Da mặt đứa bé, mà không, phải nói toàn thân đứa bé bị một lớp vảy trắng mỏng như vảy rắn bao bọc kín. Chính những lớp vảy đó làm cho da đứa bé bị đau rát, ngứa ngáy, khó chịu vô cùng.
Bà Phấn trả lại đứa bé vào tay cô ý tá, lắc đầu từ chối nguây nguẩy:
– Không, đây không phải cháu nội tôi. Nó không phải cháu nội tôi. Cháu tôi nó không xấu xí vậy đâu, cô bế nó đi đi, đi đi…
Thím Mười bấy giờ mới cảm nhận được sự việc không hề đơn giản, vội đứng dậy vác bụng bầu chầm chậm bước đến bên cạnh bà Phấn, lo lắng hỏi:
– Có chuyện gì thế u? Cháu con nó bị làm sao?
Bà Phấn oà khóc, chỉ vào đứa bé mà rằng:
– Bay nhìn nó đi, nó đâu phải là người. Toàn thân nó sần sùi như da rắn thế kia mà bảo là cháu nội của u, tao không tin.
Bà Phấn nhất thời không thể chấp nhận được sự thật tàn khốc này.
Những lời u vừa nói, thím Mười cảm thấy gờn gợn. Tuy chưa nhìn tận mắt vào đứa bé, song trong lòng thím Mười đã nảy lên một suy nghĩ vô cùng ghê rợn. Thím Mười ngẫm nghĩ trong đầu:” Liệu có phải do cô em của mình ăn trứng rắn? Nên khi sinh con ra toàn thân thằng bé da nó y chang da con rắn?” Thím Mười không dám nghĩ tiếp nữa, bởi hôm đó chính tay mình là người đập chế/t con rắn, mang về lột da làm thịt, và cũng chính thím ấy là người ăn thịt rắn nhiều nhất.
Thím Mười liếc nhìn thằng bé một cái, rồi vội vàng đưa ánh mắt sang hướng khác. Cố kìm nén cảm xúc sợ hãi vào trong, nói với u:
– Chắc thằng bé bị bệnh về da thôi u à. U xem, ngoài thím ấy đi đẻ ra thì trạm xá hôm nay làm gì còn ai đẻ, mà u bảo đây không phải cháu của u.
Bà Phấn run rẩy, nói:
– Thế..thế..tại sao, tại sao nó lại bị vậy?
Cô y tá mỉm cười, tay đong đưa đứa bé vỗ về cho nó nín. Bấy giờ mới lên tiếng trấn an:
– Bà và cô cứ yên tâm, nhiều bé khi mới sinh ra cũng gặp phải bệnh về da, ví dụ như bệnh vàng da chẳng hạn. Còn trường hợp của cháu bé này, thì gia đình đưa cháu xuống khám ở các bệnh viện lớn. Ở đó các bác sĩ chuyên khoa họ sẽ tìm ra nguyên nhân và cách điều trị thích hợp cho cháu bé thôi.
Cô ý tá nói xong bồng đứa bé vào đặt bên cạnh mẹ, vạch áo cô ấy lên cho thằng bé bú. Từ nãy đến giờ đáng nhẽ phải cho đứa trẻ bú mẹ ngay từ lúc sinh ra, nhưng do thằng bé cứ khóc ngằn ngặt không chịu bú, và cũng là người mẹ bị sốc đến nỗi ngất đi khi thấy hình hài con mình như vậy, thành ra đến giờ nó vẫn chưa được thưởng thức dòng sữa mẹ ngọt ngào.
Cả nhà bà Phấn rơi vào trầm lặng.
Đáng nhẽ đón cháu trai vừa sinh về thì gia đình phải vui mới đúng. Đằng này…đến cả nhìn mặt cháu nội ông bà cũng không mấy mặn mà, thậm chí lúc con dâu bồng cháu vào ông bà còn bơ đi.
Khổ nhất vẫn là cô con dâu của bà Phấn. Cô ấy vừa tủi vừa thương xót con. Nhớ ngày trước, lúc cô hạ sinh bé trai đầu lòng, khi đó đã được cả nhà chồng quan tâm, yêu thương. Vậy mà.. nghĩ tới đây cô chỉ biết ôm đứa con thơ chặt vào lòng, nước mắt rơi lã chã.
– Này! Con tính đi đâu đấy?
Bà Phấn thấy con trai mặc quần áo, chuẩn bị đi ra ngoài bèn lên tiếng hỏi:
Cậu chẹp miệng, đáp:
– Thì con chạy ra chợ mua vài lạng thịt về nấu tẩm bổ cho vợ con ăn, chứ đi đâu nữa u.
Bà Phấn đập mạnh tay xuống bàn, mạnh đến nỗi nước trà trong chén sóng sánh văng tung toé. Đôi mắt tức giận liếc vào buồng con trai, rồi lại nhìn cậu, nói:
– Ở nhà, không đi đâu hết. Nhà có gì ăn nấy. Có trứng ăn trứng, có rau ăn cơm rau. Hà cớ gì phải tốn kém? Ngày xưa, lúc tôi sinh anh chị ra, bà nội anh chị sai người mang cho tôi mỗi 5 quả trứng, cháu nội cũng không thèm dòm ngó chỉ vì trong lòng bà ấy không có thầy con. Khó khăn là vậy chúng tôi vẫn nuôi anh chị khôn lớn, đẻ chưa được mười ngày đã phải ra đồng làm việc. Bây giờ anh chị sướng quá rồi, đẻ đái có người phục vụ cơm bưng nước rót hầu tận miệng.
Nói xong, bà Phấn hừ tiếng. Nhìn về phía cửa buồng bằng ánh mắt chán ghét.
Chồng ấy thở dài, nói:
– Bà lại mang chuyện cũ ra kể, nghe không biết chán à.
Bà Phấn trừng mắt, nói:
– Chán thế nào mà chán. Ngày xưa u đối xử với tôi như thế nào, đâu phải ông không biết rõ. Bây giờ mình dễ dãi với chúng nó quá, lại sinh sướng quá hoá rồ.
– Bà cũng thật là, một vừa hai phải thôi chứ. Ngần này tuổi rồi, đầu đến hai màu tóc mà hễ tí lôi quá khứ ra đay nghiến trước mặt con cái. Bà không chán, còn cha con chúng tôi chán lắm rồi.
Nói đến đây ông ấy quay sang xua tay ra hiệu cho con trai:
– Bay cứ đi chợ đi. Thời nay gia đình ta đâu khó khăn đến nỗi phải đối xử khắt khe với con cháu.
Tuy ông ấy chưa bồng cháu trai mới sinh, lòng cũng có chút buồn phiền, song suy cho cùng cũng chẳng ghét bỏ gì con dâu và cháu trai của mình.
Bà Phấn thì khác. Thấy chồng bênh con chằm chặp càng tỏ ra ganh ghét con dâu. Lâu lâu lại buông tiếng chửi đổng, nói kháy bên ngoài vọng vào chỗ con dâu nằm ở cữ, khiến cô khóc muốn vơi đi nước mắt. Những lúc đó cô chỉ biết ôm con vào lòng, à ơi ru con ngủ.
Thím Mười thở dài, đứng dậy nói với thầy u:
– Trưa lắm rồi, thầy u nghỉ ngơi đi.
Rồi thím Mười cắp chiếc nón đội lên đầu đi ra cửa.
Bà Phấn gọi với theo, hỏi:
– Trưa rồi chị không ở lại ăn cơm hử?
– Thôi u, hôm khác con ghé ở lại ăn cơm sau. Hôm nay con về xem anh Công chuẩn bị cơm nước đến đâu rồi. Còn đón cháu nó đi học về nữa.
Bà Phấn sực nhớ ra chuyện gì đó, chạy theo sau lưng thím Mười kéo con gái ra góc sân thì thầm to nhỏ:
– Mà này! Chị định phủi tay bỏ mặc ba bà cháu con nhỏ Tường Vân thật đấy hử? Hàng xóm người kháo nhau đầy ra đấy. Chị xem thế nào chứ tôi nghe rát tai lắm, họ nói chị là người cạn tình nghĩa.
Nghe xong thím Mười hừ tiếng, nói với u:
– U cứ mặc xác bọn chúng đi. Miệng thiên hạ mình cấm làm sao được. Rõ mấy thứ rảnh háng không có việc gì làm nên mới đi soi mói chuyện nhà người ta. Bọn họ có sống ở trong chăn đâu mà biết trong chăn có rận. Rõ ba cái thứ thối mồm, con khinh.
Bà Phấn chẹp lưỡi, nói:
– Thì tôi biết là vậy. Nhưng mà lâu lâu chị đem bó rau hay lạng thịt con cá sang gọi là biếu xén, như vậy chị vừa đẹp mặt lại không mang tiếng chối bỏ trách nhiệm phụng dưỡng mẹ chồng.
Thím Mười xua tay:
– U cứ lo bò trắng răng. Chẳng phải từ hôm con đi khỏi cái nhà ấy, thì ba bà cháu họ vẫn sống tốt đấy thôi.
Nói đến đây bỗng thím Mười khựng lại, dường như thím nghĩ ra một chuyện quan trọng cần xác minh ngay bây giờ. Thím Mười ngẩng lên nhìn u, vội vàng nói:
– Con về đây thầy u, ngày mai con lại ghé.
– Ơ kìa! Tôi đã nói xong với chị đâu.
– Thôi u ạ, con đang bận. Có gì để ngày mai hẵng nói.
Dứt lời thím Mười đi thẳng ra cổng, leo lên chiếc xe đạp phóng thẳng hướng nhà cũ của mình mà đi. Đi được nửa đường thím Mười bị tiếng gọi thất thanh gọi giật lại.
– Cô Mười đấy hả? Đợi tôi tí.
Thím Mười phanh xe gấp gáp, chống hai chân xuống mặt đường, ngoảnh lại hỏi:
– Ơ bác, bác gọi cháu hả? Có chuyện gì không bác.
Bác văn thư mỉm cười, rút lá thư trong chiếc túi đeo ở sau xe ra và bảo:
– Đây là thư của thư của Tường Vân. Tôi đang định đạp xe đến giao cho con bé. May quá sẵn gặp cô Mười ở đây, vậy tôi nhờ cô mang về đưa cho cái Vân giùm tôi nhé.
Thím Mười nhận thư, cười hề hề, nói:
– Vâng! Cháu cũng đang định ghé thăm nhà. Bác để cháu mang thư về cho cái Vân bác nhé.
– Vậy thì tốt quá, thôi tôi đi trước cô Mười nhé. Cảm ơn cô!
Đợi bác văn thư đi khuất, thím Mười đọc tên người gửi ghi trên lá thư thái độ lập tức ganh ghét. Thím bĩu môi vo tròn lá thư tính ném nó xuống ao, bỗng trong đầu nảy ra một suy nghĩ xấu xa, nên thím thôi không ném lá thư đi nữa. Thím Mười vuốt thẳng lá thư, gấp vào làm bốn rồi cất trong túi áo.
Thím leo lên xe đạp đi tiếp.
….
– Ôi dồi ôi, mắt ông mù hử ông già.
Tiếng thím Mười vang tru tréo, kèm theo tiếng phanh xe kít kít ma sát xuống mặt đường tạo ra âm thanh vô cùng ghê rợn. May thay, thím Mười không bị ngã, đồng thời cũng tránh đâm phải người đàn ông say rượu loạng choạng bước đi trong đầu con hẻm nhỏ.
Người đàn ông ngước đôi mắt nhíu nhó vì say, nhìn thím Mười mơ hồ đứng trước mặt mình. Cười hề hề cất tiếng:
– Đứa nào đấy? Đứa nào xém chút đâm phải ông đấy?
Lần trước khi thím Mười mang con rắn hổ mang từ quán về nuôi trên đường đi đã chạm mặt lão Phớt say xỉn tối ngày, hôm nay lại chạm mặt ông ta quả đúng xui rủi. Song thím Mười nghĩ mình đang có gấp nên chẳng thèm chấp kẻ say. Bèn nhón mông ngồi lên yên, lườm nguýt người đàn ông và bảo:
– Đồ điên. Thứ ăn hại như ông sao không hẻo sớm cho làng bớt đi một con sâu rượu. Hôm nay tôi có chuyện gấp nên không thèm chấp nhất so đo tính toán với ông đâu nhé. Chứ không phải con Mười này sợ đâu.
Người đàn ông đưa chai rượu cầm trên tay cười khà khà, đứng chôn chân một chỗ nói với theo:
– Ông say thì đã ảnh hưởng đến thằng bố con mẹ mày chưa? Sau này đẻ con ra nhỡ có bị gì thì đừng có vác cái bản mặt xấu xa gian ác sang nhà nhờ vả ông đấy nhé! Cái loại phụ nữ thâm độc, tàn ác, mưu mô, xảo quyệt mới là con sâu con bọ của cả cái xã hội này. Còn ông, ông bỏ tiền túi ra uống rượu, nào đã phiền hà đến bản mặt đứa nào. Bố khỉ..!!!