Lá Thư Từ Quá Khứ

Chương 1



01.

Tạ Uyên qua đời vào một mùa hè năm anh ấy 23 tuổi.

Năm ấy tiếng ve kêu ồn ã hơn mọi năm.

Hôm đó trời vừa nóng vừa ẩm, trong không khí nhớp nháp sự ẩm ướt như muốn đổ cơn mưa.

Tôi vén tấm vải trắng lên, bên ngoài sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước.

Sắc mặt Tạ Uyên tái nhợt, đôi môi anh tím tái còn hai mắt nhắm chặt lại.

Tay tôi run run cầm dao phẫu thuật nhưng tuyệt nhiên không rơi một giọt nước mắt.

Tôi cắn môi, giơ con dao lên và hoàn thành công việc của mình.

Đây là tử thi đầu tiên mà tôi khám nghiệm kể từ khi làm bác sĩ pháp y và đây cũng là năm đầu tiên Tạ Uyên làm cảnh sát.

02.

Tôi và Tạ Uyên là thanh mai trúc mã, hai nhà chúng tôi sống trong cùng một con ngõ nhỏ.

Nhà tôi ở đầu ngõ còn nhà anh ở cuối ngõ.

Tôi không có cha còn anh ấy không có mẹ. Chúng tôi là hai đứa trẻ đáng thương nhất ở con ngõ đó.

Vùng Giang Nam hay có mưa phùn, mưa vô tình làm ướt vai áo.

Tạ Uyên lười biếng lắm, anh ấy thường hay quên mang theo ô. Khi đi ngang qua nhà tôi, anh ấy hay nói: “Châu Dư Vãn, đưa tớ đi cùng với.”

Tôi cầm chiếc ô làm từ giấy dầu mà mẹ đưa cho tôi để che cơn mưa phùn khỏi hắt lên người Tạ Uyên, mặc dù hơn nửa chiếc ô gần như nghiêng về phía người tôi.

Khi đến trường, nửa người của Tạ Uyên gần như ướt sũng, anh ấy cứ làm như chẳng có gì mà rũ hết nước mưa trên người rồi sau đó quay lưng chạy thẳng vào tòa giảng đường.

Anh ấy vừa chạy, vừa quay lại nhìn tôi cười: “Châu Dư Vãn, cậu mà còn không chạy thì không kịp vào lớp đâu đấy.”

Đôi mắt to tròn sáng ngời như chứa đựng một tầng ánh sáng, khi anh cười thì lộ ra hàm răng trắng sáng và đều tăm tắp, thần thái vô cùng tươi trẻ và tự nhiên.

Tạ Uyên bằng tuổi tôi, có lẽ là do duyên số, chúng tôi học cùng nhau từ tiểu học, cấp hai cho đến cấp ba, thậm chí đến cả lớp học thêm.

Ước mơ của tôi là muốn làm bác sĩ pháp y, còn anh ấy thì muốn trở thành cảnh sát.

Sau kỳ thi đại học, chúng tôi lần lượt đậu vào Đại học Y và Học viện Cảnh sát đúng như nguyện vọng của mình.

Năm đầu đại học, chúng tôi lén lút đi xem concert với nhau, khi bầu không khí sôi động lên đến cao trào nhất thì anh ấy lấy ra một bó hoa và tỏ tình với tôi. Chúng tôi ở bên nhau rồi.

Năm cuối đại học, chúng tôi cùng nhau ra biển ngắm bình minh. Lúc trời mặt trời sắp lên thì anh ấy cầu hôn tôi.

Anh nói: “Dù là giữa đám đông ồn ào náo nhiệt hay giữa khoảng không tĩnh lặng, mỗi khi anh nhìn em thì anh luôn có thể nghe rõ được tiếng nhịp tim mình đập thình thịch thình thịch. Anh chắc chắn rằng một điều rằng anh yêu em.”

Chúng tôi đã hẹn với nhau rồi, tốt nghiệp xong thì sẽ kết hôn. Tôi còn tưởng rằng chúng tôi sẽ mãi mãi bên nhau.

03.

“Vãn Vãn, đưa tớ đi cùng với.”

Không biết bao nhiêu đêm tôi đã nằm mơ thấy câu nói này.

Nghe được những lời này, tôi muốn vươn tay ra nắm chặt lấy tay của Tạ Uyên nhưng không cách nào kéo anh trở về được.

Anh từ từ rơi xuống, ngày càng xa tôi.

Năm nay là năm thứ sáu kể từ ngày Tạ Uyển rời xa tôi, cũng giống như mọi năm, tôi trở lại thị trấn quê nhà vào lễ Thanh Minh.

Cơn mưa của tiết Thanh Minh luôn mang theo nỗi buồn của sự chia ly, Tạ Uyên của tuổi 23 đã vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang.

Thật ra thì dưới nấm mồ này chỉ có bộ cảnh phục của anh mà thôi, mọi người thể theo tâm nguyện của anh lúc còn sống rằng sau khi qua đời anh sẽ hiến toàn bộ thân xác cho việc nghiên cứu y học.

Tôi cầm ô đứng ở trước cửa nhà, nhìn con ngõ dài trong cơn mưa, đợi người thiếu niên tên Tạ Uyên đi ngang qua và nói: “Châu Dư Vãn, đưa tớ đi cùng với.”

Tôi đợi cả một ngày, cuối cùng vẫn là không đợi được gì cả.

Hòm thư trước cửa nhà đã rỉ sét, lòi ra một góc phong thư.

Mở hòm thư, tôi lấy ra một phong thư.

Trong thư chỉ có một câu ngắn gọn.

[Châu Dư Vãn, chúng ta đã ở bên nhau rồi à?]

Ký tên: Tạ Uyên, ngày 5 tháng 6 năm 2014.

Nét chữ trên lá thư đầy tự tin và phóng khoáng, là nét chữ của Tạ Uyên.

Tim tôi đập nhanh vô cùng, đây là bức thư là Tạ Uyên đã gửi từ mười năm trước.

Bên ngoài phong thư có ghi vài chữ: Bưu điện Thời Không.

Tôi cầm phong thư và cứ lững thững đi về phía trước trong vô định mất một lúc lâu. Đột nhiên tôi quay đầu lại nhìn thì phía sau mình xuất hiện một cửa tiệm.

Cửa gỗ màu trắng được trang trí theo phong cách rất văn nghệ. Trên cửa treo một tấm bảng gỗ nhỏ, trên tấm bảng gỗ khắc bốn chữ: Bưu điện Thời Không.

“Bức thư này có phải được gửi đi từ tiệm của cô không?”

Nhân viên trong tiệm trông rất trẻ trung, giống như một cô gái mới vừa mười tám tuổi: “Đúng rồi, cô muốn trả lời thư sao?”

Tôi chọn một tờ giấy để viết thư, suy nghĩ kỹ một lúc rồi viết xuống: “Phải.”

“Cô muốn gửi lá thư này đến năm nào vậy?”

“Năm 2014.”

Ý thức của tôi đột nhiên dừng lại, hai mắt mờ đi rồi tôi ngã xuống đất.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner