3
Năm Cảnh Thọ thứ mười ba, tháng tám.
Trên triều đình đảng phái phân tranh không ngớt, bởi vì chính sự được mất, Tể chấp (*) Thái Chương đã bị Cảnh đế cách chức.
(*) Tể tướng và phó tể tướng, Xu mật sứ, Tri xu mật viện sự, Xu mật phó sứ, Đồng tri xu mật viện sự, Thiêm thư xu mật viện sự, Đồng thiêm thư xu mật viện sự; được gọi chung là Tể chấp.
Thái tử xưa giờ vẫn luôn thuận theo ấy mà hôm nay chẳng biết đã đụng phải dây thần kinh nào, dám phản bác lại Cảnh đế ngay trước mặt văn võ bá quan: “Xưa giờ Tể chấp vẫn luôn dùng lời ngay lẽ thẳng khiến người khác tâm phục khẩu phục, nay phụ hoàng lại bởi vì ông ấy nói quá thẳng mà vứt bỏ trung thần! Nếu người trong thiên hạ biết thì sẽ nói thế nào đây?”
Cảnh đế tức giận nói: “Vậy thì cứ để thiên hạ phê bình trẫm, để lại hiền danh cho thái tử và Tể chấp lưu danh sách sử được chưa?!”
Thái tử lập tức quỳ xuống, mồ hôi lạnh đầm đìa.
Không lâu sau thái tử bị cầm tù ở Đông Cung.
Ta mài mực cho thái tôn trong thư phòng, nghe thấy hắn cười lạnh một tiếng rồi nói với cậu mình là Trần Yến của phủ Bình Tây tướng quân: “Tổ phụ ghét nhất là hoàng tử kết bè kéo cánh, thế mà một thái tử như ông ta, ngày thường cũng chẳng thâm giao gì với Thái Chương mà lần này lại đi sờ vào vảy ngược của tổ phụ, bị người khác xúi giục tới nỗi này, đúng là dốt như heo lợn!”
Thái tôn nghị sự với cậu mình, ta mài mực xong chẳng có gì làm, cả người buồn tới phát chán, chỉ đành ngồi xổm dưới chân bàn nhặt vụn điểm tâm rơi trên mặt đất ăn.
Nhặt hết vụn điểm tâm xong, ta chống cằm ngồi một lúc vẫn không hết chán, cuối cùng bèn giơ tay giật nhẹ ống tay áo của thái tôn.
Sau đó có một bàn tay chạm vào đầu ta rồi xoa nhẹ. Ta ngẩng đầu lên thì thấy thái tôn đang cúi đầu nhìn mình, đôi mắt đen kịt che giấu vài vệt sáng mờ nhạt: “Đi ra ngoài chơi đi.”
Giọng nói của thái tôn rất nhẹ nhàng, ta bỗng tỉnh táo cả người, lập tức bò dậy chạy biến ra ngoài trước ánh mắt kinh ngạc của ông cậu.
Ta chạy thẳng một đường tới lãnh cung, hàn huyên với Quế Hoa ma ma và mọi người một hồi, tiếp đó lại gội đầu chải tóc cho mấy lão ma ma đã rất già yếu. Cuối cùng lúc về ta cõng một cái giỏ không ở sau lưng.
Ma ma hỏi ta đi đâu, ta chỉ vào hướng tây của lối giữa, đoạn nói: “Hồ Thái Dịch, hái đài sen.”
Ma ma nói: “Chớ có chạy lung tung, chỗ này bây giờ hỗn loạn lắm! Sau tết trung thu năm ngoái, cái thằng thái giám già Lưu Xuân kia mất tăm mất tích, cũng chẳng biết có phải rơi vào hồ c h ế t đuối rồi không nữa.”
Ta vẫy tay với ma ma: “Ma ma đừng làm con sợ, người quên là năm nào con cũng đi hồ Thái Dịch hái đài sen à? Với lại con biết bơi mà, chìm cũng không c h ế t được.”
Mặt tây của hồ Thái Dịch nằm trong ngự uyển của hoàng cung, đi dọc từ Tây Lục Viện rồi hướng về phía Khu Vạn Sinh là đến.
Hồ nước mênh mông, liễu rủ tha thướt.
Mùa sen tỏa hương thơm nức, nhưng trong đầu ta chỉ toàn nghĩ ngợi rằng ắt phải hái thêm nhiều đài sen chút, còn đủ chia cho Ngọc Xuân cô cô và mọi người.
Mấy năm rồi đi hái đài sen, ngoài ăn sống thì Ngọc Xuân cô cô còn mang đi nấu canh. Bà ấy nói đài sen tươi non, thêm chút đường phèn vào để nấu canh thì khi uống sẽ khiến tinh thần sảng khoái cực kỳ, rất phù hợp với thái tôn.
Vừa nghe câu phù hợp với thái tôn thì đột nhiên ta hăng hái cực kỳ. Chỉ không ngờ rằng mới đi được nửa đường lại gặp phải Tần ma ma trong cung của Trương quý phi.
Tần ma ma đối xử với mọi người rất hòa nhã, tuy bà ấy đã đi theo quý phi rất lâu nhưng xưa nay lại chưa từng phách lối kiêu ngạo.
Ấn tượng của ta với bà ấy luôn rất tốt. Nhưng lần này lời nói cử chỉ của bà ấy lại có phần kỳ lạ, đầu tiên là hỏi ta làm việc ở Cung Trọng Hoa có ổn không, rồi lại hỏi ta sao không muốn đến Cung Chiêu Thuần của quý phi hầu hạ.
Đến cuối bà ấy còn nói: “Nghe nói gần đây ở lối giữa có một bà già họ Khương mắc phải bệnh kiết lỵ, không được cứu chữa nên đã c h ế t. Các ma ma đã lớn tuổi cả rồi, họ vất vả nuôi con lớn như bây giờ, con có muốn bọn họ sống tốt hơn một chút không?”
Ta thành thật gật đầu: “Muốn!”
Tần ma ma rất hài lòng, bà ấy vừa định nói tiếp thì ta đã nói trước: “Nhưng họ đang sống rất tốt mà, ta thường xuyên mang đồ ăn thức uống cho họ, thái tôn điện hạ là người tốt, đối xử với A Ôn tốt cực kỳ. Quế Hoa ma ma nói Khương ma ma c h ế t không phải do bệnh kiết lỵ, bà ấy c h ế t vì tuổi tác đã cao thôi. Con người ai rồi cũng sẽ có một ngày như vậy, bà ấy còn nói Khương ma ma là người có phúc, được c h ế t già trong yên lành. Người tốt mới có thể c h ế t yên lành như vậy, thế nên đã là người thì không được làm chuyện xấu xa, vì làm người xấu thì sẽ bị sét đánh c h ế t.”
Tần ma ma biến sắc, ta không hề nhận ra, vẫn cứ thế nói tiếp: “Thái tôn điện hạ là người tốt, cho nên hắn nhất định sẽ sống lâu trăm tuổi, A Ôn cũng là người tốt, có thể sống tới chín mươi chín đấy.”
….