Thím Mười luống cuống đẩy chú Công ra. Cả hai nhìn trân trân ra mé ngoài cửa, hồi hộp đến nỗi tiếng tim đập trong lồng ngực muốn át đi cả tiếng mưa rơi ngoài kia.
Chú Công bật dậy quơ vội quần áo mặc vào người, vừa sợ vừa ngạc nhiên hỏi thím Mười:
– Mẹ chồng em, bà ấy còn sống sao?
Thím Mười lắp bắp:
– Em..em..không..biết! Có khi nào bà ấy là ma hiện về báo oán chúng ta không anh Công?
Vừa nói, thím Mười vừa nép mình vào sát cơ thể săn chắc của chú Công, cơ thể run lên bần bật.
– Anh cũng không biết. Có điều mụ già ấy còn sống thì chúng ta toang là cái chắc.
Lúc này, tiếng cụ Doãn ngoài hiên lại truyền đến, làm cả hai giật bắn mình:
– Mười ơi, mở cửa cho u. U về rồi này con ơi..i..i..i..
Thím Mười run rẩy, nói:
– Anh Công, anh Công! Chúng ta phải làm gì bây giờ?
Mặc xong quần áo, chú Công nói với thím Mười:
– Chúng ta ngoài quan sát xem sao. Có khi giọng nói là ma cũng lên. Ngày xưa mẹ anh từng nói, nửa đêm có người gọi ngoài cửa thì đừng dại mà thưa, nếu là ma, nó gọi tên mình ba lần không thấy trả lời, thì ắt nó sẽ bỏ đi.
Cả hai rón rén dắt nhau ra ngoài, những hôm chú Công sang ngủ với thím Mười, thím ấy đều bỏ một ít thuốc mê vào bát canh cho mấy đứa nhỏ ăn. Nên cả hai người mặc sức mây mưa mà không sợ bọn trẻ bất chợt tỉnh giấc.
Ngoài trời mưa đã ngớt, song gió vẫn thổi vù vù, với thời tiết này chắc có lẽ cơn mưa giông sẽ kéo dài cho tới sáng.
Chú Công áp sát đôi mắt vào kẽ hở trên cánh cửa, nhìn ra ngoài. Bóng dáng cụ Doãn ướt sũng đứng đó, một tay cầm chắc cây gậy gỗ, tay còn lại ôm chặt vật gì đó không buông.
Tiếng rên rỉ vì lạnh, vì đói khát văng vẳng ngay bên tai làm chú Công giật mình, vội vàng nhấc mặt ra khỏi cánh cửa. Nhìn thím Mười không nói gì, kéo thím ấy sang một bên rồi nói:
– Thôi chết! Bà ấy còn sống.
– Anh..anh..nói..thật..chứ?
– Giả làm sao được, bà ấy đang đứng ngoài cửa rên rỉ còn gì.
– Anh Công, em sợ!
Thím Mười bấu chặt cánh tay của chú Công, chỉ sợ tay mình buông lơi ra một chút thì chú Công sẽ bỏ chạy đi mất.
Chú Công ghé sát vào tai thím Mười, thì thầm to nhỏ. Bàn kế xong chú Công nhỏ giọng nói:
– Cứ thống nhất vậy nhé. Nếu bà ta nhắc đến chuyện đêm hôm thì để anh cho mụ ta một gậy. Tiễn mụ về tay thiên luôn.
Thím Mười gật gù, ra hiệu cho chú Công trốn vào góc nhà cửa để mình ra mở. Tiếng bản lề kèn kẹt vang vọng giữa đêm mưa gió, cũng đủ làm cho thím Mười sợ chết khiếp.
Cụ Doãn đứng đó, đầu tóc xõa rũ rượi dính bết cả vào nhau, cơ thể còm cõi run lên bần bật, hai hàm răng va đập vào nhau nghe cầm cập.
Hình ảnh một người già xuất hiện giữa đêm, với mái tóc lưa thưa dài chấm lưng quần đã lốm đốm bạc gần hết, bết dính vì nước mưa che khuất gần như cả khuôn mặt, làm thím Mười ám ảnh vô cùng.
Cụ Doãn nhoẻn miệng cười khà khà, hở hàm răng nhuộm đen bóng như màn đêm, cất tiếng nói:
– Mẹ lạnh, mẹ lạnh quá Mười à.
Thím Mười lắp bắp run rẩy, hỏi:
– Là u? Là u thật hả?
– Là u đây, u đã về nhà rồi đây?
Thím Mười lén nỗi sợ hãi vào trong, hỏi tiếp:
– Có thật u chưa chế/t?
Cụ Doãn nói:
– Là u đây, u lạnh quá, lạnh quá.
– Thời gian vừa rồi, u đã ở đâu? Làm gì? Ăn gì để sống?
Cụ Doãn cười hề hề, nói:
– U đi thăm bạn ở xã bên, chỉ tiếc bà ấy cũng đi xa rồi.
Đoán chắc cụ Doãn bị lẫn nên không nhớ mọi chuyện đêm hôm bữa. Thím Mười bấy giờ mới mở to cánh cửa ra, nói với cụ Doãn.
– U vào nhà đi. Muốn sống yên thân thì từ giờ đừng có chạy đi lung tung gây chuyện, ở yên trong buồng cho tôi. Cơm nước tôi bảo cái Vân bưng vào hầu tận miệng.
Cụ Doãn không nói thêm gì, khật khưỡng bước qua cửa chầm chậm đi về hướng buồng ngủ của mình. Lúc này thím Mười mới cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng, và nhận da vật cụ Doãn ôm khư khư trên tay chẳng có gì đáng giá, chỉ là một hồn đá quá đỗi bình thường.
“ Rầm!!” Cánh cửa phòng khép lại. Cụ Doãn khuất sau cánh cửa.
Thím Mười ngoắc chú Công ra rỉ nhỏ vào tai:
– Bà ta bị lẫn rồi anh, không nhớ mọi chuyện xảy ra đêm hôm bữa.
Chú Công nghe xong gật gù, bảo:
– Vậy thôi anh về trước, có gì nhớ sang báo cho anh biết với nhé. Mà này, em nhớ phải để ý quan sát bà ta đấy nhé, biết đâu bà ta giả bộ bị lẫn.
-Vâng, vâng, thôi anh mau về đi. Trời cũng sắp sáng rồi.
Đợi chú Công đi khuất sau rặng cây, thím Mười mới khép cửa chốt chặt.
—-
Vừa sáng ra, cơn mua tạnh hẳn. Thím Mười đã ngồi im trên bàn uống nước nhìn trân trân vào buồng ngủ của mẹ chồng, mẹ mặt đầy hoài nghi.
Khi đó, Tường Vân đi qua chỗ thím Mười ngồi, bị thím ấy gọi giật lại, bảo:
– Ê con kia, lại đây tao nói mày nghe chuyện này.
Tường Vân khựng lại, bước đến trước mặt thím Mười, cúi đầu chào lễ phép hỏi:
– Thưa thím, thím có gì chỉ bảo con xin cứ nói ạ.
Thím Mười hất hàm về phía phòng cụ Doãn, hừ tiếng, nói với Tường Vân.
– Bà ta về rồi đấy. Bà nội mày đêm qua đã về. Còn không mau vào chào hỏi bà ấy một câu.
Hai mắt con bé mở to tròn, trong lòng vui khôn tả xiết. Tưởng thím Mười nói đùa, con bé vội hỏi lại:
– Thím, bà nội con về rồi thật hả thím?
Thím Mười trừng mắt, quát:
– Chứ không lẽ tao nói dối mày?
Tường Vân nhảy cẫng lên, miệng reo hò thật lớn” A..bà nội về rồi. Bà nội về nhà thật rồi!” Con bé nhảy chân sáo thật nhanh đến cửa buồng thì dừng lại.
Đưa tay lên gõ” Cộc..cộc..cộc..” xong hỏi:” Bà nội, là con Tường Vân đây. Bà nội thức dậy chưa, con vào với bà nhé.”
Tiếng cụ Doãn như bị hụt hơi, nói vọng ra:
– Cháu gái của bà đấy à, vào đây với bà nào.
Giọng của bà nội hôm nay khác quá, làm Tường Vân xém chút không nhận ra. Nhưng sau đó, tiếng ho khù khụ trong buồng vang lên, con bé đoán chắc bà bị bệnh.
Gian buồng tối om, mặc dù ngoài trời đã sáng nhưng không gian nơi đây vẫn u ám lạnh lẽo. Song đối với Tường Vân con bé không hề sợ hãi hay kỳ thị mùi khai trong phòng bà nội.
Con bé cầm lược chải tóc cho bà, vừa chải đầu vừa hỏi:
– Bà ơi, những ngày qua bà đã đi đâu?
Cụ Doãn cười móm mém, trả lời:
– Bà sang xã bên thăm bạn cháu à.
Con bé không hỏi gì thêm, tựa đầu vào lòng bà cảm nhận rõ hơi lạnh từ người bà truyền sang, nó không còn ấm áp như xưa.
Tường Vân ngước lên hỏi:
– Bà nội, bà bị nhiễm lạnh hả bà?
Không đợi bà nội trả lời, con bé nói tiếp:
– Bà đi thăm bạn mà không nói cho thím biết làm thím đi tìm bà suốt đấy bà ơi.
Cụ Doãn cười khà khà, nói:
– Bà về rồi cháu à. Bà về rồi cháu à!
Tuyệt nhiên, cụ Doãn không kể thêm gì nữa về chuyến đi của mình.
Buổi trưa, thím Mười đang lúi húi đếm tiền trong phòng, dự định lấy ra một ít đưa sang cho người tình chi tiêu, thình lình cụ Doãn xuất hiện ngay phía sau lưng, đặt đôi tay già nua nhăn nheo lên vai, cười hề hề cất tiếng:
– Có cơm chưa Mười ơi, u đói, u đói.
Làm thím Mười giật nảy mình, cọc tiền trên tay cũng vì thế mà bị rơi xuống đất. Đây là số tiền lời do bán đất hôm bữa mà thím Mười có được. Đó là số tiền không hề nhỏ, song thím ấy cũng chẳng dám chi tiêu gì hoang phí. Mỗi cái tội mê trai, lấy tiền nuôi trai thì không ai bằng.
Thím Mười luống cuống chưa biết phản ứng ra sao với mẹ chồng, thì lúc đó cụ Doãn lên tiếng:
– U đói, Mười ơi u đói!
Cụ Doãn xuất hiện với thân hình gầy xác xơ, mái tóc dài xõa rũ rượi không được vấn quanh đầu như thường ngày, chính hình dáng này của cụ gây nỗi ám ảnh hoang mang cho thím Mười, mà có khi đêm đặt lưng xuống ngủ, hễ nhắm mắt hình dáng ấy cứ hiện hữu lên trong tâm trí.
Thím Mười giấu vội số tiền còn lại vào cái thú vải rồi nhét dưới gối. Vừa khom người vừa nhặt cọc tiền, tay run run, vừa trả lời:
– U đấy hử! Sao u không đánh tiếng từ ngoài cửa? Chứ u cứ xuất hiện thình lình với bộ dạng như thế này thì có ngày hù vỡ tim con mất.
Cả cách nói lẫn cách xưng hô với mẹ chồng của thím Mười cũng thay đổi hẳn. Ngày trước, nếu cụ Doãn xuất hiện kiểu này thì bị thím Mười chửi cho mạt vận, nhưng chẳng hiểu sao, từ hôm cụ Doãn quay về tính nết thím Mười trở nên ngoan hẳn. Một câu gọi u, hai câu xưng con, nghe rất tử tế.
Cũ Doãn cười hề hề, xoay người quay lưng chậm rãi bước đi nhích từng bước trông rất khó nhọc.
Thím Mười nhìn theo, tự hỏi trong đầu:” Mụ già chết giẫm, bà ta là người hay ma?”
—-
Nửa đêm, trời nổi giông gió, tiếng sấm khô khan trên trời đánh xuống tựa như muốn xé toạc bầu không gian tĩnh lặng.
Thím Mười đang ngủ bỗng choàng tỉnh. Sực nhớ ra quần áo mình giật tối qua còn phơi ngoài sân chưa cất, nên thím ấy vội lật đật ngồi dậy đi ra sân lấy đem quần áo phơi vào hiên.
Vừa ra đến sân, đột nhiên một tia sét sáng chói xẹt ngang qua chỗ gốc cây nhãn, ánh mắt thím Mười vừa chạm phải một hình bóng quen thuộc, đang ngồi vắt vẻo chễm chệ trên đỉnh cành nhãn.