5.
“Nghe chị khuyên một câu, nếu có thể thì đi học, bằng mọi giá cũng phải quay về đi học! Trước kia chị…” Giọng chị chậm lại, “Cũng từng làm việc ở xưởng!”
Chẳng mấy chốc, lãnh đạo nhà máy đã đến, chị ấy rời đi trên chiếc ô tô cao cấp bóng loáng.
Rất nhiều năm sau đó tôi mới biết, chiếc xe có hình bốn vòng tròn đó là xe Audi.
Hôm đó máy móc trong xưởng trục trặc nên hiếm hoi tôi được kết thúc công việc sớm.
Bố mẹ dẫn tôi và em trai bắt xe buýt đi lên phố đi bộ tham quan.
Mẹ tôi to tiếng cãi nhau với người bán vé, khăng khăng nói tôi mới học tiểu học, không chịu mua vé xe.
Người trong xe đều nhìn chúng tôi, tôi hận không thể tìm một cái lỗ chui xuống, kéo tay áo mẹ: “Mẹ, con tự đi được không? Con cũng sắp được trả lương rồi.”
Sau đó bà mắng tôi suốt quãng đường đi, mắng tôi phá của phí tiền, mắng tôi ngu dốt, mắng tôi không nghe lời.
Một nỗi sợ sâu sắc bao trùm lấy tôi vào giây phút đó.
Nếu tôi tiếp tục ở lại đây, 5 năm, 10 năm, 20 năm sau, tôi sẽ trở nên giống bà ấy sao?
Sau khi xuống xe, tôi nói với bố mẹ: “Con muốn quay về học tiếp. Con muốn học cấp 3, con muốn thi đại học!”
Tiết trời cuối tháng 8 vô cùng oi bức.
Mẹ kéo em trai không nghe lời, đổ ập xuống một trận mắng mỏ:
“Mày nóng hỏng đầu rồi à? Mày không tự nhìn lại xem thân thể mình thế nào, cái thứ ba ngày thì hết hai ngày bệnh tật như mày sao có tinh thần học hành! Mày nên từ bỏ ý định đó càng sớm càng tốt!”
Không bỏ được.
Ý nghĩ đó một khi đã sinh ra thì như bèo lan rộng trên ruộng nước mùa hè, trong nháy mắt đã lan tràn, không thể nào chặt bỏ.
Còn ba ngày là đến khai giảng.
Bố mẹ rất tức giận, vứt tôi lại một mình ở phố đi bộ, họ bắt xe quay về.
Tôi không có tiền nên cứ đi bộ quay về.
Rất khát.
Miệng bong một lớp da.
Rất đói.
Bụng như đang gõ trống.
Rất mệt.
Máu lại như đang chảy ra, tôi không rảnh để lo.
Hoàng hôn tắt, bóng tối sầm sập kéo đến.
Con đường nơi xứ lạ này tựa hồ không có điểm cuối.
Từ bỏ đi.
Xin tha thứ đi.
Vì một chút tình thương của cha mẹ.
Vì một miếng nước một bữa cơm.
Ngay khi tôi gần tuyệt vọng, cuối tầm mắt xuất hiện một bóng dáng nhỏ bé thân thuộc.
Tôi ngỡ mình nhìn nhầm nên dụi mạnh mắt.
Bóng dáng kia chạy như bay về phía tôi, gọi to: “Linh Linh…”
6.
Là ông nội.
Đúng là ông nội rồi!
Đầu tóc ông rối bù, mặt mày lấm lem bụi đất, dép lê dưới chân chiếc còn chiếc mất, chiếc túi phân u-rê trên lưng rơi cũng không buồn nhặt.
Ông cứ thế chạy như bay tới bên cạnh tôi, đỡ lấy tôi đang yếu ớt: “Linh Linh, cuối cùng cũng tìm được con!”
Ông chỉ nhận diện được có vài chữ.
Nơi xa nhất ông từng đến là huyện thành.
Ông chưa từng ngồi xe lửa, ông không biết nói tiếng phổ thông.
Nhưng chính ông như thế.
Một mình lên đường, vượt qua hơn 500km, đi dép lê, vác túi đựng phân u-rê trên lưng, giữa mênh mang biển người, vớt lấy tôi.
Vớt lấy tôi đã gần c/h/ế/t đuối.
Ông nội dẫn tôi đi ăn mì.
Ông chỉ gọi một bát.
“Con ăn đi, ông không đói.”
Tôi ăn được một nửa thì buông đũa: “Nội, con không ăn nổi.”
Ông kéo bát qua, gắp mấy đũa là hết bát, húp không chừa giọt nước lèo nào: “Không được lãng phí đồ ăn.”
Ông cãi với bố mẹ một trận to.
Cuối cùng ông buông lời: “Tụi bây không có tiền, tao bỏ ra. Chỉ cần tao còn sống một ngày, Linh Linh sẽ được đi học một ngày!”
Sau khi đi xe lửa về nhà, ngày hôm sau ông nội vác cuốc đưa tôi đến trường.
Trước khi đi, ông uống nửa ly rượu trắng.
Tôi tưởng ông mang cuốc vào thị trấn để đánh bóng nó.
Không ngờ ông lại gọi giáo viên Văn ra ngoài. Dưới gốc long não lớn trong sân thể dục, ông cụ cao 1.65 mét không sợ hãi giơ cao cuốc với giáo viên Văn cao 1 mét 8 mấy.
“Sau này ông còn dám chạm vào cháu gái tôi thì tôi một cuốc đào c/h/ế/t ông! Đào ông, rồi đào cả thằng con trai 8 tuổi của ông! Tôi đã bước nửa người xuống mồ, tôi chả có gì để sợ!”
…
Tròng mắt ông đỏ bừng, bên trong đầy sát ý.
Như một ác ma không muốn sống.
Lại như
Thiên sứ bảo vệ tôi.
Giáo viên Văn mặt tái nhợt, liên tục hứa không dám nữa.
Ông nội thu cuốc, vác lên vai.
Ông lại biến về thành ông cụ nhỏ gầy.
Tôi tiễn ông ra đến cổng trường. Ông quay lại nói với tôi: “Sau này hắn còn dám ức hiếp con, con nói cho ông, ông nội bảo vệ con!”
Tôi gật đầu nặng nề, cố gắng không để rơi nước mắt.
Nhưng giáo viên Văn thực sự sợ hãi, từ đó về sau thấy tôi là tránh xa, đại diện môn cũng đổi thành một nam sinh.
Ngoài mỗi tuần đưa gà ác cho tôi, ông nội lại tìm bài thuốc dân gian ở khắp nơi. Ông đun thuốc rồi rót vào cà mèn, đạp xe hơn một tiếng đồng hồ, mang đến cho tôi uống.