Người Âm Mai Mối

Chương 32



Chú Công ở trong nhà vẫn vui vẻ xới cơm ra bát đợi thím Mười vào ăn. Còn thím Mười lẳng lặng đi ra kiểm tra giỏ rắn.

Thím Mười thẫn thờ đánh rơi chiếc giỏ xuống đất, ngay sau khi kiểm tra. Quả nhiên con rắn bên trong đã không cánh mà biến mất. Nghĩ đến đây ánh mắt lo ngại của thím Mười liếc vào trong nhà nhìn người yêu, rồi ngồi phệt xuống đất không biết nên khóc hay nên cười.

Chú Công thấy vậy, đứng thẳng người, hỏi với ra:

– Ơ kìa, sao em còn ngồi ở đó? Vào nhà ăn cơm đi chứ?

Thím Mười nào dám nói cho chú Công biết đó là con rắn đã bị thư ếm, dùng làm bùa giữ chân chú Công ở bên cạnh và nghe lời mình. Thím Mười cười gượng, vịn tay vào tường gắng sức đứng dậy chậm rãi đi vào, ngồi xuống mâm cơm rồi hỏi:

– Anh làm thịt con rắn em nhốt trong giỏ tre đấy hả?

Chú Công cười xòa, vừa gắp thịt miếng bỏ vào bát cơm cho thím Mười, vừa nói:

– Ờ! Hồi sáng anh đi ngang qua đình, tính mua vài lạng thịt lợn mà mang sang nấu cho hai mẹ con em, mà sực nhớ ra hết tiền. May quá, sang đến nơi thì thấy em bắt được con rắn, thế là anh đem nó ra làm thịt luôn.

Nói xong chú Công và miếng cơm vào miệng nhai nhồm nhoàm, nuốt xong miếng cơm khen bát thịt rắn:

– Ui, ngon đáo để. Mau ăn đi em, kẻo nguội hết bây giờ. À mà này, con rắn em bắt được ở đâu mà to thế? Béo phết đấy!

Thím Mười thở dài, đặt bát cơm xuống, trong lòng trĩu nặng chẳng thể ăn, nói dối với chú Công:

– Em bắt được hôm người ta đào móng. Thế lúc anh làm thịt không thấy thứ gì em dán trên nắp giỏ hử?

Chú Công chưa nhìn thấy bùa chú bao giờ nên vô tư trả lời:

– Có mỗi mảnh giấy chứ anh có thấy gì đâu? Mà sao em phải dán giấy lên miệng giỏ thế?

Mắt thím Mười chớp chớp, cười gượng nói lấp liếm:

– À không có gì, em dán giấy lên cho nó khỏi xổng ra ngoài thôi mà.

– Em nói cũng phải, loại rắn hổ mang này có nọc khá độc, không cẩn thận mất mạng như chơi.

Thím Mười nhìn người yêu, hỏi:

– Bộ khi bắt đó làm thịt anh không sợ nó cắn hử?

Chú Công vừa ăn vừa nói:

– Rắn hổ mang nhìn vậy nhưng nó cũng có một điểm yếu “chí mạng” giữa sống lưng. Khi điểm trúng huyệt này thì con rắn đó coi như bị vô hiệu hóa. Nhưng phải biết ước chừng sao cho lực điểm huyệt phải vừa đủ, vì mạnh quá sẽ làm rắn gãy sống lưng còn yếu quá thì không có tác dụng. Đây là kinh nghiệm bắt rắn mà ông nội anh từng truyền lại, chỉ tiếc đến đời anh thì không theo nghề bắt rắn của cụ.

Thím Mười thở phào. Cũng may chú Công không hề nghi ngờ gì đến lá bùa mình dán lên miệng giỏ. Bữa ăn hôm ấy, mặc dù thịt rắn được chú Công nấu khá ngon, song thím Mười chẳng hề còn tâm trạng ăn uống.
—-

Thoắt cái đã đến mùa tựu trường. Tường Vân đứng ngoài sân nhìn chăm chăm vào gian buồng của bà nội, một lúc sau con bé nói vọng vào:” Bà ơi, con đưa em đi học đây ạ.” Rồi lặng lẽ dắt tay cậu trai đến trường.

Trên đường đi hai chị em con bé gặp cô Đào, cô ấy ngoắc hai đứa bé lại và bảo:

– Hai đứa đi học đấy hả?

Chào cô Đào xong, Tường Vân lễ phép đáp:

– Dạ! Con đưa em đi học cô ạ.

Cô Đào mỉm cười, sửa lại bím tóc cho con bé y như một người mẹ, rồi ôn tồn dặn dò:

– Hai đứa nhớ ngoan và cố gắng học tập cho thật giỏi nhé, như vậy bố mẹ hai con ở dưới suối vàng sẽ vui lắm.

Hai chị em con bé nhoẻn miệng cười, gật đầu, đáp:

– Dạ! Con xin ghi nhớ lời cô Đào dạy ạ.

– Tiền học cô đóng cho hai đứa rồi, cứ yên tâm mà học. Nếu nhà phát sinh khoản tiền gì cứ nói cho cô biết. Còn đây là tiền sinh hoạt tuần này, con nhớ giữ gìn cẩn thận kẻo rơi mất. Mỗi tuần cô sẽ đưa một ít cho hai đứa lấy tiền mua thức ăn và gạo.

Tường Vân cúi gằm mặt, lí nhí đáp:

– Dạ cô, nhưng tiền này, tiền này…con không dám nhận.

Cô Đào mỉm cười, trấn an:

– Con yên tâm, đây là tiền bà nội con nhờ cô giữ, phòng lúc khó khăn cô đưa lại cho hai đứa. Nhưng mà này, chuyện bà nội nhờ cô giữ tiền, chỉ có ba cô cháu mình biết thôi nhé. Tuyệt đối đừng để thím con biết, tránh phiền toái.

Hai chị em Tường Vân gật đầu.

Cô Đào xoa xoa đầu hai đứa nhỏ, mỉm cười nói:

– Anh Quý nhà cô năm nay học trường chuyên ngoài huyện, nên cuối tuần anh Quý mới về nhà. Hai đứa rảnh lúc nào sang nhà cô chơi nhé, cho cô chú đỡ buồn.

Lúc đó Tường Vân mới nở nụ cười trên khoé môi, cô Đào thấy rõ chút niềm hy vọng trong đôi mắt ngây thơ của con bé. Chia tay xong, hai chị em Tường Vân đến lớp, còn cô Đào cũng nổ máy chạy về nhà.

Thấm thoát thời gian trôi thật nhanh.Mọi chuyện ly kỳ xung quanh thím Mười dần lắng xuống. Sau hôm ăn thịt con rắn hổ mang chúa, thì dường như thím Mười thấy cơ thể mình khỏe khoắn lên hẳn, cũng không còn bị a đè hay bị vong nhác nữa.

Cuộc sống êm đềm cứ thế trôi và chắc hẳn sẽ rất hạnh phúc, nhưng cho đến một ngày lọ….
[….]

– Nào..nào..cố lên! Lấy hơi vào thật sâu, rồi dùng sức rặn ra thật mạnh.

Tiếng y tá trong phòng sinh vang lên đều đều làm bà Phấn túc trực bên ngoài không yên. Bà Phấn đi qua đi lại, không biết bao nhiêu lần, nhiều đến nỗi thím Mười ngồi đợi cạnh cửa cũng phải hoa hết cả mắt.

Thím Mười thở dài, nói:

– U làm gì mà sốt sắng thế, cứ đi tới đi lui như con gà tìm ổ đẻ.

Bà Phấn nhìn con gái, trách yêu:

– Cũng sắp tới lượt chị rồi đấy, lo mà ăn uống ngủ nghỉ dưỡng sức để cháu tôi ra đời cho khoẻ mạnh. Nó là em dâu chị còn có cả cháu tôi, thế tôi lo lắng cho chúng nó không được sao.

Thím Mười cười hì hì, vòng tay xuống ôm bụng rồi xoa xoa, nói:

– U nói đúng, u nói đúng lắm. Con biết u lo cho cháu mình, nhưng u ơi, thím ấy đâu phải mới sinh con so mà u cứ xoắn lên thế cũng chả giúp được gì.

Bà Phấn thở dài, vừa đặt mông ngồi xuống bên cạnh chỗ thím Mười, thì tiếng khóc oe oe của trẻ nhỏ bên trong vang lên, làm bà Phấn vui mừng khôn xiết. Bà lập tức đứng phắt dậy, vỗ bàn tay đốp cái vào nhau, hai mắt mở to tròn sáng rực hô lớn:

– Đẻ rồi, đẻ được rồi. Tạ ơn trời phật, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ hai mẹ con chúng nó mẹ tròn con vuông.

Cô y tá quấn đứa bé vào chiếc khăn được người nhà chuẩn bị trước đó rồi bồng nó ra ngoài.

– Chúc mừng người nhà, là bé trai nhé. Thằng bé cân nặng 3,2 kg.

Thấy cháu khóc mãi không ngừng, bà Phấn lao đến giật đứa bé trên tay cô y tá, ôm nó vào lòng và lo lắng hỏi:

– Cháu tôi bị làm thế? Làm sao mà thằng bé cứ khóc ngằn ngặt như vậy hả?

Bỗng, ánh mắt bà Phấn sững lại sau khi nhìn chằm chằm vào hình hài khuôn mặt của đứa bé. Sắc mặt bà cũng vì thế mà thay đổi theo tâm trạng.

Đứa bé vẫn khóc ngằn ngặt, khóc đến nỗi tím tái hết cả mặt mày. Tiếng khóc của thằng bé biến thành một thứ âm thanh quái dị lặp đi lặp lại, giống như một cái miệng rộng ngoác đến mang tai đang không ngừng nhóp nhép.

– Chuyện này..chuyện này..là sao? Tại sao..tại sao..cháu tôi lại thành ra như vậy?

Bà Phấn thật không thể tin nổi vào mắt mình nữa, một tay bồng cháu, tay còn lại đưa lên vả đôm đốp vào mặt mình, mong sao những gì đang diễn ra trước mắt chỉ là sự nhầm lẫn do bản thân mình hoa mắt mà ra.


               
Mẹo: Bạn có thể sử dụng các phím trái, phải, A và D trên bàn phím để chuyển giữa các chương.                
 
×           Ad Banner