Hà Thanh Hải Yến

Chương 4



7

Xung quanh hỗn loạn.

Dường như một đã ngủ một giấc lâu thật lâu, quanh mũi thoang thoảng đầy mùi thuốc sát trùng, khóe môi mát lạnh như đã hết sưng tấy.

Tay phải tôi được một bàn tay ấm áp nhẹ nhàng nắm lấy, không hiểu sao lại có thêm vài phần thương tiếc.

Bên tai là tiếng nam nữ trò chuyện khe khẽ.

“Ranh con, con bé ngất xỉu hết một nửa là bị con dọa rồi.” Giọng nữ mang theo ý trách cứ.

“Con còn oan hơn cả Đậu Nga nữa.” Giọng nam uể oải lười biếng đáp lại.

“Oan cái gì mà oan? Vừa nãy bác sĩ nói thế nào, sốt cao, cảm xúc kích động, suy dinh dưỡng lâu ngày nên tụt huyết áp, hai vế trước dám nói không liên quan đến con? Người ta sốt sắp ngu người rồi con còn kéo tới kéo lui.” Giọng nữ ban đầu còn dịu dàng lúc này đã nâng cao lên quãng tám.

Như thể quá tức giận, lòng bàn tay tôi giật giật một cái, người phụ nữ đứng dậy vỗ mạnh lên người thanh niên.

“Shh.” Thanh niên giả vờ kêu đau.

Sau đó hơi thở quen thuộc tiến lại gần, bàn tay phải của tôi lại được vững vàng nâng lên.

“Vừa nãy mẹ mới thay quần áo bệnh nhân cho con bé, người thì gầy tong teo lại toàn vết xanh tím bầm dập, không có chỗ nào lành lặn.” Giọng nói bên tai dừng lại, có chút nghẹn ngào, “Con bé rốt cuộc có tội tình gì.”

Giọng nói hờ hững của thanh niên hơi thu lại, thêm vào mấy phần sắc bén. “Mẹ nó, Đường Thế Quốc đúng là lão súc sinh, đến con gái ruột mà cũng ra tay độc ác thế này. Sớm biết vậy ngày hôm đó đã đánh chết lão luôn rồi.”

“Chu Hải Yến! Con bình tĩnh lại đi được không?”

Dường như cả hai đã chạm phải vùng cấm của nhau, sau đó không còn ai nói thêm gì nữa. Nhất thời trong phòng bệnh im lặng đến mức đáng sợ.

Nước thuốc lạnh lẽo từ ống kim truyền vào mu bàn tay phải, dần dần dung nhập vào cơ thể tôi.

Hóa ra hắn tên là Chu Hải Yến.

Giữa cơn mơ hồ, tôi chợt nghĩ đến một từ: Hà thanh hải yến (Thiên hạ thái bình).

“Hà thanh hải yến, thời hòa tuế phong, quốc thái dân an.” Cô giáo Lý từng khen tên tôi nghe rất hay.

Chu Hải Yến, tên của hắn cũng hay. Cha mẹ hắn nhất định là rất yêu thương hắn.

Ngày tôi sinh ra, mẹ nói cha đặt tên cho tôi, ông ấy mất kiên nhẫn chỉ tay ra con sông nhỏ ngoài bờ ruộng, nói nước ngoài đó khá trong nên gọi là Đường Hà Thanh. Mẹ tôi cứ thế đồng ý theo.

Mãi đến khi gặp cô giáo Lý, nghe cô giải thích xong tôi mới biết hóa ra một gốc cỏ dại cũng có thể nở hoa.

Âm thanh bên tai tôi dần trở nên mông lung. Dưới tác dụng của thuốc, tôi lại ngủ thiếp đi.

Lần tỉnh dậy tiếp theo đã là buổi chiều.

“Phụ huynh xin hãy ấn chặt thêm một chút để cầm máu.”

Lọ thuốc cuối cùng đã truyền xong. Y tá rút kim ra rồi gật đầu chào người thanh niên bên cạnh.

Chu Hải Yến tùy tay kéo một cái ghế ra ngồi xuống, ngón tay thô ráp ấn miếng băng gạc trên mu bàn tay tôi, lực đạo vừa phải không nhẹ không nặng.

Tôi rụt tay lại muốn nói tự mình có thể làm được, nhưng khi mở miệng, cổ họng tôi vẫn khô khốc, giọng khàn khàn nghe như vịt chết.

Hắn đè tay tôi lại, rót một cốc nước trên tủ đầu giường đưa qua. “Em nghỉ ngơi thêm một lát đi, cổ họng sắp nổ đến nơi rồi kìa.”

“…”

Không thể phản bác.

Tôi nhận nước bằng tay trái nhấp một ngụm, độ ấm vừa phải, còn rất ngọt. Là nước đường.

Tôi chậm rãi chớp mắt, ngậm nước đường trong miệng một lúc lâu mới nuốt xuống.

Trong phòng chỉ có tôi và hắn, chúng tôi không biết phải nói gì với nhau, tôi đành cúi đầu từ từ uống nước đường.

Một lát sau, thanh niên thấy thời gian đã đủ bèn buông tay ra. “Để tôi đưa em đi chụp phim kiểm tra tai luôn.”

Tôi trợn mắt lắc đầu theo bản năng.

Không cần.

Số tiền tôi tiết kiệm được miễn cưỡng chỉ đủ trả tiền viện phí và truyền dịch, chi phí khám bệnh kiểm tra quá mắc, tôi không trả nổi.

Cổ họng tôi mất tiếng hơn nửa ngày, hai người cứ thế mắt to trừng mắt nhỏ. Một lúc sau tôi mới nhớ ra, bèn vừa khoa tay múa chân sử dụng ngôn ngữ kí hiệu vừa dùng khẩu hình, chỉ sợ hắn không hiểu.

Kết quả hắn suy nghĩ cả buổi rồi nhíu mày: “Gì thế, em diễn kịch câm à? Ú ớ cái gì xem không hiểu.”

Tôi sốt ruột bèn chà xát ngón trỏ và ngón cái vào nhau, chỉ vào chính mình, xua xua tay rồi chỉ ngược về phía hắn. Thế này chắc là đủ rõ ràng rồi, tôi nói mình không có tiền đưa cho hắn nộp viện phí.

Thấy hắn ra vẻ bừng tỉnh đại ngộ, tôi thở phào.

Hắn: “Em nói muốn tặng trái tim cho tôi? Sau đó không muốn tặng nữa?”

Tôi đứng hình, nghẹn họng không thở nổi.

Năng lực lý giải của hắn thật quá đáng.

“Được rồi được rồi, ranh con đừng có trêu em nữa.”

Cánh cửa bị đẩy ra, giọng nữ quen thuộc truyền vào phòng, là mẹ của Chu Hải Yến.

Sáng hôm đó quá hoảng loạn nên tôi không có dịp quan sát kỹ, ngũ quan của hai người nhìn qua khá giống nhau, nhưng khí chất người phụ nữ thì dịu dàng và duyên dáng, không hung dữ như Chu Hải Yến.

Bà tức giận đẩy Chu Hải Yến ra khỏi ghế ngồi.

Trêu tôi?

Tôi nhân cơ hội lén quan sát hắn để xác nhận. Thanh niên dời ánh mắt, giơ tay sờ sờ mũi.

“…”

Cái gì, hắn trêu tôi thật sao.

Dì Chu đặt hộp giữ nhiệt lên bàn, mở ra. Mùi cháo thơm ngát nháy mắt bao trùm khắp căn phòng bệnh.

Bà vừa sờ trán tôi vừa cười nói: “Nào, vừa hạ sốt xong nên ăn cái gì nhẹ bụng thôi, chờ khỏe hơn rồi hãy ăn thịt cá.”

Tôi nhìn bát cháo trắng mềm nhuyễn trước mặt, nuốt nước miếng lắc đầu tạ lỗi.

Tôi không có thứ gì để báo đáp ân tình của bọn họ, tôi không có bất cứ thứ gì để cho ai.

“Cả một ngày trời không ăn uống gì sao được? Ngoan, nghe lời.”

Tôi cúi đầu vân vê tay, không đáp tiếng nào.

Bà thở dài, quay dầu vỗ mạnh lên lưng Chu Hải Yến một cái, cất giọng lớn đến mức làm tôi giật mình.

“Tất cả là lỗi của con, lại dọa con bé rồi đúng không.”

“…”

Chu Hải Yến ngơ ngác không nói nên lời.

“Rồi rồi rồi, là lỗi của con, lỗi của con hết. Số nồi con đội trên đầu lấy ra xào rau còn được.”

“Em ấy không chịu ăn là mẹ không để con yên đúng không.”

Dì Chu bĩu môi ra hiệu cho tôi. “Thanh Thanh, dì đánh nó rồi đấy.”

Chu Hải Yến xì một tiếng, sau đó bưng bát cháo lên khuất khuấy, cúi người tiến lại gần tôi. Giọng nói sắc bén của hắn mang theo vài phần cầu xin tội nghiệp.

“Bà trời con, em mau ăn đi. Hai chúng ta không thù không oán, thấy tôi bị đánh em có vui không?”

“…”

Tôi không khỏi cười to thành tiếng, bèn nhận bát cháo từ từ ăn.

“Ăn chậm thôi, không cần vội.”

Có thể là do cháo quá nóng, nóng đến mức làm hốc mắt tôi nóng rực, nước mắt theo hai má chảy xuống khóe miệng mặn chát. Tôi cố gắng kìm lại, nhưng dù cố thế nào vẫn kìm không xong.

Làm sao tôi không hay biết lòng quan tâm của bọn họ được, hàng xóm nhà tôi mỗi lần dỗ đứa nhỏ bốn tuổi ăn cơm luôn luôn dùng cách tương tự thế này.

Nhưng tôi đã sớm không còn là trẻ con nữa rồi. Mà cho dù ở thời điểm tôi còn nhỏ, mẹ cũng không bao giờ phải dỗ dành tôi như vậy.

Cha tôi ghét con gái nên không cho tôi ngồi lên bàn cùng ăn, trước nay tôi toàn tự gắp đồ ăn vào chén rồi rúc vào một góc. Chỉ cần tôi gắp nhiều thêm một miếng thịt, đôi đũa của ông ấy lập tức khẽ vào tay mắng tôi tham ăn ích kỷ; cơm bới nhiều thêm một chút cha tôi sẽ cho một bạt tai, nói tôi hết ăn lại nằm.

Mỗi lần tôi ăn cơm đều là ăn vội ăn vàng, sợ rằng mình ăn chậm một chút thôi thì cái chén trên tay sẽ bị cha hất vỡ, không còn gì mà ăn.

Trước kia mẹ tôi thường xuyên khoe khoang tôi với hàng xóm, nói rằng từ nhỏ đã không cần lo lắng tôi bị kén ăn, thứ gì cũng ăn được y như con heo con.

Bà ấy chỉ luôn nhìn những thứ bản thân muốn nhìn mà thôi.

Nước mắt tựa như chuỗi hạt trân châu bị đứt dây, liên tục tuôn rơi không giữ nổi. Tôi sợ hai người họ phát hiện ra bèn vội vàng cúi đầu, chỉ thiếu nước cắm thẳng mặt vào bát cháo.

Lâu nay tôi không phải là đứa thích khóc nhè.

Thanh niên cầm một túi khăn giấy mà không dám đưa cho tôi, hắn nuốt khan một cái, do dự nói. “Mẹ, hay là do mẹ nấu cháo không ngon.”

“…”


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner