Ác Ý & Hoa Hồng

Chương 9



Khi vào hành lang tôi mới phát hiện giáo viên chủ nhiệm của tôi, lão Trần, đang đứng ở cạnh cửa.

Trán thầy lấm tấm mồ hôi, nhìn thấy tôi thì thở dài: “Biểu diễn mắc lỗi cũng không có gì to tát, sức khỏe quan trọng, mau theo ông nội đến bệnh viện đi.”

Vậy là thầy cũng biết.

Trong nháy mắt, tôi có ý muốn c/h/ế/t.

Ông nội dẫn tôi đến bệnh viện thành phố. Ông không biết nhiều chữ, chỉ theo sau lưng tôi trả tiền.

Ông khâu tiền trong lưng quần, mỗi lần lấy tiền phải vào WC tháo thắt lưng ra. Sợ tôi chờ mất kiên nhẫn, ông giải thích: “Người đông ăn trộm nhiều, đây là tiền khám bệnh cho con, một đồng ông cũng không thể để mất. Ông còn có thể kiếm tiền hơn 10 năm nữa, đây là bệnh viện lớn, bệnh của con chắc chắn sẽ chữa được.”

Bác sĩ yêu cầu làm rất nhiều xét nghiệm.

Trong lúc chờ kết quả, chúng tôi xuống căn tin bệnh viện ăn trưa.

Ông nội mua cho tôi hộp cơm sườn, xin một cốc nước sôi.

Chúng tôi ngồi trên ghế dài bên ngoài, ông lấy trong túi vải ra hai chiếc bánh ăn cùng với nước.

“Ở nhà ông làm nhiều quá, không thể bỏ phí được.”

Ông trả tiền khám bệnh cho tôi mấy trăm, cả ngàn tệ không chớp mắt nhưng lại không nỡ tiêu 10 tệ mua cho bản thân một hộp cơm nóng.

Tôi thật đáng c/h/ế/t.

Tôi đã quên mất lời hứa phải hiếu thảo với ông.

Bác sĩ nói kinh nguyệt của tôi không đều, kê thuốc cho tôi, dặn uống đúng giờ.

Khi ra khỏi bệnh viện thì trời đã tối. Ông nội lo cho đám gà vịt trong nhà nên vội vàng quay về.

Tôi đưa ông đi đón xe.

Trước khi lên xe, ông đưa tờ 100 tệ cuối cùng cho tôi: “Linh Linh, trời lạnh rồi, cầm đi mua đôi giày dày mà mang!”

Ông đứng ở bậc cửa xe, xoa đầu tôi.

“Nhớ phải ăn cơm đúng giờ, sức khỏe là quan trọng nhất rồi mới tới việc học hành.”

Quay về trường, có nam sinh cười bàn tán sau lưng tôi.

“Cô ta đó, người chảy máu trên sân khấu…”

12.

Đúng lúc quẫn bách, một giọng trong trẻo truyền tới: “Nói gì đấy, cậu không có mẹ, không có bà, không có chị em gái à?”

Là lớp trưởng Lưu Đồng.

Cô ấy quàng tay ôm vai tôi: “Đừng để ý tới họ, y như đám bà già nhiều chuyện, ăn nói thô tục.”

Đang giờ tự học buổi tối. Cô ấy nắm tay tôi vào lớp, mọi người cùng ngẩng lên nhìn. Sau khi liếc mắt nhìn tôi rồi lại cúi đầu, đọc sách, làm bài.

Không ai quan tâm hay an ủi tôi.

Nhưng đó là điều tôi muốn.

Tôi hy vọng mọi người sẽ quên mất sự việc kia, xem như chưa hề xảy ra.

Hết giờ tự học, cô giáo Anh văn gọi tôi lại, đưa tôi một túi đồ: “Cô với thầy Trần đi mua cho em, thầy ngại nên không đưa thẳng cho em mà nhờ cô ra mặt, em mang về ký túc xá đi. Sau này có bài nào không hiểu, có thể đến hỏi thầy cô.”

Trong túi là mấy bao băng vệ sinh to, có cả đường đỏ, táo đỏ, một hộp quần lót mới.

Đại đa số người trong trường đều lạnh nhạt, thờ ơ. Nhưng những ấm áp nhỏ nhoi này cũng đủ để tôi có can đảm tiếp tục tiến về phía trước.

Uống hết thuốc của bệnh viện thì cũng đến kỳ nghỉ đông. Tình trạng bệnh cũng không có chuyển biến gì tốt đẹp.

Ông nội giục bố mẹ nghỉ đông lại đưa tôi đi tái khám.

Mẹ cau mày: “Đi bệnh viện lớn cũng vô ích, còn có thể đi đâu nữa? Tết nhất mà tới bệnh viện thì xui xẻo lắm!”

Ông nội nói rồi lại mắng. Cuối cùng bố mẹ lấy ra 2000 tệ, nói: “Sau Tết ba dẫn nó đi khám lại đi.”

Tháng Giêng năm nay tiết trời ấm áp.

Ông nội không chịu ngồi yên, mới mùng 6 đã ra vườn rau cuốc đất.

Tôi đi theo giúp, nghe ông chợt “Ồ” lên.

“Sao vậy nội?”

“Con tới coi nè!”

Đó là gốc hồng đã bị đào lên. Tôi tưởng nó đã c/h/ế/t hẳn rồi, không ngờ một mầm cây màu đỏ mạnh mẽ từ đất chui lên.

Ánh mặt trời rực rỡ chiếu vào nó.

Nó đung đưa nhè nhẹ theo gió, thể hiện vẻ bền bỉ, đẹp đẽ của sinh mệnh.

Ông nội giơ cuốc lên định xúc nó đi. Nhưng rồi nửa chừng lại chuyển hướng, ông để nguyên mầm cây, chờ nó nở hoa sum suê.

Mùng 10, bố mẹ chân trước đưa em trai quay về nhà máy, chân sau ông nội dẫn tôi lên thành phố đi khám bệnh.

Ông rất vui vẻ.

“Năm trước bán một con heo, tiền bố con cho, cô con cho đủ để khám bệnh cho con.”

Đi khám ở một bệnh viện mới.

Bác sĩ nói chắc nịch: “Viêm vùng chậu, nhập viện trước đi đã.”

Ông nội đầy hy vọng: “Có thể trị khỏi không?”

“Có thể!”

Ông nội cười, mặt nhăn nheo, gật đầu liên tục: “Vậy tốt rồi, vậy tốt rồi!”

Bác sĩ kê rất nhiều xét nghiệm, rất nhiều loại thuốc. Tiền chi trả từng xấp từng xấp.

Tôi và ông nội ôm hy vọng tốt đẹp: Qua lần này, tôi có thể trở thành người bình thường.

Nhưng hiện thực thật tàn khốc.

Nhập viện ngày thứ 6, có người kéo tấm vải bố trắng đến gây ầm ĩ trong bệnh viện, bảo bác sĩ đền mạng cho con trai họ.

Chẳng mấy chốc, cảnh sát xuất hiện.

Hóa ra đây là bệnh viện tư*, nhưng lúc đó chúng tôi không hiểu.

(Chú thích: Nguyên gốc là bệnh viện Phủ Điền, viết tắt của tập hợp các bệnh viện thuộc thẩm quyền người Phủ Điền tỉnh Phúc Kiến, hầu hết bệnh viện này là bệnh viện tư chuyên về sinh lý nam – nữ, vô sinh, phẫu thuật thẩm mỹ…

Theo Baidu https://baike.baidu.com/item/%E8%8E%86%E7%94%B0%E7%B3%BB%E5%8C%BB%E9%99%A2/49806815)

Bệnh viện hỗn loạn.

Không thấy ông nội đâu.

Tôi tìm thấy ông ở trong phòng bác sĩ điều trị chính.

Một đám người nhà bệnh nhân kêu gào ầm ĩ đòi giải thích, ông nội ôm chặt chân bác sĩ.

Đèn huỳnh quang chói mắt, chiếu sáng mái đầu bạc loang lổ của ông.

Ông quỳ xuống cầu xin: “Trả tiền lại cho tôi, đó là tiền chữa bệnh cho cháu gái tôi. Cháu gái tôi mới 16 tuổi, bệnh con bé không thể chậm trễ được.”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner