị..dám..uy..hiếp…
Miên Lam đứng bật dậy, đi tới đẩy người hầu gái của Vân Xuyên ra, kéo tay Nhài dậy, phóng đôi mắt kiên định mà rằng:
– Tôi hôm kia chị trông thấy em lén ra khỏi nhà và chui qua hàng rào đi chơi với người lạ. Mà không chỉ duy nhất đêm đó thôi đâu nhỉ!
Vân Xuyên từ từ hạ cánh tay xuống, lảo đảo lùi về phía sau. Nữ người hầu thấy vậy vội chìa tay ra đỡ, cô ta nhìn Miên Lam, lẩm bẩm:” Chị..chị..chị..dám..”
Miên Lam phẩy tay áo:
– Chị dám sao không, cha mẹ có thể thương em, những lời dèm pha trong thiên hạ, liệu có lắng xuống.
Nói xong Miên Lam dìu Nhài đi lên nhà.
Vân Xuyên đứng thẳng người, tức giận nhảy cẫng lên hỏi:” Chị..chị định đi đâu thế hả? Chúng ta còn chưa nói chuyện xong kia mà.”
Miên Lam quay lại, nói:” Khi nãy em bảo chị ăn xong lên nhà lớn tìm cha mẹ. Dưới này nhiều muỗi lắm, một tiểu thư cành vàng lá ngọc như em không nên ở đây lâu.”
Vân Xuyên tức giận lắm, hận không thể đè đầu cưỡi cổ Miên Lam đánh đấm cho hả dạ. Nữ hầu bên cạnh Vân Xuyên, nhắc nhở:
– Tiểu thư, em đưa tiểu thư lên nhà trên. Ở đây ẩm thấp quá, lắm muỗi nhiều dĩn, làn da trắng hồng mịn màng của tiểu thư sẽ bị chúng cắn hút đấy.
Nghe con hầu nói đã muốn ngứa ngáy khắp người. Vân Xuyên trút giận bằng cách đá đổ giỏ thức ăn chưa kịp dọn của cái Nhài. Hậm hực ngúng nguẩy bước đi, làu bàu trong miệng:
– Chị cứ đợi đấy! Để tôi xem cha mẹ gả chị cho tên cặn bã nhà họ Ngô, tới lúc đó, chị muốn sống chẳng được, mà chế.t cũng không xong. Hừm!
Trên nhà, vợ chồng ông Nghê và Thị Đào đang ngồi ung dung uống nước trên chiếc bàn kê ở giữa nhà. Bên cạnh còn có một vị khách, phía sau bà ta còn có thêm một người hầu.
Thấy Miên Lam đến, Thị Đào tỏ thái độ khác hẳn thường ngày, đứng dậy đon đả bước tới nắm tay Miên Lam kéo vào ghế, dí vai cô ngồi xuống.
– Con gái, con tới rồi sao. Vào đây, vào đây ngồi uống nước cùng cha mẹ.
Miên Lam len lén vị khách vừa tới, cô nhận ra bà ta, chính là người đàn bà trong đoàn đưa ma cậu cả.