Ta thành thân với nam phụ thâm tình được bảy năm thì nữ chính trở lại.
Nàng ta cãi nhau với nam chính nên đứng dầm mưa trước cửa nhà ta.
“Mạnh ca, ta chẳng còn chỗ nào để đi nữa.”
Mạnh Hạc Thư – người chồng vẫn luôn hiền lành và điềm tĩnh của ta bỗng nổi giận: “Để ta đi tính sổ với hắn!”
Ngay cả đứa con trai Mạnh Bách bảy tuổi của ta cũng giơ nắm đấm lên: “Tiên nữ tỷ tỷ đừng khóc, chờ đệ lớn sẽ lấy tỷ mà.”
Bọn họ tranh nhau vỗ về nàng ta.
Ta muốn mua đồ ăn tươi nên lặn lội ra đến chỗ người ta đánh cá, nào ngờ gặp trận mưa to nên mắc kẹt trên thuyền.
Người chèo thuyền hét to với khách đứng trên bờ: “Còn ai đi Thanh Châu nữa không?”
Ta cúi đầu nhìn giỏ cá, vừa rồi chỉ mua ba con cá nên vẫn còn dư lại chút ít.
Ta đưa một lượng bạc cho người chèo thuyền rồi hỏi: “Một lượng bạc đủ đi tới đâu?”
1
“Một lượng à? Đến Thanh Châu vẫn còn dư ấy chứ.” Người chèo thuyền cười hỏi, “Phu nhân muốn tới Thanh Châu à?”
Ta gật đầu.
Người chèo thuyền lại nhìn ta, ánh mắt dấy lên nghi ngờ.
Ta mặc quần áo bình thường, cũng chẳng mang theo hành lý, thậm chí trên tay vẫn còn mang cái giỏ nhỏ chứa ba con cá vừa mua từ chỗ hắn.
“Phu nhân có muốn về nhà thu dọn hành lý không? Hay là chờ người nhà đi cùng?”
Ta suy nghĩ trong giây lát rồi mỉm cười lắc đầu: “Không đâu, chỉ mình ta thôi.”
Tuy người chèo thuyền thấy lạ nhưng nhận bạc rồi nên chẳng hỏi thêm gì nữa.
Thuyền dần trôi đi, sương mù trên sông hệt như bức vẽ mà Mạnh Hạc Thư treo trong phòng.
Nghe người chèo thuyền nói phải hai ngày mới tới được Thanh Châu.
Ta nghĩ đến nửa xâu tiền trong túi, rồi lại sờ soạng chiếc trâm ngọc bên hông… Đến lúc này ta mới nhận ra mình đã quá cẩu thả mất rồi.
Vốn là sáng nay Mạnh Hạc Thư nói muốn ăn món Song Bì Đao Ngư do ta làm, ngay cả con trai cũng dặn dò ta.
“Tối qua tiên nữ tỷ tỷ nói rằng tỷ ấy muốn ăn cá, mẹ nhớ mua bốn con nhé, cha một con, tiên nữ tỷ tỷ một con, Bách nhi một con, mẹ một con.”
Có trách thì phải trách gã chèo thuyền này, ai bảo hắn chỉ còn ba con cá chứ.
Chẳng biết bốn người phải chia thế nào nên ta mới phải chạy trốn thế này đây.
Nghĩ tới nghĩ lui, bụng ta bắt đầu gào lên.
Ta không mang theo lương khô, thế là lại tốn 15 đồng để mượn bếp nhỏ và mua một miếng đậu phụ.
Ta cũng định tiết kiệm chút ít rồi đấy, nhưng…
Con cá này thật là đáng thương quá mà!
Mổ bụng, cạo vây, chiên vàng rồi đổ nước sôi vào…
Một nồi canh thơm ngát sôi ùng ục trên bếp.
Khách khứa trên thuyền ngửi thấy hương thơm nên nhìn quanh: “Thơm quá đi.”
Đậu phụ hầm càng lâu càng ngon, cá hầm càng lâu càng ngọt.
Ta gắp đến miếng đậu phụ thứ ba thì người chèo thuyền không nhịn được mà nuốt nước bọt.
“Phu nhân nấu ăn tuyệt quá, làm sao mà canh có thể trắng như sữa bò như vậy?”
Ta chia cho hắn một chén, thế là hắn vui ra mặt.
Hắn ăn xong thì dùng bánh nướng vét sạch đáy chén, ta vừa cười vừa nghĩ: Chắc lát nữa chẳng cần phải rửa lại cái chén ấy đâu.
Ta dương dương tự đắc: “Tiếc là không có rau thơm, bằng không còn ngon hơn nữa.”
Có miếng ngon bỏ bụng nên người chèo thuyền cũng thân thiện hơn hẳn.
Ta biết hắn tên là Xuân Sinh, còn hắn thì biết ta họ Kiều.
“Phu nhân cãi nhau với chồng nên giận dỗi, muốn về nhà mẹ đẻ à?”
Không phải. Mạnh Hạc Thư rất ấm áp.
Chúng ta cưới nhau bảy năm nhưng chưa bao giờ xảy ra cãi vã, ai cũng thấy hai ta hạnh phúc vô cùng.
“Không phải là giận, là hòa ly.”
Xuân Sinh khó nén nổi tò mò: “Sao lại hòa ly? Vì tiền hay vì ai khác?”
Hỏi câu này khó quá.
Tại sao vậy nhỉ?
Hình như không phải vì tiền, mà cũng chẳng vì ai cả.
Vì nửa tháng trước Mạnh Hạc Thư che ô cho nàng ta?
Vì tối hôm qua Mạnh Bách tặng nàng ta chiếc trâm bạc?
Hay là vì hôm nay ta chỉ mua được ba con cá?
Hình như đều không phải…
À, ta nhớ ra rồi.
“Bởi vì một bát mì.” Ta vừa cầm bát canh cá vừa gật đầu chắc nịch, “Bát mì đó khiến ta cảm thấy những ngày tháng sau này chẳng còn ý nghĩa gì sất.”
“Chỉ vì một bát mì ư?”
Đúng thế, chỉ vì một bát mì trường thọ.
2
Nửa tháng trước, có một vị cô nương đến trước cửa nhà ta.
Cô nương ấy vừa khóc lóc vừa gõ cửa, trông hệt như bông hoa trắng muốt tơi tả trong cơn mưa rào.
“Mạnh ca, Ngọc Già thật sự không biết phải làm sao nữa.”
Mạnh Hạc Thư không có ở nhà, hắn đang chẩn bệnh cho người ta ở y quán.
Hắn là một vị đại phu rất có trách nhiệm, một khi đã bắt tay vào chữa bệnh thì sẽ không dễ gì bỏ dở, thậm chí đôi khi hắn còn quên ăn cả cơm mà ta mang tới.
Hôm đó ta ngã bệnh, ho khan suốt ba ngày mà chưa thấy đỡ.
Trên tay ta chi chít kim châm, có bệnh nhân nháy mắt mỉm cười với Mạnh Hạc Thư: “Vợ của Mạnh thần y mà cũng ngã bệnh ư?”
Mạnh Hạc Thư chỉ biết cười khổ.
“Vợ ta ham chơi, hôm qua chơi diều với Bách nhi nên cảm lạnh rồi.”
Bách nhi hấp tấp chạy vào rồi ôm lấy chân Mạnh Hạc Thư: “Cha ơi! Ngoài cửa có tỷ tỷ đẹp như tiên vậy đó! Tỷ ấy nói tỷ ấy tên là Ngọc Già…”
Nghe thấy cái tên đó, Mạnh Hạc Thư giật mình rồi sững sờ, suýt nữa là ghim ngân châm vào tay mình.
Bách nhi lo lắng lôi kéo hắn, hai cha con lảo đảo chạy ra khỏi y quán.
Chỉ còn một mình ta với cái tay đầy ngân châm, lúng túng đến mức đi cũng chẳng được mà ở cũng chẳng xong.
Không lâu sau, Mạnh Hạc Thư lại cầm theo ô vội vã chạy về.
Không phải là hắn nhớ tới đống châm trên tay ta, mà hắn phát hiện chìa khóa nhà vẫn còn ở chỗ ta.
“Ta có lỗi với A Kiều, nhưng tình thế cấp bách.”
Tình thế cấp bách ư? Hắn gấp gáp đến thế mà vẫn nhớ mang theo ô để che mưa cho nàng ta.
Thật ra việc đối xử tốt với Ngọc Già đã là thói quen của chồng ta rồi.
…