Khi quay vào làng, thím Mười nói với chú Công:
– Hôm nay mưa quá, anh về thay quần áo kẻo nhiễm lạnh. Hôm khác người ta bù cho nhé! Hì hì…
Chú Công ậm ừ, vỗ mông thím Mười “ đét” cái, bóp nhẹ, cười hề hề nham nhở nói:
– Đằng ấy cũng vậy nhé! À mà, ngày mai nhớ kho cho anh nồi cá với khế chua, đừng quên bỏ chút tương bần cho thơm. Xong nhớ mang sang đấy nhé.
Hề..hề…hề…
Thím Mười bĩu môi, lườm yêu gã tình nhân rồi nói:
– Người ta nhớ rồi. Khiếp, đằng ấy ăn không thế.
– Chả khôn thì không à. Cá kho tương bần mà cộng thêm khế chua của em nấu, thì là nhất đất.
Thím Mười không còn bận tâm đến những việc mình vừa làm đối với mẹ chồng, chỉ thấy thím Mười cười híp mắt khi được gã nhân tình khen tay nghề nấu ăn của mình ngon. Thím Mười bấu vào vạt áo ướt sũng trên người chú Công, giật nhẹ, mỉm cười e thẹn hai mắt còn chớp chớp đong đưa nói:
– Thấy ghét! Rõ đang nịnh người ta đây mà.
Chú Công nắm đôi tay dầm mưa lạnh ngắt của thím Mười, xong nói:
– Mưa to quá, thôi chúng ta về nhà đã Thuỷ nhé. Có gì ngày mai tính sau.
Thím Mười không lỡ rời xa chú Công, song vẫn miễn cưỡng đáp:
– Vâng!
Họ chia tay nhau, mỗi người rẽ sang một hướng khác nhau. Suốt quãng đường về nhà còn lại, thím Mười đã tính đến chuyện lo ma chay cỗ bản cho mẹ chồng. Rồi cả việc làm sao để tìm vàng và tiền bán đất xem cụ Doãn cất giấu ở đâu.
Một đêm giông bão mưa lớn qua đi, mấy ngọn cây ngoài vườn bị ngả nghiêng xiêu vẹo đi trông thấy, có cành còn bị gió xé toạc ra gãy rụng. Thỉnh thoảng, nước mưa đọng trên những tán lá trút xuống ào cái mỗi khi có cơn gió thổi qua, khiến thím Mười ướt sũng.
Thím Mười rướn cổ lên nói vọng vào.
– Tường Vân! Bay vào buồng gọi bà nội mau ra ăn sáng đi. Lát nữa ăn xong thì hai bà cháu dẫn nhau ra đồng nhổ cỏ lạc nhé.
Tường Vân từ trong bếp ngó đầu ra, đáp:
– Vâng, cháu nhớ rồi thím ạ.
– Nhớ rồi thì nấu nhanh nhanh cái tay lên. Tranh thủ hôm nay mát trời ra nhổ nốt mấy luống cỏ cho xong.
Con bé” Dạ” tiếng, rồi thụt đầu vào nấu nướng tiếp.
Một lúc sau, cơm sáng đã chuẩn bị xong. Sáng nay thức ăn có vẻ tươm tất hơn thường ngày, ngoài cá mắm rán ra thì còn có cả đĩa trứng rán và bát rau muống luộc. Đặt mâm cơm xuống hiên, Tường Vân đi vào buồng bà nội cất tiếng gọi.
– Bà nội ơi, cơm sáng cháu nấu xong rồi, mời bà nội ra ăn cơm ạ.
Một lần gọi, rồi hai lần gọi, cho đến lần thứ ba mà vẫn không thấy bên trong có tiếng động, đinh linh có chuyện chẳng lành nên Tường Vân đưa tay lên cửa đập.
Rầm..rầm..rầm..
– Bà nội, bà còn ở trong phòng không bà ơi?
Đáp lại lời con bé vẫn là bầu không gian lặng phắc của buồng ngủ tối om đậm mùi ẩm mốc, khác hẳn với thường ngày mỗi khi con bé đến tìm bà.
– Bà ơi bà, bà ơi, là cháu Tường Vân đây, bà dậy mở cửa ra cho cháu..
Con bé nói chưa hết câu thì bất ngờ cánh cửa tự động bung chốt, một luồng hơi lạnh ngắt thổi thốc vào mặt Tường Vân, mang theo mùi khai khăn khẳn tựa như mùi nước đái xộc thẳng vào khoang mũi. Nhưng Tường Vân đã quen với thứ mùi này trong phòng bà nội. Vì khi mẹ con bé còn sống từng nói rằng người già khác với con trẻ, dù có sao thì đó cũng là bà nội bà ngoại con. Ai cũng đáng được chăm sóc phụng dưỡng.
Con bé rón rén bước vào, trong phòng tối om do bà nội thường ngày ít khi nào mở cửa sổ ra cho thông thoáng, đã vậy, bà còn treo hẳn một vải lanh đen bóng cốt là che khuất ô cửa sổ. Dường như bà sợ người khác nhìn vào buồng ngủ của mình.
Trong phòng không có ai, giường chiếu nguội ngắt. Con bé đang lo cho bà nội thì đột nhiên có bàn tay ai đó vươn ra từ phía sau đập vào đôi vai gầy của Tường Vân làm con bé giật nảy mình.
– Này! Mày đang làm cái quái gì trong này thế hả? Tao sai mày vào đây gọi bà già ấy ra ăn sáng còn đi nhổ cỏ lạc kia mà!
Thì ra đó là tay của thím Mười, vậy mà làm con bé cứ tưởng ma. Tường Vân lắp bắp nói:
– Thím ơi, bà nội không có trong phòng.
Thím Mười vờ ngạc nhiên, há hốc mồm, nhìn xung quanh gian buồng ẩm thấp mùi khai mò, đưa một tay lên bịt mũi, tay còn lại phe phẩy trước mặt. Làm ra thao tác xua xua tay rồi bĩu môi nói:
– Thôi chết! Tao vừa mới từ ngoài vườn vào đây cũng không thấy bà ở ngoài đó. Thế bay có biết bà già ấy đi đâu không?
Tường Vân mặt tái mét, không phải vì sợ ánh mắt hay thái độ của thím, mà bởi con bé đang lo lắng cho bà. Nó lắc đầu, lí nhí đáp:
– Dạ không! Sáng giờ cháu lo nấu cơm dưới bếp.
Thím Mười tỏ vẻ lo lắng, ra tận ngoài sân cố ý gọi thật lớn, đến nỗi bên kia bờ rào mà cô Lành nghe rõ mồn một:
– U ơi, u đang ở đâu đấy u ơi. Nếu u có ngoài vườn thì đánh tiếng cho con cháu biết u nhé.
Nhưng không ai trả lời.
Cô Lanh ngó sang, hỏi:
– Cụ Doãn mới sáng ra đã đi đâu sớm thế bá? Để con cháu phải tìm.
– Tôi nào hay biết gì đâu cô Lành. Khi nãy, tôi bảo con bé Tường Vân vào mời cụ ra ăn cơm thì không còn trông thấy cụ ở trong buồng rồi.
Cô Lành chẹp lưỡi.
– Đêm qua mưa to gió lớn, hay bá thử chạy lòng vòng quanh làng mình mà tìm. Biết đâu cụ Doãn đi lạc, tuổi cụ ấy chắc cũng phải ngót nghét gần 90 rồi ấy bá nhể?
Thím Mười thở dài, gật đầu nói tiếp:
– Cũng tầm đấy á cô Lành. Thôi bây giờ tôi thử chạy ù vào làng xem sao, xem xem bà đang ở đâu còn đón về. Rõ khổ, già cả rồi mà không chịu ở yên trong nhà, trời thì mưa to, nhỡ đâu ngã ra đấy thì lại báo con báo cháu.
Khi cô Lành vừa quay lưng đi vào trong nhà thì sắc mặt của thím Mười lập tức thay đổi. Thím Mười trừng mắt, nói với Tường Vân.
– Mày đứng chơ mắt ếch ra đấy làm gì? Còn không mau phụ tao chạy vào làng xem bà già ấy đang dấm dúi ở đâu. Thiệt tình, sao cái số tôi nó lại khổ thế này hả ông trời ơi.
Thái độ của thím Mười khác hẳn với lúc thím đứng nói chuyện với cô Lành, làm con bé Tường Vân cuống quýt chạy đi.
Thím Mười nghĩ:” Thôi thì đã mất công diễn, vậy diễn cho tròn vai.” Nghĩ đến đây thím Mười leo tót lên chiếc xe phượng hoàng, thủng thẳng đạp vào trong xóm giống như người con dâu có hiếu lo lắng cho mẹ chồng.
—-
Hơn 7h sáng.
Cô Lành đẩy chiếc xe cải tiến ra đồng làm, khi đi ngang qua chỗ cái miếu bỗng dưng toàn thân cô rùng mình ớn lạnh. Chiếc xe cải tiến cũng vì thế mà bị khựng lại theo chân cô.
Chưa bao giờ cô Lành có cảm giác lạnh tóc gáy khi đi ngang qua chỗ gốc đa, bởi lẽ thường ngày cô thường xuyên đi qua đây như thọc chuột. Nhưng không hiểu sao hôm nay cô Lành có cảm giác nó khác lạ đến dị thường, cứ như đoạn đường này bản thân mình chưa từng đến.
Bỗng, cành củi khô từ trên thân cây phát ra tiếng kêu rắc rắc xong rớt” độp” cái xuống dưới đất. Cô Lành giật mình nhìn sang đó, chợt thấy khung hình của ai nằm chỏng chơ dưới đất ngay trước cửa miếu hoang.
Cô Lành buông tay ra khỏi cần xe, nhiều lần toan chạy sang bên đó nhặt khung hình lên xem của ai mà vứt ở đó, nhưng rồi cô Lành nhớ lại u mình đã có lần từng nói” Một người không vào miếu, hai người không xem giếng, ba người không khiêng cây.” Nghĩ đến đây cô Lành cúi xuống, đặt tay lên càng kéo xe cải tiến đi tiếp.
Tuyệt nhiên, cụ Doãn không còn nằm bên trong miếu hoang nữa.