Mỗi tuần ông sẽ lái xe suốt 3 tiếng đồng hồ để mang gà ác cho tôi. Nghiêm túc nhờ cô quản lý ký túc xá đưa cho tôi uống. Giữ ấm canh trong nồi cơm điện có thể uống trong hai ngày.
Nhưng cũng có những ký ức khiến người ta muốn xé bỏ chúng đi.
Tôi là đại diện môn Văn của lớp.
Thầy dạy Ngữ văn cao to, mập mạp thường nhân lúc không có người ôm ghì lấy tôi.
Ông ta nói: “Từ nhỏ em đã thiếu tình thương của cha, xem thầy như cha em đi.”
“Em xinh đẹp lại ngoan ngoãn như vậy, để cha thương em nào!”
Bạn thấy đấy. Người trưởng thành sõi đời đả kích chính xác vào một đứa trẻ choai choai.
Đúng thật là tôi không được cha mẹ yêu thương, ông ta dễ dàng nắm được điểm yếu mà uy hiếp tôi.
Chưa có ai dạy tôi về giới tính, tiết học về vệ sinh sinh lý, giáo viên còn bảo chúng tôi tự học.
Tôi khiếp đảm, tôi sợ hãi, cũng không dám mạnh mẽ cự tuyệt.
Sau đó vợ ông ta tìm đến trường, gọi tôi ra ngoài, tát tôi, mắng tôi là hồ ly tinh, quyến rũ chồng bà ta.
Tôi khóc lóc điện thoại cho mẹ.
Bà không tin tôi.
“Mày gầy như con khỉ, ai mà để ý tới mày? Dù gì thì tốt nghiệp cấp 2 xong mày cũng đi làm công, thôi thì tới lớp 9 rồi nghỉ học đi.”
4.
Nghỉ hè lớp 8, ông nội đến giúp cô chăm con. Bố mẹ không hỏi ông một tiếng, dắt tôi vào nhà máy.
Thật ra điểm số tôi luôn ở mức tốt. Nếu trong kỳ thi tôi không bị chảy máu quá nhiều thì có thể lọt vào top 10 của lớp. Nhưng bố mẹ không bao giờ quan tâm việc học hành của tôi, thậm chí không hỏi tôi thi cử thế nào.
Hồi tôi học tiểu học, có lần giáo viên hỏi: Lớn lên em muốn làm gì?
Tôi rất thực tế: “Theo bố đi làm công.”
Thật nực cười. Đó chính là mơ ước năm tôi 7-8 tuổi.
Tôi cứ ngỡ cuộc sống của mình cũng giống như cuộc sống của bố mẹ tôi, cũng như bao cô gái khác trong làng.
Nhưng dây chuyền lắp ráp hoàn toàn khác những gì tôi tưởng tượng.
Bố mẹ làm việc trong nhà máy may.
Tôi mới đến, được giao nhiệm vụ đơn giản nhất là cắt chỉ. Rất nhiều nhãn hiệu quần áo được các nhà máy gia công, dán nhãn. Có vài nhãn hiệu yêu cầu nghiêm ngặt, không được có chỉ thừa. Cắt chỉ một cái quần áo, nhận được ba xu.
Tay chân tôi chậm chạp, nhà máy cần nhanh chóng xuất hàng đi nên quản đốc liên tục thúc giục tôi. Mẹ đang may ống tay áo gần đó cũng quát tôi: “Mày làm nhanh lên, đang thêu hoa ở đó à?”
Trong xưởng có nhiều cặp vợ chồng cùng làm công. Họ dắt theo mấy đứa bé tầm 2-3 tuổi, những đứa bé đó cùng em trai chạy chơi điên cuồng ngoài phân xưởng.
Buổi tối chúng ngủ trên những tấm bìa cứng, đợi bố mẹ tan làm thì đưa về ký túc xá.
Ngày đó tôi tăng ca đến hơn 4 giờ sáng mới hoàn tất công việc được giao.
Cánh tay tôi tê cứng không nhấc lên nổi, ngón tay cũng cứng đờ.
Khi rời khỏi phân xưởng, trời đã tờ mờ sáng, thành phố đang thức giấc, mà tôi còn chưa đi vào giấc ngủ.
Chỉ ngủ không đầy ba tiếng đồng hồ đã bị bố mẹ gọi dậy đi làm.
Rất nhiều công nhân sẽ vì kế toán tính giờ công cãi nhau ầm ĩ. Tiếng máy móc ầm ầm, mồ hôi rơi ào ạt, bụi bặm bay mù mịt, giọng nói sắc nhọn của quản đốc xưởng.
Còn có… Máu dưới thân dường như không ngừng chảy.
Tất cả trộn lẫn vào nhau, tựa như dung nham dày đặc, nuốt chửng tôi từng tấc một.
Những ngày thế này, chỉ cần liếc mắt qua là có thể thấy đầy tuyệt vọng.
Chiều hôm đó, khách hàng đến khảo sát.
Quản đốc xưởng cúi đầu khom lưng tiếp đón.
Người dẫn đầu là một chị gái tầm 30 tuổi, trang điểm kỹ càng, mặc bộ vest màu xám nhạt, mang giày cao gót.
Khi đi ngang qua tôi, chị ấy dừng chân, hơi cúi xuống hỏi: “Bao lớn rồi?”
“18 ạ!”
Tôi mượn chứng minh nhân dân của người khác vào nhà máy làm việc nên không thể nói tuổi thật.
Trên đường đi vệ sinh, tôi thấy chị ấy đứng hút thuốc dưới một tán cây.
Thấy tôi ra ngoài, chị nhanh chóng tắt thuốc, nhướng mày với tôi: “Em còn chưa tới 15 tuổi phải không?”